QUYẾT ĐỊNH 07/2012/QĐ-TTG VỀ CHÍNH SÁCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 30/03/2012

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 07/2012/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mục tiêu

Ban hành một số chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ rừng, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia bảo vệ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.

Điều 2. Phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

a) Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền về quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp để chỉ đạo các cấp, ngành, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn thực hiện các quy định của pháp luật.

b) Tổ chức, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

c) Quản lý hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật.

d) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; chỉ đạo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, huy động và phối hợp các lực lượng để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng và đất lâm nghiệp; kiên quyết đấu tranh, chấm dứt tình trạng khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật, chống người thi hành công vụ trên địa bàn.

đ) Chỉ đạo thực hiện công tác giao, cho thuê, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về rừng và đất lâm nghiệp.

e) Tổ chức việc điều tra, kiểm kê, thống kê, phân loại rừng, lập bản đồ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

g) Lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp của địa phương; các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; ngăn ngừa tình trạng lợi dụng để tiêu thụ, hợp thức hóa nguồn gỗ, lâm sản trái pháp luật.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có rừng (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

a) Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách, chế độ Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.

c) Huy động, chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng.

d) Tổ chức thực hiện công tác giao rừng, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về rừng và đất lâm nghiệp.

đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thống kê, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp.

e) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật; theo dõi chặt chẽ đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp để xử lý; đấu tranh kiên quyết, chấm dứt tình trạng chống người thi hành công vụ.

g) Tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp, các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tiêu thụ, hợp thức hóa nguồn gỗ, lâm sản trái pháp luật.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có rừng (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã)

a) Quản lý diện tích, ranh giới các khu rừng; các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

b) Tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

c) Tổ chức thực hiện quy hoạch ba loại rừng trên thực địa, quy hoạch chi tiết về bảo vệ và phát triển rừng gắn với các chủ rừng.

d) Tiếp và xác nhận hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo thẩm quyền.

đ) Chỉ đạo cộng đồng dân cư thôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn thực hiện sản xuất lâm nghiệp; canh tác nương rẫy và chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

e) Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.

g) Xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

h) Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng, đất lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã.

i) Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng nhà nước chưa giao, chưa cho thuê và xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích rừng này để rừng thực sự có chủ cụ thể.

k) Hòa giải các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hỗ trợ kinh phí cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở

1. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho ngân sách xã để bảo đảm chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng như sau:

a) Hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm để tổ chức quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp xã sử dụng nguồn kinh phí này chi cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, gồm:

– Duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng;

– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng;

– Hợp đồng lao động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng và các hoạt động khác trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

b) Hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gồm:

– Chi xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; quy vùng sản xuất nương rẫy, diễn tập chữa cháy rừng;

– Chi bồi dưỡng cho những người tham gia chữa cháy rừng, mức chi bằng ngày công lao động nghề rừng cao nhất ở địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức chi bồi dưỡng cho người tham gia chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương;

– Chi hỗ trợ cho người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn về thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành, hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện; được xét công nhận chế độ như thương binh; trường hợp bị chết được hỗ trợ tiền mai táng phí, được xét công nhận chế độ như liệt sỹ theo quy định hiện hành của Nhà nước;

– Chi cho hoạt động của Ban chỉ huy các cấp về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp xã theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể mức hỗ trợ, cấp phát, quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho ngân sách xã quy định trên đây.

2. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã

a) Những xã có rừng và có nguồn thu theo quy định tại khoản 1 và các điểm b, c, d, khoản 3 của Điều này được lập quỹ bảo vệ rừng cấp xã.

b) Việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

c) Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Quỹ bảo vệ rừng cấp xã do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

3. Nguồn hình thành Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã

a) Ngân sách địa phương cân đối, đảm bảo hỗ trợ cấp xã theo quy định tại khoản 1 của Điều này.

b) Thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thuộc thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân cấp xã, nộp ngân sách theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 40 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sau khi trừ các khoản chi theo quy định hiện hành của Nhà nước, địa phương cấp lại cho Quỹ bảo vệ rừng cấp xã.

c) Hỗ trợ của chủ rừng khi khai thác, kinh doanh gỗ, lâm sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước khác.

d) Các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

4. Nội dung chi Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã

Việc chi quỹ phải có phương án quản lý và sử dụng Quỹ được cấp có thẩm quyền duyệt và chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước. Trong đó phải đảm bảo những nội dung chi cụ thể như sau:

a) Xăng, dầu cho phương tiện tuần tra, kiểm tra rừng.

b) Bồi dưỡng cho những người được huy động để ngăn chặn chống chặt phá rừng và chữa cháy rừng; hỗ trợ cho những người được huy động tham gia ngăn chặn, chống chặt phá rừng và chữa cháy rừng bị tai nạn, thương tật.

c) Bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ, công tác kiêm nhiệm.

d) Phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng.

đ) Hội nghị, hội thảo sơ tổng kết và công tác thi đua khen thưởng.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã.

Điều 4. Chính sách đồng quản lý rừng

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng để tạo cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cùng với Ban quản lý khu rừng đặc dụng, Ban quản lý khu rừng phòng hộ; doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở thỏa thuận về trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng; chia sẻ lợi ích hợp pháp tương xứng với sự đóng góp của các bên.

2. Nội dung

a) Các loại lâm sản, thủy, hải sản trong khu rừng mà việc khai thác, sử dụng không ảnh hưởng tới chức năng của khu rừng đó.

b) Nông, lâm sản dưới tán rừng, đất trống trong khu rừng.

c) Các khoản thu từ dịch vụ môi trường rừng.

3. Nguyên tắc

a) Đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn rừng thông qua đại diện hợp pháp là Hội đồng quản lý.

b) Công khai, minh bạch, công bằng. Gắn trách nhiệm của các bên với lợi ích được chia sẻ.

c) Khai thác, sử dụng những lợi ích được chia sẻ không làm ảnh hưởng chức năng của rừng.

Điều 5. Chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở

1. Đối với chủ rừng

a) Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng trên diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Chủ rừng có diện tích rừng từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

b) Lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng được trang bị đồng phục và một số công cụ hỗ trợ; có quyền hạn, trách nhiệm tổ chức phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm hại rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; được nhà nước hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quyết định này và bảo vệ diện tích rừng chưa giao, cho thuê trên địa bàn xã.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về tổ chức lực lượng; quyền hạn, trách nhiệm; trang thiết bị; đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng cơ sở.

Điều 6. Chính sách nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đối với lực lượng Kiểm lâm

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với công chức kiểm lâm.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường biên chế cho lực lượng kiểm lâm đến năm 2015; bố trí kế hoạch hàng năm về tổ chức, biên chế lực lượng kiểm lâm đến năm 2015 bình quân trong toàn quốc cứ 1.000 ha rừng có 01 biên chế kiểm lâm (giai đoạn 2011 – 2015 bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm).

3. Tiếp tục đầu tư cho lực lượng kiểm lâm thông qua các dự án đào tạo nâng cao năng lực; đầu tư bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho kiểm lâm. Giai đoạn 2011 – 2015 đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 8.000 lượt người thuộc lực lượng bảo vệ rừng cơ sở và lực lượng kiểm lâm; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý bảo vệ rừng, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại Quyết định này.

Theo dõi và tổng hợp kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại Quyết định này báo cáo Chính phủ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý đất lâm nghiệp, xác định ổn định quy hoạch đất lâm nghiệp trên bản đồ và ngoài thực địa theo Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn với giao rừng, cho thuê rừng; hoàn thiện hồ sơ đối với các diện tích đất đã giao, cho thuê và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách; đảm bảo cân đối kế hoạch ngân sách cho quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại Quyết định này.

4. Bộ Nội vụ

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách; phân bổ biên chế kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo quy định tại Quyết định này.

5. Bộ Quốc phòng

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng kiểm lâm tham gia công tác bảo vệ rừng ở cơ sở; chỉ đạo, điều hành các lực lượng quốc phòng phối hợp có hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.

6. Bộ Công an

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng dân phòng, công an xã và lực lượng kiểm lâm tham gia công tác bảo vệ rừng ở cơ sở; chỉ đạo, điều hành lực lượng công an phối hợp có hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại địa phương; tham gia, đề xuất với các Bộ, ngành ở Trung ương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở để thực hiện có hiệu quả Quyết định này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 3 năm 2012 và thay thế cho Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– UB Giám sát tài chính QG;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KTN (05)

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

QUYẾT ĐỊNH 07/2012/QĐ-TTG VỀ CHÍNH SÁCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 07/2012/QĐ-TTg Ngày hiệu lực 30/03/2012
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - môi trường
Ngày ban hành 08/02/2012
Cơ quan ban hành Thủ tướng chính phủ
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản