LTS: Quốc hội khóa XV đã được hình thành. Với tinh thần cùng nhìn lại những điểm nhấn trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV, để Quốc hội khóa này tiếp tục phát huy những giá trị tích cực của Quốc hội khóa trước, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói: “Điểm nổi bật nhất của Quốc hội (QH) khóa XIV là QH đã “khó tính” hơn trong việc thẩm định các dự luật và trong việc truy trách nhiệm giải trình”.
Quốc hội “khó tính”, tranh luận nhiều hơn
. Phóng viên: Cụ thể việc “khó tính” hơn ấy là gì, ông có thể điểm qua vài nét nổi bật về việc “khó tính” của QH?
+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Có thể thấy những ví dụ cụ thể như việc ở kỳ họp thứ 10 QH đã không đồng ý để tiếp tục thảo luận hai dự luật là Dự luật bảo đảm an toàn, trật tự giao thông đường bộ, Dự luật bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Trước đó cũng có một số dự luật sau khi đã thảo luận do chưa đạt yêu cầu nên bị QH rút ra khỏi chương trình xây dựng.
Trong giám sát, đặc biệt là chất vấn, QH đã “khó tính” hơn khi việc tranh luận diễn ra ngày càng nhiều hơn, ở tất cả lĩnh vực. Dĩ nhiên, việc tranh luận lại với các bộ trưởng, các thành viên khác của Nhà nước chưa hẳn lúc nào cũng đi tới cùng vấn đề nhưng điều ấy cũng đặt lên vai các chức danh mà QH bầu, phê chuẩn trách nhiệm giải trình nặng hơn, yêu cầu công khai và minh bạch hơn.
. Chủ tịch QH khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân, hồi tháng 3-2021 ở kỳ họp thứ 11, nói rằng: “QH khóa XIV… hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
+ Quả thật, tôi chỉ quan sát được một phần rất nhỏ hoạt động của QH nên khó lòng đánh giá chính xác được về nhận định nói trên của nguyên Chủ tịch QH. Tuy nhiên, có một nguyên lý là: Nếu kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện thì chắc chắn QH khóa XIV đã đóng góp một phần trong đó.
. Về lập pháp, như ông biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã có những dự luật được đưa vào nghị trình như Luật về hội, giữa nhiệm kỳ là Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu), Luật hành chính công, cuối nhiệm kỳ là Luật bảo đảm an toàn, trật tự giao thông đường bộ, Luật bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở… nhưng sau đó phải dừng lại. Theo ông, chúng ta hiểu về vấn đề này như thế nào cho chính xác?
+ Như tôi nói ở trên, là QH đã “khó tính” hơn trong việc thẩm định các dự luật. Chức năng lập pháp là chức năng thẩm định và thông qua các dự luật chứ không phải chức năng làm luật.
QH chỉ thông qua một dự luật khi dự luật đó là cần thiết cho dân, cho nước; chất lượng của dự luật phải đạt yêu cầu; lợi ích của quốc gia phải được bảo đảm; lợi ích nhóm phải bị loại trừ.
Ngoài ra, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, QH ít có động lực làm luật để hạn chế quyền tự do của nhân dân. Thẩm định các dự luật cũng chính là để canh giữ quyền tự do của nhân dân.
Hỏi nhanh, đáp gọn để tăng tương tác
. Về chất vấn, chúng ta thấy có nhiều thay đổi. Đặc biệt là phương thức “hỏi nhanh đáp gọn”, giới hạn thời lượng hỏi và thời lượng trả lời. Điều đó theo ông có nên không? QH “được gì và mất gì” khi giới hạn thời lượng như vậy?
+ QH có gần 500 đại biểu (ĐB), để bảo đảm quyền chất vấn cho mỗi ĐB thì giới hạn thời lượng bao giờ cũng cần thiết. Một vị ĐB chiếm giữ diễn đàn quá lâu thì các vị ĐB khác sẽ không còn thời gian để chất vấn. Hỏi nhanh, đáp gọn thì tính tương tác cao hơn nên các phiên chất vấn cũng hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, hỏi nhanh, đáp gọn thì áp lực lên các vị ĐB và lên quan chức hành pháp, tư pháp cũng nhiều hơn. Các ĐB phải biết cách nêu câu hỏi ngắn gọn nhưng vẫn sáng tỏ. Các thành viên hành pháp, tư pháp phải trả lời ngắn gọn và thẳng vào trọng tâm vấn đề.
Tất nhiên, thủ tục và thời lượng không nên thay đổi quá thường xuyên. Những quy định này thường phải được QH thảo luận rất kỹ, thông qua vào đầu nhiệm kỳ và thường được giữ nguyên cho cả nhiệm kỳ.
. Việc sắp xếp mỗi kỳ họp có chừng tối đa ba ngày chất vấn, theo ông đã đủ chưa? Ông nghĩ liệu có nên thay đổi, thay vì chất vấn được ấn định ba ngày thì QH nên “đôn” các vấn đề thảo luận lên trước, còn bao nhiêu ngày trong kỳ họp thì dành cho chất vấn?
+ Do không hoạt động thường xuyên nên mỗi kỳ họp QH có ba ngày dành cho chất vấn cũng là phù hợp. Nghị viện các nước hoạt động thường xuyên thì mỗi tuần có một phiên chất vấn nhưng thời gian chất vấn chỉ kéo dài trên dưới 1 tiếng. Số lượng thời gian dành cho hoạt động chất vấn của QH ta vì vậy chưa chắc đã ít hơn nghị viện các nước.
Theo tôi, đôn lên cũng được nhưng phải có thủ tục. Thủ tục này theo quy định thường thấy là phải có ĐB đề nghị. Nếu đề nghị đó được một ĐB khác ủng hộ thì QH sẽ thảo luận xem có đôn chương trình lên không. Nếu đa số ĐB đồng ý đôn lên thì QH sẽ đôn lên. Không có ĐB nào đề nghị thì phải tuân thủ theo chương trình.
Tôi nghĩ quan trọng là phải làm hết việc chứ không phải hết giờ.
. Có vấn đề mà kỳ họp QH này chúng ta hay thấy, đó là việc các ĐBQH tranh luận với nhau khi chất vấn. Chẳng hạn, một ĐBQH chất vấn bộ trưởng một bộ này xong thì sau đó lại có ĐBQH thuộc ngành đó đứng lên “giải thích” và chất vấn lại ĐB đã chất vấn…
+ QH nước ta đại diện theo cơ cấu chứ không chỉ đại diện cho cử tri ở đơn vị bầu cử. Mà như vậy đại diện cho cơ cấu nào thì có xu hướng bảo vệ quyền lợi cho cơ cấu đó cũng là điều dễ hiểu.
Chất vấn là để bảo đảm trách nhiệm giải trình. Nếu qua tranh luận giữa các ĐB đại diện cho các cơ quan khác nhau, mà vấn đề được giải trình rõ hơn thì thiết nghĩ cũng không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, quan trọng là cần phải làm rõ về thủ tục, một ĐB có quyền chất vấn một ĐB khác không.
Hiện thực hóa được những cơ hội to lớn đang mở ra
. Những khóa QH trước, cử tri hay đánh giá “nhất Thước nhì Trân tam Lân tứ Quốc”…, khóa này nếu được “xếp hạng” như thế, ông đánh giá ai có thể lọt vào top 4 như vậy?
+ Tôi có ấn tượng tốt với khá nhiều ĐB, xếp ai hơn ai quả thật là rất khó khăn và chưa chắc đã công bằng.
Tuy vậy, chúng ta cũng thấy rằng ngày càng có nhiều ĐB phản biện hơn. Mà để phản biện được thì chắc hẳn ĐB phải tìm hiểu, trải nghiệm hoặc tận mắt chứng kiến thực tế vấn đề, có số liệu độc lập hơn từ các kênh độc lập khác.
Điều ấy cũng đặt các bộ trưởng và những chức danh được QH chất vấn khác vào tình trạng “rủi ro” hơn nếu không “chân thành” và chính xác trước QH.
. Ông từng đề cập việc chất vấn nhạy cảm, có những ĐBQH ngại vì nếu chất vấn thì… tỉnh có thể bị gây khó khăn. Hay cũng có thực tế là ĐBQH được trưởng đoàn dặn dò là không nên chất vấn như vậy. Quan sát QH nhiệm kỳ XIV vừa rồi, ông có cảm nhận được tình trạng ấy còn hay không còn? Cụ thể ông cảm nhận qua các chất vấn về vấn đề gì?
+ Tôi thấy một số ĐB đã vượt qua được sự nhạy cảm. Thậm chí có cả một số ĐB vượt qua được sự nhạy cảm của ngành mình để hướng đến lợi ích chung khi không đồng ý chủ trương thông qua một số dự luật.
Tuy nhiên, các ĐB do địa phương giới thiệu thì thường đại diện cho lợi ích của địa phương. Nếu việc chất vấn xung đột với lợi ích của địa phương thì các ĐB này sẽ rất khó khăn. Tất nhiên, chất vấn nhiều khi chỉ là cách tạo cơ hội cho các vị bộ trưởng giải thích chính sách hoặc báo cáo thành tích. Chất vấn theo kiểu như thế này thì dễ dàng hơn.
. Không lâu nữa QH khóa XV sẽ chính thức hoạt động. Ông kỳ vọng gì vào QH khóa XV tới đây, nhất là trong bối cảnh mà nhân sự chủ chốt, không chỉ ở QH mà ở cả các cơ quan khác cũng có những thay đổi…
+ Tôi kỳ vọng QH mới sẽ cùng với Chính phủ hiện thực hóa được những cơ hội to lớn đang mở ra cho dân tộc ta. Đó là cơ hội của hội nhập, của dân số vàng, của khát vọng vươn lên sánh vai cùng thế giới.
Cái gì cũng có hai mặt, tôi tin vào mặt tích cực của những thay đổi nhân sự. Nhân sự mới sẽ không bị lề thói cũ ràng buộc, sẽ có điều kiện thúc đẩy cải cách nhiều hơn.
Và như tôi nói, QH nước ta đã trở nên quyền lực hơn và khó tính hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sử dụng quyền lực và vận dụng sự khó tính ấy để giải quyết được những vấn đề của đất nước thì cần thêm nỗ lực và dũng cảm.
. Xin cám ơn ông.
Ý kiến từ ĐBQH khóa XIV Ông Phan Nguyễn Như Khuê, ĐBQH khóa XIV, Đoàn ĐBQH TP.HCM Vẫn trăn trở về chất lượng pháp luật Khi nhìn lại nhiệm kỳ làm ĐBQH của mình, tôi cũng còn nhiều trăn trở, mà điều trăn trở nhất có lẽ là về chất lượng của pháp luật. Tôi luôn mong rằng mỗi đạo luật phải phản ánh được cuộc sống, để khi được thông qua thì luật đi vào cuộc sống sát hơn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội tốt hơn. Mà vậy thì việc lắng nghe dân nguyện, dân ý cũng là điều cần chú ý, chọn lọc. Bởi vì cuộc sống không chỉ bị điều chỉnh bằng luật mà còn bằng các văn bản dưới luật. Luật nếu xuất phát từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống thì các văn bản dưới luật mới phù hợp với cuộc sống. Khi đó luật và các văn bản dưới luật là kết quả của việc tiếp thu ý kiến nhân dân cách sống động và đầy đủ. Khi làm được như vậy thì QH và từng ĐBQH đã làm tốt vai trò “cầu nối với dân” trong câu chuyện xây dựng và giám sát thực thi pháp luật. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì vẫn còn ghi nhận nhiều ý kiến lắm. Người dân vẫn trăn trở, đau đáu về thu hồi đất – tái định cư. Định hướng người tái định cư phải có cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn sau khi di dời đã có. Nhưng sự phối hợp, gắn kết của các ngành hữu quan có vẻ còn rời rạc, chưa giải quyết được rốt ráo vấn đề. Muốn giải quyết được thì đương nhiên các cơ quan hữu quan phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của người dân, lợi ích hợp pháp của Nhà nước. Và cuối cùng, tôi mong muốn QH và từng ĐBQH luôn giữ gìn được tâm thế và hình ảnh đại diện của mình trước cử tri, trước nhân dân. Trong cương vị của mình, tôi sẽ luôn gắn bó chặt chẽ, phối hợp thật tốt với các ĐBQH, đặc biệt là các ĐBQH của TP.HCM để cùng đóng góp vào sự nghiệp chung của TP, của đất nước. Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó ban Dân nguyện của QH, ĐBQH khóa XIV: Làm đại biểu Quốc hội thì đúng, sai phải rõ ràng Làm ĐBQH rất thú vị vì một ĐBQH khác với một quan chức hành pháp ở chỗ là được thay mặt cho cử tri, cho người dân. Nhưng thú vị thì đi kèm với trách nhiệm. Người ta giao cho anh vũ khí ra trận đã là lớn nhưng khi người ta giao cho anh niềm tin thì lúc đó trách nhiệm còn nặng nề hơn. Làm ĐBQH là được cử tri trao quyền nhưng không có ghế theo nghĩa thông thường. Chuyện người ta bảo tôi “gai góc” chắc cũng do tôi từ bé được rèn luyện cái tính tôn trọng lẽ phải, không chấp nhận ai bẻ cong sự thật. Làm ĐBQH cũng có điểm giống làm khoa học, tức là đúng sai phải rõ ràng, quyền lực phải dựa trên sự thật. Tất nhiên, không phải cứ là ĐBQH thì có thể làm hết mọi thứ, đụng hết mọi lĩnh vực nhưng đã “vướng” vào gì thì dứt khoát phải làm đến nơi đến chốn. Khi làm ĐBQH thì phải có “chiến lược” và chiến lược chất vấn của tôi trong cả nhiệm kỳ là về tư pháp. Những chất vấn về công tác điều tra, kiểm sát và tòa án được quan tâm và chú ý, thông qua những sự kiện cụ thể như vụ phân bón Thuận Phong, báo cáo về sai phạm của các cơ quan tư pháp, những vụ án dư luận quan tâm. Ngoài thông tin do các cơ quan liên quan cung cấp thì tôi còn thu thập thông tin trên báo chí để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH của mình. Ông NGUYỄN VĂN PHA, ĐBQH khóa XII, XIII, XIV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH: Phải nỗ lực nhiều hơn khi làm “cầu nối với cử tri” QH khóa XIV là nhiệm kỳ thứ ba, tôi làm ĐBQH. Cùng với các nhiệm vụ được giao khác trong 14 năm được cử tri bầu làm người đại diện cho mình, tôi đã luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của ĐBQH, không chỉ là theo luật định, mà còn theo sự ủy thác của cử tri, của lương tâm mình. Nhưng không phải bất kể nhiệm vụ nào tôi cũng có thể hoàn thành được như yêu cầu. Đơn cử như việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Là ĐBQH, thường thì công dân sẽ luôn mong muốn gửi gắm kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với hy vọng việc của mình sẽ được giải quyết. Vì vậy đơn thư nhiều, tôi cũng cố dành thời gian để nghiên cứu, phân loại rồi gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế là phần phản hồi từ các cơ quan ấy không nhiều, đa số phản hồi là ở dạng thông báo “đã nhận được đơn/thư và sẽ nghiên cứu giải quyết”. Sau những thông báo như vậy thì sự việc trôi đi và kết quả cũng không được thông báo lại. Tuy là ĐB chuyên trách nhưng tôi không đủ thời gian để đeo bám sự việc mà công dân khiếu nại, tố cáo… cho đến cùng. Bởi vậy, nếu kiểm điểm lại mình, riêng về phần “cầu nối với cử tri và nhân dân”, có lẽ tôi nhận mình là “chưa hoàn thành nhiệm vụ”. |
Theo plo.vn