TP.HCM: KHÔNG ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÂM VÀO KHÓ KHĂN CÙNG CỰC DO DỊCH

Posted on

“Không để người lao động mất việc làm, lâm vào khó khăn cùng cực do dịch COVID-19, nhất là những người buôn gánh, bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố”.

Sáng 24-6, kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc.

Cùng với công tác nhân sự, các đại biểu xem xét, quyết định một số chủ trương, chính sách về kinh tế – xã hội mà người dân và doanh nghiệp đang mong đợi.

Đề xuất 886 tỉ hỗ trợ người lao động gặp khó

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trình tờ trình của UBND TP về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân bị tác động do dịch trên địa bàn. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ là 886 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.

Theo đó, chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương là 144 tỉ đồng cho 80.000 người, tương ứng với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần).

Đối tượng thuộc diện này là NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM).

Những người này có thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1-5 đến hết 31-12-2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Riêng với NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người, người đang nuôi con chưa đủ sáu tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em và chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng. Dự kiến kinh phí bổ sung này là 15 tỉ đồng cho 15.000 người thuộc diện này.

Về chính sách hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhóm này khoảng 20.000 người, mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần). Riêng với NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người, người đang nuôi con chưa đủ sáu tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em.

Về chính sách hỗ trợ NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng kinh phí dự kiến là 230 tỉ đồng cho 230.000 lao động, tương ứng với mức hỗ trợ 50.000 đồng/ngày.

Đối tượng của nhóm này là NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19; NLĐ cư trú hợp pháp trên địa bàn TP (trường hợp tạm trú phải được cơ quan công an xác nhận) không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng.

Nhóm người này phải làm một trong sáu loại công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh, bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề xuất hỗ trợ 10.000 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động (trừ hoạt động cho thuê nhà và mặt bằng) theo yêu cầu của chính quyền TP để kiểm soát dịch COVID-19 (áp dụng khu vực thực hiện Chỉ thị 16 tại địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 và các khu vực khác theo chỉ đạo của UBND TP). Mức hỗ trợ mỗi hộ là 2 triệu đồng/lần, tương ứng với tổng kinh phí là 20 tỉ đồng.

UBND TP cũng đề xuất hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống với 59.975 điểm kinh doanh, tương ứng tổng kinh phí là 77 tỉ đồng. Theo ông Hoan, đây là chính sách đặc thù của TP.HCM nhằm hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch.

Đối với chính sách hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, UBND TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng cách ly y tế là 144 tỉ đồng (10.000 người/ngày, trong 180 ngày) và hỗ trợ 216 tỉ đồng cho người tham gia công tác phòng chống dịch.

Sớm ổn định, thúc đẩy xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng trình tờ trình về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.

Dự kiến tổng kinh phí cần bổ sung cho công tác bồi thường, tái định cư của KĐT này là hơn 1.353 tỉ đồng. Trường hợp chấp thuận cho các hộ dân tái định cư bằng căn hộ chung cư thì dự kiến TP cần 17.000 m2 đất. Kinh phí chi trả được sử dụng từ nguồn kinh phí cân đối từ nguồn thu tiền đấu giá quỹ sử dụng đất trong KĐTM Thủ Thiêm.

Cũng liên quan đến vấn đề Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan đã trình HĐND TP tờ trình về xem xét bổ sung dự toán thu chi ngân sách TP.HCM năm 2021. Trong đó, UBND TP đề xuất bổ sung dự toán thu ngân sách địa phương năm 2021 để xử lý khoản tiền tạm ứng ngân sách liên quan KĐTM Thủ Thiêm (dự kiến các nguồn thu phát sinh đến cuối năm 2021) với số tiền hơn 41.382 tỉ đồng.

Các nguồn phát sinh cụ thể là thu bổ sung từ quỹ 12.500 căn hộ là hơn 14.100 tỉ đồng, nguồn thu từ đấu giá tiền sử dụng đất là hơn 25.300 tỉ đồng, nguồn thu từ chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà ở thương mại là hơn 1.650 tỉ đồng, nguồn thu bố trí quỹ nhà tái định cư của các hộ dân là 164 tỉ đồng.

Ngoài ra, UBND TP cũng đề xuất bổ sung dự toán chi ngân sách địa phương năm 2021 gần 37.000 tỉ đồng và phân bổ số tiền này cho Ban quản lý đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm để xử lý hoàn trả tạm ứng ngân sách TP và trả các khoản lãi vay tín dụng theo Thông báo số 26 ngày 1-4-2021 của Văn phòng Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc thông qua nghị quyết này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân ổn định cuộc sống. Cùng đó, khắc phục một số hạn chế, bất cập trong công tác bồi thường, tái định cư. “Nghiên cứu, vận dụng chính sách tốt nhất có thể trong hoàn cảnh hiện nay, trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân là mục tiêu cao nhất” – ông Nên phát biểu.

Còn đối với đề xuất bổ sung dự toán thu chi ngân sách TP năm 2021, theo ông Nên, việc này nhằm tạo điều kiện cho việc thu hồi nợ, hoàn trả tạm ứng, thanh quyết toán các dự án ở Thủ Thiêm làm cơ sở xử lý rốt ráo những vấn đề, tồn đọng theo chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và sự hướng dẫn của các ban, bộ, ngành trung ương. Từ đó, sớm ổn định tình hình, thúc đẩy xây dựng KĐTM Thủ Thiêm theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Ổn định đời sống người dân, duy trì sản xuất, kinh doanh

Về việc hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cần cố gắng tối đa không để NLĐ mất việc làm, lâm vào khó khăn cùng cực, nhất là những người buôn gánh, bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố.

Việc ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn lúc này là cực kỳ quan trọng đối với TP” – ông Nên nói và nhấn mạnh bên cạnh các chính sách hỗ trợ, còn có sự động viên, chia sẻ bằng những hành động thiết thực nhằm tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp tự lực vươn lên, đó là bổn phận của mỗi đại biểu HĐND và tất cả chúng ta.

Nói về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Nên cho biết hơn ba tuần qua, TP phải căng mình chống dịch với quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, kiểm soát, ổn định tình hình. Tuy nhiên, sau hai tuần giãn cách, TP mới chỉ khống chế cơ bản được hai ổ dịch lớn ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Trong khi đó, nhiều nơi khác xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng.

Hiện TP.HCM đã nâng cấp độ giãn cách, siết chặt và tăng cường các hoạt động phòng chống dịch, tập trung địa bàn trọng điểm để thực hiện các giải pháp dập dịch nhanh, đồng thời triển khai tiêm vaccine đợt 1 cho toàn dân.

Theo ông Nên, nhiệm vụ quan trọng trước mắt đang chờ HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND, lãnh đạo UBND và bộ máy chính quyền toàn TP.HCM trên từng cương vị được giao là bằng hành động quyết liệt, góp phần tạo chuyển biến nhanh nhất để khống chế, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. “Đây trước hết là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và từng đại biểu HĐND các cấp, không phải chờ đợi nghị quyết hay phê chuẩn chức danh một cách máy móc đơn thuần” – ông Nên nói.


Bí thư Thành ủy đặt hàng sáu vấn đề cho HĐND TP khóa mới

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chúc mừng 30 đại biểu Quốc hội (QH), 94 đại biểu HĐND TP, 209 đại biểu HĐND các huyện và TP Thủ Đức và 1.822 đại biểu HĐND các xã, thị trấn đã trúng cử nhiệm kỳ này.

Ông mong muốn các đại biểu QH và HĐND các cấp sẽ làm đúng, làm tốt trách nhiệm và lời hứa trước cử tri. Ông đặt ra sáu vấn đề lớn đối với HĐND TP khóa mới.

Trong đó cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng, đề xuất bổ sung chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết 131 của QH và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ QH và những chủ trương, chính sách quan trọng khác của trung ương.

Nghiên cứu những vấn đề thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND trong việc cụ thể hóa bốn chương trình phát triển TP.HCM với 51 đề án thành phần, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đề ra.

Tập trung đổi mới tổ chức hoạt động của HĐND TP theo hướng phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Đặc biệt nghiên cứu và thúc đẩy mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền giữa TP.HCM với các quận, huyện và TP Thủ Đức, tạo ra cơ chế để các địa phương tự chủ hơn trong huy động nguồn lực, đầu tư phát triển và quản trị công.

Tăng cường, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND TP trong điều kiện không có HĐND cấp quận và cấp phường.

Ông đề nghị HĐND tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm việc triển khai các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách và những vấn đề người dân quan tâm.

Ông cũng đề nghị đổi mới mạnh mẽ công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp xúc chuyên đề; mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm để nhiều cử tri tham gia tiếp xúc.

Theo plo.vn