TÁCH THỬA HOẶC HỢP THỬA ĐẤT

Posted on

Các cá nhân, hộ gia đình muốn tách thửa đất hoặc hợp thửa đất cần phải tuân theo các quy định pháp lý do nhà nước quy định của Luật đất đai 2013Thông tư 02/2014/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 250/2016/TT-BTC); Nghị định 43/2014/NĐ-CPThông tư 23/2014/TT-BTNMTThông tư 24/2014/TT-BTNMTNghị định 01/2017/NĐ-CPThông tư số 33/2017/TT-BTNMT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề này:

1. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính

Đủ điều kiện về diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

– Điều kiện tách thửa

Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, nếu cá nhân hoặc hộ gia đình muốn thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp hay tặng cho quyền sử dụng đất thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

(1) Đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền cấp. Trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 3, điều 186 và Khoản 1 Điều 168 của bộ luật này.

(2) Đất đang trong thời hạn sử dụng và không có bất kỳ tranh chấp nào

(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án hoặc thế chấp.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP):

“Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc người có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư”.

Như vậy, ngoài các điều kiện về đất thì để được tách thửa phải có sự đồng ý của những thành viên khác có quyền sử dụng đất.

– Diện tích tách thửa tối thiểu

+ Theo quy định tại Khoản 2 Điều 143 Luật đất đai 2013:

“Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương”.

+ Ngoài ra, tại khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về diện tích tối thiểu được tách sổ như sau: “UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.

Như vậy, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà mỗi tỉnh khác nhau có thể có quy định về hạn mức tối thiểu được phép tách thửa khác nhau, và được quy định tại Quyết định của UBND cấp tỉnh.

– Điều kiện hợp thửa đất

Việc hợp thửa đất chỉ thực hiện đối với các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu thống nhất hai thửa đất có cùng mục đích sử dụng thì cơ quan tài nguyên và môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện đồng thời thủ tục chuyển nhượng QSDĐ và thủ tục gia hợp thửa đất. Theo đó, 2 thửa đất của 2 chủ sử dụng khác nhau có được hợp thửa nếu các thửa đất có cùng mục đích sử dụng.

+ Nếu muốn hợp thửa đất phải đáp ứng điều kiện các thửa đất có chung mục đích sử dụng. Đầu tiên, phải xác định loại đất theo Điều 11 Luật Đất đai 2013 quy định về căn cứ để xác định loại đất:

“Việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây:

  1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  2. Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;
  3. Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;
  4. Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

+ Và Khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/ 2014/NĐ-CP quy định về việc xác định loại đất đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

“Trường hợp thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất) thì việc xác định loại đất được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích sử dụng thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích theo hiện trạng sử dụng của từng thửa đất đó;

b) Trường hợp không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất hiện trạng có mức giá cao nhất trong bảng giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; trường hợp sử dụng đất sau khi có quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để xác định mục đích chính.”

Có thể thấy nếu đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật thì mục đích sử dụng đất được xác định theo các giấy tờ đó. Nếu đất không có giấy tờ theo luật định và đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau thì việc xác định loại đất được thực hiện theo quy định tại điểm a,b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Như vậy, nếu 2 thửa đất của bạn không có chung mục đích sử dụng đất thì phải chuyển mục đích sử dụng đất. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất là một trong hai thửa đất thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013:

Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.”

2. Về thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất

Theo quy định tại Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất như sau:

– Theo Khoản 2, Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;

Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

– Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP còn quy định: Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

– Ngoài ra, theo Khoản 4, Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP: Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;

+ Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

– Thời hạn giải quyết: không quá 15 ngày theo Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Lưu ý: Trường hợp có thay đổi số giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm các giấy tờ sau:

+ Bản sao chứng minh nhân dân mới hoặc căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu;

+ Giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin của người có tên trên Giấy chứng nhận.

Kết luận: Ngày nay, với quy mô dân số ngày càng tăng thì nhu cầu về tách thửa hay hợp thửa đất không còn là việc xa lạ, đặc biệt ở các khu thành thị. Chính vì vậy, khi thực hiện thủ tục này cần lưu ý những quy định của pháp luật về Luật đất đai 2013Thông tư 02/2014/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 250/2016/TT-BTC); Nghị định 43/2014/NĐ-CPThông tư 23/2014/TT-BTNMTThông tư 24/2014/TT-BTNMTNghị định 01/2017/NĐ-CPThông tư số 33/2017/TT-BTNMT.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây: Tách thửa hoặc hợp thửa đất