TP.HCM: 3 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM SAU NGÀY 15-9

Posted on

TP.HCM xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch, tổ chức sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh dựa trên nguyên tắc an toàn, có điều kiện.

Chiều 13-9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chủ trì buổi họp báo về những công việc sau ngày 15-9. Đây là lần đầu tiên ông chủ trì họp báo trên cương vị người đứng đầu chính quyền TP.HCM và là trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.

Tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi cho biết so sánh với mục tiêu Nghị quyết 86 của Chính phủ đề ra và tiêu chí của Bộ Y tế thì TP.HCM còn một số nội dung chưa đạt. Do vậy, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững hơn và từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế – xã hội, TP.HCM quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 16 thêm một thời gian nữa, dự kiến đến cuối tháng 9.

Theo ông Mãi, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như các quận, huyện: 5, 7, 11, Phú Nhuận, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo kết quả phòng chống dịch bền vững và để TP có thêm thời gian cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch.

Từ nay đến cuối tháng 9, TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động củng cố kết quả, trong đó tập trung cho việc tiêm vaccine. Theo đó, TP tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để những trường hợp tới hạn sẽ được tiêm. Các mũi tiêm quy định cách nhau 8-12 tuần mới tiêm thì TP sẽ xem xét đẩy nhanh tiêm sớm hơn nhằm sớm phủ vaccine. Mục tiêu của việc này là tạo cơ sở để nhanh chóng mở lại các hoạt động bình thường.

Nhiệm vụ thứ hai là tập trung củng cố năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Cụ thể là các trạm y tế cố định, lưu động sẽ được củng cố hoạt động. Đồng thời quan tâm đầu tư, phát triển y tế dự phòng và y tế công cộng. Mở rộng năng lực điều trị để nâng khả năng tiếp nhận và điều trị khi tiến hành mở cửa. “Tỉ lệ phủ vaccine và năng lực điều trị của hệ thống y tế là rất quan trọng để TP đủ sức giải quyết các vấn đề” – ông Mãi nói.

1,8 triệu gói an sinh đã được TP.HCM hỗ trợ người dân trong thời gian thực hiện giãn cách. Gói hỗ trợ an sinh gồm tiền mặt, gạo và túi quà an sinh. 

Nhiệm vụ thứ ba là TP.HCM chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9. Ông Mãi cho biết thời gian qua, TP đã thí điểm hoạt động của siêu thị, shipper, thương mại điện tử, ăn uống mang đi… Vì thế, thời gian tới sẽ mở thêm các dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của bà con, cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ như sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, các dịch vụ giao hàng, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, báo chí, dịch vụ công ích, các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân theo nguyên tắc an toàn.

Xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch

Trả lời câu hỏi về quan điểm đảm bảo sự hài hòa giữa giãn cách xã hội và các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ngày 15-9, ông Phan Văn Mãi cho biết theo quan sát về diễn biến dịch trên thế giới và ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia, dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài.

Chính vì thế, TP.HCM phải xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch, phải tổ chức sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh dựa trên nguyên tắc an toàn, có điều kiện. “Việc hài hòa giữa giãn cách xã hội và phục hồi các hoạt động bình thường, các hoạt động sản xuất, kinh doanh như là mối quan hệ không thể tách rời” – ông Mãi nói và cho biết tùy theo diễn biến dịch, TP sẽ chuẩn bị các điều kiện an toàn đối với các hoạt động.M

Theo ông Mãi, TP sẽ dựa vào các chỉ số đo lường như tỉ lệ bao phủ vaccine, khả năng chống chịu của hệ thống y tế và tỉ lệ lây nhiễm để sớm tiếp cận và có biện pháp xử lý, ngăn ngừa tình huống chuyển nặng cấp cứu, gây áp lực cho hệ thống điều trị.

Để thực hiện được việc này, ngành y tế TP.HCM sẽ có hệ thống theo dõi để đo lường, cập nhật thường xuyên, định kỳ. “TP có nới lỏng hay siết chặt giãn cách sẽ phụ thuộc vào kết quả đo lường này” – ông Mãi cho hay.

Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, sinh hoạt của người dân, các biện pháp sản xuất, kinh doanh sẽ dựa trên các tiêu chí an toàn. Tới đây, TP sẽ có bộ tiêu chí an toàn dành cho các lĩnh vực và hoạt động, có nghĩa người tham gia, người đến cơ sở sản xuất phải đảm bảo những tiêu chí ấy.

Một trong những thành phần của bộ tiêu chí an toàn, theo ông Mãi, là TP đang nghiên cứu thiết kế thẻ xanh COVID-19. Ông cũng cho hay TP sẽ căn cứ vào điều kiện tiêm chủng, xét nghiệm và các quy định an toàn khác trong bộ tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn đối với các hoạt động, nhằm có sự điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn.

 “Chúng ta phải thay đổi hành vi của mình để an toàn trong điều kiện có dịch” – ông Mãi nói và cho rằng việc tuân thủ quy định trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân để đảm bảo an toàn cho chính mình. Điều đó phải từng bước thực hiện để trở thành thói quen, thích ứng.

Nơi nào kiểm soát tốt sẽ mở dần, không đợi tới 30-9

Trả lời câu hỏi về nguy cơ bùng phát dịch khi mở cửa, ông Phan Văn Mãi cho rằng với sức ép giãn cách kéo dài, chúng ta buộc phải mở cửa. Tuy nhiên, khi mở ra, khả năng bùng phát dịch là có thật và đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Đây là một trong những lý do TP.HCM rất cân nhắc.

Theo ông Mãi, sức ép đến ngày 15-9 là rất lớn với mong muốn được mở cửa của người dân, doanh nghiệp và cả lãnh đạo TP. Nhưng kết quả chưa đạt được như tiêu chí kiểm soát dịch nên cần thận trọng, cần chịu khó một thời gian nữa để kết quả này bền vững hơn. “Tất cả chúng ta đều mong muốn theo chiều hướng tốt đẹp nhưng cũng không ai dám chắc được nó sẽ như thế nào. Cần phải đảm bảo an toàn mới mở cửa” – ông Mãi nói, thấu hiểu khó khăn và mong bà con, doanh nghiệp cùng chia sẻ với chính quyền TP.

“Có thể từ đây đến cuối tháng, tình hình ở một số địa bàn tốt hơn thì chúng ta mở dần ở địa bàn đó. Hay những ngành có điều kiện mở thì chúng ta mở dần. Chúng ta cũng không nói phải đúng ngày 30-9 mới mở cửa” – ông Mãi nói.

Sắp có thêm gói hỗ trợ gần 10.000 tỉ đồng

Trả lời câu hỏi tiếp tục giãn cách, TP.HCM sẽ triển khai gói an sinh như thế nào, ông Phan Văn Mãi cho biết sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát, TP có gói ban đầu nhưng vừa hỗ trợ xong số lượng phát sinh rất nhiều, ở gói thứ hai cũng vậy. Do thời gian giãn cách lâu, số lượng tăng lên nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan từ các cấp cơ sở khi rà soát chưa đầy đủ, sai người được hưởng.

Do vậy, TP đang tính toán có gói hỗ trợ mới với kinh phí dự kiến lên đến 10.000 tỉ đồng. Các địa phương khẩn trương rà soát những trường hợp khó khăn để có danh sách tương đối đầy đủ, không để ai bị bỏ sót. Đến nay đã có danh sách ở 312 xã, phường, thị trấn.

Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Mãi cho biết TP.HCM đang tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để một phần đề xuất với trung ương như chính sách về thuế, phí, tín dụng, bảo hiểm… Còn đối với chính sách của TP, sẽ có các gói kích cầu phục hồi sản xuất, hỗ trợ người lao động.•

Năm kết quả sau ba tuần siết giãn cách xã hội

Thông tin tại buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi đưa ra năm kết quả mà TP đạt được sau hơn ba tuần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Thứ nhất, chính sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở giúp “pháo đài” phường, xã, thị trấn phòng chống dịch tốt hơn.

Thứ hai là việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm túc. Từ việc giãn cách nghiêm ngặt đã đem lại kết quả là tỉ lệ vùng đỏ, vùng cam đã thu hẹp rõ và vùng xanh được mở rộng; tỉ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua ba vòng xét nghiệm. Các huyện gồm Cần Giờ, Củ Chi và quận 7 đã cơ bản kiểm soát được dịch. Các địa phương khác như huyện Nhà Bè, các quận 5, 11 và Phú Nhuận dự kiến ngày 15-9 sẽ công bố kiểm soát được dịch.

Thứ ba là công tác quản lý, thu dung, điều trị F0 có cải thiện đáng kể. Với mô hình quản lý F0 tại nhà, các F0 được phân loại, tư vấn thường xuyên, tiếp cận thuốc sớm và được hỗ trợ y tế khi có nhu cầu. Từ đó làm cho số ca cấp cứu và tử vong giảm đi.

Thứ tư là TP đã đạt trên 6,5 triệu người tiêm mũi 1 vaccine (trên 90% dân số trên 18 tuổi) và 1,3 triệu người đã tiêm mũi 2 (tương đương 19% dân số trên 18 tuổi).

Thứ năm là đã mở ra một số dịch vụ như mở rộng hoạt động của siêu thị ở xã, phường, thị trấn gắn với shipper. Dịch vụ ăn uống mang về cũng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu ăn uống của bà con. 

Theo plo.vn