THỜI GIAN ĐƯỢC HƯỞNG CÔNG TÁC PHÍ

Posted on

Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường.

Tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 quy định về thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường).

Ông Trần Hoài Văn hỏi, nếu khoa chuyên môn lập kế hoạch đi công tác 30 ngày/tháng (không mang tính chất thường xuyên trong năm, chỉ khi nào có phát sinh mới lập kế hoạch – 1 đến 2 lần trong năm) thì khi thanh toán chế độ công tác phí được thực hiện theo thời gian công tác thực tế theo lịch trình công tác hay thực hiện theo chế độ khoán?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị quy định về thời gian được hưởng công tác phí như sau:

“Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường)”.

Về quy định chế độ khoán tiền công tác phí theo tháng:

Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định: “Đối với cán bộ cấp xã thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng; cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị còn lại phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng (như: Văn thư; kế toán giao dịch; cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra rừng; cán bộ các cơ quan tố tụng đi điều tra, kiểm sát, xác minh, tống đạt và các nhiệm vụ phải thường xuyên đi công tác lưu động khác); thì tuỳ theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định mức khoán tiền công tác phí theo tháng cho người đi công tác lưu động để hỗ trợ tiền gửi xe, xăng xe theo mức 500.000 đồng/người/tháng và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị”.

– Điều 10 Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định chứng từ thanh toán tiền công tác phí; trong đó quy định phải có văn bản hoặc kế hoạch công tác đã được thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt; công văn; giấy mời; văn bản trưng tập tham gia đoàn công tác.

Do vậy, việc thanh toán chế độ công tác phí được thực hiện theo thời gian công tác thực tế, theo văn bản hoặc kế hoạch được phê duyệt của người có thẩm quyền cử cán bộ đi công tác. Việc quy định chế độ khoán công tác phí theo tháng được áp dụng cho các đối tượng thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Theo Baochinhphu.vn