RƯỢU, BIA VÀ QUY ĐỊNH PHẠT BÍ HIỂM

Posted on

Với bảy điều đề ra các hành vi vi phạm kèm theo mức phạt tương ứng, Nghị định 117/2020 rất đáng để mọi người chú ý thực hiện nghiêm khi muốn uống, bán, khuyến mãi, quảng cáo rượu, bia. 

Được dựa theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, những quy định mới mẻ này sẽ có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 11 tới.

Theo đó, uống rượu, bia khi từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luậtcó thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng. Việc bán rượu, bia tại địa điểm không được bán cũng là vi phạm và có thể bị phạt đến 10 triệu đồng. Khi không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người lái xe uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông, chủ xe có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng…

Dân gian thường nói “rượu bất khả ép…”, nay Nghị định 117 nói rõ nếu xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia hoặc ép buộc người khác uống rượu, bia thì bị phạt nặng

Có thể thấy với các thông tin chi tiết như thế, đa phần các điều khoản của Nghị định 117 đọc là hiểu ngay để cần phải thực hiện cho đúng. Riêng có hai quy định sau đây nằm ở Điều 30 đang gây ít nhiều băn khoăn nên cần được làm rõ hơn. Đó là xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm b khoản 2); ép buộc người khác uống rượu, bia bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (điểm b khoản 3).

Chọn thứ dễ hơn là “ép buộc” để nói trước. Ép buộc tức là bắt làm điều không muốn. Phàm là chuyện gì thì việc buộc người khác làm một cách không tự nguyện cũng là điều không hay, không phải. Đối với rượu, bia có thể khiến say xỉn, gây mất kiểm soát hành vi… nên việc ép buộc người khác uống lại càng không được phép làm.

Từ đó, việc Nghị định 117 quy định mức chế tài nhằm giảm thiểu, loại bỏ hành vi “ép buộc người khác uống rượu, bia” xem ra là rất cần thiết, hợp lý.

Gây tranh cãi nhiều hơn là việc “xúi giục, kích động, lôi kéo” người khác uống rượu, bia. Các từ này có nghĩa chung là dùng lời nói, cử chỉ, vật chất hoặc thủ đoạn khác nhằm cho người ta nghe theo mình, làm theo mình. Trên thực tế và trong các văn bản pháp luật, các từ “xúi giục, lôi kéo…” vẫn dành cho những việc xấu, vi phạm pháp luật hoặc phạm tội.

Chẳng hạn, xúi giục người khác đánh nhau (bị xem là vi phạm quy định về trật tự công cộng); xúi giục người khác tự sát (có thể bị xử tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát); kích động, xúi giục người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình (bị xem là vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình)…

Trong khi đó, rượu, bia không phải là sản phẩm độc hại để phải bị cấm đoán sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Với loại đồ uống có cồn thực phẩm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vẫn được phép diễn ra bình thường theo các yêu cầu quy định nhằm giữ được mặt lợi (nếu chừng mực, phù hợp), giảm thiểu mặt hại (nếu lạm dụng, không phù hợp). Đó là lý do nước ta đang có Luật Phòng, chống tác hại của rượu , bia  chứ không phải là luật phòng, chống rượu, bia.

Như thế, hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia” khi không được quy định cụ thể nhằm chỉ ra sự vi phạm của việc uống rượu, bia đó thì mọi người cần phải hiểu sao cho thống nhất, chính xác? Đã có người cho rằng đó chính là hành vi rủ rê, thách đố nhau uống rượu, bia nhưng căn cứ nào để giải đáp vậy, nhất là các từ “rủ rê”, “thách đố” vốn không có nghĩa tiêu cực?

Nếu người uống rượu, bia và liền trước đó là người tiếp sức cho việc uống rượu, bia đó không để xảy ra hậu quả gì thì cách thức nào để nhận diện đã có hành vi “xúi giục, lôi kéo” để cần thiết xử phạt chứ không phải là hành vi mời mọc, thuyết phục “uống cùng cho vui” hay có trong các buổi lễ, tiệc, tụ họp?

Suy cho cùng, rượu, bia không có lỗi, chính người uống mới có lỗi nếu không biết xử sự, hành động đúng trước, trong, sau khi uống. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và  Nghị định 117/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) đã kịp thời ban hành nhiều quy định để góp phần xoay chuyển hành vi của người uống rượu, bia. Trong đó có những biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; giảm mức tiêu thụ rượu, bia…

Vậy nên, để những biện pháp phòng, chống tác hại nêu trên được triển khai hiệu quả, điều cần được tiếp tục thực hiện là các quy định về hành vi , vi phạm phải hết sức rõ ràng, có nhiều sự định lượng càng tốt để ai nấy cùng hiểu đúng và cùng chấp hành, thực thi đúng. Cách quy định gây khó xác định kiểu như “xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia” rất cần có sự điều chỉnh để tránh đánh đố, bảo đảm được tính khả thi.

Theo plo.vn