LUẬT HẢI QUAN 2001

Hiệu lực: Hết hiệu lực Ngày có hiệu lực: 01/01/2002

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 29/2001/QH10

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2001

 

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 29/2001/QH10 VỀ HẢI QUAN

Để góp phần bảo đảm thực hiện chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học và công nghệ; hợp tác và giao lưu quốc tế; bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định về hải quan.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chính sách về hải quan

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; về tổ chức và hoạt động của Hải quan.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với:

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải;

2. Cơ quan hải quan, công chức hải quan;

3. Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hàng hoá bao gồm hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam của người xuất cảnh, nhập cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; kim khí quí, đá quí, cổ vật, văn hoá phẩm, bưu phẩm, các tài sản khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bao gồm tất cả động sản có mã số và tên gọi theo quy định của pháp luật được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan.

3. Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh là vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh, bao gồm hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.

4. Phương tiện vận tải bao gồm phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

5. Vật dụng trên phương tiện vận tải bao gồm tài sản sử dụng trên phương tiện vận tải; nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ hoạt động của phương tiện vận tải; lương thực, thực phẩm và các đồ dùng khác trực tiếp phục vụ sinh hoạt của người làm việc và hành khách trên phương tiện vận tải.

6. Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hoá, phương tiện vận tải.

7. Người khai hải quan bao gồm chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải hoặc người được chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải uỷ quyền.

8. Kiểm tra hải quan là việc kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ liên quan và kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải do cơ quan hải quan thực hiện.

9. Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hoá, phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.

10. Kiểm soát hải quan là các biện pháp tuần tra, điều tra hoặc biện pháp nghiệp vụ khác do cơ quan hải quan áp dụng để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

11. Thông quan là việc cơ quan hải quan quyết định hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh.

12. Kho bảo thuế là kho của chủ hàng dùng để chứa hàng hoá nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế.

13. Kho ngoại quan là kho lưu giữ hàng hoá sau đây:

a) Hàng hoá đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu;

b) Hàng hoá từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

14. Quá cảnh là việc chuyển hàng hoá, phương tiện vận tải từ một nước qua cửa khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đến một nước khác hoặc trở về nước đó.

15. Tài sản di chuyển là đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt, làm việc của cá nhân, gia đình, tổ chức được mang theo khi thôi cư trú, chấm dứt hoạt động ở Việt Nam hoặc nước ngoài.

16. Chuyển tải là việc chuyển hàng hoá từ phương tiện vận tải nhập cảnh sang phương tiện vận tải xuất cảnh để xuất khẩu hoặc từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho, bãi trong khu vực cửa khẩu, sau đó xếp lên phương tiện vận tải khác để xuất khẩu.

17. Chuyển cửa khẩu là việc chuyển hàng hoá, phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ cửa khẩu này tới cửa khẩu khác; từ một cửa khẩu tới một địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc ngược lại; từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu này đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu khác.

Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế về hải quan

1. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Đối với những trường hợp mà Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩaViệt Nam ký kết hoặc tham gia chưa có quy định thì có thể áp dụng tập quán và thông lệ quốc tế về hải quan, nếu việc áp dụng tập quán và thông lệ quốc tế đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Điều 6. Địa bàn hoạt động hải quan

Địa bàn hoạt động hải quan bao gồm các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và các địa bàn hoạt động hải quan khác theo quy định của pháp luật.

Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá, phương tiện vận tải.

Chính phủ quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.

Điều 7. Xây dựng lực lượng Hải quan

Hải quan Việt Nam được xây dựng thành một lực lượng trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn sâu, được trang bị và làm chủ kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả.

Điều 8. Hiện đại hoá quản lý hải quan

1. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để bảo đảm áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại; khuyến khích tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tham gia xây dựng, nối mạng, khai thác hệ thống thông tin máy tính của Hải quan.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trao đổi số liệu điện tử, giá trị pháp lý các chứng từ điện tử, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan nhà nước hữu quan, tổ chức, cá nhân hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh trong việc xây dựng, phát triển, khai thác hệ thống thông tin máy tính hải quan.

Điều 9. Phối hợp thực hiện pháp luật hải quan

1. Cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan, đơn vị vũ trang nhân dân.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan hải quan hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 10. Giám sát thi hành pháp luật hải quan

1. Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thi hành pháp luật hải quan.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên nhân dân nghiêm chỉnh thi hành pháp luật hải quan; giám sát việc thi hành pháp luật hải quan theo quy định của pháp luật.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan hải quan, công chức hải quan phải tuân theo pháp luật, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA HẢI QUAN

Điều 11. Nhiệm vụ của Hải quan

Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 12. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hải quan

1. Hải quan Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thống nhất quản lý, điều hành hoạt động của Hải quan các cấp; Hải quan cấp dưới chịu sự quản lý, chỉ đạo của Hải quan cấp trên.

Điều 13. Hệ thống tổ chức Hải quan

1. Hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam gồm có:

a) Tổng cục Hải quan là cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương.

2. Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của Hải quan các cấp; chế độ phục vụ, chức danh, tiêu chuẩn, lương, phụ cấp thâm niên, chế độ đãi ngộ khác đối với công chức hải quan; hải quan hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, trang phục, giấy chứng minh hải quan.

Điều 14. Công chức hải quan

1. Công chức hải quan là người được tuyển dụng, đào tạo và sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Công chức hải quan phải có phẩm chất chính trị tốt, thực hiện nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật, trung thực, liêm khiết, có tính kỷ luật, thái độ văn minh, lịch sự, nghiêm chỉnh chấp hành quyết định điều động và phân công công tác.

Chương 3:

THỦ TỤC HẢI QUAN, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN

Mục 1: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 15. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, vận chuyển đúng tuyến đường, qua cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

2. Hàng hoá, phương tiện vận tải được thông quan sau khi đã làm thủ tục hải quan.

3. Thủ tục hải quan phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, thuận tiện và theo đúng quy định của pháp luật.

4. Việc bố trí nhân lực, thời gian làm việc phải đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Điều 16. Thủ tục hải quan

1. Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải:

a) Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp, xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;

b) Đưa hàng hoá, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định cho việc kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải;

c) Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan phải:

a) Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan;

b) Kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải;

c) Thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;

d) Quyết định việc thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải.

Điều 17. Địa điểm làm thủ tục hải quan

Địa điểm làm thủ tục hải quan là trụ sở Hải quan cửa khẩu, trụ sở Hải quan ngoài cửa khẩu.

Trong trường hợp cần thiết, việc kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có thể được thực hiện tại địa điểm khác do Tổng cục Hải quan quy định.

Điều 18. Thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan

Người khai hải quan phải khai và nộp tờ khai hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải trong thời hạn sau đây:

1. Hàng hoá nhập khẩu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu;

2. Hàng hoá xuất khẩu được thực hiện chậm nhất là 08 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;

3. Hành lý mang theo của người nhập cảnh, xuất cảnh được thực hiện ngay khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập và trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hành khách lên phương tiện vận tải xuất cảnh. Hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;

4. Hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh được thực hiện ngay khi hàng hoá, phương tiện vận tải tới cửa khẩu nhập đầu tiên và trước khi hàng hoá, phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cuối cùng;

5. Phương tiện vận tải đường biển xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện chậm nhất 02 giờ sau khi cảng vụ thông báo phương tiện vận tải đã đến vị trí đón trả hoa tiêu và 01 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;

6. Phương tiện vận tải đường hàng không xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu và trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hàng hoá xuất khẩu, hành khách xuất cảnh;

7. Phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay sau khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập đầu tiên và trước khi phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cuối cùng để xuất cảnh.

Điều 19. Thời hạn công chức hải quan làm thủ tục hải quan

1. Công chức hải quan tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan ngay sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình hồ sơ hải quan đúng quy định của pháp luật; trong trường hợp không chấp nhận đăng ký hồ sơ hải quan thì phải thông báo lý do cho người khai hải quan biết.

2. Sau khi người khai hải quan đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về việc làm thủ tục hải quan quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 16 của Luật này, thời hạn công chức hải quan hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải được quy định như sau:

a) Chậm nhất là 08 giờ làm việc đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng hình thức kiểm tra thực tế một phần hàng hoá theo xác suất;

b) Chậm nhất là 02 ngày làm việc đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng hình thức kiểm tra thực tế toàn bộ hàng hoá.

Trong trường hợp áp dụng hình thức kiểm tra thực tế toàn bộ hàng hoá mà lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có số lượng lớn, việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn kiểm tra có thể được gia hạn nhưng không quá 08 giờ làm việc;

c) Việc kiểm tra phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh phải bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách;

d) Việc thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật này.

Điều 20. Khai hải quan

1. Khai hải quan được thực hiện thống nhất theo mẫu tờ khai hải quan do Tổng cục Hải quan quy định.

2. Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng theo nội dung trên tờ khai hải quan.

3. Người khai hải quan được sử dụng hình thức khai điện tử.

Điều 21. Đại lý làm thủ tục hải quan

1. Người đại lý làm thủ tục hải quan là người khai hải quan theo uỷ quyền của người có quyền và nghĩa vụ trong việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Người đại lý làm thủ tục hải quan phải hiểu biết pháp luật hải quan, nghiệp vụ khai hải quan và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi được uỷ quyền.

Chính phủ quy định cụ thể điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.

Điều 22. Hồ sơ hải quan

1. Hồ sơ hải quan gồm có:

a) Tờ khai hải quan;

b) Hoá đơn thương mại;

c) Hợp đồng mua bán hàng hoá;

d) Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;

đ) Các chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan.

2. Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở Hải quan. Trong trường hợp có lý do chính đáng, được Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục trưởng Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu đồng ý, người khai hải quan được gia hạn thời gian phải nộp, xuất trình một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; bổ sung, sửa chữa, thay thế tờ khai hải quan đã đăng ký đến trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải.

Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan

1. Người khai hải quan có quyền:

a) Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và hướng dẫn làm thủ tục hải quan;

b) Xem trước hàng hoá, lấy mẫu hàng hoá dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;

c) Đề nghị cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hoá đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan, trong trường hợp hàng hoá chưa được thông quan;

d) Khiếu nại, tố cáo việc làm trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;

đ) Yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật.

2. Người khai hải quan có nghĩa vụ:

a) Khai hải quan và thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 16, các điều 18, 20 và 68 của Luật này;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình;

c) Thực hiện các quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải theo quy định của Luật này;

d) Lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 28, 32 và 68 của Luật này;

đ) Bố trí người phục vụ việc kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải;

e) Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Trách nhiệm kiểm tra hàng hoá, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan

1. Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Trường hợp theo quy định của pháp luật phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hoá, kiểm dịch động vật, thực vật đối với hàng hoá, phương tiện vận tải thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành thực hiện.

3. Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu chủ trì phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nhanh chóng hàng hoá, phương tiện vận tải.

Chính phủ quy định cụ thể về trách nhiệm và quan hệ phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu.

Điều 25. Thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải

1. Hàng hoá, phương tiện vận tải được thông quan sau khi đã làm xong thủ tục hải quan.

2. Hàng hoá, phương tiện vận tải chưa làm xong thủ tục hải quan có thể được thông quan nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thiếu một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nhưng được cơ quan hải quan đồng ý cho chậm nộp có thời hạn;

b) Chưa nộp, nộp chưa đủ số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định mà được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được hưởng ân hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

3. Trường hợp chủ hàng hoá, phương tiện vận tải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan bằng hình thức phạt tiền thì hàng hoá, phương tiện vận tải có thể được thông quan nếu đã nộp phạt hoặc được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng bảo lãnh về số tiền phải nộp để thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan hải quan hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có trưng cầu giám định thì cơ quan hải quan căn cứ kết quả giám định để quyết định thông quan. Trong trường hợp chờ kết quả giám định mà chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hoá về bảo quản thì cơ quan hải quan chỉ chấp nhận trong trường hợp đã đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan do Tổng cục Hải quan quy định.

5. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được thông quan theo quy định tại Điều 35 của Luật này.

Điều 26. Giám sát hải quan

1. Giám sát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải được thực hiện bằng các phương thức sau đây:

a) Niêm phong hải quan hoặc bằng phương tiện kỹ thuật khác;

b) Giám sát trực tiếp do công chức hải quan thực hiện.

2. Thời gian giám sát hải quan:

a) Từ khi hàng hoá nhập khẩu, phương tiện vận tải nhập cảnh tới địa bàn hoạt động hải quan đến khi được thông quan;

b) Từ khi bắt đầu kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu đến khi thực xuất khẩu;

c) Từ khi hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh tới địa bàn hoạt động hải quan đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3. Chủ hàng hoá, người chỉ huy hoặc người điều khiển phương tiện vận tải, người đại lý làm thủ tục hải quan có nghĩa vụ bảo đảm nguyên trạng hàng hoá và niêm phong hải quan; trong trường hợp bất khả kháng mà không giữ được nguyên trạng hàng hoá hoặc niêm phong hải quan thì sau khi áp dụng biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra, phải báo ngay với cơ quan hải quan hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để xác nhận.

Điều 27. Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan

Khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, quy trình nghiệp vụ hải quan và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

2. Hướng dẫn người khai hải quan khi có yêu cầu;

3. Thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì yêu cầu chủ hàng hoá, người chỉ huy phương tiện vận tải hoặc người được uỷ quyền thực hiện các yêu cầu để kiểm tra, khám xét hàng hoá, phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật;

4. Lấy mẫu hàng hoá với sự có mặt của người khai hải quan để cơ quan hải quan phân tích hoặc trưng cầu giám định phục vụ kiểm tra hàng hoá; sử dụng kết quả phân tích, kết quả giám định để xác định đúng mã số và chất lượng hàng hoá;

5. Yêu cầu người khai hải quan cung cấp thông tin, chứng từ liên quan đến hàng hoá, phương tiện vận tải để xác định đúng mã số, trị giá của hàng hoá phục vụ việc thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;

6. Giám sát việc mở, đóng, chuyển tải, xếp dỡ hàng hoá tại địa điểm làm thủ tục hải quan và địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

7. Yêu cầu người chỉ huy, người điều khiển phương tiện vận tải đi đúng tuyến đường, dừng đúng nơi quy định;

8. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Mục 2: KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ

Điều 28. Kiểm tra, đăng ký hồ sơ hải quan

Khi tiếp nhận hồ sơ hải quan, công chức hải quan kiểm tra việc khai theo nội dung yêu cầu trên tờ khai hải quan, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, sự phù hợp của nội dung khai hải quan và chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; đăng ký hồ sơ hải quan theo đúng quy định của pháp luật; trong trường hợp không chấp nhận đăng ký hồ sơ hải quan thì phải thông báo lý do cho người khai hải quan biết.

Điều 29. Căn cứ và thẩm quyền quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thông quan

1. Căn cứ để quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là quá trình chấp hành pháp luật của chủ hàng; chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Nhà nước; tính chất, chủng loại, nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; hồ sơ hải quan và các thông tin khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu, Chi cục trưởng Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và việc thay đổi hình thức kiểm tra được quy định tại Điều 30 của Luật này.

Điều 30. Các hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thông quan

1. Các hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu bao gồm:

a) Miễn kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan đối với các trường hợp mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên, hàng nông sản, hải sản xuất khẩu, hàng xuất khẩu, nhập khẩu của khu chế xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng đưa vào khu vực ưu đãi hải quan và hàng hoá khác theo danh mục do Chính phủ quy định.

Đối với hàng hoá đã quyết định miễn kiểm tra mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì áp dụng hình thức kiểm tra quy định tại điểm c khoản này;

b) Kiểm tra xác suất thực tế hàng hoá không quá 10% đối với mỗi lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công xuất khẩu, hàng cùng chủng loại, hàng đóng gói đồng nhất, hàng xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc các trường hợp được miễn kiểm tra quy định tại điểm a khoản này.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hải quan thì áp dụng hình thức kiểm tra quy định tại điểm c khoản này;

c) Kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan; lô hàng mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.

2. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá do công chức hải quan kiểm tra trực tiếp hoặc kiểm tra bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác, với sự có mặt của người khai hải quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ, sau khi đăng ký hồ sơ hải quan và hàng hoá đã được đưa đến địa điểm kiểm tra.

Hàng hoá là động vật, thực vật sống, khó bảo quản, hàng hoá đặc biệt khác được ưu tiên kiểm tra trước.

Điều 31. Kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan

1. Việc kiểm tra vắng mặt người khai hải quan do Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu, Chi cục trưởng Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu quyết định và thông báo cho chủ hàng hoá trong các trường hợp sau đây:

a) Để bảo vệ an ninh;

b) Để bảo vệ vệ sinh, môi trường;

c) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

d) Quá thời hạn quy định mà người khai hải quan không đến làm thủ tục hải quan;

đ) Theo đề nghị của người khai hải quan.

2. Việc kiểm tra vắng mặt người khai hải quan được tiến hành với sự chứng kiến của đại diện tổ chức vận tải hoặc đại diện Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất.

Điều 32. Kiểm tra sau thông quan

1. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan, cơ quan hải quan được áp dụng biện pháp kiểm tra sau thông quan.

2. Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyền ra quyết định kiểm tra sau thông quan. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định kiểm tra sau thông quan.

3. Căn cứ quyết định kiểm tra sau thông quan, công chức hải quan trực tiếp kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan tại doanh nghiệp để đối chiếu với tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện thì kiểm tra thực tế hàng hoá.

4. Trong quá trình kiểm tra, theo yêu cầu của cơ quan hải quan, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan tạo điều kiện, cung cấp chứng từ kế toán, các thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc kiểm tra của cơ quan hải quan.

Chính phủ quy định cụ thể về kiểm tra sau thông quan.

Điều 33. Hàng hoá tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu

1. Hàng hoá tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan bao gồm:

a) Hàng hoá tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm;

b) Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định;

c) Linh kiện, phụ tùng để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài;

d) Hàng hoá khác theo quy định của pháp luật.

2. Hàng hoá tạm xuất khẩu phải tái nhập khẩu, hàng hoá tạm nhập khẩu phải tái xuất khẩu trong thời hạn quy định và phải được làm thủ tục hải quan.

3. Hàng hoá tạm xuất khẩu mà không tái nhập khẩu, hàng hoá tạm nhập khẩu mà không tái xuất khẩu nếu được bán, tặng, trao đổi thì phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; nếu thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện.

Điều 34. Quà biếu, tặng

1. Hàng hoá là quà biếu, tặng phải được làm thủ tục hải quan; nếu thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện.

2. Nghiêm cấm việc biếu, tặng hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

3. Định mức hàng hoá là quà biếu, tặng được miễn thuế do Chính phủ quy định.

Điều 35. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp bao gồm:

a) Hàng hoá phục vụ việc khắc phục ngay các hậu quả của thiên tai;

b) Hàng hoá phục vụ các yêu cầu cứu trợ khẩn cấp;

c) Hàng hoá phục vụ các yêu cầu về an ninh, quốc phòng và hàng hoá phục vụ các yêu cầu khẩn cấp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được thông quan trước khi nộp tờ khai hải quan và chứng từ thuộc hồ sơ hải quan.

Điều 36. Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới

1. Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới là hàng hoá phục vụ sinh hoạt, sản xuất bình thường của cư dân biên giới.

2. Việc mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới của Việt Nam với cư dân biên giới của nước có chung đường biên giới quốc gia với Việt Nam phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; nơi không có cơ quan hải quan thì chịu sự kiểm tra, giám sát của Bộ đội Biên phòng theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, chính sách về mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới.

Điều 37. Hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính

1. Hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính phải được làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp người được uỷ quyền khai hải quan là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính thì phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người khai hải quan theo quy định của Luật này; chỉ được chuyển, phát hàng hoá sau khi được thông quan.

Điều 38. Hàng hoá trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Hàng hoá là vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh không phải làm thủ tục hải quan nhưng phải chịu sự giám sát hải quan.

2. Hàng hoá mua từ phương tiện vận tải nhập cảnh phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá nhập khẩu.

Hàng hoá bán cho người làm việc và hành khách trên phương tiện vận tải xuất cảnh, quá cảnh phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá xuất khẩu.

Điều 39. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bằng phương thức thương mại điện tử

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng phương thức thương mại điện tử phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

2. Chính phủ quy định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bằng phương thức thương mại điện tử.

Điều 40. Hàng hoá quá cảnh

1. Hàng hoá quá cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng; phải chịu sự giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Hàng hoá quá cảnh không qua lãnh thổ đất liền, quá cảnh có lưu kho trong khu vực cửa khẩu không phải xin giấy phép quá cảnh. Trong trường hợp hàng hoá quá cảnh qua lãnh thổ đất liền, có lưu kho ở ngoài khu vực cửa khẩu hoặc hàng hoá quá cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam phải có giấy phép thì phải xuất trình giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Việc kiểm tra hàng hoá quá cảnh chỉ áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Hàng hoá quá cảnh chỉ được bán tại Việt Nam khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép và phải được làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá nhập khẩu.

Điều 41. Hàng hoá chuyển cửa khẩu

1. Hàng hoá chuyển cửa khẩu bao gồm:

a) Hàng hoá xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu đến cửa khẩu xuất;

b) Hàng hoá nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

c) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan này đến địa điểm làm thủ tục hải quan khác.

2. Hàng hoá chuyển cửa khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

3. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu di chuyển giữa hai địa điểm mà những địa điểm đó là địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ngoài địa điểm làm thủ tục hải quan thì được áp dụng chế độ chuyển cửa khẩu, nếu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng ý bằng văn bản.

Điều 42. Tuyến đường, thời gian quá cảnh, chuyển cửa khẩu

Hàng hoá quá cảnh, chuyển cửa khẩu phải được vận chuyển đúng tuyến đường, qua cửa khẩu quy định, đúng thời hạn và phải chịu sự giám sát hải quan.

Bộ Giao thông vận tải quy định tuyến đường vận chuyển hàng hoá quá cảnh; Tổng cục Hải quan quy định tuyến đường vận chuyển hàng hoá chuyển cửa khẩu.

Điều 43. Tài sản di chuyển

Cá nhân, gia đình, tổ chức có tài sản di chuyển phải có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản đó, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường.

Chính phủ quy định cụ thể về tài sản di chuyển.

Điều 44. Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh

1. Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu.

2. Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh vượt quá định mức miễn thuế phải được làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Người xuất cảnh, nhập cảnh có thể gửi hành lý vào kho tại cửa khẩu và được nhận lại khi nhập cảnh, xuất cảnh.

3. Chính phủ quy định về tiêu chuẩn hành lý, định mức hành lý được miễn thuế.

Điều 45. Xử lý hàng hoá bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà chưa có người đến nhận

1. Hàng hoá mà chủ hàng hoá tuyên bố công khai từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏthì được bán, tiền bán hàng được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí phát sinh.

Không thừa nhận việc chủ hàng hoá từ bỏ đối với hàng hoá có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Hàng hoá bị thất lạc, nhầm lẫn thì trong thời hạn 180 ngày mà chủ hàng hoá chứng minh hàng hoá đó thuộc sở hữu của mình do bị gửi nhầm từ nước ngoài hoặc thất lạc đến Việt Nam thì được tái xuất; nếu gửi nhầm địa chỉ người nhận thì được điều chỉnh địa chỉ người nhận; nếu thất lạc qua nước khác sau đó đưa về Việt Nam thì được làm thủ tục hải quan để nhận lại sau khi nộp các chi phí phát sinh; quá 180 ngày mà không có người đến nhận, hàng hoá được xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Trong trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ để xác định hàng hoá bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn là hàng hoá buôn lậu thì hàng hoá đó bị xử lý như đối với hàng hoá buôn lậu.

4. Hàng hoá nhập khẩu quá 90 ngày, kể từ ngày hàng hoá tới cửa khẩu dỡ hàng mà không có người đến nhận thì cơ quan hải quan thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu chủ hàng hoá đến nhận thì được làm thủ tục nhập khẩu và phải nộp tiền phạt, các chi phí phát sinh do việc chậm làm thủ tục hải quan; nếu không có người đến nhận thì hàng hoá được xử lý theo quy định của pháp luật.

Mục 3: KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ TẠI KHO NGOẠI QUAN, KHO BẢO THUẾ

Điều 46. Hàng hoá tại kho ngoại quan, kho bảo thuế

1. Hàng hoá của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài gửi kho ngoại quan phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

2. Chỉ những hàng hoá nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất của chủ kho bảo thuế mới được đưa vào kho bảo thuế.

3. Chính phủ quy định cụ thể hoạt động của kho ngoại quan, kho bảo thuế.

Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của chủ kho ngoại quan, chủ hàng hoá gửi kho ngoại quan

1. Chủ kho ngoại quan được thực hiện hợp đồng nhận hàng hoá gửi kho ngoại quan theo quy định của pháp luật; được di chuyển hàng hoá trong kho ngoại quan theo thoả thuận với chủ hàng, nhưng phải thông báo trước với cơ quan hải quan.

Định kỳ 45 ngày một lần, chủ kho ngoại quan phải thông báo bằng văn bản với Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về hiện trạng hàng hoá và tình hình hoạt động của kho ngoại quan.

Chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan hải quan về kiểm tra hàng hoá theo quy định của pháp luật.

2. Chủ hàng hoá gửi kho ngoại quan được gia cố bao bì, phân loại hàng hoá, lấy mẫu hàng hoá dưới sự giám sát của công chức hải quan; được chuyển quyền sở hữu hàng hoá theo quy định của pháp luật. Việc chuyển hàng hoá từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong thời gian gửi hàng hoá tại kho ngoại quan, chủ hàng hoá phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động của kho ngoại quan.

Điều 48. Thời hạn gửi hàng hoá tại kho ngoại quan

Thời hạn gửi hàng hoá tại kho ngoại quan không quá 12 tháng, kể từ ngày hàng hoá được gửi vào kho ngoại quan; trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì được gia hạn, nhưng tối đa không quá 6 tháng.

Điều 49. Thẩm quyền thành lập, chấm dứt hoạt động kho ngoại quan, kho bảo thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động kho ngoại quan.

Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động kho bảo thuế.

Mục 4: KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI

Điều 50. Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh

1. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh, nhập cảnh phải qua cửa khẩu của Việt Nam.

Phương tiện vận tải nhập cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên. Phương tiện vận tải xuất cảnh phải được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu xuất cuối cùng.

2. Việc xuất cảnh, nhập cảnh của phương tiện vận tải qua các địa điểm khác do Chính phủ quy định.

Điều 51. Tuyến đường, thời gian chịu sự giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu

1. Phương tiện vận tải nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu phải di chuyển theo đúng tuyến đường quy định, chịu sự giám sát hải quan từ khi đến địa bàn hoạt động hải quan, quá trình di chuyển cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

2. Phương tiện vận tải Việt Nam nhập cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan cho đến khi toàn bộ hàng hoá nhập khẩu chuyên chở trên phương tiện vận tải được dỡ hết khỏi phương tiện để làm thủ tục nhập khẩu.

Phương tiện vận tải Việt Nam xuất cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu xếp hàng hoá xuất khẩu cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3. Khi có căn cứ để nhận định trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu có cất giấu hàng hoá trái phép, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu, Chi cục trưởng Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan quyết định tạm hoãn việc khởi hành hoặc dừng phương tiện vận tải để khám xét. Việc khám xét phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 52. Khai báo và kiểm tra đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Khi làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải phải khai hải quan; nộp, xuất trình các chứng từ vận tải để làm thủ tục hải quan; cung cấp các thông tin, chứng từ về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, vật dụng trên phương tiện vận tải. Thời hạn khai hải quan được thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 18 của Luật này.

2. Việc kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế phương tiện vận tải của công chức hải quan được thực hiện theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 19, Điều 20 và Điều 22 của Luật này.

Trong trường hợp các chứng từ vận tải đã đáp ứng yêu cầu của việc kiểm tra hải quan thì chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải không phải làm tờ khai hải quan, trừ hành lý, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của người xuất cảnh, nhập cảnh trên phương tiện vận tải.

Điều 53. Chuyển tải, chuyển cửa khẩu, sang toa, cắt toa, xếp dỡ hàng hoá trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh

Việc chuyển tải, chuyển cửa khẩu, sang toa, cắt toa, xếp dỡ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đang trong thời gian chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý của cơ quan hải quan.

Hàng hoá chuyển tải, chuyển cửa khẩu, sang toa, cắt toa phải được giữ nguyên trạng bao bì, thùng, kiện.

Điều 54. Vận chuyển quốc tế kết hợp vận chuyển nội địa, vận chuyển nội địa kết hợp vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

1. Phương tiện vận tải vận chuyển quốc tế, nếu được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan do Tổng cục Hải quan quy định thì được kết hợp vận chuyển hàng hoá nội địa.

2. Phương tiện vận tải vận chuyển nội địa, nếu được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan do Tổng cục Hải quan quy định thì được kết hợp vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đang chịu sự giám sát hải quan.

Điều 55. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh vì mục đích quốc phòng, an ninh

Phương tiện vận tải quân sự, phương tiện vận tải khác được sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của Chính phủ.

Điều 56. Trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu cảng vụ sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế với cơ quan hải quan

Người đứng đầu cảng vụ sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế có trách nhiệm thông báo trước với Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu về thời gian đến và đi, địa điểm đỗ, thời gian xếp, dỡ hàng hoá lên, xuống tàu biển, tàu bay, tàu hoả liên vận quốc tế.

Mục 5: TẠM DỪNG LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU CÓ YÊU CẦU BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 57. Nguyên tắc tạm dừng làm thủ tục hải quan

1. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam có quyền đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu mà mình có căn cứ cho rằng có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Cơ quan hải quan chỉ được quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 58 của Luật này.

Điều 58. Điều kiện đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan

Khi đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ phải:

1. Gửi cho cơ quan hải quan đơn đề nghị, bằng chứng về sở hữu hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ, bằng chứng về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình;

2. Nộp một khoản tiền tạm ứng hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng để bảo đảm bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật do đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng.

Điều 59. Quy định cụ thể việc tạm dừng làm thủ tục hải quan

Căn cứ vào Luật này và các quy định khác của pháp luật, Chính phủ quy định cụ thể việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Mục 6: CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ

Điều 60. Chế độ ưu đãi, miễn trừ

Chế độ ưu đãi, miễn trừ quy định tại Luật này bao gồm ưu đãi, miễn trừ về khai hải quan, kiểm tra hải quan.

Điều 61. Miễn khai, miễn kiểm tra hải quan

1. Túi ngoại giao, túi lãnh sự được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan.

2. Hành lý, phương tiện vận tải của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và hành lý, phương tiện vận tải của các đối tượng đặc biệt khác được miễn kiểm tra hải quan.

Điều 62. Việc xử lý các trường hợp phát hiện có vi phạm chế độ ưu đãi, miễn trừ

Khi có căn cứ để khẳng định túi ngoại giao, túi lãnh sự bị lạm dụng vào mục đích trái với điều ước quốc tế về quan hệ ngoại giao, quan hệ lãnh sự mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc trong hành lý, phương tiện vận tải có đồ vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu, đồ vật không thuộc loại được hưởng chế độ ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật thì Tổng cục Hải quan quyết định việc xử lý theo quy định của các điều ước quốc tế đó.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM CỦA HẢI QUAN TRONG VIỆC PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HOÁ QUA BIÊN GIỚI

Điều 63. Nhiệm vụ của Hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan hải quan các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

2. Cơ quan hải quan các cấp được thành lập đơn vị chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Điều 64. Phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

1. Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Trong trường hợp hàng hoá, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

2. Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Trong trường hợp hàng hoá, phương tiện vận tải đã đưa ra ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan nhà nước hữu quan có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thì theo thẩm quyền, cơ quan đó thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo phối hợp hoạt động của cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan khác tại địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Điều 65. Thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

1. Tổ chức lực lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng biện pháp nghiệp vụ cần thiết, thu thập thông tin trong nước và ngoài nước liên quan đến hoạt động hải quan để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, phục vụ thông quan hàng hoá và kiểm tra sau thông quan; phối hợp với các cơ quan hữu quan bảo vệ bí mật về người cung cấp thông tin các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện kiểm soát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải; chủ trì phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện các hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan.

3. Áp dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết theo quy định của pháp luật để phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu nếu thông tin, tài liệu đó cần thiết cho việc xác minh hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

5. Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính mở bưu phẩm, hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu qua đường bưu chính để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng bưu phẩm, hàng hoá đó có tài liệu, hàng hoá liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

6. Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Điều 66. Thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

1. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi cất giấu hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thì Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu, Chi cục trưởng Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan được quyết định khám người, khám phương tiện vận tải, nơi cất giấu hàng hoá, tạm giữ người, phương tiện vận tải, hàng hoá theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hải quan đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan hải quan, công chức hải quan có thẩm quyền do pháp luật tố tụng hình sự quy định được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra phải theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Cơ quan hải quan, công chức hải quan khi tiến hành các hoạt động được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 67. Trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

1. Cơ quan hải quan, công chức hải quan trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ. Việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải theo đúng quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hải quan, công chức hải quan trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp lực lượng, hỗ trợ phương tiện, cung cấp thông tin; nếu phương tiện được hỗ trợ bị thiệt hại thì cơ quan hải quan phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

TỔ CHỨC THU THUẾ VÀ CÁC KHOẢN THU KHÁC ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 68. Trách nhiệm của người khai hải quan trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế và các khoản thu khác

1. Kê khai, tính thuế, nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm về việc kê khai, tính thuế của mình.

2. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày đăng ký tờ khai, nếu phát hiện có sự nhầm lẫn trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế thì phải báo cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục để điều chỉnh số tiền thuế phải nộp.

3. Thực hiện các nghĩa vụ khác trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Chấp hành các quyết định của cơ quan hải quan về thuế và các khoản thu khác.

Điều 69. Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc tổ chức thu thuế và các khoản thu khác

1. Tổng cục Hải quan chỉ đạo thống nhất việc thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá kiểm tra việc kê khai, tính thuế của người khai hải quan; trong trường hợp phát hiện người khai hải quan tính sai số thuế phải nộp thì sau khi điều chỉnh phải thông báo cho người khai hải quan biết. Thời hạn truy thu, truy hoàn số thuế phải nộp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế.

Điều 70. Thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế

1. Thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan hải quan hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời hạn nộp thuế tính từ ngày ra quyết định xử lý.

Điều 71. Xác định trị giá tính thuế

Trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được xác định theo quy định của pháp luật về thuế và các quy định khác của pháp luật.

Chính phủ quy định cụ thể việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 72. Phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và xác định thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

1. Việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định của pháp luật về phân loại hàng hoá.

Việc xác định thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu căn cứ vào biểu thuế hiện hành.

Trong trường hợp không chấp nhận kết quả phân loại của người khai hải quan, cơ quan hải quan có quyền yêu cầu người đó cung cấp các tài liệu liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; lấy mẫu hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu với sự chứng kiến của người khai hải quan để phân tích, phân loại và xác định lại thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đó; nếu người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân tích, phân loại của cơ quan hải quan thì có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HẢI QUAN

Điều 73. Nội dung quản lý nhà nước về hải quan

Nội dung quản lý nhà nước về hải quan bao gồm:

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Hải quan Việt Nam;

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan;

3. Hướng dẫn, thực hiện và tuyên truyền pháp luật hải quan;

4. Quy định về tổ chức và hoạt động của Hải quan;

5. Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức hải quan;

6. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, phương pháp quản lý hải quan hiện đại;

7. Thống kê nhà nước về hải quan;

8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan;

9. Hợp tác quốc tế về hải quan.

Điều 74. Cơ quan quản lý nhà nước về hải quan

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hải quan.

2. Tổng cục Hải quan là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hải quan.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc quản lý nhà nước về hải quan.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật hải quan tại địa phương.

Điều 75. Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện

1. Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại với cơ quan hải quan, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan hải quan, cơ quan khác của Nhà nước về hành vi vi phạm pháp luật của công chức hải quan, cơ quan hải quan xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 76. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; trong trường hợp nhận được khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì có trách nhiệm hướng dẫn cho người khiếu nại biết để khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

2. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của mình; trong trường hợp nhận được tố cáo không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết.

Điều 77. Thời hạn, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Thời hạn, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trong thời gian khiếu nại hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hải quan, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước hoặc quyết định, bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì thi hành theo các quyết định, bản án đó.

Chương 7:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 78. Khen thưởng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật hải quan; người có công tố giác, phát hiện hoặc giúp cơ quan hải quan trong việc đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan hải quan, công chức hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Công chức hải quan có hành vi cản trở hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 80. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.

Pháp lệnh Hải quan được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 20 tháng 2 năm 1990 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Các quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.

Điều 81. Áp dụng pháp luật trong trường hợp hàng hoá, phương tiện vận tải đã đăng ký hồ sơ hải quan, nhưng chưa làm xong thủ tục hải quan trước ngày Luật này có hiệu lực

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đã đăng ký hồ sơ hải quan, nhưng chưa làm xong thủ tục hải quan trước ngày Luật này có hiệu lực thì việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan được thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh Hải quan và các quy định khác của pháp luật liên quan.

2. Không kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá đã thông quan trước ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 82. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001.

 

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

 

LUẬT HẢI QUAN 2001
Số, ký hiệu văn bản 29/2001/QH10 Ngày hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Luật Ngày đăng công báo 22/09/2001
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu
Ngày ban hành 29/06/2001
Cơ quan ban hành Quốc hội
Tình trạng Hết hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản

THE NATIONAL ASSEMBLY
—–

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence – Freedom – Happiness
———-

No: 29/2001/QH10

Hanoi, June 29, 2001

 

CUSTOMS LAW

In order to contribute to implementing the State’s policies on economic, cultural, social, scientific and technological development, international cooperation and exchange; and protecting national sovereignty and security, interests of the State, legitimate rights and interests of organizations and individuals;
Pursuant to the 1992 Constitution of Socialist Republic of Vietnam;
This Law provides for customs;

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Customs policies

The State of the Socialist Republic of Vietnam creates favorable customs conditions for export, import, exit, entry and transit activities on the Vietnamese territory.

Article 2.- Scope of regulation

This Law prescribes the State management over customs with regard to exported, imported or transited goods, transport means on exit, entry and in transit, of foreign and domestic organizations and individuals; and the organization and operation of the customs service.

Article 3.- Subjects of application

This Law shall apply to:

1. Organizations and individuals that export, import or transit goods, and/or have transport means on exit, entry, and in transit;

2. Customs offices and customs officers;

3. Other State bodies involved in coordinating the State management over customs.

Article 4.- Interpretation of terms

In this Law, the following terms are construed as follows:

1. Goods mean exported, imported or transited goods; baggage, foreign and Vietnamese currencies of people on exit and entry; items on transport means on exit, entry or in transit; precious metals, gems, antiques, cultural products, postal matters, other properties exported, imported, transited or kept within the geographical areas of customs operation.

2. Exported, imported and transited goods mean all movables with codes and appellations as prescribed by law, which are exported, imported, transited or kept within the geographical areas of customs operation.

3. Baggage of people on exit or entry means essentials for their daily needs or trips, including accompanied baggage, baggage delivered before or after the trips.

4. Transport means mean land road, railway, airway, sea and river transport means on exit, entry and in transit.

5. Items on transport means mean properties used on transport means; raw materials and fuel in service of operation of transport means; food, foodstuff and other belongings in direct service of daily life activities of people working and passengers on transport means.

6. Customs procedures mean activities that must be carried out by customs declarers and customs officers according to the provisions of this Law for goods and transport means.

7. Customs declarers mean goods owners, transport means owners or persons authorized by goods owners, transport means owners.

8. Customs inspection means the checking of customs dossiers, related documents and the examination of the actual conditions of goods and/or transport means, which are conducted by customs offices.

9. Customs supervision means a professional measure applied by the customs offices to keep intact the original conditions of goods, transport means subject to customs management.

10. Customs control means measures of patrolling, investigating or other professional measures applied by customs offices to prevent and combat smuggling and illegal cross-border goods transportation and other acts of violating the customs legislation.

11. Customs clearance means the decision by customs offices on permitting goods to be exported or imported, transport means to leave or enter Vietnam.

12. Tax-suspension warehouses mean the goods owners warehouses used to store their imported goods which have enjoyed customs clearance but the import taxes on which have yet to be paid.

13. Bonded warehouses mean warehouses for storing the following goods:

a/ Goods for which customs procedures have been completed and which are stored pending their export;

b/ Goods sent from abroad and stored pending their re-export or their import into Vietnam according to law provisions.

14. Transit means the transfer of goods and transport means from one country through the border gates into the Vietnamese territory to another country or back to such country.

15. Transferred properties mean belongings and items in service of daily-life and working activities of individuals, families and organizations, which are permitted to be carried along when such subjects no longer reside or terminate their activities in Vietnam or foreign countries.

16. Transshipment means the transfer of goods from the transport means on entry to the transport means on exit for exportation or from the transport means on entry into warehouses, yards located within the border-gate areas, before being loaded aboard other transport means for exportation.

17. Border gate-to-border gate transportation means the transfer of goods or transport means being subject to customs inspection and/or supervision from one border gate to another; from one border gate to an outside-of-border gate site of customs procedure completion or vice versa; and from an outside-of- border gate site of customs procedure completion to another.

Article 5.- Application of international agreements, international conventions and practices on customs

1. Where an international agreement which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to contains provisions different from those of this Law, the provisions of such international agreement shall apply.

2. For cases which have not yet been provided for by this Law, other legal documents of Vietnam and international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to, the international conventions and practices on customs may be applied provided that such application is not against the fundamental principles of Vietnamese law.

Article 6.- Geographical areas of customs operation

The geographical areas of customs operation include areas of land-road border-gates, international railway stations, international seaports, international river ports, international civil airports, outside-of-border gate sites of customs procedure completion, export-processing zones, bonded warehouses, tax-suspension warehouses, customs privilege zones, international post offices, sites of inspection of export and import goods in the territory and sea areas over which Vietnam exercises its sovereignty rights, enterprises head offices where post-customs clearance inspection is conducted and other geographical areas of customs operation as prescribed by law.

Within the geographical areas of customs operation, the customs offices shall be responsible for inspecting, supervising and controlling goods and transport means.

The Government shall specify the scope of customs operation areas.

Article 7.- Building of the customs force

Vietnam Customs shall be built into a clean and strong force with a high professional level, which is equipped with and able to master modern techniques, and operates in an effective and efficient manner.

Article 8.- Modernization of customs management

1. The State prioritizes the investment in developing advanced technologies and technical means in order to ensure the application of modern customs management methods; encourages organizations and individuals engaged in export and import activities to participate in setting up, connecting and exploiting the customs service’s computerized information network.

2. The Government shall specify the system of technical standards for electronic data exchange, the legal validity of electronic documents, and the responsibilities and powers of concerned State bodies, organizations and individuals engaged in export and import activities, leaving and entering Vietnam in the establishment, development and exploitation of the customs service’s computerized information network.

Article 9.- Coordination in the enforcement of the customs legislation

1. The customs offices shall have to closely coordinate with the concerned State bodies, organizations and people’s armed force units.

2. The concerned State bodies, organizations and people’s armed force units shall, within the scope of their tasks and powers, have to coordinate with and create conditions for the customs offices to fulfil their tasks.

Article 10.- Supervision of the observance of the customs legislation

1. The People’s Councils at all levels shall, within the scope of their functions, tasks and powers, supervise the observance of the customs legislation.

2. Vietnam Fatherland Front and its member organizations shall mobilize the population to strictly observe the customs legislation and supervise the observance thereof according to law provisions .

3. When performing their tasks and powers, the customs offices and customs officers shall have to abide by law, rely themselves on the people and submit to the people’s supervision.

Chapter II

TASKS AND ORGANIZATION OF THE CUSTOMS

Article 11.- Tasks of the Customs

Vietnam Customs is tasked to inspect and supervise goods and transport means; to prevent and combat smuggling and illegal cross-border goods transportation; to organize the implementation of tax legislation with regard to export and import goods; to propose policies and measures for customs-related State management over the export, import, exit, entry and transit activities as well as tax policies for export and import goods.

Article 12.- Principles for organization and operation of the Customs

1. Vietnam Customs shall be organized and operate according to the principles of centralized and uniform command.

2. The General Director of Customs shall uniformly manage and execute activities of the Customs at all levels; the Customs at lower level shall submit to the management and direction by the Customs at higher level.

Article 13.- System of Customs organization

1. The organizational system of Vietnam Customs consists of:

a/ The General Department of Customs, which is a body attached to the Government;

b/ The Customs Departments of the provinces, inter-provinces, and centrally-run cities;

c/ The border-gate Customs Sub-Departments, Customs Control squads and equivalent units.

2. The Government shall specify the tasks, organization and operation of the Customs at all levels; the service regime, titles, criteria, salaries, seniority allowances and other preferential treatment regimes for customs officers; customs badges, flags, insignia, uniform and customs identity cards.

Article 14.- Customs officers

1. Customs officers are those who are recruited, trained and employed according to the legislation on State employees.

2. Customs officers must have good political qualities, perform their tasks according to law provisions, be honest, integrated, disciplined, have civilized, polite attitudes, and strictly abide by decisions on job transfer and assignment.

Chapter III

CUSTOMS PROCEDURES, CUSTOMS INSPECTION AND SUPERVISION REGIMES

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 15.- Principles for carrying out customs procedures, conducting customs inspection and supervision

1. Exported, imported and transited goods, transport means on exit, entry or in transit must go through customs procedures, be subject to customs inspection and supervision, transported along the routes and through the border gates prescribed by law.

2. Goods and transport means shall enjoy customs clearance after going through customs procedures.

3. Customs procedures must be carried out in a public, quick and convenient manner according to law provisions.

4. The arrangement of personnel and working time must meet the requirements of export, import, exit, entry and transit activities.

Article 16.- Customs procedures

1. When carrying out customs procedures, the customs declarers shall have to:

a/ Fill in and submit the customs declaration forms; submit, produce documents of the customs dossiers;

b/ Take goods and/or transport means to the designated sites for inspection of their actual conditions;

c/ Pay taxes and fulfil other financial obligations as prescribed by law;

2. When carrying out customs procedures, the customs officers shall have to:

a/ Receive and register the customs dossiers;

b/ Examine the customs dossiers and inspect the actual conditions of goods and transport means;

c/ Collect taxes and other revenues as prescribed by law;

d/ Decide on the customs clearance for goods and transport means.

Article 17.- Sites of customs procedure completion

The sites of customs procedure completion are the head offices of the border-gate customs and the head offices of the outside-of-border gate customs.

In cases of necessity, the inspection of the actual conditions of export and import goods may be conducted at other sites as prescribed by the General Department of Customs.

Article 18.- Time limits for declaration and submission of customs declaration forms

The customs declarers must fill in and submit customs declaration forms for goods and transport means within the following time limits:

1. For import goods, within 30 days after the date the goods arrive at the border-gate,

2. For export goods, no later than 8 hours before the transport means leaves Vietnam.

3. For accompanied luggage of people on exit or entry, immediately after the transport means arrives at the entry border gate and before the transporting organization stops carrying out the procedures for admitting passengers aboard the transport means on exit. For baggage delivered before or after the trips of the people on entry, the provisions of Clause 1 of this Article shall apply.

4. For goods and transport means in transit, immediately after the goods and transport means arrive at the first entry border-gate and before the goods and transport means go through the last exit border-gate.

5. For sea-going transport means on exit or entry, no later than 2 hours after the port authorities announce that the transport means have arrived at the places for pilot reception and return, and one hour before the transport means leave Vietnam.

6. For airway transport means on exit or entry, immediately after the transport means arrive at the border gate and before the transporting organization stops carrying out the procedures for admitting export goods and passengers on exit.

7. For railway, land road and river way transport means on exit or entry, immediately after the transport means arrive at the first entry border-gate and before the transport means go through the last border-gate for exit.

Article 19.- Time limit for the customs officers to carry out customs procedures

1. The customs officers shall receive, register and examine customs dossiers right after the customs declarers submit and produce them according to law provisions; in cases where they refuse to register the customs dossiers, they shall have to notify the customs declarers the reasons for refusal.

2. After the customs declarers have satisfied all requirements for the carrying out of customs procedures according to Points a and b, Clause 1, Article 16 of this Law, the time limit for the customs officers to complete the inspection of the actual conditions of goods and transport means is prescribed as follows:

a/ No more than 8 working hours for lots of export or import goods subject to the form of inspection of the actual conditions of part of the goods quantity by probability method.

b/ No more than 2 working days for lots of export or import goods subject to the form of inspection of the actual conditions of the whole quantity of goods.

In cases where the form of inspection of the actual conditions of the whole lots of export or import goods with large quantities is applied or inspection is complicated, the inspection time limit may be extended but such an extension shall not exceed 8 working hours.

c/ The inspection of the transport means on exit or entry must ensure the timely loading or unloading of export and import goods as well as the exit or entry of passengers aboard.

d/ The customs clearance for goods and transport means shall comply with the provisions of Article 25 of this Law.

Article 20.- Customs declaration

1. Customs declaration shall be uniformly effected according to customs declaration forms set by the General Department of Customs.

2. Customs declarers must declare fully, accurately and clearly according to the contents on the customs declaration forms.

3. Customs declarers may use the form of electronic declaration.

Article 21.- Customs procedure agents

1. Customs procedure agents are customs declarers authorized by persons who have rights and obligations in the carrying out of customs procedures for export and import goods.

2. Customs procedure agents must be knowledgeable of the customs legislation, customs declaration skills and be accountable to law within the scope of authorization.

The Government shall specify the conditions for registration and operation of customs procedure agents.

Article 22.- Customs dossiers

1. A customs dossier consists of:

a/ Declaration form;

b/ Commercial invoices;

c/ Goods purchase and sale contract;

d/ Permit of the competent State body for exported, imported or transited goods or transport means on exit, entry or in transit, which require such permit under the provisions of law.

e/ Other documents as prescribed by law for each goods item, which the customs declarer must submit or produce to the customs offices.

2. Customs dossiers shall be submitted or produced to the customs at the customs offices. Where there are plausible reasons accepted by the directors of the border-gate customs sub-departments or the directors of the customs sub-departments of the outside-of-border gate sites of customs procedure completion, the customs declarers may have the time limit extended for submission or production of a number of documents of the customs dossiers; supplement, modify or replace the already-registered customs declaration forms before the inspection of the actual conditions of goods and transport means starts.

Article 23.- Rights and obligations of the customs declarers

1. The customs declarers shall have the right to:

a/ Be supplied by the customs offices information relating to the customs declaration for exported, imported and transited goods, transport means on exit, entry or in transit and guidance on carrying out the customs procedures;

b/ Have a prior look at the goods, take samples of the goods under the supervision by customs officers before making customs declaration so as to ensure accurate customs declaration;

c/ Propose the customs offices to re-inspect the actual conditions of the goods already inspected if they disagree with the customs offices� decisions, in cases where the goods are not permitted for customs clearance;

d/ Lodge complaints and denunciations against illegal acts committed by customs offices and customs officers;

e/ Claim compensation for damage caused by customs offices and/or customs officers according to law provisions.

2. The customs declarers shall have the obligation to:

a/ Make customs declaration and comply with the provisions of Clause 1 of Article 16, Articles 18, 20 and 68 of this Law;

b/ Be accountable to law for the truthfulness of the declared contents and the submitted and/or produced documents;

c/ Abide by decisions and requests of the customs offices and customs officers when they carry out customs procedures for goods and transport means according to the provisions of this Law;

d/ Keep accounting records and vouchers and other documents related to the export and import goods having enjoyed customs clearance for a period of 5 years counting from the date of registration of customs declaration forms; supply information and documents related thereto when the customs offices request the examination thereof according to the provisions of Articles 28, 32 and 68 of this Law;

e/ Arrange personnel to serve the inspection of the actual conditions of goods and transport means;

f/ Pay taxes and fulfil other financial obligations as prescribed by law.

Article 24.- Responsibility to inspect goods and transport means within the geographical areas of customs operation

1. Within the geographical areas of customs operation, the customs offices shall have the responsibility to inspect export and import goods, and transport means on exit or entry.

2. For goods and transport means which are, as prescribed by law, subject to specialized quality, medical, cultural inspection or animal and plant quarantine, the State bodies with specialized inspection competence shall conduct the inspection thereof.

3. The directors of the border-gate customs sub-departments shall assume the prime responsibility and coordinate with the competent State bodies in conducting specialized inspection at the border gates so as to ensure a quick customs clearance for goods and transport means.

The Government shall define in detail the responsibilities and coordinating relations of the competent State bodies at the border gates.

Article 25.- Customs clearance for goods and transport means

1. Goods and transport means shall enjoy customs clearance after the customs procedures have been completed.

2. Goods and transport means for which the customs procedures have not yet been completed may enjoy customs clearance if they fall under one of the following cases:

a/ Lacking some documents of the customs dossier, which are permitted by the customs office to be submitted later within a given time limit;

b/ Having not yet paid or having paid the payable tax amount not in full within the prescribed time limit during which a credit institution or another organization permitted to conduct a number of banking activities provides guarantee for such payable amount, except for export and import goods entitled to a grace period for tax payment according to the provisions of the tax legislation.

3. Where the goods or transport means owners are sanctioned in form of pecuniary fine for customs-related administrative violations, the goods or transport means may go through customs clearance if their owners have paid the fines or such fines are guaranteed by a credit institution or another organization permitted to conduct a number of banking activities for the execution of the sanctioning decisions of the customs offices or competent State bodies.

4. For export and import goods the appraisal of which has been conducted, the customs offices shall base themselves on the appraisal results to decide on customs clearance therefor. In cases where pending the appraisal results the goods owners request to take the goods for preservation, the customs offices may accept such requests only when all customs supervision conditions prescribed by the General Department of Customs have been met.

5. Goods exported and imported in service of urgent requirements shall go through customs clearance according to the provisions of Article 35 of this Law.

Article 26.- Customs supervision

1. Customs supervision of goods and transport means shall be conducted by the following modes:

a/ Customs sealing or by other technical means;

b/ Direct supervision conducted by customs officers.

2. Customs supervision duration:

a/ From the time the goods or transport means on entry arrive at the geographical areas of customs operation to the time they enjoy customs clearance;

b/ From the time the inspection of the actual conditions of export goods starts to the time they are actually exported;

c/ From the time the goods or transport means in transit arrive at the geographical areas of customs operation to the time they get out of the Vietnamese territory.

3. Goods owners, conductors or operators of transport means, and customs procedure agents shall be obliged to keep the goods conditions and customs seals intact; in force majeure cases where it is impossible to keep the goods conditions or customs seals intact, after applying necessary measures to limit and prevent any possible loss, they must immediately notify such to the nearest customs office or commune/ward/township People’s Committee for certification.

Article 27.- Tasks and powers of customs officers

When carrying out customs procedures, customs officers shall have the following tasks and powers:

1. Strictly complying with laws, professional customs processes and taking responsibility for the performance of their tasks and powers;

2. Giving guidance to the customs declarers when so requested;

3. Conducting customs inspection and supervision; in cases of detecting signs of violation of customs legislation, requesting the goods owners, conductors of transport means or authorized persons to comply with their requests for the inspection and examination of goods and transport means according to law provisions;

4. Taking samples of the goods in the presence of the customs declarers for the customs offices to analyze them or solicit the appraisal thereof in service of the goods inspection; using the analysis and/or appraisal results to determine the right codes and quality of goods.

5. Requesting the customs declarers to supply information and documents related to the goods or transport means so as to determine the correct goods codes and value in service of the collection of taxes and other revenues according to law provisions;

6. Supervising the opening, closing, transshipment, loading and unloading of goods at the sites of customs procedure completion and the sites of inspection of export and import goods.

7. Requesting the conductors or operators of transport means to move along prescribed routes and stop at prescribed places.

8. Other tasks and powers as prescribed by law.

Section 2. CUSTOMS SUPERVISION AND INSPECTION OF GOODS

Article 28.- Examination and registration of customs dossiers

When receiving customs dossiers, the customs officers shall check the declarations according to the requirements on the declaration form, documents of the customs dossiers, the compatibility of the declaration contents and the customs dossier documents; register the customs dossiers according to law provisions; in case of refusal to register the customs dossiers, they must inform the customs declarers of the reasons therefor.

Article 29.- Bases and competence to decide on the forms of inspection of the actual conditions of export and import goods for customs clearance

1. Bases for decision on the forms of inspection of the actual conditions of export and import goods include the law observance records of the goods owners; the State�s policies on management of export and import goods; the nature, categories and origins of export and import goods; the customs dossiers and other information related to the export and import goods.

2. The heads of the border-gate customs sub-departments, the heads of the customs sub-departments of the outside-of-border gate sites of customs procedure completion shall decide on the forms of inspection of the actual conditions of export and import goods and the change of the inspection form as prescribed in Article 30 of this Law.

Article 30.- Forms of inspection of the actual conditions of export and import goods for customs clearance

1. Forms of inspection of the actual conditions of export and import goods include:

a/ Exemption from inspection of the actual conditions of export and import goods of the goods owners who have a record of good observance of customs legislation for goods items regularly exported or imported, export farm and aquatic goods, export and import goods of export-processing zones, goods stored at bonded warehouses, goods brought into the customs preferential treatment zone and other goods on the list prescribed by the Government.

For goods which have been decided to be exempt from inspection but then detected to have signs of violation of the customs legislation, the form of inspection prescribed at Point c of this Clause shall apply;

b/ Inspection by probability method of the actual conditions of no more than 10% of the goods for each lot of export or import goods being raw materials and supplies imported for production of export goods and for export processing, goods of the same category, homogeneously-packed goods, and export and import goods not falling into the cases of inspection exemption specified at Point a of this Clause.

In the course of inspection, if any violations of the customs legislation are detected, the form of inspection prescribed at Point c of this Clause shall apply;

c/ Inspection of the whole lots of export or import goods of the goods owners who have committed violations of the customs legislation time and again; and goods lots detected to have signs of violation of the customs legislation.

2. The inspection of the actual conditions of goods shall be conducted by the customs officers either personally or with the aid of machinery, technical equipment and other professional measures in the presence of the customs declarers or their lawful representatives, after the customs dossiers have been registered and the goods brought to the inspection sites.

The goods being live animals or plants difficult to preserve and other special goods shall be inspected first.

Article 31.- Inspection of the actual conditions of export and import goods in cases where the customs declarers are absent

1. The goods inspection in the absence of customs declarers shall be decided by the heads of the border-gate customs sub-departments, the heads of the customs sub-departments of the outside-of-border gate sites of customs procedure completion and notified to the customs declarers in the following cases:

a/ For security protection;

b/ For sanitation and environment protection;

c/ Showing signs of serious law violation;

d/ The prescribed time limit is over but the customs declarers fail to come to carry out customs procedures;

e/ At the requests of the customs declarers.

2. The inspection in absence of the customs declarers shall be conducted in the presence of the representative of the transporting organization or of the nearest commune/ward or township People�s Committee.

Article 32.- Post-customs clearance inspection

1. In cases where they detect signs of violation of the customs legislation in the export or import goods which have enjoyed customs clearance, the customs offices may apply the measure of post-customs clearance inspection.

2. Within 5 years after the date the export or import goods enjoy customs clearance, the directors of the customs departments of the provinces, inter-provinces or centrally-run cities may issue decisions on post-customs clearance inspection.

3. Basing themselves on the post-customs clearance inspection decisions, the customs officers shall personally examine accounting records and invoices and other documents related to the lots of export or import goods which already enjoyed customs clearance at the enterprises so as to make comparison with the customs declarations and documents of the customs dossiers; in cases of necessity and if conditions permit, they may inspect the actual conditions of the goods.

4. In the course of inspection, at the requests of the customs offices, the concerned agencies, organizations and individuals shall create conditions, supply necessary accounting records, information and materials in service of the former’s inspection.

The Government shall prescribe in detail the post-customs clearance inspection.

Article 33.- Temporarily-exported and temporarily-imported goods

1. Temporarily-exported and temporarily-imported goods subject to the customs inspection and supervision include:

a/ Goods for participation in fairs, exhibitions, and product displays;

b/ Machinery, equipment and occupational tools in service of jobs within a given period of time;

c/ Components and spare parts in service of the replacement and repair of foreign sea-going ships and aircraft.

d/ Other goods as prescribed by law.

2. Temporarily-exported goods must be re-imported and temporarily-imported goods must be re-exported within a prescribed time limit and go through customs procedures.

3. If temporarily-exported goods which are not re-imported and temporarily-imported goods which are not re-exported are sold, presented or exchanged, they must go through customs procedures like export and import goods; if they are on the list of goods subject to conditional export and import, they must comply with the law provisions on goods subject to conditional export and import.

Article 34.- Presents and gifts

1. Goods being presents and gifts must go through customs procedures; if they are on the list of goods subject to conditional export and import, they must comply with the law provisions on goods subject to conditional export and import.

2. It is strictly forbidden to present or donate goods on the list of goods banned from export or import.

3. The duty-free allowance of goods being presents and gifts shall be prescribed by the Government.

Article 35.- Goods exported and imported in service of urgent requirements

1. Goods exported and imported in service of urgent requirements include:

a/ Goods in service of the immediate overcoming of natural disaster consequences;

b/ Goods in service of urgent relief requirements;

c/ Goods in service of security and defense requirements and goods in service of other urgent requirements under the Prime Minister’s decisions.

2. Goods exported and imported in service of urgent requirements shall enjoy customs clearance before the customs declarations and customs dossier documents are submitted.

Article 36.- Goods traded and exchanged by border inhabitants

1. Goods traded and exchanged by border inhabitants are goods in service of the common daily life and production of border inhabitants.

2. The goods traded and exchanged by border inhabitants of Vietnam with those of the countries sharing the national borderlines with Vietnam must be subject to customs inspection and supervision; in places where customs offices are not available, such goods shall be subject to the inspection and supervision by the border guards according to law provisions.

3. The Government shall define the responsibilities of the local administrations, the coordination among the State bodies, and the policies on the goods trading and exchange by border inhabitants.

Article 37.- Goods exported and imported by mail

1. Goods exported and imported by mail must go through customs procedures as provided for by this Law.

2. In cases where the authorized customs declarers are postal service- providing enterprises, they must fully discharge the customs declarer’s responsibility as prescribed by this Law; may deliver or distribute goods only after the are given the customs clearance.

Article 38.- Goods on transport means on exit, entry and in transit

1. Goods being items on transport means on exit, entry and in transit shall not have to go through customs procedures but must be subject to customs supervision.

2. Goods purchased from transport means on entry must go through customs procedures like import goods.

Goods sold to people working and passengers on transport means on exit or in transit must go through customs procedures like export goods.

Article 39.- Goods exported and imported by mode of electronic commerce

1. Goods exported and imported by mode of electronic commerce must be subject to customs inspection and supervision.

2. The Government shall prescribe the customs inspection and supervision of goods exported and imported by mode of electronic commerce.

Article 40.- Transited goods

1. Transited goods must go through customs procedures at the first entry border-gate and the last exit border-gate, be subject to customs supervision during the process of transportation on the Vietnamese territory.

2. For goods transited not across land territory, transited and warehoused within the border-gate areas, the transit permits shall not be required. For goods transited across land territory, or warehoused outside the border-gate areas or for transited goods for which permits are required according to the provisions of Vietnamese law, permits issued by the competent State bodies must be produced.

3. The inspection of transited goods shall be conducted only in cases where signs of law violation are detected.

4. Transited goods may be sold in Vietnam only when it is so permitted by the competent Vietnamese State bodies and must go through the customs procedures like import goods.

Article 41.- Goods transported from border-gate to border-gate

1. Goods transported from border gate to border-gate include:

a/ Export goods which have gone through customs procedures, been transported from the outside-of-border gate site of customs procedure completion to the export border gate;

b/ Import goods transported from the import border gate to the outside-of-border gate site of customs procedure completion;

c/ Export and import goods transported from one site of customs procedure completion to another.

2. Goods transported from border-gate to border-gate must be subject to customs inspection and supervision.

3. For export and import goods transported between two sites where the inspection of the actual conditions of the export or import goods is conducted and such sites are other than the sites of customs procedure completion, the regime applicable to goods transported from border-gate to border- gate may apply if it is so approved in writing by the directors of the customs departments of the provinces, inter-provinces or centrally-run cities.

Article 42.- Routes and durations of transit and border- gate-to-border gate transportation

Goods which are transited or transported from border- gate to border-gate must be transported along prescribed routes through prescribed border-gates, within prescribed time limits and subject to customs supervision.

The Ministry of Communications and Transport shall prescribe the routes for transportation of transited goods; the General Department of Customs shall prescribe the routes for border gate-to-border gate goods transportation.

Article 43.- Transferred properties

Individuals, families and organizations with transferred properties must have papers certifying their ownership over such properties, excluding belongings and items in service of normal daily life activities.

The Government shall prescribe in detail transferred properties.

Article 44.- Luggage of persons on exit and entry

1. Luggage of persons on exit and entry must go through the customs procedures at the border gates.

2. Luggage of persons on exit and entry, which exceeds the duty-free allowance, must go through the customs procedures like export and import goods.

People on exit or entry may deposit their luggage at the border-gate warehouses and reclaim them when they are on entry or exit.

3. The Government shall prescribe the duty-free luggage criteria and allowances.

Article 45.- Handling of goods which are abandoned, strayed or mistakenly-claimed and unclaimed after the expiry of customs declaration time limit

1. Goods which their owners declare publicly to abandon them or take acts to prove their abandonment shall be put for sale and the proceeds therefrom shall be paid into the State budget after subtraction of arising expenses.

The goods owners abandonment of goods with signs of law violation shall not be accepted.

2. For strayed and mistakenly-claimed goods, within the time limit of 180 days if the goods owners are able to prove that such goods are under their ownership but have been wrongly delivered from abroad or strayed to Vietnam, the goods can be re-exported; if they have been sent to wrong addresses, the addresses shall be adjusted so that the goods can reach the right recipients; if the goods are strayed to another country then brought to Vietnam, the goods owners may carry out customs procedures for reclaiming them after paying all expenses that arise; past 180 days if nobody comes to claim, the goods shall be handled according to the provisions of Clause 4 of this Article.

3. Where the customs offices have grounds to determine that the abandoned, strayed or mistakenly-claimed goods are contraband, they shall handle such goods like smuggled goods.

4. For goods which have been imported for more than 90 days from the date they arrive at the unloading border- gates but nobody comes to receive them, the customs offices shall publicly announce such on the mass media. Within the time limit of 180 days from the date of such public announcement, if the goods owners come and claim them, they shall have to carry out the customs procedures and pay a fine and all expenses that arise from the delayed completion of the customs procedures; if nobody comes to claim, such goods shall be handled according to law provisions.

Section 3. CUSTOMS INSPECTION AND SUPERVISION OF GOODS IN BONDED WAREHOUSES AND TAX-SUSPENSION WAREHOUSES

Article 46.- Goods in bonded warehouses and tax-suspension warehouses

1. Goods of domestic or foreign organizations and individuals stored at bonded warehouses must be subject to customs inspection and supervision.

2. Only imported goods being production raw materials and owned by owners of tax-suspension warehouses may be put into the tax-suspension warehouses.

3. The Government shall prescribe in detail the operation of bonded warehouses and tax-suspension warehouses.

Article 47.- Rights and obligations of bonded warehouse owners and owners of goods stored in bonded warehouses

1. Bonded warehouse owners may perform contracts for storing goods at their bonded warehouses according to law provisions; may move the goods in the bonded warehouses as agreed upon with the goods owners but must notify such in advance to the customs offices.

Once every 45 days, the bonded warehouse owners must notify in writing the customs departments of the provinces, inter-provinces or centrally-run cities of the actual conditions of the goods and the situation of operation of their bonded warehouses.

The bonded warehouse owners shall have to comply with the requests of the customs offices regarding the goods inspection according to law provisions.

2. The owners of goods stored in bonded warehouses may consolidate the packings, categorize goods or take goods samples under the supervision of customs officers, and may effect the transfer of the right to own such goods according to law provisions. The transfer of goods from one bonded warehouse to another must be approved in writing by the heads of the customs departments of provinces, inter-provinces or centrally-run cities.

During the time the goods are stored in the bonded warehouses, the goods owners must comply with the law provisions on the operation of bonded warehouses.

Article 48.- Time limit for storing goods in bonded warehouses

The time limit for storing goods in bonded warehouses shall not exceed 12 months, counting from the date the goods are put therein; in cases where there are plausible reasons and written approval of the heads of the customs departments of the provinces, inter-provinces or centrally-run cities, this time limit may be extended but such an extension must not exceed 6 months.

Article 49.- Competence to set up, terminate the operation of bonded warehouses and tax-suspension warehouses

The General Director of Customs shall decide on the setting up and termination of the operation of bonded warehouses.

The heads of the customs departments of the provinces, inter-provinces or centrally-run cities shall decide on the setting up and termination of tax-suspension warehouses.

Section 4. CUSTOMS INSPECTION AND SUPERVISION OF TRANSPORT MEANS

Article 50.- Sites of customs procedure completion for transport means on exit and entry

1. Transport means on exit and entry must go through Vietnam’s border gates.

Transport means on entry must go through customs procedures at the first entry border gate. Transport means on exit must go through customs procedures at the last exit border-gate.

2. The exit and entry of transport means through other sites shall be prescribed by the Government.

Article 51.- Routes, customs supervision duration for transport means on exit, entry, in transit or moving between border gates

1. Foreign transport means on exit, entry, in transit, or going from border gate to border gate must go along prescribed routes, be subject to customs supervision from the time they arrive at the geographical areas of customs operation, during their movement, to the time they get out of the Vietnamese territory.

2. Vietnamese transport means on entry shall be subject to customs supervision from the time they arrive at the geographical areas of customs operation to the time when all import goods carried onboard the transport means are unloaded for import procedure completion.

Vietnamese transport means on exit shall be subject to customs supervision from the time they start to be loaded with export goods to the time they get out of the Vietnamese territory.

3. When there are grounds to believe that illegal goods are hidden on the transport means on exit, entry, in transit or going from one border gate to another, or signs of serious law violation are revealed, the directors of the border-gate customs sub-departments, the directors of the customs sub-departments of the outside-of-border gate sites of customs-procedures completion and the heads of the customs control squads may decide to temporarily postpone the departure or stop the transport means for search. Such search must comply with the law provisions and the decision issuers must take responsibility before law for their decisions.

Article 52.- Declaration and inspection of transport means on exit, entry and in transit

1. When carrying out customs procedures for transport means on exit, entry or in transit, their owners or drivers must make customs declaration, submit and/or produce transportation documents; supply information and vouchers related to the export or import goods and items on the transport means. The time limit for customs declaration shall comply with the provisions of Clauses 5, 6 and 7, Article 18 of this Law.

2. The inspection of customs dossiers and the actual conditions of transport means by customs officers shall comply with the provisions of Points c and d, Clause 2, Article 19, as well as Article 20 and Article 22 of this Law.

Where the transportation documents have satisfied the requirements of the customs inspection, the transport means owners or drivers shall not have to fill in the customs declaration forms, except for the luggage, export or import goods of the people on exit or entry aboard their transport means.

Article 53.- Transshipment, border-gate-to-border-gate transportation, carriage transfer, carriage detachment, loading and unloading of goods aboard transport means on exit or entry

The transshipment, border-gate-to-border-gate transportation, carriage transfer, carriage detachment, loading and unloading of goods aboard transport means on exit or entry, which are under customs inspection and supervision, may be effected only when it is so consented by the customs offices.

Goods handled during transshipment, border-gate-to-border-gate transportation, carriage transfer and carriage detachment must have their packings, boxes and parcels kept intact.

Article 54.- International transportation combined with domestic transportation, domestic transportation combined with transportation of exports and imports

1. Means used for international transportation, if permitted by the competent State bodies and meeting the customs supervision conditions set by the General Department of Customs, may be also used for domestic goods transportation.

2. Means used in domestic transportation, if permitted by the competent State bodies and meeting the customs supervision conditions set by the General Department of Customs, may also be used for transportation of export or import goods being subject to customs supervision.

Article 55.- Transport means on exit, entry or in transit for defense and security purposes

Military transport means, other transport means used for defense and security purposes must go through customs procedures and be subject to customs inspection and supervision according to the Government’s regulations.

Article 56.- Responsibility of the heads of the port authorities of airports, seaports, international direct railway stations to coordinate with the customs offices

The heads of the port authorities of airports, seaports, international direct railway stations shall have to give advance notices to the directors of the border-gate customs sub-departments on the arrival and departure times, stop places, and the times for goods loading onto and/or unloading from sea-going ships, aircraft and international direct trains.

Section 5. TEMPORARY POSTPONEMENT OF CUSTOMS PROCEDURE CLEARANCE FOR EXPORT AND IMPORT GOODS UPON REQUESTS FOR PROTECTION OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS

Article 57.- Principles for temporary postponement of customs procedure clearance

1. Holders of intellectual property rights already protected under the provisions of Vietnamese law shall have the right to request the customs offices to temporarily stop carrying out the customs procedures for export or import goods if they have grounds to believe that their intellectual property rights are infringed upon.

2. The customs offices may decide to temporarily stop carrying out customs procedures for export or import goods only when all conditions set in Article 58 of this Law are met.

Article 58.- Conditions for requesting the temporary postponement of customs procedure clearance

When requesting the temporary postponement of customs procedure clearance, the intellectual property right holders shall have to:

1. Send to the customs offices the written requests together with evidences of their legitimate ownership of the intellectual property rights and evidences of the infringements thereupon.

2. Pay a deposit or submit the written guaranty by a credit institution or another organization permitted to conduct a number of banking activities as security for payment of damage compensation and expenses, as prescribed by law, which may arise due to wrong requests for temporary postponement of customs procedure clearance.

Article 59.- Specific provisions on the temporary postponement of customs procedure clearance

Pursuant to this Law and other law provisions, the Government shall prescribe in detail the temporary postponement of customs procedure clearance for export and import goods upon requests for protection of intellectual property rights.

Section 6. PRIVILEGE AND IMMUNITY REGIME

Article 60.- Privilege and immunity regime

The privilege and immunity regime prescribed by this Law include privileges and immunity with regard to customs declaration and custom inspection.

Article 61.- Immunity from customs declaration and/or inspection

1. Diplomatic and consular bags shall enjoy immunity from customs declaration and inspection.

2. Luggage and transport means of agencies, organizations and individuals entitled to diplomatic privilege and immunity, and luggage and transport means of other special subjects shall enjoy immunity from customs inspection.

Article 62.- Handling of cases where violations of the privilege and immunity regime are detected

Where there are grounds to assert that diplomatic or consular bags misused for purposes contrary to the international agreements on diplomatic and consular relations, which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to, or that luggage or transport means contain items banned from export or import, items of the categories not entitled to the privilege and immunity regime as prescribed by law, the General Department of Customs shall decide on the handling thereof according to these international agreements.

Chapter IV

RESPONSIBILITIES OF THE CUSTOMS SERVICE IN THE PREVENTION AND COMBAT OF SMUGGLING AND ILLEGAL CROSS-BORDER GOODS TRANSPORTATION

Article 63.- Tasks of the customs service in the prevention and combat of smuggling and illegal cross-border goods transportation

1. Within the scope of their tasks and powers, the customs offices at all levels shall organize the performance of the task of preventing and combating smuggling and illegal cross-border goods transportation.

2. The customs offices at all levels may establish specialized units to perform the task of preventing and combating smuggling and illegal cross-border goods transportation.

Article 64.- The scope of responsibility to prevent and combat smuggling and illegal cross-border goods transportation

1. Within the geographical areas of customs operation, the customs offices shall have to inspect, supervise and control goods and transport means so as to actively prevent and combat smuggling and illegal cross-border goods transportation.

Where goods and/or transport means have not yet been taken out of the geographical areas of customs operation while agencies, organizations or individuals detect acts of smuggling or illegal cross-border goods transportation, such agencies, organizations or individuals shall have to immediately notify the customs offices thereof for inspection and handling.

2. Outside the geographical areas of customs operation, the customs offices shall have to coordinate with the concerned State bodies in applying measures to prevent and combat smuggling and illegal cross-border goods transportation.

Where goods or transport means have been taken out of the geographical areas of customs operation while the concerned State bodies have grounds to believe that acts of smuggling or illegal cross-border goods transportation are committed, they shall conduct according to their competence the inspection and handling thereof under the provisions of law.

3. The People’s Committees at all levels shall direct and coordinate activities of the customs offices and other concerned Sate bodies in their localities in performing the task of preventing and combating smuggling and illegal cross-border goods transportation.

Article 65.- Competence of the customs offices in the application of measures to prevent and combat smuggling and illegal cross-border goods transportation

1. Organizing forces, setting up database, applying necessary professional measures, gathering customs operation-related information at home and abroad so as to actively prevent and combat smuggling and illegal cross-border goods transportation, and serve the customs clearance for goods and the post-customs clearance inspection; coordinating with the concerned bodies in keeping secret the suppliers of information on cases of smuggling and illegal cross-border goods transportation.

2. Conducting customs control over goods and transport means; assuming the prime responsibility and coordinating with the concerned State bodies in carrying out activities of preventing and combating smuggling and illegal cross-border goods transportation within the geographical areas of customs operation.

3. Taking necessary professional scouting measures as prescribed by law to detect acts of smuggling and illegal cross-border goods transportation.

4. Requesting concerned agencies, organizations and/or individuals to supply information and materials if such information and materials are necessary for the verification of acts of smuggling and illegal cross-border goods transportation.

5. Requesting postal service-providing enterprises to open postal matters and goods exported or imported by mail for inspection when there are grounds to believe that such postal matters and goods contain materials and goods related to smuggling and illegal cross-border goods transportation.

6. Undertaking the international cooperation in the prevention and combat of smuggling and illegal cross-border goods transportation.

Article 66.- Competence of the customs offices and customs officers in handling acts of smuggling and illegal cross-border goods transportation

1. Where they have grounds to believe that there are acts of hiding smuggled goods or illegal cross-border goods transportation, the directors of the border-gate customs sub-departments, the directors of the customs sub-departments of the outside-of-border gate sites of customs procedure completion and the heads of the customs control squads may decide on the body search and the search of the transportation means as well as places where the goods are hidden, and the temporary seizure of people, transportation means and/or goods according to the law provisions on the handling of administrative violations.

2. When detecting acts of violation of customs legislation, which are so serious to be examined for penal liability, the customs offices and customs officers with the competence prescribed by the criminal procedure legislation may initiate the cases, initiate criminal cases against the accused and conduct investigative activities. The initiation of criminal cases, the initiation of criminal cases against the accused and the carrying out of investigative activities must strictly comply with the provisions of criminal procedure legislation.

3. The customs offices and customs officers shall, when carrying out activities prescribed in Clauses 1 and 2 of this Law, have to take responsibility before law for their decisions.

Article 67.- Technical equipment in service of the prevention and combat of smuggling and illegal cross-border goods transportation

1. The customs offices and customs officers that directly perform the task of combating smuggling and illegal cross-border goods transportation shall be equipped with professional technical means, weapons and support instruments. The equipment and use of weapons and support instruments must strictly comply with law provisions.

2. In case of necessity, the customs offices and customs officers that directly perform the task of combating smuggling and illegal cross-border goods transportation may request agencies, organizations and/or individuals to coordinate forces, support means and supply information; if the supported means are damaged, the customs offices shall have to pay compensation therefor according to law provisions.

Chapter V

ORGANIZATION OF THE COLLECTION OF TAXES AND OTHER LEVIES ON EXPORT AND IMPORT GOODS

Article 68.- Responsibilities of the customs declarers in the declaration, calculation and payment of taxes and other levies

1. To declare, calculate and pay taxes in full, on time and be accountable for their tax declaration and calculation.

2. Within 6 months as from the date of registration of declarations, if detecting any mistakes in the tax declaration, calculation and/or payment, they shall have to report them to the customs offices where the necessary procedures are carried out for adjustment of the payable tax amounts.

3. To fulfil other obligations in the declaration, calculation and payment of taxes and other levies according to law provisions.

4. To abide by the customs offices decisions on taxes and other levies.

Article 69.- Responsibilities of the customs offices in organizing the collection of taxes and other levies

1. The General Department of Customs shall uniformly direct the collection of taxes and other levies on export and import goods and the application of measures to ensure the correct and full collection of taxes and other levies according to law provisions.

2. The customs offices which carry out the procedures for export and import of goods shall check the tax declaration and calculation by customs declarers; where they discover the wrong calculation of the payable tax amounts by customs declarers, they must, after adjusting such amounts, notify the customs declarers thereof. The time limits for retrospective collection and payment of the payable tax amounts shall comply with the provisions of tax legislation.

Article 70.- Time for tax calculation and time limit for tax payment

1. The time for tax calculation and the time limit for tax payment applicable to export and import goods shall comply with the provisions of tax legislation.

2. Where export or import goods are temporarily seized pending the handling by the customs offices or competent State authorities, the time limit for tax payment shall be counted from the date the handling decision is issued.

Article 71.- Determination of the tax calculation values

The values for calculation of tax on export or import goods shall be determined according to the provisions of the tax legislation and other law provisions.

The Government shall prescribe in detail the determination of tax calculation values for export and import goods.

Article 72.- Classification of export and import goods and determination of tax rates for export and import goods

1. The classification of export and import goods shall comply with the law provisions on goods classification.

The determination of tax rates for export and import goods shall be based on current tax index.

Where the customs offices refuse to accept the results of classification by the customs declarers, they may request such declarers to supply documents related to the export or import goods; take samples of export or import goods to the witness of the customs declarers for analysis, classification and re-determination of the tax rates applicable to such export or import goods; if the customs declarers disagree with the customs offices� analysis and re-classification results, they may lodge complaints thereabout. The complaint lodging and settlement shall comply with the law provisions.

2. The Government shall prescribe in detail the classification of export and import goods.

Chapter VI

STATE MANAGEMENT OVER CUSTOMS

Article 73.- Contents of the State management over customs

The contents of the State management over customs include:

1. Elaboration and direction of the implementation of the strategy, planning and plans on development of Vietnam’s Customs.

2. Promulgation and organization of the implementation of legal documents on customs;

3. Provision of guidance for, implementation and propagation of customs legislation.

4. Prescription of the organization and operation of the Customs.

5. Training, fostering and building of the contingent of customs officers.

6. Organization of research and application of sciences and technologies and modern customs management methods.

7. Collection of the State’s statistical data on customs.

8. Inspection, supervision, settlement of complaints and denunciations, and handling of violations of customs legislation.

9. International cooperation on customs.

Article 74.- Bodies in charge of the State management over customs

1. The Government shall perform the uniform State management over customs.

2. The General Department of Customs is the body assisting the Government in performing the uniform State management over customs.

3. The ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government shall, within the scope of their tasks and powers, have to coordinate with the General Department of Customs in performing the State management over customs.

4. The People’s Committees at all levels shall, within the scope of their tasks and powers, have to organize the implementation of the customs legislation in their respective localities.

Article 75.- The right to lodge complaints, denunciations, and initiate lawsuits

1. Individuals and organizations may lodge complaints with the customs offices, other competent State bodies or initiate lawsuits at courts according to law provisions against administrative decisions and/or administrative acts of the customs offices, customs officers where there are grounds to believe that such decisions and/or acts are contrary to law, and infringe upon their legitimate rights and interests.

2. Individuals may lodge denunciations with the customs offices or other competent State bodies against customs officers and/or customs offices for their law-breaking acts which infringe upon the interests of the State and the legitimate rights and interests of organizations and individuals.

Article 76.- Responsibility to settle complaints and denunciations

1. The customs offices at all levels shall have to settle complaints about administrative decisions and/or administrative acts falling under their settling competence; if receiving complaints not falling under their settling competence, they shall have to inform the complainants thereof so that the latter can lodge their complaints with competent State bodies for settlement.

2. The customs offices at all levels shall have to settle denunciations falling under their competence; if receiving denunciations not falling under their competence, they shall have to refer them to competent bodies or organizations for settlement and inform in writing the denouncers thereof.

Article 77.- Time limit, procedures and competence for settlement of complaints and denunciations

1. The time limits and procedures for lodging complaints and denunciations and settling them, and the competence to settle complaints and denunciations shall comply with the law provisions on complaints and denunciations and relevant law provisions.

2. During the time of lodging complaints or initiating lawsuits, the organizations or individuals shall still have to abide by the administrative decisions or decisions sanctioning administrative violations, issued by the customs offices or other competent State bodies. When the complaint-settling decisions of the customs offices or other competent State bodies are issued or the courts decisions or judgments take legal effect, such decisions or judgments shall be complied with.

Chapter VII

COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 78.- Commendation

1. Agencies, organizations and individuals that have recorded achievements in the implementation of customs legislation; those who have made contributions to denouncing, discovering or assisting the customs offices in the combat against smuggling and illegal cross-border goods transportation; other acts of violation of customs legislation, shall be commended and/or rewarded according to law provisions.

2. The customs offices and customs officers that have well fulfilled their tasks shall be commended and/or rewarded according to law provisions.

Article 79.- Handling of violations

1. Those who violate the provisions of customs legislation shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned or examined for penal liability, if causing damage, they shall have to pay compensation therefor according to law provisions.

2. The customs officers who commit acts of obstructing activities of export, import, entry, exit, transit or other acts of violation of customs legislation shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned or examined for penal liability, if causing damage, they shall have to pay compensation therefor according to law provisions.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 80.- Implementation provisions

This Law takes effects as from January 1, 2002.

The Customs Ordinance passed on February 20, 1990 by the State Council shall be no longer effective as from the date this Law comes into force.

All previous provisions contrary to this Law are hereby annulled.

Article 81.- Law application to cases of goods and transport means for which customs dossiers have been registered but customs procedures have not yet been completed before the date this Law comes into force

1. For export and imports goods, transited goods, transport means on exit, entry or in transit, for which customs dossiers have been registered but customs procedures have not yet been completed before the date this Law comes into force, the carrying out of customs procedures, the customs inspection, supervision and control shall comply with the Customs Ordinance and other relevant law provisions.

2. Post-customs clearance inspection shall not apply to the goods which have been cleared of customs procedures before the date this Law takes effect.

Article 82.- Implementation guidance

The Government shall detail and guide the implementation of this Law.

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY

Nguyen Van An