NGHỊ ĐỊNH 61/2021/NĐ-CP HƯỚNG DẪN NGHỊ QUYẾT 130/2020/QH14 VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 01/07/2021

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 61/2021/-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ QUYẾT SỐ 130/2020/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết khoản 4 Điều 9, khoản 4 Điều 10, khoản 4 Điều 12 và khoản 4 Điều 13 Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (sau đây gọi là Nghị quyết số 130/2020/QH14) về nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; màu sắc, dấu hiệu nhận biết riêng đối với trang bị, phương tiện được sử dụng huấn luyện và triển khai thực hiện nhiệm vụ; quy trình Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Chính phủ về cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHỈ HUY TRƯỞNG LỰC LƯỢNG VIỆT NAM TẠI PHÁI BỘ

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn trong thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc

1. Là người chỉ huy cao nhất, đại diện của lực lượng Việt Nam tại phái bộ về lĩnh vực hành chính và kỷ luật với Liên hợp quốc.

2. Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của Liên hợp quốc giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

3. Giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong việc tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

4. Làm việc với chính quyền nước sở tại, tổ chức quốc tế và đối tác khác tại phái bộ khi được phép của cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của lực lượng Việt Nam.

5. Theo dõi, giúp đỡ lực lượng Việt Nam tại phái bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ

1. Giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ.

2. Điều phối công tác hỗ trợ triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam khỏi phái bộ.

3. Giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành về hành chính và kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ.

4. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn trong điều tra, xử lý vi phạm đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ

1. Chủ trì làm việc với chỉ huy các cấp của phái bộ và các cơ quan chức năng Liên hợp quốc tại địa bàn về quản lý hành chính và kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền Việt Nam.

2. Tham gia các đoàn của Liên hợp quốc liên quan đến việc điều tra, xử lý kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ.

Điều 6. Chế độ thông tin, báo cáo

Định kỳ hoặc đột xuất, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị định này về cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo quy định.

Chương III

MÀU SẮC, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRANG BỊ, PHƯƠNG TIỆN CỦA LỰC LƯỢNG VIỆT NAM THAM GIA HOẠT ĐỘNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH LIÊN HỢP QUỐC

Điều 7. Màu sắc, dấu hiệu nhận biết trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ

1. Màu sắc

Trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ được sơn màu trắng.

2. Dấu hiệu nhận biết

a) Trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ được dán hoặc sơn chữ “UN” màu đen.

b) Đối với trang bị: Chữ “UN” có kích cỡ thống nhất, phù hợp với kích cỡ thực tế của từng loại trang bị cụ thể; được dán hoặc sơn ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết.

c) Đối với phương tiện: Chữ “UN” có kích cỡ thống nhất đối với mỗi loại phương tiện, tối thiểu là 30 cm chiều rộng và 45 cm chiều cao; được dán hoặc sơn ở phía trước, phía sau, hai bên, bên trên và phía dưới đối với phương tiện bay.

d) Phương tiện mang biển số và cờ hiệu của Liên hợp quốc.

3. Không sơn, dán quốc kỳ hoặc dấu hiệu nhận biết quốc gia trên trang bị, phương tiện.

4. Việc sơn màu sắc và gắn dấu hiệu nhận biết được thực hiện trước khi triển khai tới phái bộ.

Điều 8. Dấu hiệu nhận biết trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi huấn luyện trong nước

1. Trang bị, phương tiện được dán hoặc sơn chữ “UN” màu đen; kích cỡ, vị trí của chữ “UN” theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

2. Phương tiện mang cờ hiệu của Liên hợp quốc.

Chương IV

QUY TRÌNH BỘ QUỐC PHÒNG, BỘ CÔNG AN BÁO CÁO CHÍNH PHỦ VỀ CỬ, ĐIỀU CHỈNH, RÚT LỰC LƯỢNG

Điều 9. Cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

1. Cử mới lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện theo trình tự sau:

a) Chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ

Sau khi có đề nghị của Liên hợp quốc về cử lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chuẩn bị hồ sơ, báo cáo Chính phủ. Hồ sơ bao gồm: Tờ trình Chính phủ; dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh về việc cử mới lực lượng; biểu tổ chức, biên chế của đơn vị (trong trường hợp cử mới lực lượng theo hình thức đơn vị); văn bản đề nghị của Liên hợp quốc; tài liệu khác (nếu có);

b) Chính phủ xem xét việc trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định chủ trương cử mới lực lượng;

c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình của Chính phủ; biểu tổ chức, biên chế của đơn vị (trong trường hợp cử mới lực lượng theo hình thức đơn vị); văn bản đề nghị của Liên hợp quốc; tài liệu khác (nếu có);

d) Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử mới lực lượng. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình; dự thảo quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; bản chụp ý kiến của các Thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; tài liệu khác (nếu có).

2. Điều chỉnh thời gian, lực lượng

a) Khi có đề nghị của Liên hợp quốc hoặc khi Việt Nam yêu cầu và được Liên hợp quốc chấp thuận, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thực hiện quy trình điều chỉnh thời gian, lực lượng theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thông qua Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc thống nhất với cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc việc điều chỉnh thời gian, lực lượng.

3. Rút lực lượng

Khi có đề nghị của Liên hợp quốc hoặc căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thực hiện quy trình rút lực lượng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 10. Cử luân phiên, thay thế lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

1. Trước ngày 15 tháng 11 hằng năm, Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của năm tiếp theo.

2. Trình tự, thủ tục

a) Chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chuẩn bị hồ sơ, báo cáo Chính phủ. Hồ sơ bao gồm: Tờ trình Chính phủ; dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh về kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế; dự thảo kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế; tài liệu khác (nếu có);

b) Chính phủ xem xét việc trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế;

c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình; dự thảo kế hoạch cử lực lượng luân phiên, thay thế; tài liệu khác (nếu có);

d) Căn cứ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ Công an báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử lực lượng luân phiên, thay thế. Hồ sơ trình bao gồm: Tờ trình; dự thảo quyết định của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; bản chụp ý kiến của các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; tài liệu khác (nếu có).

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện Nghị định này.

 


Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, NC (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Phạm Bình Minh

 

NGHỊ ĐỊNH 61/2021/NĐ-CP HƯỚNG DẪN NGHỊ QUYẾT 130/2020/QH14 VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC
Số, ký hiệu văn bản 61/2021/NĐ-CP Ngày hiệu lực 01/07/2021
Loại văn bản Nghị định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính
Ngày ban hành 26/05/2021
Cơ quan ban hành Chính phủ
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn
Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản