Gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Thủ tục Gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Trình tự thực hiện – Bước 1 : Nộp hồ sơ

a) Trước 03 (ba) tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, cơ sở sản xuất nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Bảo vệ thực vật

b) Kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ ngay khi nhận hồ sơ trực tiếp hoặc trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện. Nếu hồ sơ đầy đủ thì Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận hồ sơ, nếu không đầy đủ thì trả lại hồ sơ cho tổ chức và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

– Bước 2: Thẩm định hồ sơ và cấp giấy

Cục Bảo vệ thực vật thẩm định trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ.

a) Nếu hồ sơ hợp lệ thì:

– Thành lập đoàn đánh giá

Trong vòng 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quyết định thành lập đoàn đánh giá và tiến hành đánh giá thực tế. Đoàn đánh giá gồm 3-5 thành viên có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về lĩnh vực đánh giá và đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành.

Thông báo bằng văn bản cho cơ sở về kế hoạch đánh giá trước thời điểm đánh giá ít nhất 05 (năm) ngày làm việc. Thông báo nêu rõ nội dung, thời gian, thành phần đoàn và phạm vi đánh giá.

– Nội dung đánh giá

Sự phù hợp của cơ sở với các điều kiện quy định tại Chương II của Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT .

– Phương pháp đánh giá:

Phỏng vấn trực tiếp người phụ trách, nhân viên của cơ sở về những thông tin có liên quan;

Xem xét hồ sơ lưu trữ, các tài liệu có liên quan của cơ sở;

Quan sát thực tế việc bố trí mặt bằng, điều kiện môi trường, tình trạng thiết bị, các tiện nghi khác của cơ sở.

– Kết quả đánh giá

Các điều kiện chưa phù hợp với quy định tại Chương II của Thông tư 14/2013/TT- BNNPTNT phát hiện trong quá trình đánh giá phải được đưa vào Biên bản đánh giá theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT .

Biên bản đánh giá được ghi đầy đủ các nội dung và có chữ ký xác nhận của đại diện cơ sở và trưởng đoàn đánh giá.

Trong trường hợp đại diện cơ sở không đồng ý với kết quả đánh giá của đoàn, đại diện của cơ sở có quyền ghi kiến nghị của mình vào cuối biên bản trước khi ký tên và đóng dấu xác nhận. Biên bản đánh giá vẫn có giá trị pháp lý trong trường hợp đại diện cơ sở không ký tên vào biên bản.

– Cấp giấy chứng nhận

Cục Bảo vệ thực vật xem xét kết quả đánh giá trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá:

+ Nếu hồ sơ đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT .

+ Nếu hồ sơ chưa đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho cơ sở những điều kiện không đạt, yêu cầu và thời hạn khắc phục. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản báo cáo khắc phục của cơ sở hoặc kết quả kiểm tra lại (khi cần thiết), nếu hợp lệ thì Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT .

+ Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

* Trong trường hợp cơ sở có các kết quả kiểm tra định kỳ theo quy định của Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt Loại A trong vòng 01 (một) năm tính đến thời điểm gia hạn, thì Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT , không thành lập đoàn đánh giá thực địa.

b) Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Cách thức thực hiện – Trực tiếp

– Bưu điện

Thành phần số lượng hồ sơ 1. Thành phần

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT

b) Bản sao chụp (mang theo bản gốc để đối chiếu) hoặc bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư về hoạt động sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (nếu có thay đổi).

c) Bản sao chụp (mang theo bản gốc để đối chiếu) hoặc bản sao chứng thực Chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật cho người trực tiếp điều hành sản xuất (nếu có thay đổi).

d) Bản sao chụp (mang theo bản gốc để đối chiếu) hoặc bản sao chứng thực phương án phòng cháy hoặc biên bản kiểm tra đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy được cơ quan công an có thẩm quyền phê duyệt (nếu có thay đổi).

đ) Bản chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp.

e) Tờ khai về điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT

g) Bản sao chụp (mang theo bản gốc để đối chiếu) hoặc bản sao chứng thực Biểu mẫu hoặc Biên bản kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật của các cơ quan chức năng theo quy định của Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu có).

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ bản giấy và 01 file điện tử định dạng PDF.

Thời hạn giải quyết – Thời hạn kiểm tra và trả lời về tính đầy đủ của hồ sơ: ngay khi nhận hồ sơ trực tiếp hoặc trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện

– Thời hạn kiểm tra và trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ: 05 ngày làm việc

– Thời hạn thành lập đoàn đánh giá và thực hiện đánh giá: 15 ngày làm việc

– Thời hạn cấp giấy: 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá hoặc ngày nhận được bản báo cáo khắc phục của cơ sở hoặc kết quả kiểm tra lại.

Đối tượng thực hiện – Tổ chức

– Cá nhân

Cơ quan thực hiện – Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cục Bảo vệ thực vật

– Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: không

– Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Cục Bảo vệ thực vật

– Cơ quan phối hợp: không

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính – Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

– Thời hạn có hiệu lực: 5 năm

Lệ phí – Sản xuất: 6.000.000 đ

– Gia công, sang chai, đóng gói: 4.000.000 đ

Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai Phụ lục I: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật 

Phụ lục II: Tờ khai điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật 

Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT
Yêu cầu, điều kiện thực hiện A. Điền kiện về nhà xưởng, kho chứa

1. Địa điểm

a) Nhà xưởng và kho chứa thuốc bảo vệ thực vật được bố trí trong khu công nghiệp phải tuân thủ các quy định của khu công nghiệp.

b) Trong trường hợp địa điểm nằm ngoài khu công nghiệp:

Vị trí đặt nhà xưởng và kho chứa phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương cấp xã trở lên; cách xa trường học, công sở, bệnh viện, chợ tối thiểu 200 mét (m); đảm bảo các yêu cầu về cung cấp điện, cung cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm và giao thông. Nhà xưởng và kho chứa có tường bao ngăn cách với bên ngoài. Hệ thống đường giao thông nội bộ được bố trí đảm bảo an toàn cho vận chuyển và chữa cháy.

2. Bố trí mặt bằng, kết cấu và bố trí kiến trúc công trình nhà xưởng, kho chứa

a) Khu nhà xưởng sản xuất và kho chứa phải tách rời nhau.

b) Nhà xưởng

Nhà xưởng đạt tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4604/1988: Xí nghiệp công nghiệp, nhà sản xuất – Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN: 2622/1995: Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – Yêu cầu thiết kế.

c) Kho chứa

Kho chứa có khu thành phẩm và khu nguyên liệu riêng biệt.

Kho chứa nguyên liệu được bố trí tùy thuộc vào loại nguyên liệu cần được bảo quản, phân loại theo nguy cơ nổ, cháy nổ, cháy và bảo đảm tách riêng các chất có khả năng gây ra phản ứng hóa học với nhau.

Kho chứa thành phẩm phải bố trí, sắp xếp gọn gàng, hợp lý. Hàng hóa được kê trên kệ kê hàng cao ít nhất 10 centimét (cm), cách tường ít nhất 20 centimét (cm). Lối đi chính rộng tối thiểu 1,5 mét (m), thuận tiện cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra, giám sát.

d) Vật liệu xây dựng nhà xưởng, kho chứa là vật liệu không bắt lửa, khó cháy; khung nhà được xây bằng gạch, làm bằng bê tông hoặc thép. Sàn được làm bằng vật liệu không thấm chất lỏng, bằng phẳng không trơn trượt, không có khe nứt và có các gờ hay lề bao quanh.

đ) Nhà xưởng, kho chứa phải có lối thoát hiểm, được chỉ dẫn rõ ràng (bằng bảng hiệu, sơ đồ) và dễ mở khi xảy ra sự cố.

B. Điều kiện về trang thiết bị

1. Thiết bị sản xuất

a) Có dây chuyền, công nghệ sản xuất đảm bảo chủng loại, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở sản xuất ra.

b) Thiết bị được bố trí, lắp đặt phù hợp với từng công đoạn sản xuất và đạt yêu cầu về an toàn lao động theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2290 – 1978 Thiết bị sản xuất – Yêu cầu chung về an toàn.

c) Thiết bị có hướng dẫn vận hành, được kiểm tra các thông số kỹ thuật, được bảo trì bảo dưỡng, có quy trình vệ sinh công nghiệp.

d) Phương tiện chiếu sáng và thiết bị điện khác được lắp đặt tại vị trí cần thiết, không được phép lắp đặt tạm thời. Mọi trang thiết bị điện phải có bộ ngắt mạch khi rò điện, chống quá tải.

2. Hệ thống xử lý khí thải và chất thải

a) Nhà xưởng có hệ thống xử lý khí thải, kho chứa có hệ thống thông gió. Khí thải của nhà xưởng, kho chứa phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và QCVN 20:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ.

b) Nhà xưởng có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại và QCVN 24:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

c) Xử lý chất thải rắn của nhà xưởng, kho chứa tuân thủ các quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn. Nhà xưởng, kho chứa có dụng cụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn ra khỏi khu vực sản xuất sau mỗi ca sản xuất, nơi chứa chất thải kín, cách biệt với khu sản xuất.

C. Điều kiện về vận hành an toàn

1. Cơ sở sản xuất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn hóa chất theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507 – 2002 Hóa chất nguy hiểm – Qui phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển.

2. Cơ sở sản xuất có nội quy an toàn lao động, có khu vực riêng biệt để thay đồ, tắm rửa cho công nhân trước và sau ca sản xuất.

3. Cơ sở sản xuất phải xây dựng bảng nội quy về an toàn hóa chất, hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì biểu trưng cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó.

4. Cơ sở sản xuất có trang bị và sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động (găng tay, khẩu trang, kính bảo hộ mắt, quần áo bảo hộ) khi tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật. Có dụng cụ, thuốc y tế, trang thiết bị cấp cứu.

5. Việc vận hành tại kho chứa phải đảm bảo tính an toàn, phòng tránh các nguy cơ có thể xảy ra như cháy, rò rỉ, chảy tràn. Đối với kho chứa có nguyên liệu: nhân viên phụ trách kho phải tuân thủ các chỉ dẫn trong phiếu an toàn hóa chất của tất cả các hóa chất được lưu trữ, các hướng dẫn về công tác an toàn, công tác vệ sinh, các hướng dẫn khi có sự cố.

D: Điều kiện về phòng, chống cháy nổ

1. Cơ sở sản xuất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ theo Luật phòng cháy và chữa cháy.

2. Cơ sở sản xuất trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ ứng cứu sự cố tại cơ sở, hệ thống báo cháy, dập cháy được lắp đặt tại vị trí thích hợp và kiểm tra thường xuyên để bảo đảm ở tình trạng sẵn sàng sử dụng tốt.

3. Cơ sở sản xuất có nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển hiệu “Cấm lửa” để ở nơi dễ nhìn thấy.

Đ. Điều kiện về nhân lực

1. Người trực tiếp điều hành cơ sở sản xuất phải có Chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục bảo vệ thực vật cấp tỉnh cấp.

2. Lãnh đạo, người quản lý các bộ phận liên quan trực tiếp đến sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, người trực tiếp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, cất giữ, bảo quản được đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất.

3. Lãnh đạo, nhân viên kỹ thuật và thủ kho được huấn luyện và nắm vững các quy định về quản lý hoạt động hóa chất; phòng cháy, chữa cháy; khoảng cách an toàn; thực hiện biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

4. Người lao động được đào tạo và tập huấn về quy trình sản xuất, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, các biện pháp phòng ngừa, xử lý sự cố đối với thuốc bảo vệ thực vật.

E. Hệ thống quản lý chất lượng

1. Có hệ thống quản lý chất lượng.

2. Có qui trình công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được phê duyệt bởi chủ cơ sở sản xuất.

3. Có phòng thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Phòng thử nghiệm phải được tách biệt với khu vực sản xuất, có đầy đủ trang thiết bị tối thiểu dùng cho việc kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở.

4. Trong trường hợp cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có phòng thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với phòng thử nghiệm có đủ năng lực kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật mà cơ sở sản xuất và có hồ sơ lưu kết quả kiểm tra đối với từng lô sản phẩm trước khi xuất xưởng.

5. Mẫu kiểm tra chất lượng của lô hàng được lưu tối thiểu 03 (ba) tháng

Cơ sở pháp lý – Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT 

– Thông tư 223/2012/TT-BTC 

 

Số hồ sơ B-BNN-BS108 Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Cơ quan ban hành Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cấp thực hiện Trung ương
Tình trạng Còn hiệu lực Quyết định công bố
Nội dung chỉ dành cho Thành viên. Vui lòng đăng nhập.