LUẬT CÁC CÔNG CỤ CHUYỂN NHƯỢNG 2005

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 01/07/2006

QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 49/2005/QH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2005

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá XI, kỳ họp thứ 8
(Từ ngày 18 tháng 11 đến ngày 29 tháng 11 năm 2005)

LUẬT

CÁC CÔNG CỤ CHUYỂN NHƯỢNG

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về công cụ chuyển nhượng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 Luật này điều chỉnh các quan hệ công cụ chuyển nhượng trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện. Công cụ chuyển nhượng quy định trong Luật này gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác, trừ công cụ nợ dài hạn được tổ chức phát hành nhằm huy động vốn trên thị trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào quan hệ công cụ chuyển nhượng trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Cơ sở phát hành công cụ chuyển nhượng

1. Người ký phát, người phát hành được phát hành công cụ chuyển nhượng trên cơ sở giao dịch mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, cho vay giữa các tổ chức, cá nhân với nhau; giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân; giao dịch thanh toán và giao dịch tặng cho theo quy định của pháp luật.

2. Quan hệ công cụ chuyển nhượng quy định trong Luật này độc lập, không phụ thuộc vào giao dịch cơ sở phát hành công cụ chuyển nhượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Công cụ chuyển nhượng là giấy tờ có giá ghi nhận lệnh thanh toán hoặc cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định vào một thời điểm nhất định.

2. Hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

3. Hối phiếu nhận nợ là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

4. Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.

5. Người ký phát là người lập và ký phát hành hối phiếu đòi nợ, séc.

6. Người bị ký phát là người có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ, séc theo lệnh của người ký phát.

7. Người chấp nhận là người bị ký phát sau khi ký chấp nhận hối phiếu đòi nợ.

8. Người thụ hưởng là người sở hữu công cụ chuyển nhượng với tư cách của một trong những người sau đây:

a) Người được nhận thanh toán số tiền ghi trên công cụ chuyển nhượng theo chỉ định của người ký phát, người phát hành;

b) Người nhận chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng theo các hình thức chuyển nhượng quy định tại Luật này;

c) Người cầm giữ công cụ chuyển nhượng có ghi trả cho người cầm giữ.

9. Người phát hành là người lập và ký phát hành hối phiếu nhận nợ.

10. Người có liên quan là người tham gia vào quan hệ công cụ chuyển nhượng bằng cách ký tên trên công cụ chuyển nhượng với tư cách là người ký phát, người phát hành, người chấp nhận, người chuyển nhượng và người bảo lãnh.

11. Người thu hộ là ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm dịch vụ thu hộ công cụ chuyển nhượng.

12. Phát hành là việc người ký phát hoặc người phát hành lập, ký và chuyển giao công cụ chuyển nhượng lần đầu cho người thụ hưởng.

13. Chuyển nhượng là việc người thụ hưởng chuyển giao quyền sở hữu công cụ chuyển nhượng cho người nhận chuyển nhượng theo các hình thức chuyển nhượng quy định tại Luật này.

14. Chiết khấu công cụ chuyển nhượng là việc tổ chức tín dụng mua công cụ chuyển nhượng từ người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

15. Tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng mua lại công cụ chuyển nhượng đã được tổ chức tín dụng khác chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

16. Chấp nhận là cam kết của người bị ký phát về việc sẽ thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ khi đến hạn thanh toán bằng việc ký chấp nhận trên hối phiếu đòi nợ theo quy định của Luật này.

17. Trung tâm thanh toán bù trừ séc là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc tổ chức khác được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép để tổ chức, chủ trì việc trao đổi, thanh toán bù trừ séc, quyết toán các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc thanh toán bù trừ séc cho các thành viên là ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

18. Chữ ký là chữ ký bằng tay trực tiếp trên công cụ chuyển nhượng của người có quyền và nghĩa vụ đối với công cụ chuyển nhượng hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Chữ ký của người đại diện của tổ chức trên công cụ chuyển nhượng phải kèm theo việc đóng dấu.

19. Quan hệ công cụ chuyển nhượng là quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện về công cụ chuyển nhượng.

Điều 5. Áp dụng Luật các công cụ chuyển nhượng và pháp luật có liên quan

1. Các bên tham gia vào quan hệ công cụ chuyển nhượng phải tuân theo Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Căn cứ vào những nguyên tắc của Luật này, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với công cụ chuyển nhượng khác.

Điều 6. Áp dụng điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài

1. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Trong trường hợp quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài, các bên tham gia quan hệ công cụ chuyển nhượng được thoả thuận áp dụng các tập quán thương mại quốc tế gồm Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ, Quy tắc thống nhất về nhờ thu của Phòng Thương mại quốc tế và các tập quán thương mại quốc tế có liên quan khác theo quy định của Chính phủ.

3. Trong trường hợp công cụ chuyển nhượng được phát hành ở Việt Nam nhưng được chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện ở một nước khác thì công cụ chuyển nhượng phải được phát hành theo quy định của Luật này.

4. Trong trường hợp công cụ chuyển nhượng được phát hành ở nước khác nhưng được chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện ở Việt Nam thì việc chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện được thực hiện theo quy định của Luật này.

Điều 7. Các thời hạn liên quan đến công cụ chuyển nhượng

1. Thời hạn thanh toán, thời hạn gửi thông báo truy đòi và thời hiệu khởi kiện khi có tranh chấp về quan hệ công cụ chuyển nhượng được tính cả ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần; nếu ngày cuối cùng của thời hạn trùng vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.

2. Thời hạn thanh toán cụ thể của từng công cụ chuyển nhượng do người ký phát, người phát hành xác định và ghi trên công cụ chuyển nhượng phù hợp với quy định của Luật này.

3. Thời hạn gửi thông báo truy đòi, thời hiệu khởi kiện khi công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán được thực hiện theo quy định tại Điều 50 và Điều 78 của Luật này.

Điều 8. Số tiền thanh toán trên công cụ chuyển nhượng

Số tiền thanh toán trên công cụ chuyển nhượng phải được ghi bằng số và bằng chữ.

Điều 9. Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ

1. Công cụ chuyển nhượng được ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

2. Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ theo quy định tại khoản 1 Điều này được thanh toán bằng ngoại tệ khi người thụ hưởng cuối cùng được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

3. Công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ nhưng người thụ hưởng cuối cùng là người không được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối thì số tiền trên công cụ chuyển nhượng được thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán hoặc theo tỷ giá kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng thực hiện việc thanh toán công bố tại thời điểm thanh toán, trong trường hợp ngân hàng thực hiện việc thanh toán.

Điều 10. Ngôn ngữ trên công cụ chuyển nhượng

Công cụ chuyển nhượng phải được lập bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài thì công cụ chuyển nhượng có thể được lập bằng tiếng nước ngoài theo thoả thuận của các bên.

Điều 11. Chữ ký đủ ràng buộc nghĩa vụ

1. Công cụ chuyển nhượng phải có chữ ký của người ký phát hoặc người phát hành.

2. Người có liên quan chỉ có nghĩa vụ theo công cụ chuyển nhượng khi trên công cụ chuyển nhượng hoặc tờ phụ đính kèm có chữ ký của người có liên quan hoặc của người được người có liên quan uỷ quyền với tư cách là người ký phát, người phát hành, người chấp nhận, người chuyển nhượng hoặc người bảo lãnh.

Điều 12. Chữ ký giả mạo, chữ ký của người không được uỷ quyền

Khi trên công cụ chuyển nhượng có chữ ký giả mạo hoặc chữ ký của người không được uỷ quyền thì chữ ký đó không có giá trị; chữ ký của người có liên quan khác trên công cụ chuyển nhượng vẫn có giá trị.

Điều 13. Mất công cụ chuyển nhượng

1. Khi công cụ chuyển nhượng bị mất, người thụ hưởng phải thông báo ngay bằng văn bản cho người bị ký phát, người ký phát hoặc người phát hành. Người thụ hưởng phải thông báo rõ trường hợp bị mất công cụ chuyển nhượng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của việc thông báo. Người thụ hưởng có thể thông báo về việc mất công cụ chuyển nhượng bằng điện thoại và các hình thức trực tiếp khác nếu các bên có thoả thuận.

Trường hợp người bị mất công cụ chuyển nhượng không phải là người thụ hưởng thì phải thông báo ngay cho người thụ hưởng.

2. Trường hợp công cụ chuyển nhượng bị mất chưa đến hạn thanh toán, người thụ hưởng có quyền yêu cầu người phát hành, người ký phát phát hành lại công cụ chuyển nhượng có cùng nội dung với công cụ chuyển nhượng bị mất để thay thế sau khi người thụ hưởng đã thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất và có văn bản cam kết sẽ trả thay cho người bị ký phát hoặc người phát hành nếu công cụ chuyển nhượng đã được thông báo bị mất lại được người thụ hưởng hợp pháp xuất trình để yêu cầu thanh toán.

3. Khi đã nhận được thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người phát hành và người bị ký phát không được thanh toán công cụ chuyển nhượng đó. Việc kiểm tra, kiểm soát công cụ chuyển nhượng được thông báo bị mất thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Trường hợp công cụ chuyển nhượng mất đã bị lợi dụng thanh toán trước khi người bị ký phát, người phát hành nhận được thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất thì người bị ký phát, người phát hành được miễn trách nhiệm nếu đã thực hiện đúng việc kiểm tra, kiểm soát của mình và thanh toán công cụ chuyển nhượng theo các quy định của Luật này.

5. Người bị ký phát, người phát hành có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng nếu thanh toán công cụ chuyển nhượng sau khi đã nhận được thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất.

Điều 14. Hư hỏng công cụ chuyển nhượng

1. Khi công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng, người thụ hưởng được quyền yêu cầu người ký phát hoặc người phát hành phát hành lại công cụ chuyển nhượng có cùng nội dung để thay thế.

2. Người ký phát, người phát hành có nghĩa vụ phát hành lại công cụ chuyển nhượng, sau khi nhận được công cụ chuyển nhượng bị hư hỏng nếu công cụ chuyển nhượng này chưa đến hạn thanh toán và còn đủ thông tin hoặc có bằng chứng xác định người có công cụ bị hư hỏng là người thụ hưởng hợp pháp công cụ chuyển nhượng.

Điều 15. Các hành vi bị cấm

1. Làm giả công cụ chuyển nhượng, sửa chữa hoặc tẩy xóa các yếu tố trên công cụ chuyển nhượng.

2. Cố ý chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng hoặc xuất trình để thanh toán công cụ chuyển nhượng bị làm giả, bị sửa chữa, bị tẩy xóa.

3. Ký công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền hoặc giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng.

4. Chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng khi đã biết công cụ chuyển nhượng này quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận, bị từ chối thanh toán hoặc đã được thông báo bị mất.

5. Cố ý phát hành công cụ chuyển nhượng khi không đủ khả năng thanh toán.

6. Cố ý phát hành séc sau khi bị đình chỉ quyền phát hành séc.

Chương II

HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ

Mục 1

PHÁT HÀNH HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ

Điều 16. Nội dung của hối phiếu đòi nợ

1. Hối phiếu đòi nợ có các nội dung sau đây:

a) Cụm từ “Hối phiếu đòi nợ” được ghi trên mặt trước của hối phiếu đòi nợ;

b) Yêu cầu thanh toán không điều kiện một số tiền xác định;

c) Thời hạn thanh toán;

d) Địa điểm thanh toán;

đ) Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân, địa chỉ của người bị ký phát;

e) Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người ký phát chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu đòi nợ theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu đòi nợ cho người cầm giữ;

g) Địa điểm và ngày ký phát;

h) Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân, địa chỉ và chữ ký của người ký phát.

2. Hối phiếu đòi nợ không có giá trị nếu thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thời hạn thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu đòi nợ sẽ được thanh toán ngay khi xuất trình;

b) Địa điểm thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu đòi nợ sẽ được thanh toán tại địa chỉ của người bị ký phát;

c) Địa điểm ký phát không được ghi cụ thể trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu đòi nợ được coi là ký phát tại địa chỉ của người ký phát.

3. Khi số tiền trên hối phiếu đòi nợ được ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì số tiền ghi bằng chữ có giá trị thanh toán. Trong trường hợp số tiền trên hối phiếu đòi nợ được ghi hai lần trở lên bằng chữ hoặc bằng số và có sự khác nhau thì số tiền có giá trị nhỏ nhất được ghi bằng chữ có giá trị thanh toán.

4. Trong trường hợp hối phiếu đòi nợ không có đủ chỗ để viết, hối phiếu đòi nợ đó có thể có thêm tờ phụ đính kèm. Tờ phụ đính kèm được sử dụng để ghi nội dung bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu. Người đầu tiên lập tờ phụ phải gắn liền tờ phụ với hối phiếu đòi nợ và ký tên trên chỗ giáp lai giữa tờ phụ và hối phiếu đòi nợ.

Điều 17. Nghĩa vụ của người ký phát

1. Người ký phát có nghĩa vụ thanh toán số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ cho người thụ hưởng khi hối phiếu đòi nợ bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.

2. Trường hợp người chuyển nhượng hoặc người bảo lãnh đã thanh toán hối phiếu đòi nợ cho người thụ hưởng sau khi hối phiếu đòi nợ bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán thì người ký phát có nghĩa vụ thanh toán cho người chuyển nhượng hoặc người bảo lãnh số tiền ghi trên hối phiếu đó.

Mục II

CHẤP NHẬN HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ

Điều 18. Xuất trình hối phiếu đòi nợ để yêu cầu chấp nhận

1. Người thụ hưởng phải xuất trình hối phiếu đòi nợ để yêu cầu chấp nhận trong những trường hợp sau đây:

a) Người ký phát đã ghi trên hối phiếu đòi nợ là hối phiếu này phải được xuất trình để yêu cầu chấp nhận;

b) Hối phiếu đòi nợ có ghi thời hạn thanh toán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 42 của Luật này phải xuất trình để yêu cầu chấp nhận trong thời hạn một năm kể từ ngày ký phát.

2. Việc xuất trình hối phiếu đòi nợ để yêu cầu chấp nhận được coi là hợp lệ khi hối phiếu đòi nợ được người thụ hưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người thụ hưởng xuất trình đúng địa điểm thanh toán, trong thời gian làm việc của người bị ký phát và chưa quá hạn thanh toán.

3. Hối phiếu đòi nợ có thể được xuất trình để chấp nhận dưới hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Ngày xuất trình hối phiếu đòi nợ để chấp nhận trong trường hợp này được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi thư bảo đảm.

Điều 19. Thời hạn chấp nhận

Người bị ký phát thực hiện việc chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận hối phiếu đòi nợ trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày hối phiếu đòi nợ được xuất trình; trong trường hợp hối phiếu đòi nợ được xuất trình dưới hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng thì thời hạn này được tính kể từ ngày người bị ký phát xác nhận đã nhận được hối phiếu đòi nợ.

Điều 20. Vi phạm nghĩa vụ xuất trình hối phiếu đòi nợ để yêu cầu chấp nhận

Khi người thụ hưởng không xuất trình hối phiếu đòi nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này thì người ký phát, người chuyển nhượng và người bảo lãnh cho những người này không có nghĩa vụ thanh toán hối phiếu đòi nợ, trừ người bảo lãnh cho người bị ký phát.

Điều 21. Hình thức và nội dung chấp nhận

1. Người bị ký phát thực hiện việc chấp nhận hối phiếu đòi nợ bằng cách ghi trên mặt trước của hối phiếu đòi nợ cụm từ “chấp nhận”, ngày chấp nhận và chữ ký của mình.

2. Trong trường hợp chỉ chấp nhận thanh toán một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ, người bị ký phát phải ghi rõ số tiền được chấp nhận.

Điều 22. Nghĩa vụ của người chấp nhận

Sau khi chấp nhận hối phiếu đòi nợ, người chấp nhận có nghĩa vụ thanh toán không điều kiện hối phiếu đòi nợ theo nội dung đã chấp nhận cho người thụ hưởng, người đã thanh toán hối phiếu đòi nợ theo quy định của Luật này.

Điều 23. Từ chối chấp nhận

1. Hối phiếu đòi nợ được coi là bị từ chối chấp nhận, nếu không được người bị ký phát chấp nhận trong thời hạn quy định tại Điều 19 của Luật này.

            2. Khi hối phiếu đòi nợ bị từ chối chấp nhận toàn bộ hoặc một phần thì người thụ hưởng có quyền truy đòi ngay lập tức đối với người chuyển nhượng trước mình, người ký phát, người bảo lãnh theo quy định tại Điều 48 của Luật này.

Mục III

BẢO LÃNH HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ

Điều 24. Bảo lãnh hối phiếu đòi nợ

Bảo lãnh hối phiếu đòi nợ là việc người thứ ba (sau đây gọi là người bảo lãnh) cam kết với người nhận bảo lãnh sẽ thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ nếu đã đến hạn thanh toán mà người được bảo lãnh không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ.

Điều 25. Hình thức bảo lãnh

1. Việc bảo lãnh hối phiếu đòi nợ được thực hiện bằng cách người bảo lãnh ghi cụm từ “bảo lãnh”, số tiền bảo lãnh, tên, địa chỉ, chữ ký của người bảo lãnh và tên người được bảo lãnh trên hối phiếu đòi nợ hoặc trên tờ phụ đính kèm hối phiếu đòi nợ.

2. Trong trường hợp bảo lãnh không ghi tên người được bảo lãnh thì việc bảo lãnh được coi là bảo lãnh cho người ký phát.

Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh

1. Người bảo lãnh có nghĩa vụ thanh toán hối phiếu đòi nợ đúng số tiền đã cam kết bảo lãnh nếu người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán.

2. Người bảo lãnh chỉ có quyền huỷ bỏ việc bảo lãnh trong trường hợp hối phiếu đòi nợ không đủ các nội dung bắt buộc quy định tại Điều 16 của Luật này.

            3. Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, người bảo lãnh được tiếp nhận các quyền của người được bảo lãnh đối với những người có liên quan, xử lý tài sản bảo đảm của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người ký phát, người chấp nhận liên đới thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán.

4. Việc bảo lãnh hối phiếu đòi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan đến bảo lãnh ngân hàng.

Mục IV

CHUYỂN NHƯỢNG HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ

Điều 27. Hình thức chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ

Người thụ hưởng chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ theo một trong các hình thức sau đây:

1. Ký chuyển nhượng;

2. Chuyển giao.

Điều 28. Hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng

Hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng nếu trên hối phiếu đòi nợ có ghi cụm từ “không được chuyển nhượng”, “cấm chuyển nhượng”, “không trả theo lệnh” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự.

Điều 29. Nguyên tắc chuyển nhượng

1. Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ là chuyển nhượng toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ. Việc chuyển nhượng một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ không có giá trị.

2. Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho hai người trở lên không có giá trị.

3. Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng ký chuyển nhượng phải là không điều kiện. Người chuyển nhượng không được ghi thêm trên hối phiếu đòi nợ bất kỳ điều kiện nào ngoài nội dung quy định tại Điều 31 của Luật này. Mọi điều kiện kèm theo việc ký chuyển nhượng không có giá trị.

4. Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ là sự chuyển nhượng tất cả các quyền phát sinh từ hối phiếu đòi nợ.

5. Hối phiếu đòi nợ quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận hoặc đã bị từ chối thanh toán thì không được chuyển nhượng.

6. Người thụ hưởng có thể chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho người chấp nhận, người ký phát hoặc người chuyển nhượng.

Điều 30. Chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng

1. Chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng là việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng bằng cách ký vào mặt sau hối phiếu đòi nợ và chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng.

2. Việc chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng được áp dụng đối với tất cả hối phiếu đòi nợ, trừ hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng quy định tại Điều 28 của Luật này.

Điều 31. Hình thức và nội dung ký chuyển nhượng

1. Việc chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng phải được người thụ hưởng viết, ký trên mặt sau của hối phiếu đòi nợ.

2. Người chuyển nhượng có thể ký chuyển nhượng theo một trong hai hình thức sau đây:

a) Ký chuyển nhượng để trống;

b) Ký chuyển nhượng đầy đủ.

3. Khi chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng để trống, người chuyển nhượng ký vào mặt sau của hối phiếu đòi nợ và chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng. Việc ký chuyển nhượng cho người cầm giữ hối phiếu là ký chuyển nhượng để trống.

4. Khi chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng đầy đủ, người chuyển nhượng ký vào mặt sau của hối phiếu đòi nợ và phải ghi đầy đủ tên của người được chuyển nhượng, ngày chuyển nhượng.

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của người ký chuyển nhượng

1. Người ký chuyển nhượng có nghĩa vụ bảo đảm hối phiếu đòi nợ đã chuyển nhượng sẽ được chấp nhận và thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Khi hối phiếu này bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán một phần hoặc toàn bộ, người ký chuyển nhượng có nghĩa vụ thanh toán số tiền bị từ chối của hối phiếu đòi nợ đã chuyển nhượng.

2. Người ký chuyển nhượng có thể không cho chuyển nhượng tiếp hối phiếu đòi nợ bằng cách ghi thêm cụm từ “không chuyển nhượng”, “cấm chuyển nhượng” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự trong nội dung ký chuyển nhượng trên hối phiếu đòi nợ; trường hợp hối phiếu đòi nợ được tiếp tục chuyển nhượng thì người ký chuyển nhượng này không có nghĩa vụ thanh toán đối với người nhận chuyển nhượng sau đó.

Điều 33. Chuyển nhượng bằng chuyển giao.

1. Chuyển nhượng bằng chuyển giao là việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng bằng cách chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng.

2. Việc chuyển nhượng bằng chuyển giao được áp dụng đối với các hối phiếu đòi nợ sau đây:

a) Hối phiếu đòi nợ được ký phát trả cho người cầm giữ;

b) Hối phiếu đòi nợ chỉ có một chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng để trống;

c) Hối phiếu đòi nợ có chuyển nhượng cuối cùng là ký chuyển nhượng để trống.

Điều 34. Quyền của người nhận chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng chuyển giao hoặc ký chuyển nhượng để trống

Người nhận chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng hình thức chuyển giao hoặc ký chuyển nhượng để trống có các quyền sau đây:

1. Điền vào chỗ trống tên của mình hoặc tên của người khác;

            2. Tiếp tục ký chuyển nhượng để trống hối phiếu đòi nợ bằng cách ký trên hối phiếu đòi nợ;

3. Tiếp tục chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho người khác bằng chuyển giao;

4. Ký chuyển nhượng đầy đủ hối phiếu đòi nợ.

Điều 35. Chiết khấu, tái chiết khấu hối phiếu đòi nợ

Hối phiếu đòi nợ có thể được chiết khấu hoặc tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước Việt nam, các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mục V

CHUYỂN GIAO ĐỂ CẦM CỐ VÀ CHUYỂN GIAO ĐỂ  NHỜ THU HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ

Điều 36. Quyền được cầm cố hối phiếu đòi nợ

Người thụ hưởng có quyền cầm cố hối phiếu đòi nợ theo quy định tại Mục này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 37. Chuyển giao hối phiếu đòi nợ để cầm cố

Người cầm cố hối phiếu đòi nợ phải chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận cầm cố. Thoả thuận về cầm cố hối phiếu đòi nợ phải được lập thành văn bản.

Điều 38. Xử lý hối phiếu đòi nợ được cầm cố

Khi người cầm cố hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố hối phiếu đòi nợ thì người nhận cầm cố phải hoàn trả hối phiếu đòi nợ cho người cầm cố. Trong trường hợp người cầm cố không thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố hối phiếu đòi nợ thì người nhận cầm cố trở thành người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ và được thanh toán theo nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.

[NM_lightbox type=”inline” src=”#chuthich1″]Điều 39. Nhờ thu qua người thu hộ[/NM_lightbox]

1. Người thụ hưởng có thể chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người thu hộ để nhờ thu số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ bằng cách chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người thu hộ theo quy định của Luật này kèm theo uỷ quyền bằng văn bản về việc thu hộ.

2. Người thu hộ không được thực hiện các quyền của người thụ hưởng theo hối phiếu đòi nợ ngoài quyền xuất trình hối phiếu đòi nợ để thanh toán, quyền nhận số tiền trên hối phiếu, quyền chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người thu hộ khác để nhờ thu hối phiếu đòi nợ.

3. Người thu hộ phải xuất trình hối phiếu đòi nợ cho người bị ký phát để thanh toán theo quy định tại Điều 43 của Luật này. Trường hợp người thu hộ không xuất trình hoặc xuất trình không đúng thời hạn hối phiếu đòi nợ để thanh toán dẫn đến hối phiếu đòi nợ không được thanh toán thì người thu hộ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng tối đa bằng số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể thủ tục nhờ thu hối phiếu đòi nợ qua người thu hộ.

Mục VI

THANH TOÁN HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ

Điều 40. Người thụ hưởng

            Người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ được coi là người thụ hưởng hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Cầm giữ hối phiếu đòi nợ chưa quá hạn thanh toán và không biết hối phiếu đòi nợ này đã có thông báo về việc bị từ chối chấp nhận, từ chối thanh toán;

2. Xác lập quyền sở hữu đối với hối phiếu đòi nợ một cách hợp pháp. Trường hợp người thụ hưởng nhận chuyển nhượng hối phiếu thông qua ký chuyển nhượng thì các chữ ký chuyển nhượng trên hối phiếu phải liên tục, không ngắt quãng;

3. Không có thông báo về việc những người ký chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ trước đó đã cầm giữ hối phiếu đòi nợ bằng cách gian lận, cưỡng bức, ép buộc hoặc cách thức không hợp pháp khác.

Điều 41. Quyền của người thụ hưởng

1. Người thụ hưởng cầm giữ hối phiếu đòi nợ theo quy định tại Điều 40 của Luật này có các quyền sau đây:

a) Xuất trình hối phiếu đòi nợ để chấp nhận hoặc để thanh toán khi hối phiếu đòi nợ đến hạn;

b) Yêu cầu những người có liên quan thanh toán hối phiếu đòi nợ khi đến hạn;

c) Chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ theo các quy định của Luật này;

d) Chuyển giao để cầm cố hoặc chuyển giao để nhờ thu hối phiếu đòi nợ;

đ) Truy đòi, khởi kiện về hối phiếu đòi nợ.

2. Quyền của người thụ hưởng cầm giữ hối phiếu đòi nợ theo quy định tại Điều 40 của Luật này vẫn được đảm bảo ngay cả khi những người có liên quan trước đó cầm giữ hối phiếu không hợp pháp.

Điều 42. Thời hạn thanh toán

1. Thời hạn thanh toán của hối phiếu đòi nợ được ghi theo một trong các thời hạn sau đây:

a) Ngay khi xuất trình;

b) Sau một thời hạn nhất định kể từ ngày hối phiếu đòi nợ được chấp nhận;

c) Sau một thời hạn nhất định kể từ ngày ký phát;

d) Vào một ngày được xác định cụ thể.

2. Hối phiếu đòi nợ không có giá trị nếu ghi nhiều thời hạn thanh toán hoặc ghi thời hạn không đúng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 43. Xuất trình hối phiếu đòi nợ để thanh toán

1. Người thụ hưởng có quyền xuất trình hối phiếu đòi nợ tại địa điểm thanh toán để yêu cầu người bị ký phát thanh toán vào ngày hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán hoặc trong thời hạn năm ngày làm việc tiếp theo.

2. Người thụ hưởng có thể xuất trình hối phiếu đòi nợ sau thời hạn ghi trên hối phiếu đòi nợ, nếu việc chậm xuất trình do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra. Thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn thanh toán.

3. Hối phiếu đòi nợ có ghi thời hạn thanh toán là “ngay khi xuất trình” phải được xuất trình để thanh toán trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày ký phát.

4. Việc xuất trình hối phiếu đòi nợ để thanh toán được coi là hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Do người thụ hưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người thụ hưởng xuất trình;

b) Hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán;

c) Xuất trình tại địa điểm thanh toán theo quy định tại điểm d khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 16 của Luật này.

5. Người thụ hưởng có thể xuất trình hối phiếu đòi nợ để thanh toán dưới hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Việc xác định thời điểm xuất trình hối phiếu đòi nợ để thanh toán được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi thư bảo đảm.

Điều 44. Thanh toán hối phiếu đòi nợ

1. Người bị ký phát phải thanh toán hoặc từ chối thanh toán hối phiếu đòi nợ cho người thụ hưởng trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được hối phiếu đòi nợ. Trong trường hợp hối phiếu đòi nợ được xuất trình thanh toán dưới hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng thì thời hạn này được tính kể từ ngày người bị ký phát xác nhận đã nhận được hối phiếu đòi nợ.

2. Khi hối phiếu đòi nợ đã được thanh toán toàn bộ, người thụ hưởng phải ký, chuyển giao hối phiếu đòi nợ, tờ phụ đính kèm cho người đã thanh toán.

Điều 45. Từ chối thanh toán

1. Hối phiếu đòi nợ được coi là bị từ chối thanh toán, nếu người thụ hưởng không được thanh toán đầy đủ số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này.

2. Khi hối phiếu đòi nợ bị từ chối thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ, người thụ hưởng có quyền truy đòi ngay số tiền chưa được thanh toán đối với người chuyển nhượng trước mình, người ký phát và người bảo lãnh theo quy định tại Điều 48 của Luật này.

Điều 46. Hoàn thành thanh toán hối phiếu đòi nợ

Việc thanh toán hối phiếu đòi nợ được coi là hoàn thành trong các trường hợp sau đây:

1. Người ký phát, người bị ký phát, người chấp nhận đã thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ cho người thụ hưởng;

2. Người chấp nhận trở thành người thụ hưởng của hối phiếu đòi nợ vào ngày đến hạn thanh toán hoặc sau ngày đó;

3. Người thụ hưởng huỷ bỏ hối phiếu đòi nợ hoặc từ bỏ quyền đối với hối phiếu đòi nợ khi việc huỷ bỏ hoặc từ bỏ này được ghi rõ trên hối phiếu đòi nợ bằng cụm từ “huỷ bỏ”, “từ bỏ” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự, ngày huỷ bỏ, từ bỏ và chữ ký của người thụ hưởng.

Điều 47. Thanh toán trước hạn

Người bị ký phát thanh toán hối phiếu đòi nợ trước khi đến hạn thanh toán theo yêu cầu của người thụ hưởng phải chịu mọi thiệt hại phát sinh do thanh toán trước hạn.

Mục VII

TRUY ĐÒI DO HỐI PHIẾU ĐÒI NỢ KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN HOẶC KHÔNG ĐƯỢC THANH TOÁN

Điều 48. Quyền truy đòi

1. Người thụ hưởng có quyền truy đòi số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này đối với những người sau đây:

a) Người ký phát, người bảo lãnh, người chuyển nhượng trước mình trong trường hợp hối phiếu đòi nợ bị từ chối chấp nhận một phần hoặc toàn bộ theo quy định của Luật này;

b) Người ký phát, người chuyển nhượng, người bảo lãnh, khi hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán mà không được thanh toán theo nội dung của hối phiếu đòi nợ;

c) Người ký phát, người chuyển nhượng, người bảo lãnh trong trường hợp người bị ký phát bị tuyên bố phá sản, giải thể, chết hoặc mất tích, kể cả trường hợp hối phiếu đòi nợ đã được chấp nhận hoặc chưa được chấp nhận;

d) Người chuyển nhượng, người bảo lãnh trong trường hợp hối phiếu đòi nợ chưa đến hạn thanh toán nhưng người ký phát bị tuyên bố phá sản, giải thể, chết hoặc mất tích và hối phiếu đòi nợ chưa được chấp nhận.

2. Người chuyển nhượng đã trả tiền cho người thụ hưởng được quyền truy đòi đối với người ký phát hoặc người chuyển nhượng trước mình.

Điều 49. Văn bản thông báo truy đòi

Trong trường hợp hối phiếu đòi nợ bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng phải thông báo bằng văn bản cho người ký phát, người chuyển nhượng cho mình, người bảo lãnh cho những người này về việc từ chối đó.

Điều 50. Thời hạn thông báo

1. Người thụ hưởng phải thông báo cho người ký phát, người chuyển nhượng cho mình, người bảo lãnh cho những người này về việc hối phiếu đòi nợ bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn bốn ngày làm việc, kể từ ngày bị từ chối.

2. Trong thời hạn bốn ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, mỗi người chuyển nhượng phải thông báo bằng văn bản cho người chuyển nhượng cho mình về việc hối phiếu đòi nợ bị từ chối, kèm theo tên và địa chỉ của người đã thông báo cho mình. Việc thông báo này được thực hiện cho đến khi người ký phát nhận được thông báo về việc hối phiếu đòi nợ bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.

3. Trong thời hạn thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu việc thông báo không thực hiện được do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra thì thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn thông báo.

Điều 51. Trách nhiệm của những người có liên quan

1. Người ký phát, người chuyển nhượng chịu trách nhiệm liên đới thanh toán cho người thụ hưởng toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ.

2. Người chấp nhận, người bảo lãnh chịu trách nhiệm liên đới thanh toán cho người thụ hưởng số tiền đã cam kết chấp nhận hoặc cam kết bảo lãnh.

Điều 52. Số tiền được thanh toán

Người thụ hưởng có quyền yêu cầu thanh toán các khoản tiền sau đây:

1. Số tiền không được chấp nhận hoặc không được thanh toán;

2. Chi phí truy đòi, các chi phí hợp lý có liên quan khác;

3. Tiền lãi trên số tiền chậm trả kể từ ngày hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương III

HỐI PHIẾU NHẬN NỢ

Điều 53. Nội dung của hối phiếu nhận nợ

1. Hối phiếu nhận nợ có các nội dung sau đây:

a) Cụm từ “Hối phiếu nhận nợ” được ghi trên mặt trước của hối phiếu nhận nợ;

b) Cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định;

c) Thời hạn thanh toán;

d) Địa điểm thanh toán;

đ) Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người phát hành chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu nhận nợ theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu cho người cầm giữ;

e) Địa điểm và ngày ký phát hành;

g) Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân, địa chỉ và chữ ký của người phát hành.

2. Hối phiếu nhận nợ không có giá trị nếu thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp địa điểm thanh toán không được ghi trên hối phiếu nhận nợ thì địa điểm thanh toán là địa chỉ của người phát hành.

b) Trường hợp địa điểm phát hành không được ghi trên hối phiếu nhận nợ thì địa điểm phát hành là địa chỉ của người phát hành.

3. Khi số tiền trên hối phiếu nhận nợ được ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì số tiền ghi bằng chữ có giá trị thanh toán. Trong trường hợp số tiền trên hối phiếu nhận nợ được ghi hai lần trở lên bằng chữ hoặc bằng số và có sự khác nhau thì số tiền có giá trị nhỏ nhất được ghi bằng chữ có giá trị thanh toán.

4. Trong trường hợp hối phiếu nhận nợ không có đủ chỗ để viết, hối phiếu nhận nợ đó có thể có thêm tờ phụ đính kèm. Tờ phụ đính kèm được sử dụng để ghi nội dung bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu. Người đầu tiên lập tờ phụ phải gắn liền tờ phụ với hối phiếu nhận nợ và ký tên trên chỗ giáp lai giữa tờ phụ và hối phiếu nhận nợ.

Điều 54. Nghĩa vụ của người phát hành

Người phát hành có nghĩa vụ thanh toán số tiền ghi trên hối phiếu nhận nợ cho người thụ hưởng khi đến hạn thanh toán và có các nghĩa vụ khác như người chấp nhận hối phiếu đòi nợ theo quy định của Luật này.

Điều 55. Nghĩa vụ của người chuyển nhượng lần đầu hối phiếu nhận nợ

Người chuyển nhượng lần đầu hối phiếu nhận nợ có nghĩa vụ như người ký phát hối phiếu đòi nợ theo quy định tại Điều 17 của Luật này.

Điều 56. Hoàn thành thanh toán hối phiếu nhận nợ

Việc thanh toán hối phiếu nhận nợ được coi là hoàn thành trong các trường hợp sau đây:

1. Khi người phát hành trở thành người thụ hưởng của hối phiếu nhận nợ vào ngày đến hạn thanh toán hoặc sau ngày đó;

2. Người phát hành đã thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu nhận nợ cho người thụ hưởng;

3. Người thụ hưởng huỷ bỏ hối phiếu nhận nợ.

Điều 57. Bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi hối phiếu nhận nợ

Các quy định từ Điều 24 đến Điều 52 của Luật này về bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi hối phiếu đòi nợ cũng được áp dụng tương tự đối với hối phiếu nhận nợ.

Chương IV

SÉC

Mục I

CÁC NỘI DUNG CỦA SÉC VÀ KÝ PHÁT SÉC

Điều 58. Các nội dung của séc

1. Mặt trước séc có các nội dung sau đây:

a) Từ “Séc” được in phía trên séc;

b) Số tiền xác định;

c) Tên của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là người bị ký phát;

d) Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người ký phát chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán séc theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán séc cho người cầm giữ;

đ) Địa điểm thanh toán;

e) Ngày ký phát;

g) Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân và chữ ký của người ký phát.

2. Séc thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này thì không có giá trị, trừ trường hợp địa điểm thanh toán không ghi trên séc thì séc được thanh toán tại địa điểm kinh doanh của người bị ký phát.

3. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức cung ứng séc có thể đưa thêm những nội dung khác mà không làm phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý của các bên như số hiệu tài khoản mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc, địa chỉ của người ký phát, địa chỉ của người bị ký phát và các nội dung khác.

4. Trường hợp séc được thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc thì trên séc phải có thêm các nội dung theo quy định của Trung tâm thanh toán bù trừ séc.

5. Mặt sau của séc được sử dụng để ghi các nội dung chuyển nhượng séc.

6. Số tiền ghi bằng số trên séc phải bằng với số tiền ghi bằng chữ trên séc. Nếu số tiền ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì séc không có giá trị thanh toán.

Điều 59. Kích thước séc và việc bố trí vị trí các nội dung trên séc

1. Kích thước séc và việc bố trí vị trí các nội dung trên séc do tổ chức cung ứng séc thiết kế và thực hiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trung tâm thanh toán bù trừ séc quy định về kích thước séc, nội dung và vị trí các nội dung trên séc đối với séc thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc.

Điều 60. Ký phát séc

1. Séc được ký phát để ra lệnh cho người bị ký phát thanh toán:

a) Cho một người xác định và không cho phép chuyển nhượng séc bằng cách ghi rõ tên của người thụ hưởng và kèm theo một trong các cụm từ “không chuyển nhượng”, “không trả theo lệnh”;

b) Cho một người xác định và cho phép chuyển nhượng séc bằng cách ghi rõ tên của người thụ hưởng và không có cụm từ không cho phép chuyển nhượng quy định tại điểm a Khoản này;

c) Cho người cầm giữ séc, bằng cách ghi cụm từ “trả cho người cầm giữ séc” hoặc không ghi tên người thụ hưởng.

2. Séc có thể được ký phát ra lệnh cho người bị ký phát thanh toán số tiền ghi trên séc cho chính người ký phát.

3. Séc không được ký phát để ra lệnh cho chính người ký phát thực hiện thanh toán séc, trừ trường hợp ký phát để trả tiền từ đơn vị này sang đơn vị khác của người ký phát.

4. Người ký phát séc là tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 61. Séc trả tiền vào tài khoản và séc trả tiền mặt

1. Người ký phát séc hoặc người chuyển nhượng séc có thể không cho phép thanh toán séc bằng tiền mặt bằng cách ghi trên séc cụm từ ”trả vào tài khoản”. Trong trường hợp này, người bị ký phát chỉ được chuyển số tiền ghi trên séc đó vào tài khoản của người thụ hưởng mà không được phép trả bằng tiền mặt, kể cả trường hợp cụm từ “trả vào tài khoản” bị gạch bỏ.

2. Trường hợp séc không ghi cụm từ ”trả vào tài khoản” thì người bị ký phát thanh toán séc cho người thụ hưởng bằng tiền mặt.

Điều 62. Séc gạch chéo không ghi tên và séc gạch chéo có ghi tên

1. Người ký phát hoặc người chuyển nhượng séc có thể quy định séc chỉ được thanh toán cho một ngân hàng hoặc cho người thụ hưởng có tài khoản tại ngân hàng bị ký phát bằng cách vạch lên trên séc hai gạch chéo song song.

2. Người ký phát hoặc người chuyển nhượng séc có thể quy định séc chỉ được thanh toán cho một ngân hàng cụ thể hoặc cho người thụ hưởng có tài khoản tại ngân hàng đó bằng cách vạch lên trên séc hai gạch chéo song song và ghi tên của ngân hàng đó giữa hai gạch chéo này. Séc có tên hai ngân hàng giữa hai gạch chéo sẽ không có giá trị thanh toán, trừ trường hợp một trong hai ngân hàng có tên giữa hai gạch chéo là ngân hàng thu hộ.

Mục II

CUNG ỨNG SÉC

Điều 63. Cung ứng séc trắng

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung ứng séc trắng cho các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác cung ứng séc trắng cho tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản để ký phát séc.

3. Tổ chức cung ứng séc quy định điều kiện, thủ tục đối với việc bảo quản, sử dụng séc do mình cung ứng.

Điều 64. In, giao nhận và bảo quản séc trắng

1. Tổ chức cung ứng séc tổ chức việc in séc trắng để cung ứng cho người sử dụng.

2. Trước khi séc trắng được in và cung ứng để sử dụng, các tổ chức cung ứng séc phải đăng ký mẫu séc trắng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Việc in, giao nhận, bảo quản và sử dụng séc trắng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về in, giao nhận, bảo quản và sử dụng ấn chỉ có giá.

Mục III

CHUYỂN NHƯỢNG, NHỜ THU SÉC

Điều 65. Chuyển nhượng séc

Việc chuyển nhượng séc được áp dụng theo quy định về chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ tại Mục IV Chương II của Luật này, trừ trường hợp chuyển giao để nhờ thu séc cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại Điều 66 của Luật này.

Điều 66. Chuyển giao séc để nhờ thu séc

1. Người thụ hưởng séc có thể chuyển giao séc để nhờ thu thông qua việc ký chuyển nhượng và chuyển giao séc cho người thu hộ.

2. Người thu hộ chỉ có quyền thay mặt cho người chuyển giao để xuất trình séc, nhận số tiền ghi trên séc, chuyển giao séc cho người thu hộ khác nhờ thu séc; truy đòi số tiền ghi trên séc đối với người ký phát và người chuyển giao séc nếu người thu hộ đã thanh toán trước số tiền ghi trên séc cho người thụ hưởng và séc được nhờ thu bị người bị ký phát từ chối thanh toán.

Mục IV

BẢO ĐẢM THANH TOÁN SÉC

Điều 67. Bảo chi séc

1. Trường hợp séc có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 58 của Luật này và người ký phát có đủ tiền để thanh toán séc khi yêu cầu bảo chi séc thì người bị ký phát có nghĩa vụ bảo chi séc bằng cách ghi cụm từ ”bảo chi” và ký tên trên séc.

2. Người bị ký phát có nghĩa vụ giữ lại số tiền đủ để thanh toán cho séc đã bảo chi khi séc đó được xuất trình trong thời hạn xuất trình.

Điều 68. Bảo lãnh séc

Việc bảo lãnh séc được thực hiện theo các quy định về bảo lãnh hối phiếu đòi nợ quy định từ Điều 24 đến Điều 26 của Luật này.

Mục V

XUẤT TRÌNH VÀ THANH TOÁN SÉC

Điều 69. Thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc và địa điểm xuất trình

1. Thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc là ba mươi ngày, kể từ ngày ký phát.

2. Người thụ hưởng được xuất trình yêu cầu thanh toán séc muộn hơn, nếu việc chậm xuất trình do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra. Thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán.

3. Trong thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán, séc phải được xuất trình để thanh toán tại địa điểm thanh toán quy định tại điểm đ khoản 1 và khoản 2 Điều 58 của Luật này hoặc tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc nếu được thanh toán qua Trung tâm này.

4. Việc xuất trình séc để thanh toán được coi là hợp lệ khi séc được người thụ hưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người thụ hưởng xuất trình tại địa điểm thanh toán quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Người thụ hưởng có thể xuất trình séc để thanh toán theo hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Việc xác định thời điểm xuất trình séc để thanh toán được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi.

Điều 70. Xuất trình séc tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc

Ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác xuất trình yêu cầu thanh toán séc tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc theo quy định của Trung tâm này.

Điều 71. Thực hiện thanh toán

1. Khi séc được xuất trình để thanh toán theo thời hạn và địa điểm xuất trình quy định tại Điều 69 của Luật này thì người bị ký phát có trách nhiệm thanh toán trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo nếu người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán.

2. Người bị ký phát không tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này phải bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng, tối đa bằng tiền lãi của số tiền ghi trên séc tính từ ngày séc được xuất trình để thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm trả séc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng tại thời điểm xuất trình séc

3. Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán trước ngày ghi là ngày ký phát trên séc thì việc thanh toán chỉ được thực hiện kể từ ngày ký phát ghi trên séc.

4. Séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá sáu tháng kể từ ngày ký phát thì người bị ký phát vẫn có thể thanh toán nếu người bị ký phát không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với séc đó và người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán.

5. Trường hợp khoản tiền mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc không đủ để thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên séc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu người thụ hưởng yêu cầu được thanh toán một phần số tiền ghi trên séc thì người bị ký phát có nghĩa vụ thanh toán theo yêu cầu của người thụ hưởng trong phạm vi khoản tiền mà người ký phát hiện có và được sử dụng để thanh toán séc.

6. Khi thanh toán một phần số tiền ghi trên séc, người bị ký phát phải ghi rõ số tiền đã được thanh toán trên séc và trả lại séc cho người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền. Người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền phải lập văn bản biên nhận về việc thanh toán đó và giao cho người bị ký phát.

7. Văn bản biên nhận trong trường hợp này được coi là văn bản chứng minh việc người bị ký phát đã thanh toán một phần số tiền ghi trên séc.

8. Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán sau khi người ký phát bị tuyên bố phá sản, giải thể, chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì séc vẫn có hiệu lực thanh toán theo quy định tại Điều này.

9. Việc thanh toán séc theo quy định tại khoản 4 Điều này chấm dứt sau sáu tháng, kể từ ngày ký phát ghi trên séc.

Điều 72. Thanh toán séc đã được chuyển nhượng

Khi thanh toán séc đã được chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng, người bị ký phát phải kiểm tra để bảo đảm tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng.

Điều 73. Đình chỉ thanh toán séc

1. Người ký phát có quyền yêu cầu đình chỉ thanh toán séc mà mình đã ký phát bằng việc thông báo bằng văn bản cho người bị ký phát yêu cầu đình chỉ thanh toán séc khi séc này được xuất trình yêu cầu thanh toán. Thông báo đình chỉ thanh toán chỉ có hiệu lực sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật này.

2. Người ký phát có nghĩa vụ thanh toán số tiền ghi trên séc sau khi séc bị người bị ký phát từ chối thanh toán theo thông báo đình chỉ thanh toán của mình.

Điều 74. Từ chối thanh toán séc

1. Séc được coi là bị từ chối thanh toán nếu sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 71 của Luật này, người thụ hưởng chưa nhận được đủ số tiền ghi trên séc.

2. Khi từ chối thanh toán séc, người bị ký phát, Trung tâm thanh toán bù trừ séc phải lập giấy xác nhận từ chối thanh toán, ghi rõ số séc, số tiền từ chối, lý do từ chối, ngày tháng xuất trình, tên, địa chỉ của người ký phát séc, ký tên và giao cho người xuất trình séc.

Điều 75. Truy đòi séc do không được thanh toán

Việc truy đòi séc do không được thanh toán được áp dụng tương tự theo các quy định từ Điều 48 đến Điều 52 của Luật này.

Chương V

KHỞI KIỆN, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 76. Khởi kiện của người thụ hưởng

1. Sau khi gửi thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên công cụ chuyển nhượng, người thụ hưởng có quyền khởi kiện tại Toà án đối với một, một số hoặc tất cả những người có liên quan để yêu cầu thanh toán số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này. Hồ sơ khởi kiện phải có đơn kiện, công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán, thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.

2. Người thụ hưởng không xuất trình công cụ chuyển nhượng để thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 43 và Điều 69 của Luật này hoặc không gửi thông báo về việc bị từ chối chấp nhận hoặc từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 50 của Luật này thì mất quyền khởi kiện đối với những người có liên quan, trừ người phát hành, người chấp nhận hoặc người ký phát, người bảo lãnh cho người bị ký phát trong trường hợp hối phiếu đòi nợ chưa được chấp nhận.

Điều 77. Khởi kiện của người có liên quan

Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại Điều 76 của Luật này được quyền khởi kiện người chuyển nhượng trước mình, người chấp nhận, người phát hành, người ký phát hoặc người bảo lãnh cho những người này về số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này, kể từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán công cụ chuyển nhượng.

Điều 78. Thời hiệu khởi kiện

1. Người thụ hưởng có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người bảo lãnh, người chuyển nhượng, người chấp nhận yêu cầu thanh toán số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán.

2. Người có liên quan bị khởi kiện theo quy định tại Điều 76 của Luật này có quyền khởi kiện người ký phát, người phát hành, người chuyển nhượng trước mình, người bảo lãnh, người chấp nhận về số tiền quy định tại Điều 52 của Luật này trong thời hạn hai năm, kể từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán công cụ chuyển nhượng.

3. Trường hợp người thụ hưởng không xuất trình công cụ chuyển nhượng để thanh toán đúng hạn theo quy định tại Điều 43 và Điều 69 của Luật này hoặc không gửi thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị từ chối chấp nhận hoặc bị từ chối thanh toán trong thời hạn quy định tại Điều 50 của Luật này thì chỉ có quyền khởi kiện người chấp nhận, người phát hành, người ký phát, người bảo lãnh cho người bị ký phát trong thời hạn hai năm, kể từ ngày ký phát công cụ chuyển nhượng.

4. Trong thời hiệu khởi kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, nếu xẩy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền khởi kiện của người thụ hưởng và người có liên quan thì thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Điều 79. Giải quyết tranh chấp

1. Tranh chấp về công cụ chuyển nhượng có thể được giải quyết tại Toà án hoặc Trọng tài thương mại.

2. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về công cụ chuyển nhượng. Toà án nhân dân giải quyết tranh chấp về công cụ chuyển nhượng một cách độc lập với các giao dịch cơ sở phát hành công cụ chuyển nhượng và chỉ dựa trên hồ sơ khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này. Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp về công cụ chuyển nhượng tại Toà án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

3. Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về công cụ chuyển nhượng, nếu trước hoặc sau khi xẩy ra tranh chấp các bên có thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Thoả thuận trọng tài và trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài.

Điều 80. Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công cụ chuyển nhượng

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công cụ chuyển nhượng trong các giao dịch công cụ chuyển nhượng có liên quan đến hoạt động ngân hàng.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trực tiếp hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công cụ chuyển nhượng trong phạm vi quản lý của mình.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc phối hợp thanh tra theo Điều này.

[NM_lightbox type=”inline” src=”#chuthich2″]Điều 81. Xử lý vi phạm[/NM_lightbox]

1. Cá nhân vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 82. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2006.

2. Pháp lệnh thương phiếu ngày 24 tháng 12 năm 1999 và các văn bản quy phạm pháp luật khác về thương phiếu và séc hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 83. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Văn An

LUẬT CÁC CÔNG CỤ CHUYỂN NHƯỢNG 2005
Số, ký hiệu văn bản 49/2005/QH11 Ngày hiệu lực 01/07/2006
Loại văn bản Luật Ngày đăng công báo 25/01/2006
Lĩnh vực Tài chính ngân hàng
Ngày ban hành 29/11/2005
Cơ quan ban hành Quốc hội
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản

NATIONAL ASSEMBLY
———-

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence – Freedom – Happiness
———-

No. 49/2005/QH11

Hanoi, November 29,2005

 

LAW

ON NEGOTIABLE INSTRUMENTS

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam as amended by the Resolution 51/2001/QH10 passed by Legislature X of the National Assembly at its 10th Session on 25 December 2001;
This Law regulates negotiable instruments.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Governing scope

This Ordinance regulates negotiable instrument relationships with respect to issuance, acceptance, guarantee, endorsement, pledge, collection, payment, recourse, and initiation of legal action. Negotiable instruments stipulated in this Law include bills of exchange, promissory notes, cheques and other negotiable instruments, excluding long-term negotiable instruments issued by organizations aimed at raising capital on the market.

Article 2. Applicability

The Law shall be applicable to Vietnamese organizations and individuals and foreign organizations and individuals involved in negotiable instrument relationships in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 3. Grounds for issue of negotiable instruments

1. Drawers and issuers may issue negotiable instruments on the basis of a transaction of purchase or sale of goods, provision of services or lending between organizations and individuals; a lending transaction between a credit institution and an organization or individual; a transaction of payment and a transaction of donation in accordance with law.

2. The negotiable instrument relationships stipulated in this Law are independent and are not dependent on a transaction which is the basis for issuance of a negotiable instrument stipulated in clause 1 of this article.

Article 4. Interpretation of terms

In this Law, the following terms shall be construed as follows:

1. Negotiable instrument means a valuable paper recording an order or undertaking to pay unconditionally a specific sum within a fixed time.

2. Bill of exchange means a valuable paper created by a drawer, requesting the drawee to pay unconditionally a specific sum upon demand or upon a fixed time in the future to the beneficiary.

3. Promissory note means a valuable paper created by an issuer, undertaking to pay unconditionally a specific sum upon demand or upon a fixed time in the future to the beneficiary.

4. Cheque means a valuable paper created by a drawer, ordering the payer being a bank or an organization providing payment services, which is licensed by the State Bank of Vietnam, to pay a fixed sum from its account to the beneficiary.

5. Drawer means the person creating and signing to issue a bill of exchange or cheque.

6. Drawee means the person liable to pay the sum stated in a bill of exchange to the order

of the drawer.

7. Acceptor means the drawee upon its signing for acceptance of a bill of exchange.

8. Beneficiary means the owner of a negotiable instrument in the capacity of one of the following persons:

(a) Any person being paid the sum stated in the negotiable instrument under the instruction of the drawer or issuer;

(b) Any person to whom the negotiable instrument is endorsed [prior to its maturity for payment] in the forms of endorsement specified in this Law;

(c) Any person as the bearer of the negotiable instrument recording the payment to be made to the bearer.

9. Issuer means the person creating and signing to issue a promissory note.

10. Related person means a person involved in a negotiable instrument relationship by way of signing the negotiable instrument in the capacity of a drawer, issuer, acceptor, endorser or guarantor.

11. Collector means a bank or organization providing payment services which is licensed by the State Bank of Vietnam to provide services of accepting negotiable instruments.

12. Issuance means the initial creation, signing and handing-over of a negotiable instrument by the drawer or the issuer to the beneficiary.

13. Endorsement means the transfer by the beneficiary of a negotiable instrument to the endorsee in the forms of endorsement specified in this Law.

14. Discount of a negotiable instrument means the purchase of the negotiable instrument by a credit institution from the beneficiary prior to its maturity for payment.

15. Re-discount of a negotiable instrument means the purchase of the negotiable instrument, which has already been discounted by another credit institution, by the State Bank of Vietnam or by a credit institution prior to its maturity for payment.

16. Acceptance means the undertaking of the drawee to pay a part or all of the sum stated in the bill of exchange upon maturity by signing acceptance on the bill of exchange in accordance with the provisions of this Law.

17. Cheque Clearing Centre means the State Bank of Vietnam or another organization which is licensed by the State Bank of Vietnam to organize and preside over the exchange and clearance of cheques and finalization of financial obligations arising from cheque clearing to members being banks or organizations providing payment services which are licensed by the State Bank of Vietnam.

18. Signature means the signature on a negotiable instrument directly made by hand by the person having rights and obligations with respect to the negotiable instrument or by a person who is authorized in accordance with law. The signature of the representative of an organization on a negotiable instrument must be enclosed with a seal.

19. Negotiable instrument relationship means the relationship between organizations and individuals with respect to issuance, acceptance, guarantee, endorsement, pledge, collection, payment, recourse, and initiation of legal action in relation to the negotiable instruments.

Article 5. Application of the Law on Negotiable Instruments and relevant laws

1. Parties to negotiable instrument relationships must comply with this Law and relevant laws.

2. The Government shall, on the basis of the principles of this Law, specify the application of this Law to other negotiable instruments.

Article 6 Application of international treaties and international commercial practices with respect to negotiable instrument relationships involving foreign elements

1. Where an international treaty of which the Socialist Republic of Vietnam is a member contains provisions which are different from the provisions in this Law, the provisions of such international treaty shall prevail.

2. In the case of negotiable instrument relationships involving foreign elements, the parties to the negotiable instrument relationship may agree to apply international commercial practices, including the International Chamber of Commerce’s Rules on uniform practice for documentary credits and the Uniform Rules on collection, and other relevant international commercial practices in accordance with regulations of the Government.

3. Where a negotiable instrument is issued in Vietnam but is accepted, guaranteed, endorsed, pledged, collected, paid or subject to recourse or legal action in another country, such negotiable instrument must be issued in accordance with the provisions of this Law.

4. Where a negotiable instrument is issued in another country but is accepted, guaranteed, endorsed, pledged, collected, paid, or subject to recourse or legal action in Vietnam, the acceptance, guarantee, endorsement, pledge, collection, payment, recourse or initiation of a legal action shall be subject to the provisions of this Law.

Article 7. Periods related to negotiable instruments

1. The time limit for paying [a negotiable instrument], sending a recourse notice or initiating legal action where there is a dispute in relation to the negotiable instrument relationship, shall include both public holidays and weekends. If the last day of the period falls on a public holiday or weekend, then it shall be the working day following such public holiday or weekend.

2. The specific period for payment of each negotiable instrument shall be determined and recorded by the drawer or the issuer on the negotiable instrument in accordance with this Law.

3. The time limit for sending a recourse notice or initiating legal action when a negotiable instrument is dishonoured by non-acceptance or by non-payment shall be subject to the provisions of articles 50 and 78 of this Law.

Article 8. Payment sum in negotiable instruments

The payment sum in a negotiable instrument must be written in figures and in words.

Article 9. Negotiable instruments in which the payment sum is written in a foreign currency

1. The payment sum in a negotiable instrument may be written in a foreign currency in accordance with the provisions of the law on foreign exchange control.

2. Negotiable instruments in which the payment sum is written in a foreign currency in accordance with the provision of clause 1 of this article may be paid in foreign currency when the last beneficiary is permitted to receive foreign currency in accordance with the provisions of the law on foreign exchange control.

3. With respect to negotiable instruments in which the payment sum is written in a foreign currency but the last beneficiary is not permitted to receive foreign currency in accordance with the provisions of the law on foreign exchange control, the sum in the negotiable instrument shall be paid in Vietnamese Dong at the exchange rate published by the State Bank of Vietnam on the date of payment or at the rate for foreign currency trading published by the paying bank on the date of payment in the case where the bank makes the payment.

Article 10. Language in negotiable instruments

Negotiable instruments must be created in the Vietnamese language, except for negotiable instrument relationships involving foreign elements in which case the negotiable instruments may be created in a foreign language as agreed by the parties.

Article 11. Signatures constituting sufficiently binding obligations

1. A negotiable instrument must contain the signature of the drawer or of the issuer.

2. A related person shall only be bound by a negotiable instrument when the negotiable instrument or an additional sheet attached thereto contains the signature of such related person or of his or her proxy in the capacity of a drawer, issuer, acceptor, endorser or guarantor.

Article 12. Forged signatures and signatures of unauthorized persons

When a negotiable instrument contains a forged signature or the signature of an authorized person, such signature shall not be valid; the signatures of other related persons on the negotiable instrument shall remain valid.

Article 13. Loss of negotiable instruments

1. Where a negotiable instrument is lost, the beneficiary must immediately notify in writing the drawee, the drawer or the issuer. The beneficiary must notify clearly the circumstances in which the negotiable instrument was lost and shall be responsible before the law for the truthfulness of such notice. The beneficiary may notify the loss of the negotiable instrument by telephone and other direct methods if so agreed by the parties.

Where the person who is not the beneficiary loses a negotiable instrument, he or she must immediately notify the beneficiary.

2. Where a negotiable instrument is lost prior to its maturity for payment, the beneficiary shall be entitled to request the drawer or issuer to re-issue a substitute negotiable instrument with the same contents as the lost negotiable instrument after the beneficiary has notified the loss of the negotiable instrument and made a written undertaking to make payment on behalf of the drawee or issuer if the negotiable instrument which has been notified as lost is presented by a lawful beneficiary for payment.

3. Upon receipt of notice of loss of a negotiable instrument in accordance with clause 1 of this article, the issuer and the drawee shall not be allowed to pay such negotiable instrument. The check and control of negotiable instruments which have been notified as lost shall be subject to regulations of the State Bank of Vietnam.

4. Where a lost negotiable instrument is misused for payment before the drawee or the issuer receives notice of loss of the negotiable instrument, the drawee or issuer shall be relieved from his or her responsibility if he or she has conducted properly the check and control and paid the negotiable instrument in accordance with the provisions of this Law.

5. The drawee or issuer shall be obliged to compensate the beneficiary for damage and loss if the drawee or issuer paid the negotiable instrument after receipt of notice of loss of the negotiable instrument.

Article 14. Damaged negotiable instruments

1. When a negotiable instrument is damaged, the beneficiary shall be entitled to request the drawer or issuer to re-issue a substitute negotiable instrument with the same contents.

2. The drawer or issuer shall be obliged to re-issue a negotiable instrument after receipt of the damaged negotiable instrument if such negotiable instrument has not fallen due and contains all information or there is evidence to prove that the bearer of the damaged negotiable instrument is the lawful beneficiary of the negotiable instrument.

Article 15. Acts which are prohibited

1. Forging a negotiable instrument, amending or erasing items on a negotiable instrument.

2. Deliberately assigning or accepting assignment [of a negotiable instrument], or presenting for payment a negotiable instrument which was forged, amended or the items of which were erased.

3. Signing a negotiable instrument without authorization or forging the signature on a negotiable instrument.

4. Deliberately assigning a negotiable instrument when aware that the period for payment of such negotiable instrument has expired or such negotiable instrument was dishonoured by non-acceptance or by non-payment or has been notified as lost.

5. Deliberately drawing a negotiable instrument without the ability to pay it.

6. Deliberately drawing a cheque after the right to draw cheques has been stopped.

Chapter II

BILLS OF EXCHANGE

Section 1. ISSUANCE OF BILLS OF EXCHANGE

Article 16. Contents of bills of exchange

1. A bill of exchange must include the following contents:

(a) The words “Bill of Exchange” written on the front of the bill of exchange;

(b) An order for unconditional payment of a fixed sum of money;

(c) The period for payment;

(d) The place for payment;

(dd) The name of the drawee being an organization or the full name of the drawee being an individual, and the address of the drawee;

(e) The name of the beneficiary being an organization or the full name of the beneficiary being an individual who is designated by the drawer or in favour of whom [the drawer] has made the request for payment of the bill of exchange to the order of the beneficiary or the request for payment of the bill of exchange to the bearer1 .

(g) The place and date of signing and issuance;

(h) The name of the drawer being an organization or the full name of the drawer being an individual, and the address of the drawer.

2. A bill of exchange which omits any one of the contents stipulated in clause 1 of this article shall be invalid, except for the following cases:

(a) Where the period for payment is not recorded on the bill of exchange, the bill of exchange shall be paid immediately upon presentation;

(b) Where the place for payment is not recorded on the bill of exchange, the bill of exchange shall be paid at the address of the drawee;

(c) Where the place of signing and issuance is not specified on the bill of exchange, the bill of exchange shall be deemed to have been drawn at the address of the drawer.

3. When the sum of money written in figures on a bill of exchange is different from the sum

of money written in words, the sum of money written in words shall be valid for payment. Where the sum of money is written twice or more in words or in figures on a bill of exchange and they are different, the smallest sum of money written in words shall be valid for payment.

4. Where a bill of exchange does not have sufficient space for writing, it may have an additional sheet attached. The sheet shall be used for recording details of guarantee, endorsement, pledge or collection. The person who is the first to prepare an additional sheet must attach it to the bill of exchange and sign across the edges of the additional sheet and the bill of exchange.

Article 17. Obligations of drawers

1. The drawer shall be obliged to pay the sum in the bill of exchange to the beneficiary when the bill of exchange is dishonoured by non-acceptance or by non-payment.

2. Where the endorser or the guarantor has made payment of the bill of exchange to the beneficiary after the bill of exchange was dishonoured by non-acceptance or by non- payment, the drawer shall be obliged to pay the sum stated on such bill of exchange to the endorser or the guarantor.

Section II. ACCEPTANCE OF BILLS OF EXCHANGE

Article 18. Presentation of bills of exchange to request acceptance

1. The beneficiary must present a bill of exchange to request acceptance in the following cases:

(a) The drawer has written on the bill of exchange this bill of exchange must be presented to request acceptance;

(b) A bill of exchange on which a period for payment is written in accordance with article 42.1(b) of this Law must be presented to request acceptance within one year from the date of signing and issuance.

2. The presentation of a bill of exchange to request acceptance shall be deemed to be valid when the beneficiary or his/her lawful representative presents the bill of exchange at the right place for payment and during working hours of the drawee and prior to expiry of the date of maturity.

3. Bills of exchange may be presented to request acceptance in the form of registered mail via the public postal network. In this case, the date of presentation of a bill of exchange for acceptance shall be the date recorded on the postmark affixed by the sending post office.

Article 19. Period for acceptance

The drawee shall accept or refuse to accept a bill of exchange within two working days from the date on which the bill of exchange is presented. Where a bill of exchange is presented in the form of registered mail via the public postal network, this period shall commence from the date on which the drawee signs [a record] for certification of receipt of the bill of exchange.

Article 20. Breach of the obligation to present bills of exchange in order to request acceptance

When the beneficiary fails to present a bill of exchange in accordance with article 18.1 of this Law, the drawer, the endorser and the guarantor of such persons, except for the guarantor of the drawee, shall not be obliged to pay such bill of exchange.

Article 21. Form and contents of acceptance

1. The drawee shall carry out the acceptance of a bill of exchange by writing on the front of the bill of exchange the word “accepted”, the date of acceptance and his/her signature.

2. Where only a part of the sum written on the bill of exchange is accepted, the drawee must specify the sum accepted.

Article 22. Obligations of acceptors

Upon acceptance of a bill of exchange, the acceptor shall be obliged to pay unconditionally the bill of exchange in accordance with the contents as accepted to the beneficiary or person who has paid the bill of exchange in accordance with this Law.

Article 23. Refusal to accept

1. A bill of exchange shall be deemed to have been dishonoured by non-acceptance if it is not accepted by the drawee within the period specified in article 19 of this Law.

2. When a bill of exchange is dishonoured by non-acceptance in part or in full, the beneficiary shall be entitled to have immediate recourse to the previous endorser, the drawer or the guarantor in accordance with article 48 of this Law.

Section III. GUARANTEES OF BILLS OF EXCHANGE

Article 24. Guarantees of bills of exchange

The guarantee of a bill of exchange is an undertaking by a third party (hereinafter referred to as the guarantor) to the recipient of the guarantee to pay all or a part of the sum stated in the bill of exchange in the event that, upon maturity for payment, the principal does not pay or does not pay in full.

Article 25. Forms of guarantee

1. The guarantor shall carry out the guarantee of a bill of exchange by way of writing the word “Guarantee”, the sum guaranteed, the name, address and signature of the guarantor and the name of the principal of the guarantee on the bill of exchange or an additional sheet attached to the bill of exchange.

2. Where the name of the principal is not specified in the guarantee, the guarantee shall be deemed to be a guarantee of the drawer.

Article 26. Rights and obligations of guarantors

1. The guarantor shall be obliged to pay the bill of exchange up to the amount of its guarantee undertaking in the event that the principal of the guarantee does not carry out, or does not carry out in full, its obligation to pay when the bill of exchange matures for payment.

2. The guarantor may only cancel his or her guarantee in the case where the bill of exchange does not contain all of the compulsory items specified in article 16 of this Law.

3. Upon discharge of the guaranteed obligation, the guarantor shall be entitled to take over the rights of the principal with respect to related persons, to realize the security property of the principal and request the principal, the drawer and the acceptor to carry out jointly the obligation to pay the sum guaranteed.

4. The guarantee of bills of exchange by credit institutions shall be carried out in accordance with this Law and other provisions of the law relating to bank guarantees.

Section IV. TRANSFER OF BILLS OF EXCHANGE

Article 27. Forms of transfer of bills of exchange

The beneficiary may transfer a bill of exchange in one of the following forms:

1. Endorsement;

2. Delivery.

Article 28. Non-transferable bills of exchange

A bill of exchange shall not be endorsed if the term “Non-transferable”, “Transfer prohibited”, “Not Payable by Order” or other term with a similar meaning is written on the bill of exchange.

Article 29. Principles of transfer

1. The transfer of a bill of exchange means the transfer of the total sum stated in the bill of exchange. The transfer of a part of the sum stated in the bill of exchange shall be invalid.

2. The transfer of a bill of exchange to two or more persons shall be invalid.

3. The transfer of a bill of exchange by endorsement must be unconditional. The endorser shall not be allowed to write any conditions on the bill of exchange other than those provided in article 31 of this Law. All conditions accompanying the endorsement shall be invalid.

4. The transfer of a bill of exchange means the transfer of all rights arising from such bill of exchange.

5. A bill of exchange the period for payment of which has expired or which has been dishonoured by non-acceptance or by non-payment may not be endorsed.

6. The beneficiary may endorse a bill of exchange to the acceptor, drawer or endorser.

Article 30. Transfer by endorsement

1. Transfer by endorsement means that the beneficiary transfers his or her ownership of a bill of exchange to an endorsee by signing on the back of the bill of exchange and delivering it to the endorsee.

2. Transfer by endorsement shall apply to all bills of exchange except for the non- transferable bills of exchange stipulated in article 28 of this Law.

Article 31. Forms and contents of endorsement

1. A transfer by endorsement must be written and signed by the beneficiary on the back of the bill of exchange.

2. The endorser may endorse a bill of exchange in one of the two following forms:

(a) Endorsement in blank;

(b) Endorsement in full.

3. Upon transfer by endorsement in blank, the endorser shall sign on the back of the bill of exchange and deliver it to the endorsee. Endorsement to a bearer is an endorsement in blank.

4. Upon transfer by endorsement in full, the endorser shall sign on the back of the bill of exchange and must record in full the name of the endorsee and the date of endorsement.

Article 32. Rights and obligations of endorsers

1. The endorser shall be obliged to ensure that the endorsed bill of exchange will be accepted and paid, except for the case specified in clause 2 of this article. When such bill of exchange is dishonoured by non-acceptance or by non-payment in part or in full, the endorser shall be obliged to pay the refused sum of the bill of exchange endorsed.

2. The endorser may disallow subsequent endorsement of the bill of exchange by writing the term “non-negotiable”, “transfer prohibited” or other term with a similar meaning in the section of endorsement of the bill of exchange; and if the bill of exchange is subsequently endorsed, the subsequent endorser shall not be obliged to make payment to any later endorsee.

Article 33. Transfer by delivery

1. Transfer by delivery means that the beneficiary transfers his or her ownership of a bill of exchange to the endorsee by delivering it to the latter.

2. Transfer by delivery shall apply to the following bills of exchange:

(a) Bills of exchange drawn for payment to the bearer;

(b) Bills of exchange endorsed once by endorsement in blank;

(c) Bills of exchange endorsed last by endorsement in blank.

Article 34. Rights of persons to whom bills of exchange are transferred by delivery or by endorsement in blank

A person to whom a bill of exchange is transferred by delivery or endorsement in blank shall have the following rights:

1. To fill in the blank section his/her name or the name of another person;

2. To carry out a subsequent endorsement in blank by signing the bill of exchange;

3. To carry out a subsequent transfer of the bill of exchange by delivery to another person;

4. To carry out an endorsement in full of the bill of exchange.

Article 35. Discount and re-discount of bills of exchange

Bills of exchange may be discounted or rediscounted at the State Bank of Vietnam or credit institutions in accordance with the regulations of the State Bank of Vietnam.

Section V. DELIVERY FOR PLEDGE AND DELIVERY FOR COLLECTION OF BILLS OF EXCHANGE

Article 36. Right to pledge bills of exchange

The beneficiary may pledge a bill of exchange in accordance with the provisions in this Section and other relevant laws.

Article 37. Delivery of bills of exchange for pledge

The pledgor of a bill of exchange must transfer the bill of exchange to the pledgee. The agreement on pledge of a bill of exchange must be made in writing.

Article 38. Dealing with pledged bills of exchange

When the pledgor has performed the obligation secured by the pledge of a bill of exchange, the pledgee must return the bill of exchange to the pledgor. Where the pledgor fails to perform in full and on time the obligation secured by the pledge of the bill of exchange, the pledgee shall become a beneficiary of the bill of exchange and shall be entitled to the payment under the obligation secured by the pledge.

Article 39. Collection by collectors

1. The beneficiary may deliver a bill of exchange to a collector for collection of the sum stated in the bill of exchange by way of delivering it together with a written authorization for collection to the collector in accordance with the provisions of this Law.

2. The collector shall not be allowed to exercise the rights of the beneficiary with respect to the bill of exchange other than the right to present the bill of exchange for payment, the right to receive the sum stated in the bill of exchange and the right to deliver the bill of exchange to another collector for collection.

3. The collector must present the bill of exchange to the drawee for payment in accordance with the provisions of article 43 of this Law. Where the bill of exchange is not paid because the collector fails to present it or fails to present it on time for payment, the collector shall be obliged to compensate the beneficiary for loss and damage up to the sum stated in the bill of exchange.

4. The State Bank of Vietnam shall provide specific procedures for collection of bills of exchange by collectors.

Section VI. PAYMENT OF BILLS OF EXCHANGE

Article 40. Beneficiary

The beneficiary of a bill of exchange shall be deemed to be the legal beneficiary when all of the following conditions are satisfied:

1. [The beneficiary] holds the bill of exchange, the period for payment of which has not expired, and is not aware of any notice of refusal of acceptance or of payment of it.

2. The ownership rights with respect to the bill of exchange are created lawfully. Where the beneficiary receives the bill of exchange by an endorsement, the series of endorsing signatures must be continuous and uninterrupted.

3. There is no notice of the fact that the previous endorsers of the bill of exchange held the bill of exchange by fraud, duress or coercion or by other illegal ways.

Article 41. Rights of a beneficiary

1. The payee holding a bill of exchange in accordance with article 40 of this Law shall have the following rights:

(a) To present the bill of exchange for acceptance or for payment when the bill of exchange matures;

(b) To request payment by related persons upon maturity;

(c) To endorse the bill of exchange in accordance with this Law;

(d) To deliver the bill of exchange for pledge or for collection;

(dd) To have recourse or initiate legal action in relation to the bill of exchange.

2. The rights of the beneficiary holding a bill of exchange specified in article 40 of this Law shall still be secured even through the related persons previously held illegally the bill of exchange.

Article 42. Period for payment

1. The period for payment of a bill of exchange shall be recorded in accordance with one of the following periods:

(a) The date of presentation;

(b) Within a certain period from the date of acceptance of the bill of exchange;

(c) Within a certain period from the date of issuance of the bill of exchange;

(d) Upon a specific fixed date.

2. A bill of exchange which states more than one payment period or states a payment period other than those stipulated in clause 1 of this article shall be invalid.

Article 43. Presentation of bills of exchange for payment

1. The beneficiary shall have the right to present a bill of exchange at the place for payment in order to request the drawee to make payment upon the date of maturity for payment or within five working days thereafter.

2. A beneficiary may present a bill of exchange for payment later than the period provided for in the bill of exchange if such delay of presentation is caused by an event of force majeure or an objective impediment. The time period of such event of force majeure or objective impediment shall not be included in the period for payment.

3. A bill of exchange which states the period for payment being “upon presentation” shall be presented for payment within a period of ninety (90) days from the date of drawing and issuance.

4. The presentation of a bill of exchange for payment shall be deemed to be valid when all of the following conditions are satisfied:

(a) [The bill of exchange] is presented by the beneficiary or his/her legal representative;

(b) The bill of exchange has matured;

(c) [The bill of exchange] is presented at the place for payment as stipulated in clause 1(d) and clause 2(b) of article 16 of this Law.

5. The beneficiary may present a bill of exchange for payment by registered mail via the public postal network. The date of presentation of the bill of exchange for payment shall be determined on the basis of the date recorded on the postmark affixed by the sending post office.

Article 44. Payment of bills of exchange

1. The drawee must pay, or refuse to pay, a bill of exchange to the beneficiary within three working days from the date of receipt of the bill of exchange. Where a bill of exchange is presented by registered mail via the public postal network, such period shall commence from the date on which the drawee signs [a record] for certification of the receipt of the bill of exchange.

2. When a bill of exchange has been paid out in full, the beneficiary must delivery the bill of exchange together with any additional sheets attached to the payer.

Article 45. Refusal to pay

1. A bill of exchange shall be deemed to be dishonoured by non-payment if the payee is not paid in full the sum stated in the bill of exchange within the period specified in article 44.1 of this Law.

2. When a bill of exchange is dishonoured by non-payment in part or in full for the sum stated in the bill of exchange, the beneficiary may immediately have recourse to the preceding endorser, the drawer or the guarantor for the unpaid amount in accordance with the provisions of article 48 of this Law.

Article 46. Payment in full of bills of exchange

A bill of exchange shall be deemed to have been paid out in full in the following circumstances:

1. The drawer, drawee or acceptor has paid in full the sum stated in the bill of exchange to the beneficiary.

2. The acceptor becomes the beneficiary of the bill of exchange upon the date of maturity or after that date.

3. The beneficiary cancels the bill of exchange or waives his or her rights with respect to the bill of exchange when such cancellation or waiver is specified on the bill of exchange by the term “cancelled” or “waived” or other term with a similar meaning, the date of cancellation or waiver and the signature of the beneficiary.

Article 47. Early payment

A drawee which makes payment of a bill of exchange prior to maturity at the request of the beneficiary shall bear any loss and damage and loss arising from early payment.

Section VII. RECOURSE DUE TO NON-ACCEPTANCE OR NON-PAYMENT OF BILLS OF EXCHANGE

Article 48. Right to recourse

1. The payee shall have the right to recourse for the sum provided in article 52 of this Law against the following persons:

(a) The drawer, a guarantor or previous endorser, in cases of refusal to accept a bill of exchange in part or in full in accordance with this Law;

(b) The drawer, an endorser or a guarantor, where the bill of exchange is not paid upon maturity in accordance with its terms;

(c) The drawer, an endorser or a guarantor, where a drawee is declared bankrupt or is dissolved, dead or missing, irrespective of whether or not the bill of exchange has been accepted;

(d) An endorser or a guarantor, where the drawer is declared bankrupt or is dissolved, dead or missing prior to the maturity of the bill of exchange and the bill of exchange has not been accepted.

2. The endorser who has made payment to the beneficiary shall have the right to recourse against the drawer or previous endorser.

Article 49. Written notice on recourse

Where a bill of exchange is dishonoured by non-acceptance or by non-payment, the beneficiary must provide written notice of such dishonour to the drawer and the endorser or their guarantors.

Article 50. Period for notification

1. The beneficiary shall notify the drawer and the endorser or their guarantors of the fact that a bill of exchange is dishonoured by non-acceptance or by non-payment within four working days from the date of dishonour.

2. Within four working days from the date of receipt of the notice of such dishonour, each endorser must provide written notice of the dishonour of the bill of exchange to the previous endorser, including the name and address of the preceding person giving notice. Such notice must be provided up until the drawer receives notice that the bill of exchange has been dishonoured by non-acceptance or by non-payment.

3. If, during the period for notification stipulated in clauses 1 and 2 of this article, the notification is unable to be provided resulting from an event of force majeure or objective impediment, then the time period of such event of force majeure or objective impediment shall not be included in the period for notification.

Article 51. Responsibilities of related persons

1. The drawer and endorser shall be jointly responsible for paying the beneficiary the full sum stated in the bill of exchange.

2. The acceptor and guarantor shall be jointly responsible for paying the beneficiary the sum undertaken to accept or undertaken to guarantee.

Article 52. Sum of money to be paid out

The beneficiary shall have the right to request payment of all of the following items:

1. Any sum which has not been accepted or which has not been paid;

2. Costs of recourse and any other legitimate related costs;

3. Interest on any late payment as from the date on which the commercial paper matured for payment in accordance with the regulations of the State Bank of Vietnam.

Chapter III

PROMISSORY NOTES

Article 53. Contents of promissory notes

1. A promissory note must include the following contents:

(a) The words “Promissory Note” written on the front of the promissory note;

(b) An undertaking to make unconditional payment of a fixed sum of money;

(c) The period for payment;

(d) The place for payment;

(dd) The name of the beneficiary being an organization or the full name in the case of the beneficiary being an individual designated by the issuer or in whose favour [the issuer] has made the request for payment of the promissory note to the order of the beneficiary or the request for payment of the promissory note to the bearer2 .

(e) The place and date of signing and issuance;

(g) The name of the issuer being an organization or the full name in the case of the issuer being an individual, and the address and signature of the issuer.

2. A promissory note which omits any one of the contents stipulated in clause 1 of this article shall be invalid, except for the following cases:

(a) Where the place for payment is not recorded on the promissory note, the place for payment shall be the address of the issuer;

(b) Where the place of signing and issue is not recorded on the promissory note, the place of signing and issuance shall be the address of the issuer.

3. When the amount of money written in figures on a promissory note is different from the amount of money written in words, the amount of money written in words shall be valid for payment. Where the amount of money in a promissory note is written twice or more in words or in figures and they are different, the smallest amount of money written in words shall be valid for payment.

4. Where a promissory note does not have sufficient space for writing, it may have an additional sheet attached. The sheet shall be used for recording details of a guarantee, endorsement, pledge or collection. The person who is the first to prepare an additional sheet must attach it to the promissory note and sign across the edges of the additional sheet and the promissory note.

Article 54. Obligations of issuers

The issuer of a promissory note shall be obliged to pay the sum stated in the promissory note upon maturity to the beneficiary and shall have other obligations as an acceptor of a bill of exchange in accordance with this Law.

Article 55. Obligations of first endorsers of promissory notes

The first endorser of a promissory note shall have the obligations as the drawer of a bill of exchange specified in article 17 of this Law.

Article 56. Payment in full of promissory notes

A promissory note shall be deemed to have been paid out in full in the following circumstances:

1. When the issuer becomes the beneficiary of the promissory note upon the date of maturity or after that date.

2. The issuer has paid the beneficiary the full sum stated in the promissory note.

3. The beneficiary cancels the promissory note.

Article 57. Guarantee, endorsement, pledge, collection, payment and recourse of promissory notes

The provisions of articles 24 to 52 of this Law on guarantee, endorsement, pledge, collection, payment and recourse of bills of exchange shall also apply in a similar way to promissory notes.

Chapter IV

CHEQUES

Section I. CONTENTS OF CHEQUES AND DRAWING OF CHEQUES

Article 58. Contents of cheques

1. The following items shall appear on the front of a cheque:

(a) The word “Cheque” printed on the top of the cheque;

(b) A fixed amount of money;

(c) The name of a bank or of an organization providing payment services being the drawee;

(d) The name of the beneficiary being an organization or the full name in the case of the beneficiary being an individual who is designated by the drawer or in favour of whom [the drawer] has made the request for payment of the cheque to the order of the beneficiary or the request for payment of the cheque to the bearer3 .

(dd) The place for payment;

(e) The date of drawing;

(g) The name of the drawer being an organization or the full name in the case of the drawer being an individual, and the address and signature of the drawer.

2. A cheque which omits any one of the contents stipulated in clause 1 of this article shall be invalid, except that where the place for payment is not recorded in the cheque, the cheque shall be paid at the business place of the drawee.

3. Organizations supplying cheques may print other items in addition to those stipulated in clause 1 of this article provided that they do not give rise to additional legal obligations of the parties, such as number of the bank account which the drawer may use to draw the cheque, address of the drawer, address of the drawee and other items.

4. Any cheque paid via a cheque clearing centre must also contain other items in accordance with the regulations of the cheque clearing centre.

5. The back of a cheque shall be reserved for details regarding any endorsement.

6. The sum of money written in figures must be equal to those written in words on a cheque.

If the sum written in figures is different from the sum written in words, the cheque shall be invalid for payment.

Article 59. Dimensions and arrangement of position of items on cheques

1. Organizations supplying cheques shall design and implement dimensions of cheques and shall arrange the position of items on cheques, except for the case specified in clause 2 of this article.

2. A cheque clearing centre shall stipulate dimensions of cheques, items and the arrangement of position of items on cheques which are paid via the cheque clearing centre.

Article 60. Drawing cheques

1. Cheques may be drawn to issue an order to a drawee to pay money:

(a) To a defined person without permission to endorse the cheque, by writing clearly the name of the beneficiary on the cheque accompanied by the words “Not transferable” or “Do not pay to the order of”;

(b) To a defined person with permission to endorse the cheque, by writing clearly the name of the beneficiary on the cheque without the words not permitting endorsement specified in paragraph (a) of this clause;

(c) To the holder of the cheque, by writing the words “Pay bearer” or by not writing the name of the beneficiary.

2. Cheques may be drawn to issue an order to the drawee to pay money to the drawer itself.

3. A cheque may not be drawn to issue an order to the drawer itself to pay the cheque, unless it is drawn to pay money from one entity to another entity where both entities belong to the drawer.

4. The drawer of a cheque shall be an organization or individual having an account at banks or organizations providing payment services licensed by the State Bank of Vietnam.

Article 61. Cheques to pay money into an account and cheques to pay cash

1. The drawer of a cheque or the endorser of a cheque may refuse permission for the cheque to be cashed by writing on the face of the cheque the words “Pay into account”.

