VKSND cấp huyện kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng trên địa bàn, quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, VKSND Tối cao vừa ra thông tư liên tịch quy định về phối hợp trong việc bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của bộ đội biên phòng (BĐBP), lực lượng cảnh sát biển (CSB).
Thông tư liên tịch này (có hiệu lực từ ngày 9-3 tới) quy định về phối hợp giữa các cơ quan thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân, VKSND Tối cao trong việc bắt, tạm giữ và kiểm sát việc bắt, tạm giữ của cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của BĐBP, CSB.
Theo đó, vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của BĐBP là những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, những vụ án xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội Biên phòng quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của CSB là những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, những vụ án xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam do CSB quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Đối với các vụ việc, vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của BĐBP, CSB, khi phát hiện, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, người phạm tội tự thú, đầu thú thì cơ quan, người có thẩm quyền của BĐBP, CSB phải lập biên bản, bắt giữ người phạm tội quả tang, người bị truy nã, lập biên bản tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, bảo vệ hiện trường (nếu có), giải đến hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra (CQĐT) có thẩm quyền. Nếu chưa xác định được CQĐT có thẩm quyền thì giải ngay người đó đến CQĐT công an nơi gần nhất.
Đối với vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan có thẩm quyền của BĐBP, CSB, sau khi bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã thì cơ quan, người có thẩm quyền của BĐBP, CSB ra quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ và các tài liệu liên quan đến việc bắt, tạm giữ phải được gửi cho VKSND có thẩm quyền để kiểm sát, xét phê chuẩn.
Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền của BĐBP, CSB đã ra quyết định tạm giữ người mà sau đó xác định vụ việc, vụ án không thuộc thẩm quyền thì chuyển hồ sơ cùng người bị tạm giữ đến CQĐT có thẩm quyền hoặc CQĐT công an nơi gần nhất để giải quyết.
CQĐT đã tiếp nhận người bị tạm giữ quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giữ.
VKSND kiểm sát việc cơ quan, người có thẩm quyền của BĐBP, CSB bắt, tạm giữ người thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trên địa bàn mình quản lý.
VKSND cấp huyện kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn.
Cụ thể, VKS trực tiếp kiểm sát buồng tạm giữ, hồ sơ tạm giữ, gặp hỏi người bị tạm giữ về việc tạm giữ, xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành tạm giữ.
VKS yêu cầu trưởng buồng tạm giữ thông báo tình hình chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, tự kiểm tra và thông báo kết quả về thi hành tạm giữ cho VKS, trả lời về vi phạm pháp luật trong việc thi hành tạm giữ.
VKS kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật.
VKS khởi tố hoặc yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án hình sự hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành tạm giữ.
Theo báo plo.vn