KẾ HOẠCH 84/KH-UBND THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2021 DO TỈNH TUYÊN QUANG BAN HÀNH
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 26 tháng 5 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2021
Căn cứ Kế hoạch số 162/KH-BCĐ ngày 31/3/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo/138/CP) về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, kiềm chế hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.
2. Tăng cường công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác phối hợp xác minh, xác định, giải cứu, tiếp nhận bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân theo quy định.
3. Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan được tiếp nhận, phân loại với tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh và khởi tố khi đủ căn cứ theo quy định; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử.
II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo
a) Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2021 gắn với triển khai Kết luận số 871-KL/TU ngày 24/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống mua bán người trong năm 2021.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
b) Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ (theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Cơ quan chủ trì: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
c) Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền những nội dung cần hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi đối với những nội dung liên quan đến công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán theo Luật Phòng, chống mua bán người; các quy định pháp luật về quản lý hộ tịch, đăng ký kết hôn với người nước ngoài; hoạt động cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
d) Thực hiện hiệu quả các hướng dẫn liên quan đến việc thống nhất áp dụng pháp luật, áp dụng án lệ trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về mua bán người; tạo hành lang pháp lý thống nhất trong thực hiện công tác đấu tranh chống tội phạm về mua bán người.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
e) Cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn liên ngành, chuyên sâu từng chuyên đề, lĩnh vực theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật, nghiệp vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán trở về cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên ngành về phòng, chống mua bán người; đặc biệt là cấp cơ sở, các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm dễ phát sinh tội phạm mua bán người.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
f) Triển khai việc cập nhật, khai thác hiệu quả các thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê, theo dõi toàn quốc về công tác phòng, chống mua bán người; thực hiện kiểm tra, khảo sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Duy trì các hoạt động liên ngành trong thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; việc tổ chức các hội nghị, thực hiện chế độ giao ban; thực hiện sơ kết, tổng kết để đánh giá toàn diện chất lượng, kết quả việc thực hiện công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
2. Công tác truyền thông phòng ngừa mua bán người
a) Triển khai đồng bộ công tác phòng ngừa xã hội, thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán, nhận thức của từng nhóm đối tượng tại cộng đồng; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Tổ chức hiệu quả, thiết thực các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2021; đảm bảo thiết thực và chấp hành nghiêm yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
b) Bố trí thời lượng phát sóng, lượng tin, bài viết, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người trên các báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người đảm bảo lan tỏa đến từng địa bàn dân cư, cơ quan, trường học… trên địa bàn toàn tỉnh.
Ứng dụng hiệu quả các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Zalo, facebook…) để phục vụ công tác tuyên truyền; kịp thời cảnh báo, phản ánh kết quả công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7”.
Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
c) Rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả các mô hình, Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người đang triển khai tại cộng đồng để duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của mô hình “Ngôi nhà bình yên” để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.
Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
d) Lồng ghép và truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học, nhất là tại các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo của tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
3. Công tác phòng ngừa, đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tình hình, rà soát xác định tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để tiến hành điều tra cơ bản, quản lý phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn hiệu quả. Phối hợp các cơ quan, lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường công tác quản lý nhà nước, biện pháp phòng ngừa xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định tại: Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT- VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ: Công an, Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTPH- TWHLHPNVN-BCA-VKSNDTC-TANDTC của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2019-2022. Tăng cường công tác ủy thác tư pháp về hình sự đối với các vụ án phạm tội mua bán người.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.
4. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân
a) Thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định và phối hợp hướng dẫn phát huy hiệu quả hoạt động của Đường dây nóng phòng, chống mua bán người (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111) để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Nghiên cứu xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ sinh kế giúp cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa nguy cơ bị mua bán trở lại. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống dịch vụ, các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về để có kế hoạch đầu tư, đề xuất giải pháp củng cố, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.
Thực hiện thanh tra, giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, tổ chức đưa người Việt Nam đi du học tự túc, lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; hoạt động của người nước ngoài làm việc tại tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa phát sinh tội phạm mua bán người.
Cơ quan chủ trì: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận thông tin, phối hợp xác minh, xác định, giải cứu, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân; thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân trở về và người thân của nạn nhân trong quá trình xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Trợ giúp pháp lý.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
5. Hợp tác quốc tế
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh về triển khai các Công ước, Nghị định thư, Hiệp định hợp tác song phương, biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa Việt Nam với các nước về phòng, chống mua bán người; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với Văn phòng Interpol Việt Nam, các tỉnh có đường biên giới trong đấu tranh chống tội phạm mua bán người, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan liên quan.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và nội dung tại kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa các nội dung để triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
2. Định kỳ hằng quý, 6 tháng, 01 năm các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện (cùng báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm, ma túy) về Công an tỉnh – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 cấp tỉnh để tổng hợp.
3. Giao Công an tỉnh đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kế hoạch này. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 138/CP và Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận: – Bộ Công an – TT BCĐ 138/CP; (Báo cáo) – Chủ tịch UBND tỉnh; (Báo cáo) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; – Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh; – Các sở, ban ngành; – UBND huyện, thành phố – Lưu: VT, NC (CH). |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Hoàng Việt Phương |
KẾ HOẠCH 84/KH-UBND THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2021 DO TỈNH TUYÊN QUANG BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 84/KH-UBND | Ngày hiệu lực | 26/05/2021 |
Loại văn bản | Văn bản khác | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Hình sự |
Ngày ban hành | 26/05/2021 |
Cơ quan ban hành |
Tuyên Quang |
Tình trạng | Không xác định |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |