Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ

 

Thủ tục

Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ

Trình tự thực hiện

– Nhà đầu tư nộp sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đăng ký thông tin đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

– Hồ sơ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận khi có đầy đủ đầu mục tài liệu.Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính,   Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến bằng văn bản về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định về các nội dung điều chỉnh của dự án trình Thủ tướng Chính phủ.

– Khi nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài.

– Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, sau khi có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 29 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

– Khi nhận được chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ và quyết định đầu tư ra nước ngoài của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với daonh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính, Cục thuế tỉnh, thành phố/Chi Cục thuế nơi đăng ký nộp thuế và cơ quan đại diện chủ sở hữu (đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước).

– Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

Cách thức thực hiện – Thông qua hệ thống bưu chính;

– Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Thành phần số lượng hồ sơ Thành phần hồ sơ:

  1. Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  2. Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  3. Báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư đến thời điểm nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  4. Quyết định điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài;
  5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  6. Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư trong trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
  7. Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ, g khoản 1 Điều 57 của Luật Đầu tư và Điều 75 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 liên quan đến các nội dung điều chỉnh, gồm:

– Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: hình thức, mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn; tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có); phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án

– Các dự án đầu tư sau đây phải có tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư:

+ Dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài;

+ Dự án năng lượng;

+ Dự án chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản;

+ Dự án khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;

+ Dự án có xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng; dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trừ các hoạt động cung cấp dịch vụ: môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn bất động sản, quản lý bất động sản.

(i) Tài liệu xác nhận địa điểm thực hiện dự án đầu tư gồm một trong các loại tài liệu sau:

+ Giấy phép đầu tư hoặc văn bản có giá trị tương đương của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư;

+ Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư;

+ Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán; hợp đồng giao đất, cho thuê đất; hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh kèm theo tài liệu chứng minh thẩm quyền của bên liên quan trong hợp đồng đối với địa điểm;

+ Thỏa thuận nguyên tắc về việc giao đất, cho thuê đất, thuê địa điểm kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất; thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh kèm theo tài liệu chứng minh thẩm quyền của bên liên quan trong thỏa thuận đối với địa điểm.

(ii) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

  1. Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng;
  2. Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

Số lượng hồ sơ: Hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được lập thành 08 bộ, trong đó có 01 bộ gốc.

Thời hạn giải quyết – Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý. Quá thời hạn trên mà cơ quan được lấy ý kiến không có ý kiến bằng văn bản thì được coi là đã chấp thuận hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư đối với những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ và quyết định đầu tư ra nước ngoài của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với daonh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.

– Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản không chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.

Đối tượng thực hiện Nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức)
Cơ quan thực hiện – Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương;

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài hoặc văn bản thông báo (trong trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài).

Lệ phí Không
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai Quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.

Mẫu số B.I.3: “Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài”;

Mẫu số B.I 4: “Giải trình đề xuất điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài”;

Mẫu số B.I.5: “Báo cáo tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài (từ ngày cấp GCNĐK ĐTRNN đến ngày đề nghị điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN)”.

Mẫu số B.I.6: “ Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ” hoặc Mẫu số B.I.7:  “Văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ của tổ chức tín dụng”;

Mẫu số B.I.8:  “Thông báo xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế”;

Mẫu số B.I.10: “Quyết định điều chỉnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài”.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện –  Trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chập thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

+ Dự án sau khi điều chỉnh thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;

+ Dự án đầu tư sau khi điều chỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.

– Hoạt động đầu tư ra nước ngoài sau khi điều chỉnh phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật Đầu tư, cụ thể:

+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

– Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 53 của Luật Đầu tư, cụ thể:

+ Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan.

+ Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.

+ Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

– Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án quy định tại Điều 56 của Luật Đầu tư (cụ thể: Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên; Dự án yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định; Dự án thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên; Dự án đầu tư không thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài và báo cáo thẩm định nội bộ về đề xuất đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật Đầu tư hoặc quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Đầu tư (cụ thể: Dự án của nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này do nhà đầu tư quyết định theo quy định của Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan).

– Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài, có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.

Cơ sở pháp lý Luật Đầu tư 2020;

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP;

Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT.

 

Số hồ sơ 1.000701 Lĩnh vực Đầu tư ra nước ngoài
Cơ quan ban hành Bộ kế hoạch và đầu tư Cấp thực hiện Trung ương
Tình trạng Còn hiệu lực Quyết định công bố
Nội dung chỉ dành cho Thành viên. Vui lòng đăng nhập.