In this case, the drawee may only remit the sum specified in such cheque into an account of the beneficiary and shall not be permitted to pay cash even if the words “Pay into account” have been crossed out.

2. The beneficiary may be paid by the drawee in cash where a cheque does not record the words “Pay into account”.

Article 62. Crossed non-bearer cheques and crossed bearer cheques

1. The drawer or endorser of a cheque may permit the cheque to be paid only to a bank or a beneficiary having an account at a bank by putting two parallel diagonal lines on the cheque.

2. The drawer or endorser of a cheque may permit the check to be paid only to a specific bank or a beneficiary having an account at such bank by putting two parallel diagonal lines and writing the name of such bank between these two lines. A check containing the names of two banks between the two lines shall be invalid for payment, except where one of the two banks whose name is written between the two lines is a collecting bank.

Section II. SUPPLY OF CHEQUES

Article 63. Supply of blank cheques

1. The State Bank may supply blank cheques to credit organizations and to other organizations which have opened an account at the State Bank.

2. Banks and organizations providing payment services may supply blank cheques to organizations and individuals using accounts in order to draw cheques.

3. Organizations supplying blank cheques shall stipulate the conditions and procedures for safeguarding and use of the cheques supplied by them.

Article 64. Printing, delivery and receipt, and safeguarding of blank cheques

1. Organizations supplying cheques shall arrange the printing of blank cheques in order to supply them to users.

2. Prior to printing and supply of blank cheques for use, organizations supplying cheques must register their blank cheque form with the State Bank of Vietnam.

3. The delivery, receipt and safeguarding of blank cheques shall be implemented in accordance with the regulations of the State Bank of Vietnam on delivery, receipt and safeguarding of important printed matter.

Section III. ENDORSEMENT AND COLLECTION OF CHEQUES

Article 65. Transfer of cheques

The endorsement of cheques shall be subject to the provisions in Section IV of Chapter II of this Law on transfer of bills of exchange, except for the case of delivery of cheques to organizations providing payment services for collection in accordance with article 66 of this Law.

Article 66. Delivery of cheques for collection

1. The beneficiary of a cheque may pass the cheque for collection by endorsing and delivering it to the collector.

2. The collector may only present a cheque on behalf of the party which passed the cheque, receive the sum of money stated in the cheque or pass the cheque to another collector for collection; have recourse to the drawer and the party which passed the cheque for the sum of money stated in the cheque if the collector has paid in advance the sum of money stated in the cheque to the beneficiary and the check passed for collection is dishonoured by the drawee.

Section IV. GUARANTEE OF PAYMENT OF CHEQUES

Article 67. Guarantee of payment of cheques

1. Where a cheque contains all of the items stipulated in article 58 of this Law and the drawer has sufficient funds to pay the cheque upon request for guarantee of payment of cheque, the drawee shall be obliged to guarantee payment of the cheque by signing and recording “Payment guaranteed” on the cheque.

2. The drawee shall be obliged to retain an amount of money sufficient for payment of the guaranteed cheque when such cheque is presented within the period for presentation.

Article 68. Guarantee of checks

The guarantee of checks shall be carried out in accordance with the provisions of articles 24 to 26 of this Law on guarantees of bills of exchange.

Section V. PRESENTATION AND PAYMENT OF CHEQUES

Article 69. Period for presentation, request for payment of cheques and place for presentation

1. The period for presentation and request for payment of a cheque shall be thirty (30) days from the date of drawing.

2. A beneficiary may present and request payment of a cheque later than [the period for presentation] if such delay of presentation is caused by an event of force majeure or an objective impediment. The time period of such event of force majeure or objective impediment shall not be included in the period for presentation and request for payment.

3. A cheque must be presented for payment within the period for presentation and request for payment made at the place for payment stipulated in clause 1(dd) and clause 2 of article 58 of this Law or at a cheque clearing centre in the case of cheques paid via such cheque clearing centre.

4. The presentation of a cheque for payment shall be deemed to be valid when the cheque is presented by the beneficiary or by the legal representative of the beneficiary at the place for payment specified in clause 3 of this article.

5. The beneficiary may present a cheque for payment by registered mail via the public postal network. The date of presentation of a check for payment shall be determined on the basis of the date stated in the postmark affixed by the sending post office.

Article 70. Presentation of checks at cheque clearing centres

Banks and other organizations providing payment services shall present requests for payment of cheques at a check clearing centre in accordance with the regulations of such centre.

Article 71. Making payment

1. Where a cheque is presented for payment within the period and at the place for presentation stipulated in article 69 of this Law, the drawee shall be liable to make payment on the day of presentation or on the next working day if the drawer has sufficient funds in its account to make payment.

2. A drawee which fails to comply with the provision of clause 1 of this article shall be liable for any loss caused to the beneficiary at a maximum of interest calculated on the sum specified in the cheque calculated from the date on which the cheque was presented for payment at the late payment penalty interest rate stipulated by the State Bank of Vietnam as applicable at the date of presentation of the cheque.

3. If a cheque is presented for payment prior to the date of drawing recorded on the cheque, payment shall only be made as from the date of drawing recorded on the cheque.

4. If a cheque is presented after the period for presentation but within six (6) months from the date of drawing, the drawee may still make payment if the drawee has not received notice to stop payment of such cheque and if the drawer has sufficient funds in its account to make payment.

5. Where the funds used by the drawer to draw cheques are insufficient to pay the whole amount specified in a cheque as provided in clauses 1 and 2 of this article, and if the beneficiary requests payment of part of the amount specified in the cheque, the drawee shall be liable to make payment in accordance with the request of the beneficiary to the extent of the current funds of the drawer used to pay cheques.

6. When paying part of the amount specified in a cheque, the drawee must specify the amount so paid on the cheque and return it to the beneficiary or to the person authorized by the beneficiary. The beneficiary or the person authorized by the beneficiary must prepare a receipt for such payment and deliver it to the drawee.

7. In this case, the receipt shall be deemed a voucher proving payment by the drawee of part of the amount specified in the cheque.

8. Where a cheque is presented for payment after the drawer dies or is declared bankrupt or is dissolved, dead or missing or loses capacity for civil acts, the cheque shall still be valid for payment in accordance with the provisions of this article.

9. Payment of a cheque in accordance with the provision in clause 4 of this article shall terminate six months after the date of drawing recorded on the cheque.

Article 72. Payment of endorsed cheques

Upon making payment of a cheque which has been transferred by endorsement, the drawee must check and ensure continuity of the endorsing signatures.

Article 73. Stopping payment of cheques

1. A drawer shall have the right to require payment of a cheque drawn by such drawer to be stopped by notifying in writing the drawee to stop payment of such cheque upon its presentation for payment. Notice to stop payment of a cheque shall only be valid upon expiry of the period specified in article 69.1 of this Law.

2. After a cheque has been dishonoured by a drawee in accordance with a notice to stop payment from the drawer, the drawer shall remain liable to pay the sum specified in the cheque.

Article 74. Dishonoured cheques

1. A check shall be deemed to be dishonoured if the beneficiary has not received the full sum of money specified in the cheque upon the expiry of the period specified in article 71.1 of this Law.

2. When dishonouring a cheque, the drawee or the cheque clearing centre shall prepare a certificate confirming that the cheque was dishonoured and recording the cheque number, the amount dishonoured, the reason for dishonouring the cheque, the date of presentation and the name and address of the drawer, and shall sign the certificate and deliver it to the presenter of the cheque

Article 75. Recourse of checks due to non-payment

The recourse of a check due to non-payment shall be subject to the provisions of articles 48 to 52 of this Law.

Chapter V

INITIATION OF LEGAL ACTION, INSPECTION AND DEALING WITH BREACHES

Article 76. Initiation of legal action by beneficiary

1. After sending a notice that a negotiable instrument is dishonoured by non-acceptance or by non-payment of all or part of the sum of money stated in the negotiable instrument, the beneficiary shall have the right to initiate legal action in court against one, several or all of the related persons in order to claim payment of the sum stipulated in article 52 of this Law. The pleadings shall include a statement of claim and the negotiable instrument which was dishonoured by non-acceptance or by non-payment and the notice that the negotiable instrument was dishonoured by non-acceptance or by non-payment.

2. A beneficiary not presenting a negotiable instrument for payment within the period stipulated in articles 43 and 69 of this Law, or not sending notice that acceptance was refused or that payment was refused within the period stipulated in article 50 of this Law, shall lose the right to initiate legal action against all related persons, except the drawer, the accepter or the issuer and the guarantor of the drawee in the case where a bill of exchange has not been accepted.

Article 77. Initiation of legal action by related persons

Any related person against whom legal action is initiated pursuant to article 76 of this Law shall have the right to initiate legal action against the previous endorser, the issuer, the drawer or their guarantors in respect of any of the sums stipulated in article 52 of this Law as from the date of fulfilment of all payment obligations with respect to the negotiable instrument.

Article 78. Limitations of actions

1. A beneficiary shall have the right to initiate legal action against the drawer, the issuer, a guarantor, an endorser or an accepter of the request for payment of the sums stipulated in article 52 of this Law within three years from the date on which the negotiable instrument is dishonoured by non-acceptance or by non-payment.

2. Any related person against whom legal action is initiated pursuant to article 76 of this Law shall have the right to initiate legal action against the drawer, the issuer, the previous endorser, the guarantor or an accepter in respect of the sums stipulated in article 52 of this Law within two years from the date of fulfilment of the payment obligations in respect of the negotiable instrument.

3. Where a beneficiary does not present a negotiable instrument for payment on time in accordance with the provisions of articles 43 and 69 of this Law, or does not send notice that the negotiable instrument was dishonoured by non-acceptance or by non-payment within the period stipulated in article 50 of this Law, the beneficiary shall only have the right to initiate legal action against an accepter, the issuer, the drawer or the guarantor of the drawee within two years from the date of drawing and issuance of the negotiable instrument.

4. If, during the limitation periods stipulated in clauses 1, 2 and 3 of this article, there arises any event of force majeure or an objective impediment affecting the exercise of the right of the beneficiary and related persons to initiate legal action, the time period of such event of force majeure or objective impediment shall not be included in the limitation period for initiation of legal action.

Article 79. Settlement of disputes

1. Disputes in relation to negotiable instruments may be settled at a court or a commercial arbitration body.

2. People’s courts of provinces or cities under central authority shall have jurisdiction to resolve disputes in relation to negotiable instruments. People’s courts shall resolve disputes in relation to negotiable instruments independently from the transaction which is the basis for issuance of the negotiable instruments and shall only rely on the pleadings set out in article 76.1 of this Law. The procedures for resolution of disputes in relation to negotiable instruments at courts shall be performed in accordance with the provisions of the Civil Proceeding Code.

3. A commercial arbitration body shall have jurisdiction to resolve disputes in relation to negotiable instruments if the parties have agreed on the resolution of disputes by arbitration before or after occurrence of the disputes. The arbitration agreement and arbitration proceedings shall be performed in accordance with the provisions of the laws on arbitration.

Article 80. Inspection of implementation of provisions of the laws on negotiable instruments

1. The State Bank of Vietnam shall, depending on its responsibilities and powers, be obliged to inspect and examine the implementation of the provisions of the laws on negotiable instruments in negotiable instrument transactions related to banking activities.

2. Ministries and ministerial equivalent bodies shall, within on the scope of their respective responsibilities and powers, be obliged to directly inspect and examine or coordinate in inspecting and examining the implementation of the provisions of the laws on negotiable instruments in the sphere under their respective authority.

3. The Government shall specify the coordination in inspection referred to in this article.

Article 81. Dealing with breaches

1. Any individual in breach of the provisions of this Law shall, depending on the nature and seriousness of the breach, be subject to administrative penalty or prosecution for criminal liability; and, if such breach causes loss, shall be liable to pay compensation in accordance with law.

2. Any organization in breach of the provisions of this Law shall, depending on the nature and seriousness of the breach, be subject to administrative penalty; and, if such breach causes loss, shall be liable to pay compensation in accordance with law.

Chapter VI

IMPLEMENTING PROVISIONS

Article 82. Effectiveness

1. This Law shall be of full force and effect as of 1 July 2006.

2. The Ordinance on Commercial Papers dated 24 December 1999 and other legal instruments relating to commercial papers and cheques shall no longer have effect from the date of effectiveness of this Law.

Article 83. Guidelines for implementation

The Government shall make detailed regulations and provide guidelines for the implementation of this Law.

This Law was passed by XI Legislature of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 8th Session on 29 November 2005.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Nguyen Van An