HƯỚNG DẪN 27/HD-VKSTC NĂM 2017 MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN CHỈ TIÊU TRỰC TIẾP KIỂM SÁT CƠ SỞ GIAM GIỮ VÀ CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ DO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 12/07/2017

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 27/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN CHỈ TIÊU TRỰC TIẾP KIỂM SÁT CƠ SỞ GIAM GIỮ VÀ CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Trên cơ sở tổng hợp, theo dõi kết quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của VKSND các cấp trong thời gian qua VKSND tối cao (Vụ8) thấy: Nhìn chung, các đơn vị đã chủ động thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát; qua hoạt động kiểm sát đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để kháng nghị, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu khắc phục, sửa chữa vi phạm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, qua theo dõi VKSNDTC (Vụ 8) thấy khi thực hiện chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát Trại giam, trại tạm giam và Cơ quan thi hành án hình sự còn một số nội dung còn nhận thức chưa thống nhất dẫn đến một số thắc mắc không đáng có như về việc tính chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát cho VKS cấp dưới khi VKS cấp trên tiến hành kiểm sát; về việc lựa chọn thời điểm tiến hành kiểm sát kiểm sát; về số lượng các cuộc kiểm sát được tiến hành trong năm công tác; về thời gian tính hoàn thành chỉ tiêu và kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị đã ban hành của một số VKS địa phương.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN HƯỚNG DẪN

Từ việc nhận thức còn khác nhau như trên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát. Để thống nhất thực hiện, VKSND tối cao (Vụ 8) hướng dẫn một số nội dung sau:

1. Về cách tính chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát

Trên cơ sở quy định của ngành Kiểm sát và yêu cầu nhiệm vụ công tác, hàng năm đơn vị kiểm sát cấp trên tiến hành một số cuộc kiểm sát trực tiếp đối với các cơ sở giam giữ và thi hành án hình sự cấp dưới nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa VKS các cấp, đánh giá hiệu quả hoạt động của VKS cấp dưới và khắc phục, hạn chế vi phạm xảy ra. Do vậy, trước khi tiến hành kiểm sát, đơn vị kiểm sát cấp trên phải ban hành văn bản yêu cầu đơn vị kiểm sát cấp dưới phối hợp trong việc cung cấp tình hình chấp hành pháp luật và cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát. Ngay khi nhận yêu cầu, đơn vị kiểm sát cấp dưới báo cáo bằng văn bản về tình hình chấp hành pháp luật theo yêu cầu của VKS cấp trên và cử kiểm sát viên phối hợp, tham gia cuộc kiểm sát. Kết quả hoạt động kiểm sát cũng được tính vào chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát của VKS cấp dưới để tính hoàn thành chỉ tiêu công tác.

2. Về thời điểm kiểm sát

Khi lựa chọn thời điểm tiến hành kiểm sát, phải mang tính liên tục, kế tiếp, không ngắt quãng và trùng chéo về thời gian. Chẳng hạn kỳ kiểm sát toàn diện trước, thời điểm kiểm sát từ ngày 01/12/2016 đến ngày 25/02/2017 thì kỳ kiểm sát toàn diện sau thời điểm được tính tiếp theo từ ngày 26/02/2017 (không kể cuộc kiểm sát trước do cấp nào kiểm sát).

Trường hợp kỳ kiểm sát trước tiến hành kiểm sát theo từng mặt (về thủ tục hồ sơ hoặc công tác quản lý hoặc về thực hiện chế độ…), lấy thời điểm từ ngày 01/12/2016 đến ngày 25/02/2017 thì kỳ kiểm sát toàn diện 6 tháng đầu năm 2017 thời điểm được tính từ ngày 01/12/2016 đến ngày kiểm sát.

3. Về số lượng các cuộc kiểm sát

Về chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát đối với cơ quan thi hành án hình sựtrại tạm giam, nhà tạm giữ và ủy ban nhân dân cấp xã được quy định mức thấp nhất phải thực hiện (ít nhất). Các đơn vị kiểm sát có thể tiến hành nhiều hơn mức này nhưng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát.

Đối với chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát trại giam thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, do đối tượng kiểm sát là đơn vị thuộc Bộ Công an nên cần thận trọng, chỉ tiến hành theo Kế hoạch năm đã phê duyệt; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong công tác quản lý và giáo dục phạm nhân thì cần vận dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát theo quy định của pháp luật và quy định của ngành, có thể tiến hành kiểm sát đột xuất khi xét thấy cần thiết.

4. Về thời gian tính hoàn thành chỉ tiêu

Đối với chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát cơ quan thi hành án hình sựtrại giamtrại tạm giam, nhà tạm giữ và ủy ban nhân dân cấp xã… chỉ được tính hoàn thành khi đã kết thúc cuộc kiểm sát và ban hành kết luận chính thức.

Do vậy, để có cơ sở đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu, kết quả công tác và hoạt động thi đua, ngay từ đầu năm công tác các đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo Viện xây dựng kế hoạch công tác để chủ động thực hiện.

Thời điểm tính hoàn thành chỉ tiêu như sau:

– Chỉ tiêu công tác Quý I: Thực hiện hoàn thành từ ngày 01/12 của năm trước đến ngày cuối cùng tháng 2 của năm báo cáo.

– Chỉ tiêu công tác 6 tháng đầu năm : Thực hiện hoàn thành từ ngày 01/12 của năm trước đến ngày 31/5 của năm báo cáo.

– Chỉ tiêu công tác Quý III: Thực hiện hoàn thành từ ngày 01/6 đến ngày cuối cùng tháng 8 của năm báo cáo.

– Chỉ tiêu công tác năm : Thực hiện hoàn thành từ ngày 01/12 của năm trước đến ngày 30/11 của năm báo cáo.

5.Về kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị

Kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị đã ban hành của năm trước là một trong những nội dung bắt buộc đối với VKS các cấp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả nội dung kháng nghị, kiến nghị của VKS trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự ; góp phần chuyển biến tình trạng vi phạm pháp luật phổ biến, kéo dài trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; từng bước thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu Quốc hội giao. Nội dung này,VKSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số: 20/HD-VKSTC-V4 ngày 25/3/2015 để thống nhất thực hiện.

Về thẩm quyền, VKS cấp dưới không được kiểm sát việc thực hiện các nội dung kháng nghị, kiến nghị do VKS cấp trên ban hành; đối với VKS cấp trên do không có đủ điều kiện để kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị thì có thể ủy quyền cho VKS cấp dưới tiến hành kiểm sát. Kết thúc cuộc kiểm sát, VKS cấp dưới phải có văn bản báo cáo về VKS cấp trên toàn bộ nội dung, phương thức, cách thức và kết quả của cuộc kiểm sát.

Về phương thức thực hiện, VKS các cấp không nhất thiết phải tiến hành cuộc kiểm sát riêng, mà kết hợp thực hiện trong các đợt trực tiếp kiểm sát theo định kỳ; do vậy, trong kế hoạch kiểm sát và bản kết luận kiểm sát định kỳ phải đưa thêm nội dung đánh giá việc thực hiện các nội dung đã kháng nghị, kiến nghị của kỳ kiểm sát trước đó. VKS các cấp chỉ tổ chức tiến hành kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị thành cuộc riêng khi không có điều kiện tiến hành kiểm sát định kỳ; có thể tiến hành kiểm sát đột xuất khi phát hiện các cơ quan, đơn vị không thực hiện các nội dung kháng nghị, kiến nghị của VKS và ban hành văn bản kiến nghị đến cơ quan trực tiếp quản lý cấp trên của cơ quan, đơn vị đó; có thể vận dụng phương thức kiểm sát yêu cầu tự kiểm tra và báo cáo kết quả tự kiểm tra cho VKS biết.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) yêu cầu đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện một số việc sau:

1. Chỉ đạo các đơn vị Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, nghiên cứu các nội dung hướng dẫn để chủ động tham mưu tổ chức thực hiện;

2. Phối hợp với Văn phòng VKSND cấp tỉnh, đơn vị thực hiện công tác thi đua của đơn vị chủ động đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu.

Trên đây là một số ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) về việc thực hiện chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 8) biết để chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận
– Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để b/c);
– Đ/c Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC (để b/c);
– VKSND các tỉnh, tp trực thuộc trung ương (để t/h);
– Văn phòng VKSND tối cao (để tổng hợp);
– Lưu VT, Vụ 8.

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Vũ Huy Thuận

 

HƯỚNG DẪN 27/HD-VKSTC NĂM 2017 MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN THỰC HIỆN CHỈ TIÊU TRỰC TIẾP KIỂM SÁT CƠ SỞ GIAM GIỮ VÀ CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ DO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 27/HD-VKSTC Ngày hiệu lực 12/07/2017
Loại văn bản Văn bản khác Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bộ máy nhà nước, nội vụ
Tố tụng
Ngày ban hành 12/07/2017
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản