QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN01-114:2012/BNNPTNT NGÀY 14/12/2012 VỀ QUY TRÌNH XỬ LÝ CÂY XANH, CÀNH GHÉP, MẮT GHÉP TRONG KIỂM DỊCH THỰC VẬT DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 14/12/2012

QCVN 01 – 114 : 2012/BNNPTNT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ QUY TRÌNH XỬ LÝ CÂY XANH, CÀNH GHÉP, MẮT GHÉP TRONG KIỂM DỊCH THỰC VẬT

National technical regulation on Fumigation procedure for plants, cutting, budwood varieties in plant quarantine

Lời nói đầu

QCVN 01 – 114 : 2012/BNNPTNT do Ban Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kiểm dịch thực vật biên soạn, Cục Bảo vệ thực vật trình duyệt, Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành tại Thông tư số 63/2012/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 12 năm 2012.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ QUY TRÌNH XỬ LÝ CÂY XANH, CÀNH GHÉP, MẮT GHÉP TRONG KIỂM DỊCH THỰC VẬT

National technical regulation on Fumigation procedure

for plants, cutting, budwood varieties in plant quarantine

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu vè quản lý và kỹ thuật đối với việc xử lý giống cây xanh, cành ghép, mắt ghép trong kiểm dịch thực vật được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tới xử lý các lô hàng giống cây xanh, cành ghép, mắt ghép nhập khẩu vào Việt Nam.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Giống cây xanh, cành ghép, mắt ghép

Là những vật liệu thực vật sống được nhập khẩu từ nước ngoài vào trong nước ở dạng cây xanh, cành ghép, mắt ghép để nghiên cứu, nhân giống, gieo trồng.

1.3.2. Sinh vật gây hại

Là bất cứ loài, chủng hoặc dạng sinh học thực vật, động vật hoặc vi sinh vật nào gây hại cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật, bao gồm: côn trùng, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, vi rút, phytophasma, cỏ dại, chuột và các sinh vật khác gây hại tài nguyên thực vật (dưới đây gọi tắt là dịch hại).

1.3.3. Dịch hại kiểm dịch thực vật (đối tượng KDTV)

Là loài sinh vật gây hại có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loài sinh vật này chưa có mặt hoặc có mặt với phân bố hẹp và được kiểm soát chính thức.

1.3.4. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây gọi tắt là vật thể)

Gồm thực vật, sản phẩm thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc những vật thể khác có khả năng mang dịch hại thuộc diện điều chỉnh.

1.3.5. Khử trùng

Là việc tiêu diệt sinh vật gây hại vật thể một cách triệt để.

1.3.6. Xông hơi khử trùng

Là biện pháp khử trùng bằng hoá chất xông hơi độc.

1.3.7. Thuốc xông hơi khử trùng

Là những chất hoặc hợp chất hoá học có độc tính được sử dụng để diệt trừ sinh vật gây hại trên hàng hoá mà ở điều kiện nhiệt độ và áp suất không khí thông thường có thể tồn tại ở thể khí, có khả năng khuếch tán, xâm nhập vào hàng hoá cũng nh­ư giải phóng khỏi hàng hoá dễ dàng.

1.3.8. Độ kín của xông hơi khử trùng

Là độ kín không cho hơi độc từ phạm vi khử trùng thoát ra bên ngoài.

1.3.14 Phạm vi khử trùng

Là khoảng không gian kín chứa những vật thể được khử trùng;

1.3.9. Liều lượng thuốc xông hơi khử trùng

Là lượng thuốc khử trùng hoặc lượng hoạt chất hơi độc sử dụng cho 01 đơn vị trọng lượng vật thể khử trùng hoặc đơn vị thể tích của phạm vi khử trùng.

Đơn vị tính: gam thuốc thương phẩm hay hoạt chất/tấn hoặc gam thuốc thương phẩm hay hoạt chất/m3.

1.3.10. Nồng độ (thuốc xông hơi khử trùng)

Là lượng hơi thuốc xác định tại một thời điểm ở một vị trí nhất định trong phạm vi khử trùng.

Đơn vị tính: g/m3 hoặc mg/l hoặc ppm hoặc phần trăm (%) theo thể tích.

ppm: lượng thuốc tính bằng đơn vị phần triệu (1/1.000.000)

1.3.11. Chỉ số C.T

Là tích số của nồng độ hơi thuốc và thời gian ủ thuốc để tiêu diệt một loài sinh vật gây hại trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ nhất định.

1.3.12. Thời gian ủ thuốc

Là thời gian tính từ khi hoàn thành việc cho thuốc vào trong phạm vi khử trùng đến khi bắt đầu thông thoáng.

1.3.13. Ngưỡng an toàn

Là nồng độ của hơi thuốc có trong không khí cho phép con người có thể tiếp xúc hàng ngày mà không bị ảnh hưởng có hại nào.

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Yêu cầu kỹ thuật xông hơi khử trùng

2.1.1. Yêu cầu chung

– Diệt trừ triệt để các sinh vật gây hại trên vật thể đuợc khử trùng.

– An toàn với người, vật nuôi và hàng hoá.

– Đảm bảo về vệ sinh môi trư­ờng, về an toàn lao động, về phòng chống cháy, nổ và địa điểm làm việc theo quy định của pháp luật.

– Đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật

2.1.2. Yêu cầu về vật tư, trang thiết bị

Phải đảm bảo đầy đủ về vật tư, trang thiết bị thực hiện xông hơi khử trùng theo các nhóm sau:

– Thuốc Methyl bromide thuần (100% CH3Br hoặc 99,4% CH­3Br).

– Thuốc phun vệ sinh: một số loại thuốc bảo vệ thực vật

– Vật liệu làm kín: Bạt khử trùng, giấy dán chuyên dụng (kraft), hồ (keo dán), nylon, băng dính, cát, kẹp nối bạt.

– Dụng cụ chiết, ống dẫn thuốc.

– Dụng cụ lấy mẫu và phân tích mẫu dịch hại

– Thiết bị hóa hơi thuốc xông hơi khử trùng.

– Máy đo nồng độ thuốc khử trùng, sự dò rỉ của thuốc.

– Thiết bị thông thoáng (máy hút khí, quạt đảo khí)

– Cân đồng hồ: 50kg, 100kg.

– Thiết bị phun vệ sinh (bình bơm tay, bình bơm động cơ).

– Máy đo độ ẩm, nhiệt kế, đồng hồ kiểm tra thời gian.

– Mặt nạ chuyên dùng với các trang thiết bị bảo hộ lao động.

– Biển báo cảnh giới.

– Thiết bị phòng chống cháy nổ.

– Dụng cụ sơ cấp cứu tai nạn lao động.

– Các dụng cụ phụ trợ khác.

2.1.3. Yêu cầu về kỹ thuật

– Đảm bảo đúng qui trình kỹ thuật theo qui định.

– Đúng chủng loại thuốc, liều lượng, nồng độ và thời gian ủ thuốc.

2.2. Yêu cầu khác

2.2.1. Yêu cầu về người thực hiện

Người trực tiếp tham gia công tác khử trùng phải:

– Có Thẻ xông hơi khử trùng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

– Không được uống bia rượu trước và trong quá trình thực hiện xông hơi khử trùng.

– Có ít nhất 02 người trực tiếp gia thực hiện xông hơi khử trùng đối với một phạm vi khử trùng.

– Đội ngũ cán bộ phải thường xuyên được cập nhật thông tin về công tác xông hơi khử trùng.

2.2.2. Yêu cầu về giấy tờ, biểu mẫu thực hiện xông hơi khử trùng

– Sổ sách ghi chép quá trình thực hiện

– Biên bản khảo sát

– Sơ đồ thực hiện xông hơi khử trùng

– Danh sách người tham gia thực hiện xông hơi khử trùng

– Biên bản kiểm tra nồng độ thuốc trong thời gian xông hơi khử trùng

– Biên bản nghiệm thu kết quả xông hơi khử trùng

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

3.1. Chuẩn bị

3.1.1. Hồ sơ

– Khi tiếp nhận yêu cầu khử trùng của chủ vật thể, phải thu thập các thông tin liên quan tới quá trình thực hiện xông hơi khử trùng bao gồm: Tên chủ vật thể, địa chỉ, địa điểm thực hiện, thời gian thực hiện, tên hàng , số lượng, khối lượng, bao bì, phương thức đóng gói …

– Thông tin về yêu cầu của Kiểm dịch thực vật (nếu có).

3.1.2. Khảo sát

– Đặc điểm của vật thể xông hơi khử trùng (hom giống, cây giống, cành ghép, mắt ghép); số lượng, khối lượng.

– Nơi sản xuất, phương thức đóng gói, bao bì, ký mã hiệu, thời gian sản xuất.

– Thể tích phạm vi khử trùng và quy cách sắp xếp vật thể khử trùng.

– Điện, thoát nước, thoát khí của phương tiện hoặc địa điểm lưu chứa vật thể khử trùng để có phương án làm kín.

– Địa điểm xung quanh phạm vi khử trùng liên quan đến vệ sinh an toàn cho người động vật có ích và môi trường sinh thái.

– Xác định nhiệt độ, ẩm độ trong phạm vi khử trùng

– Xác định thành phần, mật độ sinh vật gây hại trong và ngoài phạm vi khử trùng để có biện pháp ngăn chặn sự lây lan.

– Lấy mẫu đại diện của vật thể.

– Lập biên bản khảo sát khử trùng.

3.1.3. Lập phương án khử trùng

3.1.3.1. Chuẩn bị vật thể khử trùng

– Tháo bỏ tất cả các vật liệu bao bì đóng gói, che phủ bên ngoài bằng nhựa hoặc bằng các vật liệu không thấm nước trước khi khử trùng xông hơi.

– Vật liệu thực vật đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển hoặc trong giai đoạn ngủ nghỉ phải giữ cho phần rễ không bị khô và phần thân, cành, lá không được để ướt.

– Vật liệu thực vật không được đóng gói quá chặt để đảm bảo có khoảng không cả trên và dưới.

– Các loại cây được bố trí, sắp xếp hợp lý trong một không gian (không gian của một khu; côngtenner; trong buồng khử hoặc trùm bạt.

3.1.3.2. Lập sơ đồ đặt ống dẫn thuốc

Sơ đồ ống dẫn thuốc đặt theo nguyên tắc tập trung ở phía trên và giảm dần ở phía dưới; ống dẫn thuốc phải được bấm lỗ so le nhau với khoảng cách 1 – 1,5 m. Đặt một ống phụ đề phòng trường hợp tắc ống dẫn thuốc.

3.1.3.3. Kiểm tra thiết bị

Kiểm tra các thiết bị khử trùng và dụng cụ bảo hộ lao động

3.1.3.4. Tính liều lượng thuốc khử trùng

Căn cứ vào các yếu tố dưới đây để tính lượng thuốc khử trùng:

– Tính chất của loại cây trồng, quy cách sắp xếp.

– Thể tích không gian khử trùng.

– Nhiệt độ, ẩm độ trong phạm vi khử trùng;.

– Thời gian khử trùng.

3.1.3.5 Liều lượng thuốc khử trùng

* Vật liệu thực vật đang ở giai đoạn sinh trưởng, phát triển (Chọn khoảng nhiệt độ phù hợp)

Methyl bromide thuần:

48 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 11 – 150C

40 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 16 – 200C

32 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 21 – 250C

24 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 26 – 300C

16 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 31 – 360C

* Cây xanh, cành ghép, mắt ghép và chồi ngủ nghỉ (lựa chọn giới hạn nhiệt độ thích hợp)

Methyl bromide thuần:

48 g/m3 trong thời gian 2 ½ giờ ở nhiệt độ 11 -15 0C

40 g/m3 trong thời gian 2½ giờ ở nhiệt độ 16 – 200C

32 g/m3 trong thời gian 2½ giờ ở nhiệt độ 21  250C

24 g/m3 trong thời gian 2½ giờ ở nhiệt độ 26 – 300C

16 g/m3 trong thời gian 2½ giờ ở nhiệt độ 31  360C

* Giống cây là dạng mắt (hom) ghép, chồi ghép (giai đoạn ngủ nghỉ)

Methyl bromide thuần:

48 g/m3 trong thời gian 3 giờ ở nhiệt độ 11 – 150C

40 g/m3 trong thời gian 3 giờ ở nhiệt độ 16 – 200C

32 g/m3 trong thời gian 3 giờ ở nhiệt độ 21 – 250C

24 g/m3 trong thời gian 3 giờ ở nhiệt độ 26 – 300C

16 g/m3 trong thời gian 3 giờ ở nhiệt độ 31 – 360C

3.2. Thực hiện xông hơi khử trùng

3.2.1. Làm kín phạm vi khử trùng

Tuỳ theo theo không gian tập chung (hàng), bố trí sắp xếp vật liệu cây giống chuẩn bị khử trùng trong buồng khử trùng chuyên dụng; trên không gian kho, bãi địa điểm tập kêt vật liệu khử trùng và điều kiện thời tiết mà có các hình thức làm kín phù hợp (phủ bạt, dán giấy) nhưng phải đảm bảo nguyên tắc làm kín phạm vi khử trùng, đồng thời làm kín các khe, kẽ hở, các hệ thống thông thoáng, các thiết bị máy móc trong phạm vi khử trùng có khả năng chịu ảnh hưởng của thuốc xông hơi. Kết thúc làm kín, phải kiểm tra độ kín của phạm vi khử trùng bằng các thiết bị kiểm tra chuyên dụng.

3.2.2. Bơm thuốc

Có ít nhất 2 người thực hiện việc bơm thuốc với đầy đủ trang bị bảo hộ lao động để có thể xử lý các sự cố xảy ra; sử dụng các dụng cụ phù hợp để bơm thuốc. Trong quá trình bơm thuốc phải điều chỉnh lượng thuốc ra từ từ, lưu lượng trung bình khoảng 1,5kg/phút.

3.2.3. Đảo khí

Sau khi cho thuốc vào tiến hành đảo khí trong khoảng thời gian15 -20 phút, đảm bảo thuốc phân bố đều trong phạm vi khử trùng.

3.2.4. Phun vệ sinh

Trang bị đầy đủ bảo hộ động và phun vệ sinh trong và ngoài xung quanh phạm vi khử trùng sau khi kết thúc bơm thuốc nhằm hạn chế sự lây lan của các loài sinh vật hại.

3.2.5. Cảnh giới

– Bố trí ít nhất 2 người có đủ trình độ, chuyên môn thực hiện nhiệm vụ cảnh giới.

– Cắm biển cảnh giới và thông báo cho mọi người biết khu vực khử trùng.

– Kiểm tra, không cho người và động vật vào khu vực khử trùng.

– Sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động, thiết bị kiểm tra độ rò rỉ phù hợp và có biện pháp làm kín ngay khi phát hiện có rò rỉ thuốc xông hơi khử trùng.

– Có phương tiện liên lạc với người có trách nhiệm để thông tin trực tiếp giải quyết mọi trường hợp khẩn cấp liên quan đến việc khử trùng.

– Xử lý khi xảy ra các sự cố cháy nổ, ngộ độc.

3.3. Kết thúc khử trùng

3.3.1. Thông thoáng phạm vi khử trùng

– Sau khi kết thúc thời gian khử trùng dùng các thiết bị (quạt, máy hút, hệ thống thông gió…) để thông thoáng phạm vi khử trùng. Thời gian thông thoáng phụ thuộc thể tích phạm vi khử trùng, lượng thuốc và công suất của thiết bị thông thoáng.

– Đo dư lượng hơi thuốc trong phạm vi khử trùng sau khi thông thoáng. Đảm bảo nồng độ thuốc xông hơi trong phạm vi khử trùng đạt mức dưới ngưỡng an toàn 5,0 ppm (0,02 g/m³ hoặc 20 mg/m³).

3.3.2. Lấy mẫu

– Lấy mẫu sau khử trùng theo tiêu chuẩn nghành TCVN4731:2010, Kiểm dịch thực vật – Phương pháp lấy mẫu.

– Đánh giá hiệu quả diệt trừ sinh vật gây hại sau khử trùng.

3.3.3. Nghiệm thu kết quả khử trùng

– Xác định kết quả khử trùng đối với sinh vật gây hại, sự ảnh hưởng của thuốc tới vật liệu cây trồng làm giống, vật tư, máy móc, thiết bị trong phạm vi khử trùng.

– Chủ vật thể hoặc đại diện chủ vật thể cùng với đơn vị thực hiện khử trùng nghiệm thu và lập biên bản nghiệm thu kết quả khử trùng.

IV. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

Các tổ chức/cá nhân hoạt động xông hơi khử trùng phải có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hành nghề xông hơi khử trùng theo quy định. Đặc biệt là xây dựng các quy trình kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động, tính chất loại hình xông hơi và loại thuốc xông hơi khử trùng.

4.1. Yêu cầu đối với qui trình kỹ thuật

Quy trình kỹ thuật do các tổ chức/cá nhân hành nghề xông hơi khử trùng xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, các công đoạn thực hiện theo quy định của quy chuẩn này.

– Được thẩm định và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

4.2. Trách nhiệm của tổ chức/cá nhân hoạt động xông hơi khử trùng

– Thực hiện xông hơi khử trùng vật thể theo đúng qui trình kỹ thuật và phạm vi đã được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng.

– Phải chịu sự giám sát của cơ quan kiểm dịch thực vật trong hoạt động xông hơi khử trùng.

– Nghiêm cấm việc cho mượn, cho thuê giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, chứng chỉ hành nghề, thẻ xông hơi khử trùng; cấm thuê người không có Thẻ xông hơi khử trùng thực hiện việc khử trùng.

– Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quý và năm về tình hình hoạt động xông hơi khử trùng với cơ quan quản lý theo quy định.

– Thông báo với cơ quan quản lý những thay đổi về nhân sự, trang thiết bị và quy trình thực hiện của đơn vị.

4.3. Quản lý hồ sơ

– Các cơ quan quản lý hoạt động xông hơi khử trùng phải lập sổ theo dõi việc cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ và thẻ xông hơi khử trùng (cấp lại hoặc gia hạn).

– Các cơ quan quản lý hoạt động xông hơi khử trùng phải báo cáo tình hình quản lý hoạt động xông hơi khử trùng định kỳ theo quý và năm về Cục Bảo vệ thực vật.

– Việc cấp Giấy chứng nhận xông hơi khử trùng và hồ sơ khử trùng phải được quản lý chặt chẽ tại đơn vị.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 Giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện quy chuẩn này.

– Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.

 

PHỤ LỤC 1.

MỘT SỐ ĐẶC TÍNH LÝ, HOÁ HỌC CỦA THUỐC XÔNG HƠI METHYL BROMIDE (CH3BR)

Tên hoá học: Methyl bromide

Công thức hoá học : CH3Br

Phân tử lượng: 94,94

Tỷ trọng ở thể lỏng: 1,732 (ở O0C)

Tỷ trọng ở thể khí: 3,270 (ở O0C)

ẩn nhiệt bay hơi: 61,52 cal/g

– Ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường thuốc ở thể khí không màu và không mùi vị, ở áp suất cao( nén trong bình thép) thuốc ở dạng lỏng. Thuốc tan trong nước(13,4g/kg) và trong hầu hết dung môi hữu cơ; bền vững dưới tác động của nhiệt độ và ánh sáng; không bốc cháy nhưng ăn mòn nhôm, magê và hợp kim của chúng. CH3Br thuộc nhóm độc I, LD50 per os: 214 mg/kg; ADI: 1mg/kg và hít thở phải không khí chứa 20-100ppm CH3Br sẽ có biểu hiện thần kinh và 1000 ppm trong 30-60 phút thì bị tử vong. Nồng độ cho phép nơi làm việc là 5 ppm (tiếp xúc thường xuyên) và 15 ppm (nếu tiếp xúc ngắn).

– Thuốc CH3Br được nén trong bình thép (từ 2,25-816 kg/bình, thông thường 23-45 kg/bình) hoặc nén trong hộp sắt tây (0,45-0,68 kg/hộp) hay đựng trong ampun thuỷ tinh 20 ml. Thuốc thoát ra ngoài ống dẫn khuyếch tán trong không khí thành khí CH3Br. Khí CH3Br nặng hơn không khí nên lắng dần xuống phía dưới do đó cần phải đảo khí.

– CH3Br rất độc và ở nồng độ thấp rất khó nhận biết (thuốc không có mùi) nên thuốc thường chứa 2-3% Cchlopicrin là chất báo hiệu nguy hiểm (gây kích thích niêm mạc và cay mắt ngay ở nồng độ rất thấp). Khi thông thoáng đối với kho kín, hầm tàu … phải dùng máy hút khí độc thải ra ngoài kết hợp với thông gió tự nhiên.

– Hàng hoá có chứa các hợp chất muối iốt, muối natri hyposunfit, các hợp chất sunfua, natri hydrocabonat, các vật liệu bằng cao su tự nhiên, cao su nhân tạo, da, len, dạ, sợi nhân tạo chế từ cacbon-disufua, than hoạt tính, xenlophan, hoá chất ảnh, giấy ảnh, giấy bạc, đậu tương bị hư hỏng và phá huỷ khi tiếp xúc với thuốc CH3Br.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN01-114:2012/BNNPTNT NGÀY 14/12/2012 VỀ QUY TRÌNH XỬ LÝ CÂY XANH, CÀNH GHÉP, MẮT GHÉP TRONG KIỂM DỊCH THỰC VẬT DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản QCVN01-114:2012/BNNPTNT Ngày hiệu lực 14/12/2012
Loại văn bản Quy chuẩn Việt Nam Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
Ngày ban hành 14/12/2012
Cơ quan ban hành Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản