QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 01-36:2010/BNNPTNT VỀ QUY TRÌNH PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI LÀ CỎ DẠI TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
QCVN 01-36:2010/BNNPTNT
VỀ QUY TRÌNH PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI LÀ CỎ DẠI TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
National technical regulation on pest risk assessment process
for weed introduced in Viet Nam
Lời nói đầu
QCVN 01-36 : 2010/BNNPTNT do Ban Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại là cỏ dại từ nước ngoài vào Việt Nam biên soạn, Cục Bảo vệ thực vật trình duyệt, Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành tại Thông tư số 71/2010/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 12 năm 2010.
QCVN 01-36 : 2010/BNNPTNT xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu đồng bộ và làm căn cứ áp dụng thống nhất trong công tác kiểm dịch thực vật ở Việt Nam.
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Qui chuẩn này áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc cho việc phân tích nguy cơ dịch hại đối với cỏ dại từ nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện phải phân tích nguy cơ dịch hại.
Quy chuẩn này là phần bổ sung cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này được áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc phân tích nguy cơ dịch hại đối với cỏ dại từ nước ngoài vào Việt Nam.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Dịch hại: Bất cứ loài, chủng hoặc dạng sinh học của thực vật, động vật hoặc vi sinh vật nào gây hại cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật.
1.3.2. Dịch hại kiểm dịch thực vật: Là loài sinh vật gây hại có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loài sinh vật này chưa có mặt hoặc có mặt với phân bố hẹp và được kiểm soát chính thức.
1.3.3. Hệ sinh thái: Là quần xã sinh vật và yếu tố phi sinh vật của một khu vực địa lý nhất định, có tác động qua lại và trao đổi vật chất với nhau.
1.3.4. Đa dạng sinh học: Là sự phong phú về nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.
II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Xác định loài cỏ dại cần phải đánh giá nguy cơ
Dựa vào danh mục dịch hại đi theo hàng hoá nhập khẩu của quá trình phân tích nguy cơ dịch hại theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu, xác định những loài cỏ dại cần phải đánh giá nguy cơ trở thành dịch hại kiểm dịch thực vật.
2.2. Đánh giá khả năng và hậu quả du nhập của cỏ dại từ nước ngoài vào Việt Nam
Xác định hậu quả du nhập đối với từng loài cỏ dại sẽ được đánh giá dựa vào phương pháp cho điểm theo từng câu hỏi. Những câu hỏi này gồm: thông tin về thực vật, khí hậu, phân bố, phương thức sinh sản, phát tán, tác động kinh tế và môi trường.
Phần A: Lịch sử/Địa lý sinh vật
1. Sự thuần dưỡng/trồng trọt 1.01. Loài cỏ này có được thuần dưỡng không? Nếu câu trả lời “Không” thì chuyển tới câu hỏi 2.01 Có Không Không biết (đến câu hỏi 2.01) 1.02. Loài này có dạng hoang dại không? Có Không Không biết |
2. Khí hậu và phân bố
2.01. Khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu ở Việt Nam (không hoặc thấp = 0 điểm, trung bình = 1 điểm, cao = 2 điểm) Cao Trung bình Thấp 2.02. Chất lượng của số liệu đánh giá về sự phù hợp với điều kiện khí hậu (thấp = 0, trung bình = 1, cao = 2) Cao Trung bình Thấp 2.03. Loài này có thích nghi với nhiều vùng khí hậu khác nhau (thích nghi với sự thay đổi của môi trường) không? Có Không Không biết |
Phần B: Sinh học/sinh thái
3. Dạng thực vật 3.01. Thực vật thuỷ sinh Có Không Không biết 3.02. Thực vật thân thảo Có Không Không biết 3.03. Thực vật có thân ngầm Có Không Không biết 3.04. Thực vật thân gỗ có khả năng cố định đạm Có Không Không biết |
4. Khả năng sinh sản
4.01. Sinh sản bằng hạt hoặc bào tử Có Không Không biết 4.02. Sinh sản vô tính Có Không Không biết 4.03. Thời gian ngắn nhất cho 1 thế hệ 1 năm 2-3 năm ³ 4 năm |
5. Phương thức phát tán
5.01. Phát tán ngẫu nhiên Có Không Không biết 5.02. Phát tán theo chủ ý của con người Có Không Không biết 5.03. Phát tán nhờ sản phẩm cây trồng Có Không Không biết 5.04. Phát tán nhờ gió Có Không Không biết 5.05. Phát tán nhờ nước Có Không Không biết 5.06. Phát tán nhờ chim hoặc động vật Có Không Không biết 5.07. Phát tán nhờ bám dính vào các động vật Có Không Không biết |
6. Khả năng bảo tồn nòi giống
6.01. Sản sinh nhiều hạt Có Không Không biết 6.02. Thời gian duy trì sức sống của hạt được trên 1 năm Có Không Không biết 6.03. Có thể phòng trừ được bằng thuốc trừ cỏ Có Không Không biết 6.04. Các loài kẻ thù tự nhiên ở Việt Nam Có Không Không biết |
Phần C: Những đặc điểm đặc biệt khác
7.01. Có lông, gai hoặc gờ ráp/ sắc,… Có Không Không biết 7.02. Khả năng kí sinh Có Không Không biết 7.03. Là thức ăn thích hợp đối với động vật ăn cỏ Có Không Không biết 7.04. Khả năng gây độc cho động vật Có Không Không biết 7.05. Là ký chủ của tác nhân gây bệnh hoặc sinh vật hại Có Không Không biết 7.06. Khả năng sinh trưởng và phát triển trên đất cằn cỗi Có Không Không biết |
Phần D: Tác động kinh tế và môi trường
8.01. Giảm sản lượng của cây trồng Có Không Không biết 8.02. Giảm giá trị hàng hoá của cây trồng Có Không Không biết 8.03. Mất thị trường trong nước và quốc tế do sự xuất hiện của loài cỏ này Có Không Không biết 8.04. Sự du nhập của loài cỏ này có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường (gây hại hệ sinh thái, giảm tính đa dạng sinh học, …) không? Có Không Không biết 8.05. Có tác động trực tiếp/gián tiếp đến các loài thực vật quý hiếm nằm trong danh danh mục loài có nguy cơ bị diệt chủng ở Việt Nam không? Có Không Không biết |
III. ĐÁNH GIÁ VÀ BÁO CÁO
3.1. Phương pháp trả lời và tính điểm
Đánh dấu vào các câu trả lời trong bảng đánh giá. Trong đó:
Phần A: ít nhất phải trả lời được 02 câu hỏi.
Phần B: ít nhất phải trả lời được 06 câu hỏi.
Phần C: ít nhất phải trả lời được 02 câu hỏi.
Phần D: ít nhất phải trả lời được 03 câu hỏi.
Cho điểm theo bảng hướng dẫn ở phụ lục 1 (những câu trả lời là “Không biết” thì không được tính điểm).
Những loài thiếu thông tin đánh giá thì đề nghị dừng đánh giá và tìm thêm thông tin để đánh giá tiếp.
3.2. Kết quả đánh giá nguy cơ
Mức nguy cơ của mỗi loài cỏ được đánh giá dựa vào tổng số điểm như sau:
– Thấp: ≤ 6 điểm;
Trung bình: 7-14 điểm;
– Cao: ≥ 15 điểm
3.3. Quản lý nguy cơ
Thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu (được soát xét, chuyển đổi từ 10TCN 955:2006).
PHỤ LỤC 1
BẢNG HƯỚNG DẪN TÍNH ĐIỂM
Phần |
Câu hỏi |
Có |
Không |
A |
1.01 |
-3 |
0 |
1.02 |
1 |
-1 |
|
2.01 |
cao = 2 điểm, trung bình = 1 điểm; thấp = 0 điểm. Nếu không đánh giá yếu tố khí hậu thì cho “2 điểm” đối với câu hỏi này | ||
2.02 |
|||
2.03 |
1 |
0 |
|
B |
3.01 |
5 |
0 |
3.02 |
1 |
0 |
|
3.03 |
1 |
0 |
|
3.04 |
1 |
0 |
|
4.01 |
1 |
-1 |
|
4.02 |
1 |
-1 |
|
4.03 |
1 năm =1 điểm; 2-3 năm = 0 điểm; ≥4 năm = -1 điểm | ||
5.01 |
1 |
-1 |
|
5.02 |
1 |
-1 |
|
5.03 |
1 |
-1 |
|
5.04 |
1 |
-1 |
|
5.05 |
1 |
-1 |
|
5.06 |
1 |
-1 |
|
5.07 |
1 |
-1 |
|
6.01 |
1 |
-1 |
|
6.02 |
1 |
-1 |
|
6.03 |
-1 |
1 |
|
6.04 |
-1 |
1 |
|
C |
7.01 |
1 |
0 |
7.02 |
1 |
0 |
|
7.03 |
-1 |
1 |
|
7.04 |
1 |
0 |
|
7.05 |
1 |
0 |
|
7.06 |
1 |
0 |
|
D |
8.01 |
1 |
-1 |
8.02 |
1 |
-1 |
|
8.03 |
1 |
-1 |
|
8.04 |
1 |
-1 |
|
8.05 |
1 |
-1 |
PHỤ LỤC 2
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI
Phần A: Lịch sử/Địa lý sinh vật
1. Sự thuần dưỡng/trồng trọt
1.01. Loài có được thuần dưỡng không?
Là loài đã được trồng và được chọn lọc nhân tạo tối thiểu là 20 thế hệ. Nhìn chung sự thuần dưỡng sẽ giảm được những đặc tính dại của loài.
1.02. Loài này có dạng hoang dại không?
Chỉ trả lời câu hỏi này đối với những loài đang đánh giá là loài phụ, giống hoặc thứ của một loài đã được thuần dưỡng. Nếu loài đó là những loài phụ, thứ hoặc giống không có những đặc tính của cỏ dại thì phải có bằng chứng cho thấy loài đó không còn lưu giữ khả năng trở lại loại hình cỏ dại.
2. Khí hậu và phân bố
2.01. Khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu ở Việt Nam (ở mức thấp = 0 điểm, trung bình = 1 điểm, cao = 2 điểm)
Câu hỏi này áp dụng cho nhiều vùng khí hậu ở trong nước hoặc từ 2 vùng trở lên.
Mức thấp: Loài cỏ này không thích nghi hoặc chỉ thích nghi với 1 vùng sinh thái của Việt Nam.
Mức trung bình: Loài cỏ này thích nghi với 2-3 vùng sinh thái của Việt Nam.
Mức cao: Loài cỏ này thích nghi với 4 vùng sinh thái của Việt Nam trở lên.
2.02. Chất lượng của số liệu đánh giá về sự phù hợp với điều kiện khí hậu (thấp = 0, trung bình = 1, cao = 2)
Điểm của câu hỏi này sẽ chỉ ra chất lượng của những số liệu dùng để phân tích về điều kiện khí hậu. Nếu có số liệu cụ thể thì cho 2 điểm, số liệu về khí hậu nói chung thì cho 1 điểm, số liệu về phân bố hoặc khí hậu ở cả 1 vùng rộng thì cho 0 điểm (số liệu được cập nhật tại thời điểm đánh giá).
2.03. Loài này có thích nghi với nhiều vùng khí hậu khác nhau (thích nghi với sự thay đổi của môi trường) không?
Trả lời “Có” nếu một loài mọc được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau (phải dựa vào khả năng thích nghi của loài với điều kiện khí hậu ở 3 vùng trở lên). Có thể dùng các số liệu của chương trình về khí hậu. Dùng bản đồ về khí hậu để trả lời câu hỏi này.
Phần B: Sinh học/sinh thái
3. Dạng thực vật
3.01. Thực vật thuỷ sinh
Là những thực vật sống ở dưới nước như sông, hồ, ao,… Những loài này có thể làm tắc nghẽn dòng chảy và làm giảm ánh sáng, ô xy và dinh dưỡng trong ao hồ. Đánh giá ở mức “Cao” (5 điểm) đối với những loài này.
3.02. Thực vật thân thảo (cỏ 1 lá mầm)
Phần lớn các loài trong họ hoà thảo (Poaceae) là cỏ dại. Trong cùng một chi có nhiều loài là cỏ dại có tiềm năng gây hại cao.
3.03. Thực vật có thân ngầm
Là những cây đa niên có thân củ hoặc thân hành. Câu hỏi này có ý nghĩa với những thực vật có những bộ phận đặc biệt, nhưng không áp dụng cho những loài có thân rễ, thân chồi. Những thực vật trong nhóm này rất khó phòng trừ.
3.04. Thực vật thân gỗ có khả năng cố định đạm
Phần lớn những loài thực vật nằm trong họ đậu (Fabaceae) là cỏ dại, đặc biệt là cỏ dại ở những khu bảo tồn. Trong cùng chi, có nhiều loài là cỏ dại có tiềm năng gây hại cao.
4. Khả năng sinh sản
4.01. Sinh sản bằng hạt hoặc bào tử
Là những cây có khả năng sinh ra hạt hoặc bào tử có khả năng tái sinh.
4.02. Sinh sản vô tính
Là những loài thực vật có khả năng gia tăng về số lượng bằng sinh sản vô tính từ các bộ phận như: Thân ngầm, chồi, những đoạn rễ hoặc chồi rễ, những đoạn thân.
4.03. Thời gian ngắn nhất cho một thế hệ
Là khoảng thời gian được tính từ khi nảy mầm tới khi ra hạt giống hoặc thời gian tính đến khi cây có khả năng tự nhân giống đối với cây sinh sản vô tính. Vòng đời càng ngắn thì tính cỏ dại của thực vật càng cao. Cho điểm cho câu trả lời này như sau: 1 năm = 1 điểm, 2-3 năm = 0 điểm, ≥ 4 năm = (-1) điểm
5. Phương thức phát tán
5.01. Phát tán ngẫu nhiên
Bộ phận nhân giống (là bất kỳ bộ phận nào có khả năng sinh sản vô tính hoặc hữu tính) phát tán ngẫu nhiên thông qua hoạt động của con người. Ví dụ những thực vật mọc dại ở những nơi có người qua lại như: bờ rào, vệ đường, …
5.02. Phát tán theo chủ ý của con người
Gồm những cây có những đặc điểm mà con người ưa thích như cây ăn quả, cây làm cảnh hoặc những cây quý hiếm nên dễ dàng bị con người di thực đến các vùng sinh thái mới theo mục đích riêng của họ như trồng làm cảnh trong nhà, trong vườn, … Loài này là loài đã được lựa chọn từ hạt giống hoặc hom giống. Nhóm này chủ yếu là những cây được trồng trong vườn.
5.03. Phát tán nhờ sản phẩm cây trồng
Phát tán nhờ lẫn trong những sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc trong vườn thông qua hoạt động buôn bán. Ví dụ các tàu chở hạt ngũ cốc bị lẫn hạt cỏ dại.
5.04. Phát tán nhờ gió
Phải có bằng chứng chứng minh được là gió có thể làm tăng khả năng phát tán của thực vật. Ví dụ như những quả bế có túm lông đầu. Nhóm này gồm những thực vật có hạt dễ rụng hoặc có hạt chứa trong quả nang mở hoặc quả dạng quả đậu.
5.05. Phát tán nhờ nước
Gồm những bộ phận chứa cơ quan sinh sản dễ rụng và nổi trên mặt nước (ví dụ như dạng quả đậu). Đối với những cây mọc trên cạn thì ít có cơ chế phát tán này.
5.06. Phát tán nhờ chim hoặc động vật
Bất kỳ bộ phận sinh sản có thể mọc thành cây ngay sau khi bị chim hoặc động vật ăn và thải ra ngoài qua phân. Ví dụ những cây quả mọng đỏ nhỏ có hạt rất khó tiêu hoá.
5.07. Phát tán nhờ bám dính vào động vật
Những bộ phận sinh sản có những đặc điểm dễ bám dính vào động vật hoặc quần áo. Kể cả những hạt có dầu hoặc giàu chất béo có thể phát tán nhờ kiến.
6. Khả năng bảo tồn nòi giống
6.01. Sản sinh nhiều hạt
Thuộc tính sinh nhiều hạt phải được đánh giá trong điều kiện tự nhiên và chỉ tính những hạt có khả năng duy trì nòi giống. Đối với cỏ họ hoà thảo và cây hàng năm thì mức độ sản sinh hạt đạt từ >5.000 -10.000 hạt/m2/năm, cây thân gỗ là >500 hạt/m2/năm thì được đánh giá ở mức “Cao”. Có thể số liệu cụ thể về thuộc tính này không có sẵn, tuy nhiên, vẫn có thể ước tính được dựa vào số hạt trên cây có kích thước trung bình.
6.02. Thời gian duy trì sức sống của hạt được > 1 năm
Có trên 1% số hạt có khả năng duy trì được sự sống ở trong đất từ 1 năm trở lên. Những loài mà hạt có khả năng giữ được sức nảy mầm trong thời gian dài thì tiềm năng xâm lấn càng cao.
6.03. Có thể phòng trừ được bằng thuốc trừ cỏ
Phải có tài liệu về phòng trừ cây bằng hoá chất và biện pháp phòng trừ này đã được chấp nhận. Hoá chất dùng trong phòng trừ phải an toàn với những đặc điểm có lợi của cây. Thông tin này hiếm thấy đối với những thực vật không phải là cây nông nghiệp.
6.04. Các loài kẻ thù tự nhiên ở Việt Nam
Một loài kẻ thù tự nhiên được biết tới có thể là có mặt hoặc không có mặt ở Việt Nam. Nếu không biết cụ thể thì trả lời là “Không biết”.
Phần C: Những đặc điểm đặc biệt khác
7.01. Có lông, gai hoặc gờ ráp/ sắc…
Những thực vật có những cấu trúc ở trên thân gây tổn thương cho người và động vật; hoặc có những phần phụ khác có khả năng bám dính.
7.02. Khả năng kí sinh
Loài thực vật kí sinh phải có khả năng gây hại cho loài kí chủ và kí chủ đó phải có mặt ở Việt Nam. Câu hỏi này được áp dụng cho cả loài bán kí sinh.
7.03. Là thức ăn thích hợp đối với động vật ăn cỏ
Xem xét thực vật ở những nơi chúng có khả năng sinh trưởng phát triển và những động vật ăn cỏ có thể kiểm soát được. Đặc điểm này có thể thấy được ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào trong vòng đời của cây hoặc trong mùa sinh trưởng.
7.04. Khả năng gây độc cho động vật
Chất độc trong cây có khả năng tiếp cận với động vật thông qua việc động vật ăn cỏ hoặc tiếp xúc với cỏ. Một số loài thực vật có độ độc trung tính nhưng lại là thức ăn ưa thích của động vật nên nếu động vật ăn quá nhiều thì sẽ bị ảnh hưởng.
7.05. Là ký chủ đối với bệnh cây và sinh vật hại
Chủ yếu quan tâm đến những loài thực vật là ký chủ của những bệnh nguy hiểm hoặc là ký chủ luân phiên, ký chủ phụ của những loài dịch hại cây trồng.
Ở những nơi mà loài cỏ này là ký chủ luân phiên hoặc kí chủ phù hợp với những loài dịch hại đã có phân bố rộng trong hệ sinh thái cây trồng và hệ sinh thái tự nhiên thì trả lời “Không” nếu sự có mặt của loài cỏ này không ảnh hưởng tới chiến lược phòng trừ dịch hại cho cây trồng.
Nếu loài dịch hại mà gây hại trên cả 1 họ thực vật thì không nên trả lời là “Có” cho từng loài cỏ riêng biệt.
7.06. Khả năng sinh trưởng và phát triển trên đất cằn cỗi
Là những loài có khả năng phát triển trên đất có hàm lượng dinh dưỡng thấp.
Phần D: Tác động kinh tế và môi trường
8.01. Giảm sản lượng của cây trồng
Sự có mặt của cỏ sẽ làm giảm năng suất của cây trồng
8.02. Giảm giá trị hàng hoá của cây trồng
Do tăng chi phí sản xuất hoặc giảm giá trị thương mại hoặc cả hai đều đánh giá là “Có”.
8.03. Mất thị trường trong nước và quốc tế do sự xuất hiện của cỏ
Loài cỏ dại này có trong danh mục dịch hại kiểm dịch thực vật của nước nào trên thế giới không.
8.04. Sự du nhập của loài cỏ này có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường:
Gây hại hệ sinh thái, giảm tính đa dạng sinh học, …
8.05. Có thể tác động trực tiếp/gián tiếp đến các loài thực vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ bị diệt chủng của Việt Nam không?
Danh mục này được ban hành theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Tham khảo thêm tại địa chỉ: http://www.kiemlam.org.vn.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 01-36:2010/BNNPTNT VỀ QUY TRÌNH PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI LÀ CỎ DẠI TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | QCVN01-36:2010/BNNPTNT | Ngày hiệu lực | 10/12/2010 |
Loại văn bản | Quy chuẩn Việt Nam | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Nông nghiệp - Nông thôn |
Ngày ban hành | 10/12/2010 |
Cơ quan ban hành |
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |