9. Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
Khi doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề thì phải đáp ứng những điều kiện cũng như phải thực hiện những thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ trình bày nội dung xoay quanh vấn đề này trên cơ sở Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH
1. Khái niệm
Khoản 4 Điều 35 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định Hợp đồng thực tập nâng cao tay nghề (sau đây gọi là Hợp đồng thực tập) là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với cơ sở tiếp nhận thực tập về quyền và nghĩa vụ của các bên trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
2. Điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
Theo Điều 34 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 doanh nghiệp được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có hợp đồng với cơ sở thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề theo quy định của Luật này và đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Có hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề theo quy định của Luật này; người lao động được doanh nghiệp đưa đi thực tập nâng cao tay nghề phải có Hợp đồng lao động với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động;
– Ngành, nghề người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề phải phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
– Có tiền ký quỹ thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ tại chương III nghị định 38/2020/NĐ-CP.
3. Hợp đồng nhận lao động thực tập
Theo Điều 36, 37 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và khoản 2 Mục IV Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH thì
Hồ sơ đăng ký Hợp đồng nhận lao động thực tập bao gồm:
– Văn bản đăng ký Hợp đồng nhận lao động thực tập theo mẫu tại Phụ lục số 06 kèm theo Thông tư này;
– Bản sao Hợp đồng nhận lao động thực tập, có bản dịch bằng tiếng Việt;
– Tài liệu chứng minh việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Giấy xác nhận ký quỹ của doanh nghiệp do ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ cấp.
Thủ tục đăng ký theo quy định sau đây:
– Đăng ký tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở trong thời gian dưới chín mươi ngày.
– Đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian từ chín mươi ngày trở lên.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
4. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
4.1. Các quyền của doanh nghiệp
Khoản 1 Điều 38 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định về các quyền của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề như sau:
– Ký kết Hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập; ký kết Hợp đồng đưa người lao động đi thực tập với người lao động trước khi người lao động đi làm việc ở nước;
– Yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra theo quy định của pháp luật;
– Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4.2. Các nghĩa vụ của doanh nghiệp
Khoản 2 Điều 38 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định về các nghĩa vụ mà doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề phải thực hiện, gồm có:
– Thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về điều kiện của người lao động;
– Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tổ chức hoặc liên kết với cơ sở đào tạo dạy ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc phù hợp với yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
– Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;
– Phối hợp với cơ sở tiếp nhận thực tập giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động;
– Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
– Bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;
– Thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi thực tập với người lao động theo quy định của pháp luật;
– Giải quyết quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;
– Định kỳ, đột xuất báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
Theo Điều 48 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì ngươi lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có các quyền và nghĩa vụ sau:
– Các quyền và nghĩa vụ chung theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Luật này;
– Ký kết Hợp đồng đưa người lao động đi thực tập với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
– Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi thực tập;
– Thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi thực tập với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.
Kết luận: Trên đây là những quy định của pháp luật về vấn đề doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề trên cơ sở Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 (còn hiệu lực) và Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
- Đề nghị tất toán tài khoản ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và doanh nghiệp đưa người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề trên 90 ngày
- Đề nghị tất toán tài khoản ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề dưới 90 ngày
Thủ tục | Nội dung |
---|