5. Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Còn quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Vậy cá nhân, tổ chức nào được coi là chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, Nghị định 22/2018/NĐ-CP.

1. Chủ sở hữu quyền tác giả

Theo quy định tại Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

Lưu ý: Theo Điều 25 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 36 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm:

– Tổ chức, cá nhân Việt Nam.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

1.1. Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả

Theo Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả như sau:

Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

1.2. Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả

Theo Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả như sau:

– Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với tác phẩm đó.

– Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lậpkhông làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này đối với phần riêng biệt đó.

1.3. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

Theo Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả như sau:

– Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

– Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

1.4. Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế

Theo Điều 40 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế như sau:

Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này.

1.5. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền

Theo Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền như sau:

– Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này theo thoả thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả.

– Tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh được hưởng quyền của chủ sở hữu cho đến khi danh tính của tác giả được xác định.

1.6. Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước

Theo Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm sau đây:

– Tác phẩm khuyết danh, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật này;

– Tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản;

– Tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.

Lưu ý:

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì việc hưởng quyền đối với tác phẩm khuyết danh quy định tại khoản 2 Điều 41 và điểm a khoản 1 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được thực hiện như sau:

– Tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh được chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh cho tổ chức, cá nhân khác và được hưởng thù lao từ việc chuyển nhượng quyền đó.

– Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng quyền của chủ sở hữu đến khi danh tính của tác giả được xác định.

Theo Điều 27 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì việc sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu Nhà nước được quy định như sau:

– Tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo tác phẩm là đại diện Nhà nước – chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó.

– Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này phải được phép của chủ sở hữu quyền tác giả và tôn trọng quyền nhân thân theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

– Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc sở hữu nhà nước quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 phải tôn trọng quyền nhân thân theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

– Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu quyền liên quan

Theo Điều 44 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chủ sở hữu quyền liên quan như sau:

– Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.

– Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.

– Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.

3. Tác phẩm thuộc về công chúng

Theo Điều 43 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về tác phẩm thuộc công chúng:

– Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định tại Điều 27 của Luật này thì thuộc về công chúng.

– Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả quy định tại Điều 19 của Luật này.

Lưu ý: Theo Điều 28 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì việc sử dụng tác phẩm thuộc về công chúng được quy định như sau:

– Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc về công chúng quy định tại Điều 43 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 phải tôn trọng quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

– Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền nhân thân theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đối với các tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ thì có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai; có quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

– Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ các quyền nhân thân đối với những tác phẩm của Hội viên đã kết thúc thời hạn bảo hộ.

Kết luận: Trên đây là nội dung về Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan qua Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Chỉ những cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật mới được hưởng quyền tác giả đối với tác phẩm.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan

Thủ tục Nội dung