THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐTM THUỘC THẨM QUYỀN THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

Báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT được thẩm định thông qua thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Sau đây, Dữ liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa những nội dung trên theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2014Nghị định 18/2015/NĐ-CPThông tư 18/2016/TT-BNNPTNT như sau:

1. Khái niệm

Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. (khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014)

Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành. (khoản 3 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014)

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó (Khoản 23 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014).

Đề cương lập báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM là thuyết minh nội dung, khối lượng công việc và dự toán kinh phí lập báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM trên cơ sở các quy định về tài chính hiện hành. (khoản 1 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

Cơ quan lập quy hoạch là đơn vị trực thuộc được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao lập và quản lý dự án quy hoạch, kế hoạch và chiến lược. (khoản 2 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

Chủ dự án là cơ quan, đơn vị được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao quản lý các dự án. (khoản 3 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

Cơ quan thường trực thẩm định là cơ quan quản lý nhà nước được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định. (khoản 4 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

2. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

2.1. Đối tượng phải thực hiện ĐTM

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật bảo vệ môi trường 2014 đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm:

– Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

– Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;

– Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

2.2. Thực hiện ĐTM (Điều 19 Luật bảo vệ môi trường 2014)

– Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật bảo vệ môi trường 2014 tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.

– Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

– Kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường thể hiện dưới hình thức báo cáo đánh giá tác động môi trường (Báo cáo ĐTM).

– Chi phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc nguồn vốn đầu tư dự án do chủ dự án chịu trách nhiệm

2.3. Nội dung chính của báo cáo ĐTM (Điều 22 Luật bảo vệ môi trường 2014)

– Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.

– Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

– Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.

– Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

– Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

– Biện pháp xử lý chất thải.

– Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

– Kết quả tham vấn.

– Chương trình quản lý và giám sát môi trường.

– Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.

– Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

2.4. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 24 Luật bảo vệ môi trường 2014)

– Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.

– Thành viên hội đồng thẩm định và cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.

– Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án để thực hiện.

2.5. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Điều 23 Luật bảo vệ môi trường 2014:

– Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sau:

+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

+ Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;

+ Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

– Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

2.6. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho chủ dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 1 Điều 25 Luật bảo vệ môi trường 2014).

Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 28 Luật bảo vệ môi trường 2014):

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư dự án được quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án. Trường hợp phải phân tích các chỉ tiêu môi trường phức tạp thì thời gian cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

3. Thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT

3.1. Thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM (khoản 1 Điều 15 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

– Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt báo cáo ĐTM do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm định;

– Tổng cục phê duyệt báo cáo ĐTM do các Tổng cục chủ trì thẩm định.

3.2. Phê duyệt, chứng thực báo cáo ĐTM (khoản 2 Điều 15 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

– Trường hợp báo cáo ĐTM được chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu, cơ quan thường trực thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phê duyệt trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

– Thủ trưởng cơ quan thường trực thẩm định xác nhận chứng thực sau trang bìa hoặc phụ bìa của báo cáo ĐTM đã được phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục 2.8 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT;

– Việc gửi báo cáo ĐTM đã được chứng thực, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt báo cáo ĐTM.

3.3. Nội dung chi cho công tác thẩm định báo cáo ĐTM (Điều 16 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

– Thực hiện chi cho công tác thẩm định theo các quy định hiện hành.

– Kinh phí chi cho công tác thẩm định lấy từ phí thẩm định.

3.4 Trách nhiệm của Chủ dự án sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt (Điều 17 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT)

– Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Điều 16 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP) sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt.

– Kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định 18/2015/NĐ-CP.

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Điều 9 Nghị định 115/2016/NĐ-CP:

Hành vi vi phạm quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bộ; cơ quan ngang bộ theo điểm a, c và o khoản 1 Điều 9 Nghị định 115/2016/NĐ-CP bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không gửi Kế hoạch quản lý môi trường đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường để được niêm yết công khai trước khi khởi công xây dựng dự án;

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không lập Kế hoạch quản lý môi trường và báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định;

– Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định.

Hành vi vi phạm quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo điểm a, c và o khoản 2 Điều 9 Nghị định 115/2016/NĐ-CP bị xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không gửi Kế hoạch quản lý môi trường đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường để được niêm yết công khai trước khi khởi công xây dựng dự án;

–  Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập Kế hoạch quản lý môi trường và báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định;

– Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định.

Kết luậnBáo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT được chủ dự án lập và gửi hồ sơ đề nghị thẩm định đến cơ quan thường trực thẩm định theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật (Điều 12, 13 và 14 Thông tư 18/2016/TT-BNNPTNT).

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Liên quan