QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 01-32:2010/BNNPTNT VỀ QUY TRÌNH KIỂM DỊCH NẤM CÓ ÍCH NHẬP KHẨU TRONG KHU CÁCH LY KIỂM DỊCH THỰC VẬT DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 10/12/2010

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

QCVN 01-32:2010/BNNPTNT

VỀ QUY TRÌNH KIỂM DỊCH NẤM CÓ ÍCH NHẬP KHẨU TRONG KHU CÁCH LY KIỂM DỊCH THỰC VẬT

National technical regulation on phytosanitary procedure for

imported beneficial fungi in isolated quarantine area

Lời nói đầu

QCVN 01-32 : 2010/BNNPTNT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm dịch thực vật biên soạn, Cục Bảo vệ thực vật trình duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Thông tư số  71/2010/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 12 năm 2010.

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định việc kiểm tra nấm có ích nhập khẩu trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên phạm vi cả nước.

1.2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nấm có ích nhập khẩu .

1.3. Giải thích từ ngữ

Quy chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong Tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN 3937:2007 và các thuật ngữ và định nghĩa sau:

1.3.1. Nấm có ích là những loài nấm có tác dụng khống chế, điều hòa số lượng của sinh vật gây hại đối với tài nguyên thực vật hoặc sử dụng vào mục đích có lợi cho con người.

1.3.2.Nấm ký sinh chuyên tính là loài nấm chỉ phát triển trên một loài hoặc một dòng ký chủ (đơn thực).

1.3.3. Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu là văn bản pháp lý cho phép nhập khẩu một lô vật thể phù hợp với các yêu cầu về kiểm dịch thực vật theo qui định.

1.3.4. Khu cách ly kiểm dịch là nơi gieo trồng thực vật, bảo quản sản phẩm thực vật cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài trong thời gian kiểm dịch.

1.3.6. Ký chủ là sinh vật bị các sinh vật khác sử dụng làm thức ăn và nơi ở.

1.3.7. Lô hàng là số lượng của một loại hàng hóa có thể xác định bằng sự đồng nhất về thành phần, nguồn gốc … tạo nên một phần của chuyến hàng.

1.3.8. Nhập khẩu nấm có ích là du nhập loài nấm có ích từ ngoài nước vào Việt Nam nhằm đem lại lợi ích cho con người.

1.3.9  Độ thuần là sự đồng nhất của tất cả các cá thể theo loài hoặc chủng sinh vật có trong lô hàng

1.3.10. Nấm đối kháng là loài nấm khi có mặt của chúng sẽ hạn chế sự phát triển của các loại nấm gây bệnh khác cho cây trồng.

II. YÊU CẦU KỸ THUẬT

2.1. Quy chuẩn phòng kiểm tra nấm có ích

– Phòng cần tuyết đối an toàn đảm bảo không để nấm có ích lọt ra khỏi nơi lưu giữ để nuôi và kiểm tra.

– Lắp đặt hệ thống xử lý khử trùng bằng tia cực tím.

– Có buồng khử trùng trước khi vào phòng nhân nuôi và kiểm tra.

– Có  buồng cấy đúng quy cách.

– Có hệ thống điều hoà không khí.

– Điều chỉnh được ánh sáng.

– Các buồng nhân nuôi và kiểm tra nấm phải được cách ly riêng biệt

2.2. Yêu cầu về độ thuần

Nấm có ích nhập khẩu phải đảm bảo thuần khiết không bị lẫn các sinh vật và các tạp chất khác.

2.3. Yêu cầu về tính chuyên tính

Nấm có ích nhập khẩu phải đảm bảo có sức sống, có tính chuyên tính đối với ký chủ là tác nhân gây bệnh hoặc sinh vật gây hại cho thực vật.

III. TRÌNH TỰ KIỂM TRA

3.1. Kiểm tra độ thuần

– Kiểm tra dưới kính hiển vi tất cả các nấm có ích nhập khẩu đánh giá độ thuần, sự lẫn tạp của các loại nấm khác cũng như các sinh vật và tạp chất khác.

– Nhân nuôi các nấm có ích nhập khẩu trên môi trường nhân tạo  đã được lựa chọn sau đó cấy truyền và phân lập thành các dòng thuần. Quan sát dưới kính hiển vi cách mọc của tản nấm, độ phát triển đồng đều của tản nấm.

– Quan sát theo dõi khả năng phát triển của nấm trên môi trường nuôi cấy, kiểm tra thường xuyên các hộp lồng (đĩa petri) nhân nuôi, khi phát hiện nấm không mọc hoặc có hiện tượng bất thường thì tiến hành kiểm tra để xác định nguyên nhân.

3.2. Mức chuyên tính

– Mức không (0): Không ký sinh

– Mức một (1):  đơn chủ

– Mức hai (2):  đa chủ

3.3. Kiểm tra tính chuyên tính của nấm có ích nhập khẩu

3.2.1. Các loài nấm đối kháng

Bắt đầu là loài nấm mà nấm có ích dự định sử dụng để phòng trừ đến các loài có họ hàng gần của nấm có dự định phòng trừ . Nếu nấm lựa chọn loại ký chủ nào thì tiếp tục nuôi nấm với loại ký chủ đó cho tới khi ký chủ đó bị chết hoàn. Đánh giá tính chuyên tính của nấm theo mục 3.2.   

3.2.2. Các loài nấm ký sinh côn trùng và nhện

Thực hiện lây bệnh với các loài côn trùng hoặc nhện (Bắt đầu là loài côn trùng và nhện mà nấm có ích dự định sử dụng để phòng trừ đến đến các loài có họ hàng gần với loài côn trùng và nhện đó, các loài côn trùng có ý nghĩa kinh tế khác như ong mật, kiến cánh…), các loài bắt mồi, ăn thịt. Nếu nấm lựa chọn loại ký chủ nào thì tiếp tục nuôi nấm với loại ký chủ đó cho tới khi ký chủ đó chết hoàn toàn. Đánh giá mức chuyên tính của nấm theo mục 3.2.

3.2.3. Các loài nấm sử dụng trong phòng trừ tuyến trùng

Thực hiện lây bệnh với loài tuyến trùng mà nấm có ích dự định sử dụng để phòng trừ đến  các loài có họ hàng gần với loài tuyến trùng đó. Nếu nấm phát triển trên loài nào thì tiếp tục theo dõi cho đến khi loài đó bị chết. Đánh giá mức chuyên tính của nấm theo mục 3.2.

3.2.4. Các loài nấm sử dụng trong phòng trừ cỏ dại

Thực hiện lây bệnh với các loài cỏ dại (Bắt đầu là loài cỏ dại mà nấm có ích dự định sử dụng để phòng trừ đến đến các loài có họ hàng gần với loài cỏ dại đó, các loại cây cảnh, các loài cỏ có ý nghĩa kinh tế khác). Nếu nấm lựa chọn  loài cỏ dại nào thì tiếp tục nhân nuôi cho tới khi loài cỏ dại đó bị chết hoàn toàn. Đánh giá mức chuyên tính của nấm theo mục 3.2.

3.2.5. Các loài nấm sử dụng trong chế biến thực phẩm

Thực hiện lây bệnh với các sản phẩm nông nghiệp (Bắt đầu là sản phẩm mà nấm có ích dự định sử dụng trong chế biến đến các loài có họ hàng gần với các loại sản phẩm đó). Nếu nấm phát triển trên ký chủ nào thì tiếp tục theo dõi cho tới khi ký chủ đó bị chết. Đánh giá mức chuyên tính của loài nấm theo mục 3.2.

3.2.6. Thời gian kiểm tra: 2 tháng

3.2.7. Mẫu báo cáo kết quả theo dõi nấm có ích nhập khẩu trong khu cách ly kiểm dịch

IV. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ KIỂM TRA

Sau thời gian theo dõi nấm có ích nhập khẩu trong khu cách ly kiểm dịch thực vật, nếu nấm có ích nhập khẩu thuần khiết, chuyên tính, không mang ký sinh hoặc ký sinh bậc hai, thì cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cho lô hàng.

 

CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
Trung tâm KDTV SNK
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-

Số ……/ KDTV

 

 

KẾT QUẢ THEO DÕI NẤM CÓ ÍCH NHẬP KHẨU
TRONG KHU CÁCH LY KIỂM DỊCH THỰC VẬT

 

Tên của Tổ chức/ cá nhân nhập khẩu:…………………………………………..

(Địa chỉ, số điện thoại, fax)

Thông báo số: ………………………………………………………………………

Nhập khẩu từ: ………………………………………………………………………

Cửa khẩu đến (đơn vị gửi mẫu): …………………………………………………

Khối lượng mẫu gửi: ………………………………………………………………

Số lượng mẫu gửi: …………………………………………………………………

Tên cán bộ kiểm dịch thực vật:

Tên loài nấm có ích:

Địa điểm điều tra:

Phương pháp điều tra theo dõi:

Số lượng nấm có ích:

Số lượng mẫu điều tra:

Số lượng mẫu bị lẫn tạp:
Quan sát:
Độ thuần:
Tên ký sinh bậc hai:
Khả năng chuyên tính:
Kết luận:

 

 

 

GIÁM ĐỐC

TRUNG TÂM KDTV SAU NHẬP KHẨU

(Ký tên, đóng dấu)

 

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 01-32:2010/BNNPTNT VỀ QUY TRÌNH KIỂM DỊCH NẤM CÓ ÍCH NHẬP KHẨU TRONG KHU CÁCH LY KIỂM DỊCH THỰC VẬT DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản QCVN01-32:2010/BNNPTNT Ngày hiệu lực 10/12/2010
Loại văn bản Quy chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành 10/12/2010
Cơ quan ban hành Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản