SỞ CÔNG THƯƠNG TP.HCM: RAU VÀ TRỨNG ĐÃ ĐẦY ĐỦ TRÊN QUẦY KỆ

Posted on

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khuyến cáo người dân nên mua bánh mì tại các siêu thị.

Tối 21-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương đã thông tin tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường TP trong hai ngày qua.

Rau, trứng gia cầm đầy đủ trên quầy kệ

Theo ông Phương, lượng hàng vận chuyển, cung ứng về TP ngày một tăng lên với mức 5% mỗi ngày. Tuy nhiên sức mua trên thị trường đã giảm, lượng người đi mua sắm tại các chợ, các siêu thị giảm hẳn, không còn tình trạng người dân xếp hàng kéo dài.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh về TP đã được giải quyết. Hôm qua số lượng chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động gia tăng, chỉ còn 32 chợ. TP cũng hiện có 122/2.895 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động. 

Vừa qua Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng đã cử tổ công tác phối hợp, hỗ trợ cung ứng hàng hoá cho TP.

Những ngày qua, TP.HCM đã đăng ký nhu cầu đối với các mặt hàng cần thiết có khả năng thiếu, gồm: 1.500 tấn rau, 300.000 trứng. Sau đó, các tỉnh đã liên lạc với TP.HCM thông tin về một số mặt hàng có dấu hiệu dư thừa ở các địa phương, cần kết nối để cung ứng hàng hoá, đặc biệt mặt hàng trứng gia cầm.

Tuy nhiên ngày hôm nay (21-7), lượng rau, trứng gia cầm luôn luôn đầy đủ trên quầy kệ, không có tình trạng trống hàng.

Tại buổi họp, PV đã đặt vấn đề về việc ‘bánh mì là thực phẩm thiết yếu’, ông Phương khuyên người dân nên quan tâm, mua sắm ở các siêu thị; còn cửa hàng, nơi sản xuất phải tạm ngưng theo quy định.

Về việc phát hành danh sách thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM, ông Phương cũng nhấn mạnh sẽ có rà soát, sớm có hướng dẫn.

Người già neo đơn, khó khăn không kịp đóng tiền điện thì sao?

Trong khuôn khổ buổi họp báo, ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết ngay khi TP triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16, Tổng công ty Điện lực TP đã lên phương án đảm bảo đủ nguồn điện. Nhất là tạm dừng các công tác không thiết yếu để tập trung cho phòng, chống dịch.

Theo ông Hưng, hiện nay ngành điện đảm bảo cung cấp nguồn điện cho 12 chốt kiểm soát dịch của TP, 15 bệnh viện dã chiến và hơn 200 cơ sở cách ly,…

Theo chỉ đạo của UBND TP về việc phải xây dựng những địa điểm cách ly F0 không triệu chứng, Tổng công ty Điện lực đã chỉ đạo 15 công ty điện lực trực thuộc liên hệ với chính quyền địa phương để cung cấp điện trong vòng 24 tiếng kể từ khi được yêu cầu. 

Trong đợt tiêm vaccine sắp tới, Tổng công ty cũng có phương án cụ thể cho từng địa điểm. Tất cả các bệnh viện chữa trị COVID đều có hai nguồn điện lưới và một máy phát để đảm bảo điện 24/7.

Ông Hưng thông tin, trong thời điểm có dịch COVID-19, ngành điện đã ghi chỉ số điện từ xa với 80% khách hàng sử dụng; 20% khách hàng còn lại được ngành điện gọi điện thoại tới để lấy chỉ số điện. Nếu không được nữa thì sẽ tạm tính bằng bình quân của lượng điện lần trước và sẽ bù trừ sau.

Ngành điện lực cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng hình thức thanh toán tiền điện không cần gặp mặt trực tiếp, có thể thanh toán qua các ví điện tử, website, ứng dụng chăm sóc khách hàng,…

“Đối với trường hợp đặc biệt như người già neo đơn, khách hàng khó khăn về kinh tế, Tổng công ty Điện lực TP cam kết không ngừng cung cấp điện ngay trong trường hợp khách hàng chưa đóng tiền điện” – ông Hưng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, vừa qua ngành điện đã giảm giá điện hai lần, riêng TP.HCM giảm 1.500 tỉ đồng. Lần này đối tượng được giảm giá sẽ khác, gồm các cơ sở kinh doanh du lịch được giảm giá điện từ hình thức kinh doanh sang sản xuất; còn các cơ sở phòng chống dịch không thu phí sẽ được giảm từ 20-100%.

Về việc tiền điện tăng cao, ông Hưng cho rằng do người dân ở nhà mở máy lạnh, xem tivi, nấu ăn nhiều hơn.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên thực hiện ‘4 đúng’ là đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu. Đặc biệt vào mùa mưa, nếu mát thì tận dụng gió trời, giảm sử dụng máy lạnh lại, làm sao giá điện trong giai đoạn này không tăng quá cao”- ông Hưng nói thêm.

Theo plo.vn