Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước. Việc quản lý và sử dụng con dấu cũng được pháp luật quy định một cách chặt chẽ. Những hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng con dấu sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện nay, những vi phạm trong quản lý và sử dụng con dấu tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 và Điều 342 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và sử dụng con dấu
1.1. Đối với vi phạm về điều kiện kinh doanh sản xuất con dấu
– (1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành hoặc không niêm yết công khai quy trình, thủ tục tiếp nhận hồ sơ sản xuất con dấu, giá tiền khắc dấu tại cơ sở sản xuất con dấu.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(2) Trực tiếp giao con dấu cho khách hàng mà không chuyển con dấu cho cơ quan Công an có thẩm quyền để đăng ký theo quy định của pháp luật.
(3) Cung cấp bản thiết kế mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức cho những người không có thẩm quyền.
– (4) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước khi chưa có Phiếu chuyển mẫu con dấu của cơ quan đăng ký mẫu con dấu theo quy định của pháp luật.
– Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi:
+ Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục (4).
+ Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục (3).
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi định tại mục (4).
+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại mục (2), (3), (4).
(Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
1.2. Đối với vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(1) Không thực hiện thủ tục cấp lại khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất;
(2) Không thực hiện thủ tục đổi lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu khi Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị hỏng;
(3) Không thông báo mẫu con dấu cho cơ quan, tổ chức có liên quan biết trước khi sử dụng;
(4) Không ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(5) Tự ý mang con dấu ra khỏi trụ sở cơ quan, tổ chức mà không được phép của chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;
(6) Không đăng ký lại mẫu con dấu theo quy định của pháp luật;
(7) Không chấp hành việc kiểm tra con dấu, không xuất trình con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
(8) Mất con dấu mà quá 02 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện mất con dấu, cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu trước đó và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(9) Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
(10) Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có chữ ký của người không có thẩm quyền;
(11) Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;
(12) Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng;
(13) Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung con dấu đã đăng ký;
(14) Làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;
(15) Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu;
(16) Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;
(17) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(18) Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước;
(19) Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả;
(20) Chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu;
(21) Tiêu hủy trái phép con dấu.
– Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại mục (11), (14), (15), (18), (19).
+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các mục từ (9) đến (21).
– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi:
+ Buộc nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi quy định tại mục (6), (9), (12), (13), (20)
+ Buộc hủy bỏ văn bản, giấy tờ đóng dấu sai quy định đối với hành vi quy định tại mục (10)
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại mục (11), (20).
+ Buộc nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi vi phạm quy định tại mục (17).
(Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
2. Trách nhiệm hình sự với vi phạm trong quản lý, sử dụng con dấu
Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, hành vi quản lý, sử dụng con dấu trái pháp luật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 và Điều 342 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
2.1. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341)
* Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm đối với hành vi:
– Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật.
* Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có tổ chức;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
– Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
– Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
– Tái phạm nguy hiểm.
* Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
– Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
– Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
* Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2.2. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 342)
* Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với các hành vi:
– Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác.
* Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có tổ chức;
– Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;
– Để thực hiện hành vi trái pháp luật;
– Tái phạm nguy hiểm.
* Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, những vi phạm trong quản lý và sử dụng con dấu tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến 07 năm tù.