NGHỊ ĐỊNH 120/2007/NĐ-CP HƯỚNG DẪN LUẬT THANH NIÊN.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120/2007/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2007 |
NGHỊ ĐỊNH
HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH NIÊN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên về chính sách, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác thanh niên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân); cơ quan, tổ chức nước ngoài, cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến thanh niên Việt Nam.
Điều 3. Bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên
1. Thanh niên có trách nhiệm xung kích thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật và nghĩa vụ của thanh niên theo quy định của Luật Thanh niên.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo quy định của pháp luật và phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để huy động thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Xung kích” là sẵn sàng, tình nguyện đi đầu thực hiện các nghĩa vụ của thanh niên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, sẵn sàng đảm nhận các công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách, nguy hiểm để đóng góp sức lực, trí tuệ, nhiệt tình và sáng tạo của tuổi trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. “Công tác thanh niên” là những hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội nhằm giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phấn đấu và trưởng thành, đồng thời phát huy vai trò xung kích, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. “Thanh niên của hộ nghèo” là thanh niên của hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc dưới chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ.
4. “Thanh niên sau cai nghiện ma tuý” là thanh niên đã cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng hoặc các cơ sở cai nghiện ma tuý được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đã cai nghiện ma tuý.
5. “Thanh niên sau cải tạo” là thanh niên đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, cải tạo không giam giữ và biện pháp giáo dục bắt buộc tại các cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
Chương II:
BẢO ĐẢO QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN
Điều 5. Trong học tập và hoạt động khoa học, công nghệ
1. Tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục:
a) Thanh niên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thanh niên của hộ nghèo được cấp sách giáo khoa, miễn học phí để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục. Trường hợp thanh niên của hộ nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ học bổng bằng 50% kinh phí đào tạo đối với học sinh dân tộc nội trú để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục theo từng cấp học;
b) Tổ chức, cá nhân tổ chức các lớp phổ cập giáo dục cho thanh niên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết ban đầu để bảo đảm điều kiện tổ chức lớp học;
c) Những người không phải là giáo viên nhưng thường xuyên trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình phổ cập giáo dục cho thanh niên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo được hưởng phụ cấp ưu đãi như đối với giáo viên giảng dạy trong các trường công lập theo quy định của pháp luật;
d) Kinh phí thực hiện chính sách quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này được bố trí từ ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.
2. Tạo điều kiện cho thanh niên đang học tập, công tác trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề công lập:
a) Thanh niên của hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó học tập được ưu tiên vay tín dụng học tập; miễn, giảm học phí, hỗ trợ về giáo trình học tập;
b) Nhà trường tạo điều kiện cần thiết và hỗ trợ kinh phí để thanh niên tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài, công trình khoa học.
3. Trong hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống:
a) Thanh niên chủ trì thực hiện đề tài, dự án không thuộc kế hoạch khoa học, công nghệ của Nhà nước nhưng được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận có giá trị về lý luận và thực tiễn, được cơ quan, đơn vị đó tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để thực hiện;
b) Thanh niên thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ thuộc hướng ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương.
4. Cơ quan, tổ chức tạo điều kiện cho thanh niên gia nhập các đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện để tham gia thực hiện chương trình phổ cập giáo dục, phổ biến tin học và các chương trình phát triển giáo dục khác; phổ biến, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Điều 6. Trong lao động, việc làm
1. Tổ chức, cá nhân có các chương trình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề truyền thống, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.
2. Thanh niên của hộ nghèo được giảm tối thiểu 20% phí học nghề và ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm ở các cơ sở công lập; được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ xoá đói, giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm để lập thân, lập nghiệp.
3. Thanh niên nông thôn, thanh niên tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội được giảm tối thiểu 20% phí học nghề và ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm ở các cơ sở công lập.
4. Thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự được hưởng các chính sách ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm theo quy định tại khoản 2 Điều này và các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
5. Thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và thanh niên có tay nghề cao tình nguyện đến công tác tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn với thời hạn từ hai năm trở lên được hưởng chính sách cụ thể theo từng chương trình, dự án.
6. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy nghề, phát triển các hình thức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên được ưu tiên sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức, cá nhân có dự án xây nhà cho thuê, bán cho thanh niên theo phương thức trả dần với thời hạn và giá cả hợp lý ở những nơi tập trung lao động trẻ được tạo điều kiện về thủ tục đầu tư và xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
8. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện cho thanh niên gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, các đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn để thanh niên cống hiến, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp.
Điều 7. Trong bảo vệ Tổ quốc
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện do tổ chức thanh niên thành lập để tham gia giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Các đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội được cơ quan và Ủy ban nhân dân các cấp hỗ trợ kinh phí và các điều kiện cần thiết để hoạt động.
Điều 8. Trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí
1. Thanh niên khi tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật do tổ chức thanh niên tổ chức nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc được giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, xem phim, biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
2. Thanh niên có đề án sáng tạo về văn hoá, nghệ thuật được cơ quan có thẩm quyền công nhận, được hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, sáng tác theo quy định của pháp luật.
3. Thanh niên có tác phẩm, công trình có giá trị về văn hoá, nghệ thuật, có thành tích xuất sắc trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của thanh niên được ưu tiên sử dụng đất đai, ưu đãi thuê các cơ sở vật chất của địa phương, miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trong bảo vệ sức khoẻ và hoạt động thể dục, thể thao
1. Tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ tư vấn về dinh dưỡng, sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác, phòng chống ma tuý; tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình, thực hiện kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên được khuyến khích và hỗ trợ về tài liệu, cung cấp thông tin, tập huấn nghiệp vụ.
2. Các cơ sở y tế do tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng có tổ chức hoạt động hỗ trợ về chăm sóc sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình và phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên được khuyến khích, ưu tiên sử dụng đất đai, vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động thể dục, thể thao cho thanh niên được hưởng các chính sách khuyến khích về cơ sở vật chất, đất đai, thuế, tín dụng theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về khuyến khích phát triển cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
Điều 10. Đối với thanh niên dân tộc thiểu số
1. Thanh niên dân tộc thiểu số diện cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở dạy nghề công lập được hưởng trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú.
2. Thanh niên dân tộc thiểu số của hộ nghèo không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, theo học tại các cơ sở dạy nghề công lập được hỗ trợ 70% học phí và không quá 05 tháng/người/khoá học nghề.
3. Kinh phí thực hiện chính sách quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này bố trí từ ngân sách địa phương chi thường xuyên sự nghiệp giáo đục, đào tạo và dạy nghề được giao hàng năm. Ngân sách trung ương bổ sung cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và có số lượng lớn thanh niên dân tộc thiểu số theo chương trình mục tiêu từ nguồn kinh phí của dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc Chương trình quốc gia giáo dục – đào tạo.
4. Thanh niên dân tộc thiểu số của hộ nghèo, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo học các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được miễn học phí, cấp học bổng, giáo trình học tập và được ưu tiên bố trí chỗ ở tại ký túc xá.
5. Thanh niên dân tộc thiểu số có thành tích trong học tập, hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, quốc phòng, an ninh được ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để trở thành cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
6. Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư phát triển các loại hình hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao để thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các hủ tục, tập quán lạc hậu được khuyến khích và ưu đãi về thuế, đất đai theo quy định.
Điều 11. Đối với thanh niên có tài năng
1. Thanh niên có năng khiếu trong mọi lĩnh vực được ưu tiên tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tại các trường năng khiếu, trường chuyên ở trong nước hoặc đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; được cấp học bổng, được hỗ trợ về điều kiện, phương tiện học tập, huấn luyện theo quy định để phát triển trở thành những người tài năng.
2. Thanh niên có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động khoa học và công nghệ, lao động, sản xuất, kinh doanh, quản lý, quốc phòng, an ninh, văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao được ưu tiên tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; được ưu tiên tuyển dụng vào các cơ sở nghiên cứu khoa học và giảng dạy của Nhà nước; được ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để trở thành cán bộ khoa học, lãnh đạo, quản lý.
3. Thanh niên có tài năng trong các lĩnh vực được Nhà nước tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi để phát huy tài năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ đóng góp cho đất nước; được đãi ngộ tương xứng với cống hiến; được tôn vinh và khen thưởng theo quy định.
Điều 12. Đối với thanh niên tàn tật
1. Thanh niên tàn tật được hưởng các chính sách ưu đãi về khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Thanh niên tàn tật bị suy giảm khả năng hoạt động khiến cho sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được miễn, giảm học phí học nghề theo quy định tại Nghị định số 81/CP ngày 23 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người tàn tật và Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/CP ngày 23 tháng 11 năm 1995.
3. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 13. Đối với thanh niên nhiễm HIV/AIDS
1. Thanh niên nhiễm HIV/AIDS theo học các cơ sở dạy nghề được hỗ trợ học phí theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.
2. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy nghề, phát triển các hình thức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nhiễm HIV/AIDS được ưu tiên sử dụng đất đai, miễn, giảm thuế, vay vốn tín dụng theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Thanh niên sau cai nghiện ma tuý hoặc sau cải tạo
1. Thanh niên sau cai nghiện ma tuý hoặc sau cải tạo được chính quyền cơ sở, gia đình và các tổ chức tiếp nhận, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm; tạo điều kiện học nghề, tìm việc làm, vay vốn sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội để hoà nhập cộng đồng.
2. Thanh niên sau cai nghiện ma tuý hoặc sau cải tạo của hộ nghèo hoặc gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn được chính quyền địa phương xác nhận, khi học nghề được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này.
Chương III:
TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THANH NIÊN TỪ ĐỦ 16 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI
Điều 15. Trong phổ cập giáo dục trung học cơ sở
1. Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi của hộ nghèo được miễn học phí, cấp sách giáo khoa để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục.
2. Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng được giảm tối thiểu 50% học phí, được cấp sách giáo khoa để hoàn thành chương trình phổ cập.
Điều 16. Trong học nghề
Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã học xong trung học cơ sở mà không theo học trung học phổ thông được ưu tiên tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, được giảm tối thiểu 25% phí học nghề tại các cơ sở dạy nghề công lập; trường hợp của hộ nghèo được giảm tối thiểu 50% phí học nghề.
Điều 17. Trong hoạt động giáo dục truyền thống
Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống do tổ chức thanh niên hoặc nhà trường tổ chức được miễn, giảm phí khi sử dụng các dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan bảo tàng, di tích cách mạng, lịch sử, công trình văn hoá, theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản và bảo vệ không bị xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động
1. Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được nhà trường, tổ chức thanh niên, tổ chức xã hội phổ biến, hướng dẫn kiến thức về giới tính, sức khoẻ sinh sản; được tư vấn miễn phí về giới tính, sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tố cáo các hành vi xâm hại nhân phẩm, sức khoẻ.
2. Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục được gia đình, nhà trường, tổ chức thanh niên, tổ chức y tế và các cơ quan khác có liên quan giúp đỡ để phục hồi sức khoẻ, tinh thần, giữ bí mật đời tư để bảo đảm sống, học tập và công tác bình thường.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại, lạm dụng tình dục, lạm dụng sức lao động của thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
4. Tổ chức và cá nhân có thẩm quyền chịu trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp cần thiết để xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi xâm hại, lạm dụng tình dục, lạm dụng sức lao động của thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Điều 19. Chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật
1. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa, tạo điều kiện cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật được giáo dục tại gia đình và cộng đồng; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc tại các trại giam, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong thời hạn giáo dục bắt buộc tại các trại giam hoặc cơ sở giáo dục mà không có nơi nương tựa, được chính quyền cơ sở tạo điều kiện học văn hoá, học nghề để có cơ hội tìm việc làm.
Chương IV:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP
Điều 20. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với thanh niên có tài năng trong các cơ quan nhà nước.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện các nội dung sau:
a) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án về việc hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục cho thanh niên đồng bộ với chương trình phổ cập giáo dục quốc gia;
b) Xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập, tiếp cận thông tin; thanh niên khuyết tật, tàn tật, thanh niên nhiễm HIV được học văn hoá; chính sách bảo đảm cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục;
c) Phát triển hệ thống tư vấn nghề nghiệp, tư vấn tâm lý và các vấn đề xã hội, giáo dục kỹ năng sống lành mạnh cho thanh niên trong nhà trường.
3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề, dịch vụ tư vấn về lao động, việc làm giúp thanh niên định hướng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, tiếp cận thị trường lao động, tìm việc làm phù hợp; xây dựng và ban hành chính sách ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, tàn tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện các chính sách tài chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này; xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách thuế, tín dụng để hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, cơ sở y tế, văn hoá, nghệ thuật, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho thanh niên; chính sách tín dụng ưu đãi để thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, tự tạo việc làm.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ phát triển và thực hiện các đề tài, dự án sáng tạo trong khoa học và công nghệ cho thanh niên.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi về sử dụng đất đai đối với các cơ sở dạy nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp, xây dựng nhà ở cho lao động trẻ tại các khu công nghiệp, cơ sở y tế, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho thanh niên.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng quy hoạch phát triển các cơ sở y tế, tư vấn sức khoẻ, cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho thanh niên; xây dựng cơ chế khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở y tế, tư vấn sức khoẻ, cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho thanh niên.
8. Bộ Văn hoá – Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ thanh niên tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các hủ tục, tập quán lạc hậu, lối sống không lành mạnh.
9. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chính sách khuyến khích phát triển hệ thống trung tâm tư vấn sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác, phòng chống ma tuý cho thanh niên.
10. Bộ Quốc phòng:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chính sách hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và thanh niên tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế – xã hội trong các khu kinh tế quốc phòng;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và bảo vệ an ninh Tổ quốc cho thanh niên.
11. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và xây dựng cơ chế khuyến khích và hỗ trợ thanh niên tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.
12. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên.
13. Ủy ban Thể dục Thể thao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng quy hoạch phát triển các cơ sở hoạt động thể dục thể thao cho thanh niên; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh niên rèn luyện thân thể, phát triển thể chất, tham gia hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
14. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát triển các hoạt động tư vấn về tình yêu, hôn nhân và gia đình, thực hiện kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên; xây dựng chính sách bảo vệ, bồi dưỡng đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại Chương III Nghị định này.
15. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước theo ngành và lĩnh vực các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội thuộc Bộ, ngành mình quản lý; phối hợp, tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức khác của thanh niên huy động thanh niên xung kích tham gia phát triển kinh tế – xã hội.
Điều 21. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp
1. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút thanh niên xung kích tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt để giao cho tổ chức thanh niên ở địa phương thực hiện. Kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội do tổ chức thanh niên đảm nhiệm;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng quy hoạch về đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, tư vấn sức khoẻ, cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho các đối tượng thanh thiếu niên phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt để tổ chức thực hiện ;
c) Kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên quy định tại Nghị định này và báo cáo kết quả với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15 tháng 01 của năm sau;
d) Thành lập Hội đồng công tác thanh niên làm công tác tư vấn giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác thanh niên. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng công tác thanh niên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thống nhất với Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng quy chế phối hợp quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong cả nước.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Thanh niên và các quy định tại Nghị định này.
3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống kê, tổng hợp và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên trong cả nước.
Chương V:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 24. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành
Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hoá – Thông tin, Y tế, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Ủy ban Thể dục Thể thao, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng |
NGHỊ ĐỊNH 120/2007/NĐ-CP HƯỚNG DẪN LUẬT THANH NIÊN. | |||
Số, ký hiệu văn bản | 120/2007/NĐ-CP | Ngày hiệu lực | 20/08/2007 |
Loại văn bản | Nghị định | Ngày đăng công báo | 05/08/2007 |
Lĩnh vực |
Công tác thanh niên |
Ngày ban hành | 23/07/2007 |
Cơ quan ban hành |
Chính phủ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |