NGHỊ ĐỊNH 06/2003/NĐ-CP QUY ĐỊNH PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
CHÍNH PHỦ ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******** |
Số: 06/2003/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2003 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 06/2003/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 01 NĂM 2003 QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 49/QĐ-CTN ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng thực hiện
Nghị định này quy định về việc phân loại đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hoá khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối tượng thực hiện Nghị định này bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;
b) Các cơ quan Nhà nước quản lý trong các lĩnh vực hải quan, thuế, thống kê, thương mại và các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
“Phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu” là việc căn cứ vào tên gọi, mô tả về tính chất, thành phần, cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hoá để xác định, sắp xếp hàng hoá vào một mã số nhất định theo Hệ thống hài hoà mô tả và mã hóa hàng hoá, Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
“Công ước Quốc tế về Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá” (International Convention on the Harmonized Commodity Description and Coding System) là Công ước do Hội đồng hợp tác Hải quan, nay gọi là Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) thông qua ngày 14 tháng 6 năm 1983 tại Bruxelles, Vương quốc Bỉ về “Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá”, sau đây gọi tắt là Công ước HS.
“Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá”, sau đây gọi tắt là Hệ thống hài hoà (viết tắt là HS)là hệ thống bao gồm các các quy tắc tổng quát, các chú giải bắt buộc và danh sách những nhóm hàng (mã 4 chữ số) và phân nhóm hàng (mã 6 chữ số) được sắp xếp một cách có hệ thống ứng với tên, mô tả và mã số hàng hóa.
Danh mục những nhóm hàng và phân nhóm hàng của Hệ thống hài hoà sau đây được gọi tắt là Danh mục HS.
“Quy tắc tổng quát” là 6 (sáu) quy tắc chung để giải thích Hệ thống hài hoà nhằm phân loại hàng hoá vào một nhóm, phân nhóm nhất định.
“Chú giải bắt buộc” là những nội dung giải thích các phần, chương và phân nhóm được gắn kèm ở đầu các phần, chương của Danh mục HS.
Chương 2:
DANH MỤC HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VIỆT NAM VÀ PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 3. Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xây dựng trên cơ sở áp dụng đầy đủ Hệ thống hài hoà và bao gồm:
a) Các quy tắc tổng quát, chú giải bắt buộc;
b) Danh mục hàng hoá được chi tiết ở cấp mã tối thiểu 8 (tám) chữ số; đơn vị tính và các nội dung giải thích kèm theo. Trong đó:
– 6 (sáu) chữ số đầu tuân thủ Danh mục HS;
– Các chữ số tiếp theo là mã chi tiết cấp quốc gia được mở rộng theo yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sử dụng để:
a) Xây dựng Biểu thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và các hàng hoá khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;
c) Thống kê Nhà nước về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Phục vụ công tác quản lý nhà nước về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực thương mại và các lĩnh vực khác.
Điều 4. Áp dụng điều ước quốc tế
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì thực hiện theo quy định tại điều ước quốc tế đó.
Điều 5. Phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu
Việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải căn cứ vào Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định này; các quy định liên quan đến phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, các thông tin khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cần phân loại.
Trường hợp sau khi đã thực hiện việc phân loại hàng hoá theo quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa xác định được tên gọi, mô tả và mã số của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì phải lấy mẫu hàng hoá để phân tích, giám định phục vụ cho việc phân loại.
Việc lấy mẫu, phân tích, giám định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
Phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện trước khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và kiểm tra sau thông quan.
Chương 3:
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHAI HẢI QUAN;
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan
Quyền của người khai hải quan:
a) Được đề nghị xem xét hoặc lấy mẫu hàng hoá dưới sự giám sát của cán bộ, công chức hải quan trước khi tiến hành thủ tục hải quan để thực hiện việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Được quyền khiếu nại về kết quả phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Nghĩa vụ của người khai hải quan:
a) Cung cấp các hồ sơ, tài liệu, thông tin có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ cho việc phân loại, xác định mã số của hàng hoá; cung cấp mẫu hàng hoá để phân tích, giám định theo yêu cầu của cơ quan Hải quan;
b) Kê khai chính xác tên gọi, mô tả và mã số hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trên tờ khai hải quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung đã kê khai.
Điều 7. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng và ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện thống nhất việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này;
Là cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam thực hiện quyền, nghĩa vụ của Việt Nam trong việc tham gia Công ước HS và thực hiện phân loại hàng hoá theo HS.
Điều 8. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình khi ban hành các quy định hoặc xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện theo đúng các quy định của Nghị định này; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc triển khai thực hiện Công ước HS và xây dựng Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Chương 4:
KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Người khai hải quan nếu có căn cứ cho rằng việc phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan Hải quan không đúng với quy định tại Nghị định này thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc cấp hải quan trực tiếp làm thủ tục hải quan và phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Trong khi chờ giải quyết, người khai hải quan vẫn phải thực hiện theo quyết định của cơ quan Hải quan về phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 1 Điều này hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại chưa được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo, hoặc khởi kiện ra Toà án theo quy định của pháp luật.
Thủ tục, thời hiệu khiếu nại; thời hạn, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại và các quy định khác của pháp luật khác có liên quan.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Trong thời gian Bộ Tài chính chưa ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì vẫn áp dụng Danh mục hiện hành.
Điều 12. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Phan Văn Khải
(Đã ký) |
NGHỊ ĐỊNH 06/2003/NĐ-CP QUY ĐỊNH PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU | |||
Số, ký hiệu văn bản | 06/2003/NĐ-CP | Ngày hiệu lực | 12/03/2003 |
Loại văn bản | Nghị định | Ngày đăng công báo | 25/02/2003 |
Lĩnh vực |
Xuất nhập khẩu |
Ngày ban hành | 22/01/2003 |
Cơ quan ban hành |
Chính phủ |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |