NGHỊ ĐỊNH 64/2021/NĐ-CP VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH TỔNG CỤC, CỤC THUỘC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ; CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH; ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN; ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ Ở KHU VỰC BIÊN GIỚI; CƠ QUAN CẤP TỈNH CỦA TỔ CHỨC
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2021 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH TỔNG CỤC, CỤC THUỘC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ; CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH; ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN; ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ Ở KHU VỰC BIÊN GIỚI; CƠ QUAN CẤP TỈNH CỦA TỔ CHỨC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thỏa thuận quốc tế ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;
Chính phủ ban hành Nghị định về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 20 và khoản 2 Điều 23 của Luật Thỏa thuận quốc tế về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (sau đây gọi chung là đơn vị trực thuộc).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này được áp dụng đối với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh các cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp Cục);
b) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp Sở);
c) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện);
d) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật về khu vực biên giới (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới);
đ) Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này không bao gồm các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
Chương II.
NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÝ KẾT THOẢ THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC
Điều 3. Nội dung của thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
1. Thỏa thuận quốc tế được thể hiện bằng văn bản, nêu ý định hợp tác thông qua các hoạt động cụ thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị trực thuộc đó. Thỏa thuận quốc tế phải có những nội dung chủ yếu sau:
a) Tên gọi của văn bản;
b) Tên các bên ký kết;
c) Lĩnh vực, nội dung, phương thức hợp tác;
d) Thời điểm bắt đầu có hiệu lực, thời hạn hiệu lực;
đ) Ngày ký, địa điểm ký, ngôn ngữ ký;
e) Họ tên, chức danh của người đại diện ký.
2. Thỏa thuận quốc tế có thể có các nội dung khác như cơ chế trao đổi thông tin, bảo mật, chi phí, giải quyết tranh chấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế.
3. Nội dung của thỏa thuận quốc tế phải thể hiện thỏa thuận quốc tế đó không có giá trị ràng buộc về pháp lý.
4. Nội dung thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới phải phù hợp quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật Thỏa thuận quốc tế.
5. Nội dung thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của tổ chức đó.
Điều 4. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp Cục
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp Cục lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế) và các tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
2. Các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến theo quy định tại khoản 1 Điều này trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của cơ quan cấp Cục quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
4. Tổng cục trưởng, Cục trưởng tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp Cục báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bằng văn bản, đồng thời gửi đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế thuộc bộ bản sao thỏa thuận quốc tế để thông báo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Điều 5. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp sở
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp Sở lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác ngoại vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh), các cơ quan cấp Sở có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó và các cơ quan khác có liên quan.
2. Các cơ quan được lấy ý kiến nêu tại khoản 1 Điều này trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
3. Cơ quan cấp Sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến và gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
5. Người đứng đầu cơ quan cấp Sở tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
6. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp Sở báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản, đồng thời gửi cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh bản sao thỏa thuận quốc tế để thông báo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Điều 6. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh, các cơ quan cấp Sở có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó và các cơ quan khác có liên quan.
2. Các cơ quan được lấy ý kiến nêu tại khoản 1 Điều này trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến và gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
6. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bằng văn bản, đồng thời gửi cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh bản sao thỏa thuận quốc tế để thông báo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Điều 7. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp huyện cho ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ đề xuất ký thỏa thuận quốc tế cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh.
3. Cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh lấy ý kiến bằng văn bản của Công an cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, cơ quan cấp Sở có liên quan trực tiếp và các cơ quan khác có liên quan trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến nêu tại khoản 3 Điều này trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình của cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
7. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bằng văn bản, kèm theo bản sao thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết. Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh bản sao thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới.
Điều 8. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức
1. Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh, các cơ quan cấp Sở có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó và các cơ quan khác có liên quan.
2. Trường hợp Điều lệ của tổ chức có quy định về việc xin ý kiến của cơ quan trung ương của tổ chức, ngoài việc lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan trung ương của tổ chức.
3. Các cơ quan được lấy ý kiến nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
4. Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức trình cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức đó cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
5. Cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
6. Người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh của tổ chức tiến hành ký kết hoặc ủy quyền bằng văn bản cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức báo cáo cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức đó bằng văn bản, đồng thời gửi cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh bản sao thỏa thuận quốc tế để thông báo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
Điều 9. Các trường hợp lấy ý kiến của cơ quan cấp bộ
1. Trường hợp thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc có nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 6 Nghị định này, đơn vị trực thuộc trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến.
2. Trường hợp thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc có nội dung liên quan đến an ninh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 6 Nghị định này, đơn vị trực thuộc trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an. Bộ Công an trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến.
3. Trường hợp thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc có nội dung liên quan đến đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 6 Nghị định này, đơn vị trực thuộc trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao nếu xét thấy thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc có nội dung phức tạp, nhạy cảm về đối ngoại. Trình tự, thủ tục xin ý kiến thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Thỏa thuận quốc tế.
5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc sau khi nhận được ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan cấp bộ quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này.
Điều 10. Nội dung quyết định cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
1. Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên gọi thỏa thuận quốc tế và tên các bên ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Người đại diện ký thỏa thuận quốc tế;
c) Yêu cầu về việc đăng tải thỏa thuận quốc tế;
d) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế;
đ) Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế.
2. Quyết định cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức bao gồm các nội dung tại điểm a, b, c và đ của khoản 1 Điều này.
Điều 11. Hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
Hồ sơ lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7 và khoản 3 Điều 8 bao gồm:
1. Văn bản đề xuất về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó nêu rõ bối cảnh, mục đích của việc ký kết thỏa thuận quốc tế; nội dung chính của thỏa thuận quốc tế; đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam, tác động của thỏa thuận quốc tế dự định ký kết; việc tuân thủ các quy định tại Điều 3 của Luật Thỏa thuận quốc tế và Điều 3 của Nghị định này; kiến nghị họ tên, chức vụ của người đại diện ký; kiến nghị về việc đăng tải, bảo mật thỏa thuận quốc tế.
2. Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.
Điều 12. Hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
Hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 5, khoản 3 Điều 6, khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 của Nghị định này bao gồm:
1. Văn bản đề xuất về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó bao gồm các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định này và vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).
2. Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6, khoản 4 Điều 7, khoản 3 Điều 8 và khoản 1 và khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 của Nghị định này.
3. Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan.
4. Dự thảo văn bản thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.
Chương III.
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, GIA HẠN, CHẤM DỨT HIỆU LỰC, RÚT KHỎI, TẠM ĐÌNH CHỈ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Điều 13. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
1. Thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế được thực hiện tương tự như quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định này.
2. Cơ quan cấp Cục, cơ quan cấp Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo bằng văn bản cho đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế thuộc bộ, cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn có hiệu lực.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn có hiệu lực. Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo bằng văn bản cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới.
4. Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức đó và cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn có hiệu lực.
Điều 14. Chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
1. Trách nhiệm, thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế được thực hiện tương tự như quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định này.
2. Cơ quan cấp Cục, cơ quan cấp Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo bằng văn bản cho đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế thuộc Bộ, cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh về việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện có hiệu lực.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện có hiệu lực. Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo bằng văn bản cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới.
4. Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức đó và cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh về việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày việc chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện có hiệu lực.
Chương IV.
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
1. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Quản lý hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc theo các quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 42 Luật Thỏa thuận quốc tế;
b) Phổ biến, giáo dục pháp luật, giám sát, kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc theo các quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 46 Luật Thỏa thuận quốc tế;
c) Báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định này.
2. Cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế thực hiện chế độ báo cáo về công tác thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định này.
3. Đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế thuộc bộ, cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh tiếp nhận báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc, tổng hợp xây dựng báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc quy định tại Điều 16 của Nghị định này.
4. Cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.
Điều 16. Báo cáo tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
1. Cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế thực hiện chế độ báo cáo về tình hình và dự kiến ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền:
a) Cơ quan cấp Cục gửi báo cáo cho đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế thuộc bộ.
b) Cơ quan cấp Sở gửi báo cáo cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh.
c) Sau khi nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, gửi báo cáo của cơ quan mình và của Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh.
d) Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức gửi báo cáo cho cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức, đồng thời gửi cho cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh.
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng báo cáo về tình hình và dự kiến ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc gửi Bộ Ngoại giao.
Báo cáo được lập theo mẫu do Bộ Ngoại giao hướng dẫn.
Điều 17. Đăng tải thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc
1. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời đăng tải toàn văn văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp Cục, cơ quan cấp Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới, các thông tin về sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, trừ trường hợp không đăng tải, công khai theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước hoặc theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
2. Đơn vị đầu mối về hợp tác quốc tế thuộc bộ, cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc đăng tải, công khai thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức công khai thỏa thuận quốc tế của mình bằng hình thức đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của tổ chức, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức phù hợp khác, trừ trường hợp không đăng tải, công khai theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Chương V.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Điều 19. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ Phạm Bình Minh |
NGHỊ ĐỊNH 64/2021/NĐ-CP VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH TỔNG CỤC, CỤC THUỘC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ; CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH; ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN; ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ Ở KHU VỰC BIÊN GIỚI; CƠ QUAN CẤP TỈNH CỦA TỔ CHỨC | |||
Số, ký hiệu văn bản | 64/2021/NĐ-CP | Ngày hiệu lực | 01/07/2021 |
Loại văn bản | Nghị định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Bộ máy hành chính |
Ngày ban hành | 30/06/2021 |
Cơ quan ban hành |
Chính phủ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |