QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 02-06:2009/BNNPTNT VỀ CƠ SỞ SẢN XUẤT NƯỚC MẮM – ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH

Hiệu lực: Hết hiệu lực Ngày có hiệu lực: 31/07/2009

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

QCVN 02-06:2009/BNNPTNT

 

 

CƠ SỞ SẢN XUẤT NƯỚC MẮM – ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

National technical regulation
Fish sause processing establishments – Conditions for food safety

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

QCVN.02-06: 2009/BNNPTNT do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản  biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt và được ban hành kèm theo Thông tư 47/2009/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn

 

CƠ SỞ SẢN XUẤT NƯỚC MẮM – ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Fish sauce processing  establishments – Conditions for food safety

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định những điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với Cơ sở sản xuất nước mắm.

1.2. Ðối tượng áp dụng

1.2.1. Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ sở sản xuất nước mắm và cơ sở pha đấu, đóng chai nước mắm.

1.2.2. Quy chuẩn này không áp dụng cho cơ sở chế biến nước mắm quy mô hộ gia đình.

1.4 Giải thích từ ngữ

Nước mắm là dung dịch đạm mà chủ yếu là các axit amin, được tạo thành do quá trình thuỷ phân cá nhờ hệ enzyme proteasa có trong cá.

2. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT

2.1. Ðịa điểm

2.1.1. Cơ sở sản xuất nước mắm phải được xây dựng ở vị trí thích hợp, xa khu dân cư, xa nguồn lây nhiễm, không ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường của khu vực xung quanh.

2.1.2. Được cung cấp đủ nguồn điện, nước sạch theo yêu cầu sản xuất.

2.1.3. Có đường giao thông thuận tiện.

2.2. Bố trí mặt bằng và kết cấu nhà xưởng.

2.2.1. Cơ sở sản xuất phải có mặt bằng đủ rộng, thoáng, có tường bao ngăn cách với bên ngoài.

2.2.2. Nhà xưởng phải được xây dựng phù hợp với quy trình chế biến, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, hạn chế tối đa sự lây nhiễm, thuận lợi cho hoạt động sản xuất và làm vệ sinh. Kết cấu nhà xưởng phải thoả mãn được các yêu cầu sau :

a) Mái nhà ngăn được nước mưa, bụi bẩn từ phía trên rơi xuống.

b) Bề mặt tường được làm bằng vật liệu phù hợp, dễ làm vệ sinh.

c) Nền nhà xưởng và sân phơi chượp được làm bằng vật liệu phù hợp, không đọng nước, không rạn nứt và có rãnh thoát nước.

d) Các bể chượp phải được xây dựng ở vị trí thích hợp, kết cấu bền chắc, không rò rỉ, thuận tiện cho hoạt động sản xuất và làm vệ sinh.

2.2.3. Khu vực chứa sản phẩm và đóng gói phải được xây dựng ở vị trí thoáng và sạch; cách biệt với khu chế biến. Trần nhà có màu sáng; tường được làm bằng vật liệu phù hợp, dễ làm vệ sinh.

2.2.4. Khu vực chứa muối phải bố trí riêng biệt, thoáng, sạch sẽ, an toàn và thuận lợi cho sản xuất.

2.2.5. Khu nấu chượp (nếu có) phải có diện tích đủ rộng, đảm bảo thoát nhiệt tốt và không ảnh hưởng khu vực khác.

2.2.6. Khu chứa phế thải sau khi nấu chượp phải kín, cách biệt; được thông gió riêng, dễ làm vệ sinh và khử trùng.

2.2.7. Phải có phòng thay quần áo bảo hộ lao động cho công nhân theo quy định tại 2.1.11.3 của QCVN 02-01:/2009/BNNPTNT cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuỷ sản – điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm.

2.2.8. Phải có khu vực vệ sinh cho công nhân theo quy định tại 2.1.11.4 của QCVN 02-01:/2009/BNNPTNT cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuỷ sản – điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm.

2.2.9. Phải có khu vực rửa và khử trùng tay phù hợp với thực tế.

2.3. Hệ thống cấp, thoát nước

2.3.1. Cơ sở phải có nguồn nước sạch đảm bảo đúng yêu cầu quy định của Bộ Y tế.

2.3.2. Các thiết bị cung cấp nước sạch như đường ống, bể chứa được thiết kế phù hợp, không rò rỉ, không độc hại, dễ làm vệ sinh và phải được đậy kín.

2.3.4. Hệ thống thoát nước thải phải đảm bảo thải được hết lưu lượng nước cần thải trong hoạt động sản xuất hàng ngày của cơ sở. Cống thoát có độ dốc thích hợp, không đọng nước.

2.3.5. Nước thải trước khi xả ra phải được xử lý đảm bảo không ảnh hưởng môi trường xung quanh.

2.4. Hệ thống chiếu sáng

2.4.1. Sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo với cường độ đủ để để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh.

2.4.2. Đèn chiếu sáng treo trên khu vực chứa sản phẩm và đóng gói gói phải an toàn và có chụp bảo hiểm.

2.5. Thiết bị, dụng cụ

2.5.1. Thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với chượp và nước mắm phải được làm bằng vật liệu bền, không độc, không gỉ, không làm ảnh hưởng tới chất lượng nước mắm, chịu được tác động của muối. Bề mặt của thiết bị, dụng cụ phải nhẵn, dễ làm vệ sinh và khử trùng.

2.5.2. Bể chượp phải được làm bằng vật liệu phù hợp, không độc, bền chắc và không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

2.5.3. Dụng cụ chứa bằng thuỷ tinh và nhựa phải là loại được phép dùng cho thực phẩm, kết cấu bền chắc, dễ làm vệ sinh và tẩy rửa.

2.6. Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn trong sản xuất

2.6.1. Nguyên liệu

a) Nguyên liệu để sản xuất nước mắm phải sạch, không lẫn tạp chất, không nhiễm bẩn khi bốc dỡ, vận chuyển.

b) Cá dùng để sản xuất nước mắm phải là loại cá đạt tiêu chuẩn của cá biển ướp muối làm chượp theo TCVN 3521-79. Nguyên liệu cá sản xuất nước mắm có thể được ướp đá hoặc ướp muối.

c) Chỉ được sử dụng muối dùng cho thực phẩm đã qua bảo quản từ 1 đến 2 tháng để loại bỏ vị chát, đắng.

2.6.2. Sản phẩm

a) Nước mắm sản xuất phải được công bố chất lượng sản phẩm theo quy định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Chất lượng nước mắm sản xuất ra phải đúng với chất lượng công bố và thành phần không được chứa bất kỳ chất nào gây hại cho sức khoẻ con người.

2.6.3. Phụ gia, chất hỗ trợ chế biến.

a) Chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến phải nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Tuyệt đối không được sử dụng các loại chất độc hại vào việc sản xuất nước mắm.

2.6.4. Chất tẩy rửa và khử trùng

a) Chất tẩy rửa và khử trùng phải phù hợp với mục đích sử dụng. Chỉ sử dụng các chất tẩy rửa và khử trùng theo quy định của Bộ Y tế.

b) Không được sử dụng hoá chất diệt động vật (chuột….) trong khu vực sản xuất, chứa sản phẩm và đóng gói.

2.7 Vệ sinh

2.7.1 Vệ sinh cơ sở sản xuất

a) Cơ sở phải có kế hoạch làm vệ sinh đảm bảo nhà xưởng sạch sẽ. Hàng ngày phải có người chuyên trách quét dọn, thu gom chất thải.

b) Các khu vực chế biến, chứa thành phẩm, đóng gói phải có quy định riêng phù hợp với điều kiện thực tế.

c) Các cống rãnh thoát nước thải phải được quét dọn thường xuyên, đảm bảo không có bùn rác, không đọng nước, giảm thiểu mùi hôi.

d) Cơ sở phải có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn được côn trùng, động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất.

2.7.2. Vệ sinh thiết bị, dụng cụ

a) Các loại thiết bị, dụng cụ sản xuất, dụng cụ chứa đựng có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với chượp và nước mắm phải được duy trì trong điều kiện vệ sinh; đảm bảo sạch trước khi sử dụng và rửa sau khi sử dụng.

b) Trong quá trình làm vệ sinh và khử trùng thiết bị dụng cụ, không được làm nhiễm bẩn. Phải có nơi rửa riêng phù hợp với từng loại thiết bị dụng cụ.

c) Thiết bị, dụng cụ sau khi đã làm vệ sinh, khử trùng phải được cất giữ và bảo quản đúng nơi quy định.

d) Thiết bị, dụng cụ của từng công đoạn phải được để riêng và không sử dụng với mục đích khác.

2.7.3. Vệ sinh cá nhân

a) Công nhân trực tiếp sản xuất phải được trang bị đầy đủ quần áo và dụng cụ bảo hộ lao động.

b) Nhân viên kỹ thuật, kiểm nghiệm, pha đấu nước mắm phải được trang bị áo blu trắng, mũ trắng, khẩu trang và găng tay cao su.

c) Trước và sau khi tiếp xúc với sản phẩm, sau khi đi vệ sinh, mọi người phải rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

d) Cán bộ, công nhân khi tham gia vào sản xuất phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, không mắc các bệnh truyền nhiễm và định kỳ kiểm tra sức khoẻ hàng năm.

2.8. Bao bì, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển

2.8.1. Bao bì chứa nước mắm phải bền chắc, không độc, không gỉ, mặt nhẵn, không bị ăn mòn, không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm.  Bao bì được bảo quản ở nơi riêng biệt, thoáng, khô ráo, sạch sẽ và an toàn.

2.8.2. Việc ghi nhãn nước mắm phải theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006.

2.8.3. Nước mắm phải được bảo quản trong điều kiện an toàn và hợp vệ sinh. Kho bảo quản nước mắm phải sạch sẽ, thoáng mát; có đủ giá, bục để kê xếp sản phẩm; ngăn chặn được côn trùng và động vật xâm nhập.

2.8.4. Phương tiện vận chuyển nước mắm phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, có thiết bị che mưa, nắng.

2.9. Quản lý chất lượng

2.9.1. Cơ sở có công suất thực tế 500.000 lít/năm trở lên: Hoạt động sản xuất của cơ sở phải thực hiện đúng chương trình quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo HACCP quy định tại QCVN 02-02: 2009/BNNPTNT cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản – chương trình quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo HACCP.

2.9.2. Cơ sở có công suất thực tế nhỏ hơn 500.000 lít/năm: Hoạt động sản xuất của cơ sở phải thực hiện đúng quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP), quy phạm vệ sinh chuẩn (SSOP) và truy xuất nguồn gốc.

2.9.3. Cơ sở phải lập, quản lý và lưu giữ bộ hồ sơ về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo phần 2.9.1 hoặc 2.9.2 của quy chuẩn này. Thời gian lưu giữ hồ sơ ít nhất là 2 năm.

3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

3.1. Chứng nhận hợp quy

3.1.1. Cơ sở sản xuất nước mắm phải thực hiện chứng nhận hợp quy về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 về “ Quy định về hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy”.

3.1.2. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định tiến hành chứng nhận hợp quy cơ sở sản xuất nước mắm.

3.1.3. Phương thức đánh giá, chứng nhận cơ sở sản xuất nước mắm hợp quy thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.2. Công bố hợp quy

3.2.1. Cơ sở sản xuất nước mắm được chứng nhận hợp quy phải thực hiện công bố hợp quy và gửi hồ sơ công bố hợp quy về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định.

3.2.2. Việc công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 127/2007/NĐ-C ngày 01/8/2007.

3.3. Giám sát chế tài

3.3.1. Cơ sở sản xuất nước mắm và Tổ chức chứng nhận chịu sự thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.

3.3.2. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm  phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành .

3.4. Tổ chức thực hiện 

3.4.1. Chủ cơ sở sản xuất nước mắm được quy định tại điều 1.2. có trách nhiệm  tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

3.4.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chỉ đạo các đơn vị chức năng  phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này.   

3.4.3. Trong trường hợp các quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định văn bản mới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 02-06:2009/BNNPTNT VỀ CƠ SỞ SẢN XUẤT NƯỚC MẮM – ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản QCVN02-06:2009/BNNPTNT Ngày hiệu lực 31/07/2009
Loại văn bản Quy chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực An toàn thực phẩm
Ngày ban hành 31/07/2009
Cơ quan ban hành Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tình trạng Hết hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản