QUYẾT ĐỊNH 07/2015/QĐ-UBND NĂM 2015 QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2015/QĐ-UBND |
Hà Giang, ngày 09 tháng 06 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai, ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định về giá đất;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Căn cứ Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện;
Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 89/TTr-STNMT ngày 19 tháng 5 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1129/2012/QĐ-UBND ngày 13/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc quy định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Văn phòng Chính phủ; – Bộ Tài chính; – Bộ Tài nguyên và Môi trường; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp; – Tổng cục QLĐĐ – Bộ Tài nguyên và Môi trường; – Thường trực Tỉnh ủy; – Thường trực HĐND tỉnh; – UBMT Tổ quốc tỉnh; – Đoàn ĐBQH tỉnh HG; – Thường trực UBND tỉnh; – Như Điều 3; – Sở Tư pháp; – Báo Hà Giang; – Đài PTTH Hà Giang; – TT Công báo, Cổng TT điện tử tỉnh; – Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; – CVNCTH VPUBND tỉnh; – Lưu VT, NNTNMT. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Đàm Văn Bông |
QUY ĐỊNH
VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 07/2015/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng (sau đây gọi là Hội đồng bồi thường).
2. Người sử dụng đất quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương II
BỒI THƯỜNG VỀ ĐẤT
Điều 3. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp không có hồ sơ, chứng từ chứng minh (thực hiện điểm a, khoản 3, điều 3, Nghị định 47/2014/NĐ-CP)
Việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có hồ sơ, chứng từ chứng minh theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là Nghị định 47/2014/NĐ-CP) và khoản 3, Điều 3 Thông tư 37/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là Thông tư 37/2014/TT-BTNMT), được thực hiện như sau:
1. Người sử dụng đất có trách nhiệm kê khai các chi phí đầu tư vào đất.
2. Trên cơ sở nội dung kê khai, Hội đồng bồi thường phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất thu hồi và các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, xác minh các khoản chi phí quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại tại thời điểm thu hồi đất theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc nông nghiệp thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) phê duyệt.
Điều 4. Quy định diện tích đất ở còn lại không đủ điều kiện để ở (thực hiện Điểm a, khoản 1 Điều 6, Nghị định 47/2014/NĐ-CP)
1. Diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì được xác định như sau:
a) Thửa đất được hình thành sau khi thu hồi chỉ còn đất ở không đảm bảo đủ diện tích, kích thước tối thiểu sau khi tách thửa theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Quy định ban hành theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định hạn mức giao đất, công nhận, tách thửa đối với đất ở; hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng đưa vào sử dụng theo quy hoạch cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Giang (sau đây gọi là Quyết định 14/2014/QĐ-UBND);
b) Thửa đất được hình thành sau thu hồi còn cả diện tích đất ở và đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở, mà tổng diện tích còn lại không đảm bảo đủ diện tích, kích thước tối thiểu sau khi tách thửa theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Quy định ban hành theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND.
2. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất không đủ điều kiện để ở sau thu hồi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng cho hộ liền kề (để thực hiện ghép lô, ghép thửa); trường hợp hộ gia đình, cá nhân có văn bản đề nghị thu hồi thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ phần diện tích sau thu hồi không đủ điều kiện để ở được thực hiện đồng thời với phần diện tích phải thu hồi để thực hiện dự án.
Điều 5. Quy định về mức đất ở, nhà ở tái định cư trong trường hợp hộ gia đình bị thu hồi đất có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng chung sống hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất (thực hiện Khoản 2, Điều 6, Nghị định 47/2014/NĐ-CP)
1. Hộ gia đình thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện tách hộ, tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quỹ đất ở, nhà ở tái định cư tại địa phương xem xét giao đất ở, nhà ở tái định cư, cho từng hộ gia đình. Diện tích đất ở, nhà ở giao cho một hộ gia đình, cá nhân bằng suất tái định cư tối thiểu quy định tại khoản 1, Điều 21 của Quy định này.
2. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở, nhà ở quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 6. Bồi thường đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (thực hiện Khoản 3, Điều 7 Nghị định 47/2014/NĐ-CP)
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhưng được miễn tiền thuê đất do thực hiện chính sách đối với người có công với Cách mạng khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với đất bị thu hồi. Diện tích đất được bồi thường không vượt quá diện tích đất đã thu hồi, thời hạn được miễn tiền thuê đất bằng thời hạn thuê đất còn lại của đất đã thu hồi. Trường hợp nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền và được xác định theo công thức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.
Điều 7. Việc phân chia tiền bồi thường về đất đối với những người đang đồng quyền sử dụng (thực hiện khoản 2, Điều 15 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
Việc phân chia tiền bồi thường về đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất chung có đồng quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được thực hiện như sau:
1. Trường hợp có văn bản thống nhất việc phân chia tiền bồi thường về đất, được các đối tượng đồng quyền sử dụng đất ký tên, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận thì chi trả tiền bồi thường về đất theo văn bản đó.
2. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất chung có đồng quyền sử dụng đất không thống nhất được việc phân chia tiền bồi thường thì Hội đồng bồi thường gửi số tiền bồi thường về đất vào Kho bạc Nhà nước và hướng dẫn những người đồng quyền sử dụng đất gửi đơn đến Tòa án giải quyết theo quy định. Căn cứ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng bồi thường chi trả cho những người đang đồng quyền sử dụng đất.
Trong thời gian chờ Tòa án giải quyết, những người đồng quyền sử dụng đất có trách nhiệm bàn giao đất cho Hội đồng bồi thường.
Chương III
BỒI THƯỜNG VỀ TÀI SẢN TRÊN ĐẤT
Điều 8. Đơn giá bồi thường đối với nhà, công trình
1. Áp dụng đơn giá theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành theo Quyết định này.
2. Đối với nhà, công trình, vật kiến trúc khác có quy mô, kết cấu tương đương thì được phép vận dụng đơn giá xây dựng quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Nếu không vận dụng được đơn giá xây dựng theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định này, thì Hội đồng bồi thường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi lập biên bản xác định hiện trạng để thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân, đủ năng lực, căn cứ vào hồ sơ hoàn công, quyết toán công trình hoặc lập lại thiết kế dự toán (trường hợp không có hồ sơ hoàn công hoặc thiết kế của công trình) để lập dự toán xây dựng công trình mới có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương (tính đơn giá xây dựng mới). Trên cơ sở đó Hội đồng bồi thường gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về xây dựng tại các huyện, thành phố thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Điều 9. Bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất (thực hiện theo khoản 1, 2 Điều 89 Luật Đất đai; khoản 1, 3 và 4 Điều 9, NĐ 47/2014/NĐ-CP)
1. Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (theo quy định tại khoản 1, Điều 89 Luật Đất đai) thì được bồi thường bằng giá trị xây mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Mức bồi thường được tính theo đơn giá xây dựng quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Đối với nhà, công trình vật kiến trúc khác không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này (đối với các tổ chức) thì được bồi thường như sau:
Mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.
a) Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định theo công thức quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP.
b) Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình là 50%, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.
Trường hợp giá trị hiện có của nhà, công trình bằng 0 (đã hết thời gian khấu hao) hoặc trong quá trình sử dụng có sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thì xác định giá trị hiện có theo thực tế.
c) Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại được quy định như sau:
– 8 năm đối với nhà tạm, vật kiến trúc khác;
– 20 năm đối với nhà một tầng mái lợp ngói, tôn hoặc PhiPrô Xi măng (không áp dụng cho nhà xưởng và kho thông dụng quy định tại bảng suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố) tường bao quanh xây gạch chiều cao lớn hơn 3m (không tính chiều cao tường thu hồi);
– 30 năm đối với nhà 1 tầng mái bằng bê tông cốt thép hoặc mái bằng bê tông cốt thép trên lợp tôn, lợp ngói hoặc PhiPrô Xi măng;
– 30 năm đối với nhà xưởng và kho thông dụng quy định tại bảng suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố;
– 50 năm đối với nhà 2-3 tầng tường xây gạch, mái bằng bê tông cốt thép hoặc mái bằng bê tông cốt thép trên lợp tôn, lợp ngói hoặc PhiPrô Xi măng;
– 60 năm đối với nhà 4-5 tầng trở lên;
3. Đối với nhà, công trình nhà xây một tầng mái bằng bê tông cốt thép, nhà xây từ hai tầng trở lên, nhà để sản xuất kinh doanh, nhà xây 01 tầng lợp mái, nhà tạm bị phá dỡ một phần diện tích nhà, phần bị phá dỡ tường hoặc cột chịu lực thì tính bồi thường, hỗ trợ như sau:
a) Nhà, công trình, bộ phận kết cấu công trình bị cắt xén, phá dỡ một phần mà phần còn lại không đảm bảo khả năng chịu lực thì được bồi thường toàn bộ nhà, công trình;
b) Nhà bị cắt xén phá dỡ không thuộc quy định tại Điểm a, khoản này mà diện tích còn lại chỉ còn cầu thang, nhà vệ sinh thì được bồi thường toàn bộ diện tích nhà;
c) Bồi thường bổ sung phần nhà, công trình bị ảnh hưởng do cắt xén, phá dỡ: Nhà, công trình bị cắt xén, phá dỡ một phần thì ngoài phần bồi thường diện tích phá dỡ đến chỉ giới cắt xén theo quy hoạch, còn được bồi thường bổ sung theo quy định sau:
– Đối với nhà khung bê tông cốt thép hoặc kết cấu khung thép thì diện tích sàn xây dựng được bồi thường bổ sung tính từ chỉ giới cắt xén theo quy hoạch đến khung kết cấu chịu lực gần nhất nhân (x) với số tầng bị cắt xén;
– Đối với kết cấu xây gạch chịu lực bị cắt xén một phần, không ảnh hưởng tới an toàn của căn nhà thì diện tích sàn xây dựng được bồi thường bổ sung bằng chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén nhân (x) với chiều sâu bằng 1 m và nhân (x) với số tầng nhà bị cắt xén.
d) Bồi thường hoàn trả mặt tiền ngôi nhà:
Đối với nhà, công trình bị cắt xén, phá dỡ một phần mà phần còn lại vẫn sử dụng được thì ngoài việc bồi thường theo quy định còn được bồi thường hoàn trả mặt tiền nhà, công trình theo công thức sau:
Gmt = Bmt x Gxd x Smt x T
Gmt: Giá trị phần mặt tiền được bồi thường hoàn trả;
Bmt: Chiều rộng mặt tiền được xác định như sau:
– Bằng chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén trong trường hợp chiều rộng mặt tiền tại vị trí cắt theo chỉ giới quy hoạch nhỏ hơn chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén;
– Bằng chiều rộng mặt tiền nhà tại vị trí cắt theo chỉ giới quy hoạch trong trường hợp chiều rộng mặt tiền tại vị trí cắt theo quy hoạch lớn hơn hoặc bằng chiều rộng mặt tiền nhà trước khi cắt xén.
Gxd: Đơn giá xây dựng tính trên một mét vuông sàn xây dựng, công trình xây dựng;
Smt: Chiều sâu được tính bằng 1 m;
T: Số lượng tầng bị cắt xén.
đ) Đối với nhà xây 01 tầng lợp mái, nhà tạm để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, bị phá dỡ một phần tường hoặc cột chịu lực của nhà đó, phần còn lại vẫn sử dụng được thì được bồi thường giá trị phần bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà.
4. Trường hợp nhà, công trình khác liền kề bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án mà những công trình này không thể sử dụng được theo thiết kế, quy hoạch ban đầu thì phần bị ảnh hưởng được bồi thường theo đơn giá bồi thường. Trường hợp phần còn lại không sử dụng được thì bồi thường toàn bộ nhà, công trình theo quy định.
5. Nhà tạm, công trình xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, kể cả trên đất nông nghiệp cho thuê, đấu thầu được Ủy ban nhân dân cấp xã cho phép bằng văn bản thì được bồi thường bằng 100% đơn giá xây dựng theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành theo Quyết định này.
6. Đối với nhà, công trình xây dựng chưa có trong đơn giá bồi thường thì Hội đồng bồi thường thực hiện theo Khoản 3, Điều 8 Quy định này và tổng hợp dự toán bồi thường, hỗ trợ theo các quy định tại Quyết định này.
Điều 10. Bồi thường chi phí di chuyển khi nhà nước thu hồi đất (thực hiện Điều 91 Luật Đất đai năm 2013)
Việc bồi thường chi phí di chuyển khi nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 91, Luật Đất đai được thực hiện như sau:
1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.
2. Hội đồng bồi thường lập dự toán chi phí di chuyển cho từng trường hợp cụ thể và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về xây dựng tại các huyện, thành phố thẩm tra, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Điều 11. Bồi thường nhà, công trình đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (thực hiện Khoản 1, Điều 14, Nghị định 47/2014/NĐ-CP)
Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải phá dỡ, thì người đang thuê nhà không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và diện tích cơi nới trái phép nhưng được bồi thường chi phí cải tạo, sửa chữa. Việc cải tạo, sửa chữa phải được sự cho phép bằng Văn bản của chủ sở hữu tài sản được Nhà nước giao quản lý.
Mức bồi thường được tính theo đơn giá quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định này. Người đang thuê nhà có trách nhiệm kê khai các hạng mục đã cải tạo, sửa chữa. Trên cơ sở đó Hội đồng bồi thường phối hợp với UBND cấp xã lập biên bản kiểm tra, xác minh các hạng mục đã cải tạo, sửa chữa và hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định để làm cơ sở tính toán bồi thường.
Điều 12. Bồi thường về di chuyển mồ mả (thực hiện Điều 18, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
Việc bồi thường về di chuyển mồ mả quy định tại Điều 18 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP được thực hiện như sau:
1. Người có mồ mả phải di chuyển được bố trí đất tại nghĩa trang, nghĩa địa tập trung: Hội đồng bồi thường phối hợp cùng chính quyền địa phương bố trí đất tại các nghĩa trang, nghĩa địa để di chuyển mộ phù hợp với quy hoạch và đảm bảo phong tục, tập quán của địa phương.
2. Người có mồ mả phải di chuyển được bồi thường chi phí đào, bốc, xây dựng mới như quy mô ban đầu theo đơn giá bồi thường tài sản quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Người có mồ mả phải di chuyển được bồi thường chi phí di chuyển mồ mả như sau:
a) Di chuyển trong tỉnh: 3.000.000 đồng/ngôi mộ;
b) Di chuyển ngoài tỉnh: 4.000.000 đồng/ngôi mộ.
c) Trường hợp mồ mả chưa có người nhận thì giao cho chính quyền địa phương chủ trì phối hợp với Hội đồng bồi thường thực hiện việc di chuyển, mức bồi thường di chuyển: 2.000.000 đồng/ngôi mộ.
Điều 13. Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản (thực hiện Điều 90 Luật đất đai)
1. Bồi thường đối với rừng trồng tập trung và rừng tự nhiên
Việc bồi thường đối với rừng trồng tập trung và rừng tự nhiên thực hiện theo mức giá quy định trong Bảng giá tại Nghị quyết số 131/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về việc thông qua bảng giá các loại rừng và Văn bản số 2538/UBND-NNTNMT ngày 6/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc triển khai Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản
Mức giá bồi thường về cây trồng hàng năm; cây lâu năm (không lấy gỗ) và cây lâm nghiệp được người dân trồng phân tán (nhỏ lẻ, rải rác không thành rừng) khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường theo mức giá quy định tại Phụ lục số 02, ban hành kèm theo Quyết định này.
Mức giá bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ quy hoạch thì được bồi thường theo mức giá quy định tại Phụ lục số 03, ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 14. Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ (thực hiện khoản 2, Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 18, 19, 23 Nghị định 14/2014/NĐ-CP)
Trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất theo khoản 2 Điều 10 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP được thực hiện như sau:
1. Đối với đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện (sau đây gọi là Nghị định số 14/2014/NĐ-CP) thì chủ sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một (01) lần như sau:
a) Diện tích đất ở đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng là diện tích đất ở thực tế trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Mức bồi thường, hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường khi thu hồi đất ở, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang;
b) Trên cùng thửa đất, bao gồm đất ở và các loại đất khác của một chủ sử dụng đất đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai khi bị hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không chiếm dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường, hỗ trợ. Mức bồi thường, hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang;
c) Đối với đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 và khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì chủ sử dụng đất được hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc hỗ trợ được thực hiện bằng 30% mức bồi thường khi thu hồi đất cùng loại, tính trên diện tích đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.
2. Nhà ở, công trình phụ phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày thông báo thực hiện dự án công trình lưới điện cao áp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phải di dời khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một (01) lần như sau:
a) Nhà một tầng lợp mái, nhà tạm, công trình phụ phục vụ sinh hoạt, mức bồi thường bằng 70% so với đơn giá bồi thường về tài sản theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định này tính cho phần diện tích nằm trong hành lang bảo vệ lưới điện cao áp;
b) Nhà mái bằng đổ bê tông cốt thép và vật kiến trúc khác, mức bồi thường bằng 50% so với đơn giá bồi thường về tài sản quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định này tính cho phần diện tích nằm trong hành lang bảo vệ lưới điện cao áp;
c) Nhà, công trình bị hành lang lưới điện cao áp chiếm dụng từ 70% trở lên thì tính bồi thường hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt, mức bồi thường bằng 70% so với đơn giá bồi thường về tài sản quy định tại Phụ lục số 01 ban hành theo Quyết định này cho toàn bộ nhà, công trình. Khi đã bồi thường, người có tài sản phải có biện pháp xử lý an toàn khi sử dụng.
Trường hợp chủ dự án thấy việc xử lý an toàn không thể thực hiện được thì bồi thường theo quy định tại Điều 8, 9, 10 Quy định này, để người có tài sản di chuyển ra khỏi phạm vi hành lang bảo vệ an toàn.
3. Bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất khi xây dựng các công trình có hành lang bảo vệ khác: Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy định của chính sách pháp luật chuyên ngành hiện hành, báo cáo, đề xuất để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể.
Chương IV
HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ
Điều 15. Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn (thực hiện theo Điều 24 Nghị định 47/2014/NĐ-CP)
Khi Nhà nước thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn thì không được bồi thường nhưng được hỗ trợ; mức hỗ trợ bằng giá đất của loại đất thu hồi trong Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhân với diện tích thực tế thu hồi; tiền hỗ trợ nộp vào Ngân sách Nhà nước và được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của xã, phường, thị trấn; tiền hỗ trợ chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã theo đúng quy định.
Điều 16. Hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất (thực hiện Điều 19, Nghị định 47; Điều 5 và khoản 2, điều 6, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT)
1. Hỗ trợ ổn định đời sống:
Việc hỗ trợ ổn định đời sống cho các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT thì được quy định như sau:
a) Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 24 tháng;
b) Trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 36 tháng;
c) Diện tích đất thu hồi quy định tại Điểm a, b Khoản này được xác định theo từng quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
d) Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định tại Điểm a, b và c, Khoản này, khi xét hỗ trợ phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống và sản xuất. Mức hỗ trợ được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo tẻ thường/01 nhân khẩu/01 tháng theo giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất. Đơn giá hỗ trợ gạo là đơn giá loại gạo tẻ thường theo báo cáo giá cả thị trường hàng tháng của Sở Tài chính tại thời điểm lập dự toán.
2. Hỗ trợ ổn định sản xuất:
a) Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp, mức hỗ trợ là: 7.000.000 đồng/hộ;
b) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký kinh doanh mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền. Mức hỗ trợ bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó. Thu nhập sau thuế được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính được kiểm toán hoặc được cơ quan Thuế chấp thuận.
Trường hợp chưa được kiểm toán hoặc chưa được cơ quan Thuế chấp thuận thì việc xác định thu nhập sau thuế được căn cứ vào thu nhập sau thuế do đơn vị kê khai tại báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoại động sản xuất kinh doanh cuối mỗi năm đã gửi cơ quan Thuế.
c) Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động.
– Đối tượng được hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc là người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm;
– Mức trợ cấp ngừng việc trong một (01) tháng được tính bằng 60% mức lương tối thiểu vùng nhân (x) với hệ số cấp bậc công việc của ngành nghề tương ứng mà người lao động đang được hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
– Thời gian trợ cấp ngừng việc là 06 tháng và được chi trả một (01) lần khi thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
d) Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các nông, lâm trường quốc doanh thuộc đối tượng quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, khi Nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ như sau:
– Đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản: Mức hỗ trợ bằng 50% giá đất cùng loại trong Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhân với diện tích thực tế thu hồi;
– Đối với đất rừng sản xuất: Mức hỗ trợ bằng 40% giá đất cùng loại trong Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhân với diện tích thực tế thu hồi;
Diện tích được hỗ trợ (nêu trên) không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 Luật Đất đai.
3. Hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) vừa có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình đó thì nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất theo mức quy định tại khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều này.
Điều 17. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (thực hiện Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d, khoản 1, Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm bằng tiền.
Mức hỗ trợ bằng tiền từ 1,0 đến 2,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhân (x) với diện tích đất thực tế bị thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai. Cụ thể như sau:
a) Đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm: Mức hỗ trợ bằng 2,5 lần giá đất cùng loại;
b) Đối với đất nuôi trồng thủy sản: Mức hỗ trợ bằng 2,0 lần giá đất cùng loại;
c) Đối với đất rừng sản xuất: Mức hỗ trợ bằng 1,5 lần giá đất cùng loại;
Riêng đất rừng sản xuất chưa có rừng (hiện trạng là đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt, đất chưa được đầu tư cải tạo): Mức hỗ trợ bằng 1,0 lần giá đất cùng loại.
2. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
a) Căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động có đất bị thu hồi;
b) Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất;
c) Kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề được tính vào vốn đầu tư của dự án đối với trường hợp nhà đầu tư ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tính vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp ứng vốn từ Quỹ phát triển đất.
3. Trường hợp hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) vừa có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình đó mà được bồi thường bằng tiền thì nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1, Điều này.
Điều 18. Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở (thực hiện Điều 22 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
1. Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điều 21 Quy định này thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà tự lo chỗ ở (không nhận đất ở tại khu tái định cư) thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư, mức hỗ trợ bằng 50.000.000 đồng/hộ.
3. Các hộ phải di chuyển chỗ ở đến khu tái định cư, Nhà nước không thu lệ phí địa chính khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định cư, không thu lệ phí cấp phép xây dựng và các khoản lệ phí liên quan đến xây dựng nhà ở tại khu tái định cư.
Điều 19. Hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước (thực hiện Điều 23 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
Việc hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản cho hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở không phải là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được thực hiện như sau:
1. Mức hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường chi phí di chuyển quy định tại Điều 10 Quy định này.
2. Việc hỗ trợ chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có hợp đồng thuê nhà ở được ký trước thời điểm thông báo thu hồi đất, tại thời điểm thu hồi đất còn thời hạn thuê nhà;
b) Người thuê nhà ở đã thực hiện đăng ký hộ khẩu thường trú, hoặc tạm trú theo quy định của pháp luật trước thời điểm thông báo thu hồi đất.
Điều 20. Các khoản hỗ trợ khác
1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì được hỗ trợ bằng mức bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định tại Điều 3 Quy định này.
2. Hỗ trợ thuê nhà, thuê địa điểm kinh doanh
a) Hỗ trợ thuê nhà:
Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở mà không còn chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi; Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở (có nhà ở) nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất trong hành lang an toàn, trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới được bố trí vào nhà ở tạm hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở.
– Mức hỗ trợ thuê nhà ở cụ thể là:
+ Khu vực các phường thuộc thành phố Hà Giang: 1.500.000 đồng/hộ/tháng
+ Khu vực trung tâm các huyện lỵ và trị trấn: 1.000.000 đồng/hộ/tháng
+ Các khu vực còn lại: 800.000 đồng/hộ/tháng
– Thời gian hỗ trợ được quy định như sau:
+ Trường hợp di chuyển trước khi được giao đất tái định cư (theo yêu cầu của Dự án và có sự đồng ý của hộ gia đình, cá nhân) thì thời gian hỗ trợ được tính từ khi di chuyển đến khi được giao đất tái định cư tại thực địa cộng thêm 06 tháng để ổn định nơi ở mới.
+ Trường hợp di chuyển sau khi được giao đất tái định cư tại thực địa, nhưng thời gian di chuyển chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được giao đất tái định cư tại thực địa, hoặc hộ gia đình, cá nhân tự lo tái định cư thì thời gian hỗ trợ là 06 tháng.
b) Hỗ trợ thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (có đăng ký kinh doanh và đang hoạt động):
Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/m2/tháng tính theo mét vuông (m2) xây dựng nhà làm việc hoặc xưởng sản xuất bị phá dỡ, thời gian hỗ trợ là 06 tháng.
3. Hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội khi phải di chuyển chỗ ở.
a) Hộ gia đình có người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; gia đình liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, phải phá dỡ toàn bộ nhà, công trình để di chuyển chỗ ở được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ;
b) Hộ gia đình có người là thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương, bệnh binh mất sức từ 21%-80%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%; gia đình có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, phải phá dỡ toàn bộ nhà, công trình để di chuyển chỗ ở được hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ;
c) Hộ gia đình có người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội khác của Nhà nước phải phá dỡ toàn bộ nhà, công trình để di chuyển chỗ ở được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ;
d) Trong hộ gia đình có nhiều đối tượng chính sách xã hội thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
4. Hỗ trợ hộ nghèo
Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất thuộc diện hộ nghèo do Chính phủ, Bộ Lao động thương binh và Xã hội quy định, được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận trong từng thời kỳ thì được hỗ trợ bằng tiền một lần để vươn lên thoát nghèo, mức hỗ trợ là 200.000 đồng/ một nhân khẩu/ tháng, thời gian hỗ trợ như sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở thì thời gian hỗ trợ là 48 tháng (quy định này áp dụng cho cả trường hợp hộ gia đình vừa phải di chuyển chỗ ở, vừa có đất nông nghiệp bị thu hồi);
b) Hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi mà không phải di chuyển chỗ ở:
– Diện tích thu hồi dưới 30% thì thời gian hỗ trợ 06 tháng;
– Diện tích thu hồi từ 30% đến 50% thì thời gian hỗ trợ 12 tháng;
– Diện tích thu hồi từ trên 50% đến 70% thì thời gian hỗ trợ 24 tháng;
– Diện tích thu hồi từ trên 70% thì thời gian hỗ trợ 36 tháng.
5. Thưởng bàn giao mặt bằng trước thời hạn
Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sử dụng đất bàn giao mặt bằng trước hạn 5 ngày theo thời gian bàn giao mặt bằng quy định trong Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được thưởng như sau:
a) Đối với đất có đủ điều kiện được bồi thường:
– Đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, mức thưởng là 2.000 đồng/m2 nhân với diện tích thực tế thu hồi;
– Đất rừng sản xuất, mức thưởng là 1.000 đồng/m2 nhân với diện tích thực tế thu hồi.
b) Đối với nhà ở của hộ gia đình, cá nhân:
– Trường hợp phải phá dỡ toàn bộ nhà, công trình mà phải di chuyển chỗ ở thì được thưởng như sau:
+ Nhà tạm, nhà 1 tầng lợp mái, mức thưởng là 5.000.000 đồng/hộ;
+ Nhà xây mái bằng, kiên cố, mức thưởng: 7.000.000 đồng/hộ.
– Trường hợp phải phá dỡ một phần nhà, công trình mà phải di chuyển chỗ ở thì được thưởng như sau:
+ Nhà tạm, nhà 1 tầng lợp mái, mức thưởng là: 2.500.000 đồng/hộ;
+ Nhà xây mái bằng, kiên cố, mức thưởng là 3.500.000 đồng/hộ.
Điều 21. Suất tái định cư tối thiểu (thực hiện khoản 1, Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
1. Suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở:
a) Đối với đất ở:
– Khu vực các phường, thị trấn: diện tích tối thiểu là 80 m2;
– Khu vực các xã: diện tích tối thiểu là 200 m2.
Trường hợp có điều kiện về quỹ đất thì có thể giao mức cao hơn, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định tại Quyết định 14/2014/QĐ-UBND.
b) Đối với nhà ở: Diện tích xây dựng nhà tối thiểu là 36m2 cho một hộ gia đình có dưới 4 nhân khẩu, nếu hộ gia đình có từ 5 nhân khẩu trở lên thì cứ mỗi nhân khẩu được cộng thêm 9m2 xây dựng nhà cho mỗi nhân khẩu.
2. Suất tái định cư tối thiểu bằng tiền:
Suất tái định cư tối thiểu bằng tiền = [Giá trị của suất đất ở tái định cư tối thiểu cộng (+) với giá trị của nhà ở tái định cư tối thiểu].
Giá trị của suất đất ở tái định cư tối thiểu được tính bằng diện tích đất tại điểm a, khoản 1, Điều này nhân (x) với giá đất ở cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tại nơi bố trí tái định cư.
Giá trị của nhà ở tái định cư tối thiểu được tính bằng diện tích xây dựng tại điểm b, khoản 1, Điều này nhân (x) đơn giá xây dựng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Chương V
QUY ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ ĐẶC THÙ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN THEO QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 64/2014/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Điều 22. Hỗ trợ làm đường tạm để di chuyển người và tài sản (thực hiện theo khoản 2 điều 8 Quyết định 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)
Trường hợp các hộ tái định cư tại nơi phải di chuyển có đủ điều kiện tự di chuyển, tự nguyện vận chuyển người, tài sản được hỗ trợ bằng tiền để vận chuyển, không làm đường tạm, mức hỗ trợ bằng 6.000.000 đồng/hộ.
Điều 23. Hỗ trợ sản xuất (thực hiện theo mục a, khoản 1 và khoản 2 điều 10 Quyết định 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)
1. Đối với hộ tái định cư được giao đất sản xuất nông nghiệp là đất xấu phải cải tạo (đất không có kết cấu thích hợp, độ ẩm không cao, nghèo chất dinh dưỡng và có hoạt động sinh học thấp) và đất khai hoang thì được hỗ trợ 03 năm kinh phí khuyến nông, với tổng mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ.
2. Đối với hộ bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất để xây dựng khu, điểm tái định cư được hỗ trợ một lần theo diện tích đất sản xuất bị thu hồi, mức hỗ trợ sản xuất bằng 2.000 đồng/m2 đất thu hồi.
Điều 24. Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện (thực hiện theo mục c, khoản 1 và mục b khoản 2 điều 16 Quyết định 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)
Hộ gia đình, cá nhân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện được hỗ trợ như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện được hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, mức hỗ trợ hai lần tiền mua giống gia cầm và thủy sản hoặc một lần tiền mua giống gia súc, tổng mức hỗ trợ là 7.000.000 đồng/hộ.
2. Các hộ được giao đất trồng rừng sản xuất được hỗ trợ một lần bằng 8.000.000 đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng rừng.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 25. Thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thành lập Hội đồng bồi thường để thực hiện nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng. Thành phần của Hội đồng bồi thường quy định như sau:
– Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng;
– Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường là Phó Chủ tịch Hội đồng;
– Các thành viên gồm đại diện các phòng: Tài chính – Kế hoạch; Tài nguyên Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Kinh tế); Kinh tế và Hạ tầng (hoặc Quản lý đô thị) và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện quyết định.
Điều 26. Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí thực hiện bồi thường
1. Hội đồng bồi thường có trách nhiệm lập dự toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án theo quy định tại khoản 1, Điều 31 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.
2. Nguồn kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 27. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
b) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành giải quyết những vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
c) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm thẩm định nội dung bồi thường về đất; tổng hợp phương án dự toán bồi thường phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Sở Tài chính:
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thẩm định phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm thẩm định các chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất;
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, các khoản hỗ trợ của người có đất bị thu hồi;
c) Hướng dẫn việc phân bổ và kiểm tra việc thực hiện quyết toán sử dụng chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo các quy định hiện hành.
3. Sở Xây dựng:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về cách xác định phân cấp nhà và các công trình xây dựng; cách tính bồi thường nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất, mồ mả và chi phí đầu tư vào đất còn lại khi nhà nước thu hồi đất;
b) Hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc có liên quan đến bồi thường tài sản nhà, công trình xây dựng, mồ mả. Phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn giải quyết những vướng mắc về chi phí đầu tư vào đất còn lại;
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thẩm định phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm thẩm định bồi thường tài sản là nhà, các công trình xây dựng gắn liền với đất, mồ mả và bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất;
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan thẩm định phương án bồi thường đối với rừng trồng tập trung và rừng tự nhiên (trừ trường hợp rừng trồng và rừng khoanh nuôi của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư) khi Nhà nước thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; trình tự thẩm định phương án bồi thường rừng trồng tập trung và rừng tự nhiên như sau:
– Hội đồng bồi thường căn cứ vào loại rừng, mức giá bồi thường quy định tại Nghị quyết số 131/2014/NQ-HĐND và Văn bản số 2538/UBND-NNTNMT (nêu trên) để xác định giá, lập phương án bồi thường rừng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan thẩm định phương án bồi thường của các huyện, thành phố và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thẩm định phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu trách nhiệm thẩm định bồi thường cây trồng, vật nuôi là thủy sản;
c) Hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc có liên quan đến bồi thường cây trồng, vật nuôi là thủy sản; bồi thường rừng trồng tập trung và rừng tự nhiên. Phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn giải quyết những vướng mắc về chi phí đầu tư vào đất còn lại.
5. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
Hướng dẫn việc lập và phê duyệt phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp, thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; các nội dung có liên quan đến đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm và an sinh xã hội cho người bị thu hồi đất theo cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định; nhận phương án đào tạo, chuyển đổi nghề của cấp huyện, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện.
6. Cục Thuế tỉnh:
a) Xác nhận mức thu nhập sau thuế hoặc chỉ đạo Chi cục Thuế cấp huyện xác định mức thu nhập sau thuế của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh làm căn cứ hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất;
b) Hướng dẫn giải quyết các vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ thuế của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Điều 28. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn.
2. Phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; ban hành thông báo thu hồi đất; ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền; phê duyệt dự toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định; phê duyệt phương án bồi thường đối với rừng trồng và rừng khoanh nuôi của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư.
3. Quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4. Lập và thực hiện các dự án tái định cư theo quy định của pháp luật;
5. Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các phòng có liên quan theo chức năng nhiệm vụ tổ chức thẩm định phương án bồi thường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt theo thẩm quyền.
6. Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan thẩm định phương án bồi thường đối với rừng trồng và rừng khoanh nuôi của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư khi Nhà nước thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
7. Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
8. Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hàng quý, năm hoặc báo cáo đột xuất về kết quả, tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn.
Điều 29. Trách nhiệm của Hội đồng bồi thường
1. Tổ chức thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phê duyệt.
2. Lập, hoàn thiện và trình thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án đào đạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; tổ chức triển khai thực hiện các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Có trách nhiệm áp dụng đúng quy định các văn bản pháp luật, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, hợp lý của số liệu thống kê đất đai, tài sản, cây trồng, vật nuôi là thủy sản được bồi thường, hỗ trợ hoặc không được bồi thường, hỗ trợ trong phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người sử dụng đất về những vấn đề liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
5. Thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt và phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án hoặc quản lý quỹ đất đã giải phóng mặt bằng khi chưa có dự án.
6. Báo cáo, đề xuất kịp thời với cấp có thẩm quyền để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Điều 30. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
2. Phối hợp với Hội đồng bồi thường và các đoàn thể thực hiện các bước trong quy trình thu hồi đất, lập, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.
3. Thẩm tra, xác nhận các hồ sơ liên quan để làm căn cứ pháp lý lập phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã xác nhận.
4. Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề khác liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Điều 31. Trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án (đối với trường hợp xác định chủ đầu tư trước khi thu hồi đất, chủ đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư)
1. Cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Hội đồng bồi thường trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.
2. Phối hợp với Hội đồng bồi thường và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi xây dựng Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện.
Điều 32. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo Quy định này.
2. Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đang thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã phê duyệt trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo Quy định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có gì khó khăn, vướng mắc các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời bằng văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
PHỤ LỤC SỐ 01
ĐƠN GIÁ XÂY DỰNG VÀ HỆ SỐ ĐIỀU CHỈNH ĐƠN GIÁ XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 07/2015/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
Bảng số 01: Đơn giá xây dựng nhà và vật kiến trúc khác
STT |
Danh mục công trình/công việc xây lắp |
Đơn vị tính |
Mức giá (đồng) |
A |
Nhà cửa |
|
|
I |
Nhà từ 4 tầng trở lên: Móng xây đá hộc 200# sâu ≤ 1,1m, khung dầm bê tông cốt thép 200#, gạch chỉ 75#, tường 220mm, sàn đổ bê tông cốt thép 200#. Chiều cao tầng ≥ 3,5m, nền bê tông đá dăm hoặc gạch vỡ 50#, lát gạch Viglacera 50×50 loại 1. Tường trát vữa, quét vôi ve hoặc sơn silicat. Khuôn cửa kép, khuôn cửa đơn, cửa đi cửa sổ bằng gỗ nhóm III, cửa kính khuôn nhôm, hoa sắt thép vuông. Trần nhựa hoặc ván ghép. Nước 2 nguồn nóng, lạnh, bồn tắm, lavabo Việt Nam, hoặc liên doanh Việt Nam. Xí tiểu thông dụng, khu WC khép kín. Điện chiếu sáng trực tiếp, dây điện chìm hoặc nổi thông dụng. | ||
1 |
Từ tầng 4 trở lên tường 220 |
đ/m2 sàn |
3.435.000 |
2 |
Từ tầng 4 trở lên tường 110 |
đ/m2 sàn |
3.014.000 |
II |
Nhà từ 1 – 3 tầng: Móng xây đá hộc 200# sâu ≤ 1,1m, khung dầm bê tông cốt thép 200#, gạch chỉ 75#, tường 220mm, sàn đổ bê tông cốt thép 200#. Chiều cao tầng ≥ 3,5m, nền bê tông đá dăm hoặc gạch vỡ 50#, lát gạch Viglacera 50×50 loại 1. Tường trát vữa, bả + sơn silicat. Khuôn cửa kép, khuôn cửa đơn, cửa đi cửa sổ bằng gỗ nhóm III, nhóm IV cửa kính khuôn nhôm, hoa sắt thép vuông. Trần nhựa hoặc ván ghép. Nước 2 nguồn nóng, lạnh, bồn tắm, lavabo Việt Nam, hoặc liên doanh Việt Nam. Xí tiểu thông dụng, khu WC khép kín. Điện chiếu sáng trực tiếp, dây điện chìm hoặc nổi thông dụng. | ||
1 |
Nhà 3 tầng, khung BTCT chịu lực tường 220 |
đ/m2 sàn |
4.222.000 |
2 |
Nhà 3 tầng, khung BTCT chịu lực tường 110 |
đ/m2 sàn |
3.460.000 |
3 |
Nhà 2 tầng khung BTCT chịu lực, tường 220 |
đ/m2 sàn |
4.166.000 |
4 |
Nhà 2 tầng khung BTCT chịu lực, tường 110 |
đ/m2 sàn |
3.704.000 |
5 |
Nhà 2 tầng tường chịu lực 220 |
đ/m2 sàn |
3.676.000 |
6 |
Nhà 1 tầng mái bằng tường 220 |
đ/m2 sàn |
3.755.000 |
7 |
Nhà 1 tầng hiên tây mái chảy tường 220 mái lợp ngói tôn |
đ/m2 XD |
3.016.000 |
8 |
Nhà 1 tầng không hiên tây mái chảy, tường 220 mái lợp tôn |
đ/m2 XD |
2.187.000 |
9 |
Nhà 1 tầng không hiên tây mái chảy, tường 110 mái lợp tôn |
đ/m2 XD |
1.848.000 |
III |
Nhà bằng gỗ: Cột kèo bằng gỗ ≤ 20 cm hoặc tre, cửa đi, cửa sổ bằng gỗ (từ nhóm V trở lên). Kết cấu đỡ mái bằng gỗ tạp hoặc gỗ kết hợp tre, mái lợp ngói, tấm lợp, lá cọ hoặc phên tre, nứa, trần cót ép hoặc ván ghép. Nền bê tông gạch vỡ, đá dăm 50#, láng vữa xi măng cát 50# (trừ nhà sàn), xung quanh không có bó hè. Điện thông thường. | ||
1 |
Nhà cột gỗ vách toóc xi lợp ngói 22v/m2 |
đ/m2 XD |
2.159.000 |
2 |
Nhà cột gỗ vách đất |
đ/m2 XD |
2.095.000 |
3 |
Nhà cột gỗ vách gỗ |
đ/m2 XD |
2.166.000 |
4 |
Nhà cột gỗ, vách tre, nứa |
đ/m2 XD |
2.014.000 |
5 |
Nhà trình tường ≥ 400mm bằng đất |
đ/m2 XD |
2.367.000 |
6 |
Nhà trình tường ≤ 400mm bằng đất |
đ/m2 XD |
1.822.000 |
7 |
Nhà sàn cột gỗ D ≤ 30cm, cột và xiên gỗ nhóm 2-3; vách, sàn bằng gỗ nhóm 4-5; kết cấu mái bằng gỗ nhóm 4-5, kết hợp tre, lợp ngói. Chưa bao gồm nền bê tông gạch vỡ, đá dăm. |
đ/m2 XD |
6.015.000 |
8 |
Nhà sàn cột gỗ D > 30cm, cột và xiên gỗ nhóm 2-3; vách, sàn bằng gỗ nhóm 4-5; kết cấu mái bằng gỗ nhóm 4-5, kết hợp tre, lợp ngói. Chưa bao gồm nền bê tông gạch vỡ, đá dăm. |
đ/m2 XD |
6.480.000 |
B |
Công trình phụ trợ, vật kiến trúc khác |
|
|
1 |
Lều, quán, chuồng lợn, chuồng trâu bằng gỗ, tre, nền bê tông gạch vỡ, đá dăm, mái lợp tranh nửa lá |
đ/m2 XD |
338.000 |
2 |
Lều, quán, chuồng lợn, chuồng trâu xây gạch, nền bê tông gạch vỡ, đá dăm , mái lợp ngói, tấm lợp. |
đ/m2 XD |
853.000 |
3 |
Bán mái, cột gỗ nền bê tông gạch vỡ, đá dăm, mái lợp Fibrô XM |
đ/m2 XD |
447.000 |
4 |
Gác xếp lửng bằng BTCT trong nhà |
đ/m2 sàn |
1.211.000 |
5 |
Bể nước xây bằng gạch chỉ, đáy bằng BTCT hoặc lát gạch chỉ. Xây tường 110mm ≤ 5m3 |
đ/m3 nước |
1.047.000 |
6 |
Bể nước xây bằng gạch chỉ, đáy bằng BTCT hoặc lát gạch chỉ. Xây tường 220mm ≤ 5m3 |
đ/m3 nước |
1.503.000 |
7 |
Bể nước xây bằng gạch chỉ, đáy bằng BTCT hoặc lát gạch chỉ. Xây tường 220mm > 5m3 |
đ/m3 nước |
1.244.000 |
8 |
Bể nước xây bằng gạch chỉ, đáy bằng BTCT hoặc lát gạch chỉ. Xây tường bằng đá 300mm > 5m3 |
đ/m3 nước |
795.000 |
9 |
Chống nóng, xây trụ gạch 200×200 gác xà gồ gỗ lợp FibroXM, tôn hoặc ngói |
đ/m2 sàn |
146.000 |
10 |
Chống nóng, xây tường 110mm bổ trụ, gác xà gồ gỗ lợp FibroXM, tôn hoặc ngói |
đ/m2 sàn |
481.000 |
11 |
Chống nóng cột bằng thép, vì kèo thép, lợp tôn hoặc FibroXM |
đ/m2 sàn |
597.000 |
12 |
Giếng nước xây kè gạch chỉ từ đáy lên, hoặc ống cống BTCT, đường kính ≤ 1 m |
m |
973.000 |
13 |
Giếng nước xây kè gạch chỉ từ đáy lên, hoặc ống cống BTCT, đường kính > 1m |
m |
1.533.000 |
14 |
Hàng rào xây tường cao ≤ 2m Xây gạch chỉ 110mm bổ trụ |
đ/m2 |
333.000 |
15 |
Hàng rào xây tường cao ≤ 2m Xây gạch xỉ |
đ/m2 |
322.000 |
16 |
Hàng rào xây bổ trụ 220×200 (không kể hoa sắt tháo dỡ) |
đ/m2 |
168.000 |
17 |
Đào ao bằng Thủ công, R >3m, sâu ≤ 1 m |
đ/m3 |
53.000 |
18 |
Đào ao bằng thủ công, R >3m, sâu ≤ 2m |
đ/m3 |
59.000 |
19 |
Đào ao bằng Thủ công, R >3m, sâu ≤ 3m |
đ/m3 |
66.000 |
20 |
Hỗ trợ vận chuyển đất san, lấp nền nhà xa ≤ 1Km |
đ/m3 |
33.000 |
21 |
Ốp gạch men kính |
đ/m2 |
248.000 |
22 |
Trần vôi rơm, gỗ dán |
đ/m2 |
108.000 |
23 |
Trần gỗ ván |
đ/m2 |
103.000 |
24 |
Trần cót ép |
đ/m2 |
96.000 |
25 |
Sàn phơi bằng gỗ kết hợp tre |
đ/m2 |
51.000 |
26 |
Trần xốp, trần nhựa hoa văn 50×50 |
đ/m2 |
372.000 |
27 |
Lát gạch chỉ |
đ/m2 |
116.000 |
28 |
Lát gạch hoa xi măng 200x200mm |
đ/m2 |
149.000 |
29 |
Lát gạch liên doanh 300x300mm |
đ/m2 |
161.000 |
30 |
Lát gạch hoa 500x500mm |
đ/m2 |
313.000 |
31 |
Lát gạch hoa liên doanh 400x400mm |
đ/m2 |
180.000 |
32 |
Xây đá hộc vữa 50# chiều dày ≤60cm |
đ/m3 |
634.000 |
33 |
Xây đá hộc vữa 75# chiều dày ≤60cm |
đ/m3 |
684.000 |
34 |
Xây đá hộc vữa 50# chiều dày ≥60cm |
đ/m3 |
622.000 |
35 |
Xây đá hộc vữa 75# chiều dày ≥60cm |
đ/m3 |
672.000 |
36 |
Xếp đá khan không chít mạch, mái dốc thẳng |
đ/m3 |
376.000 |
37 |
Xếp đá khan không chít mạch, mái dốc cong |
đ/m3 |
451.000 |
38 |
Xây gạch xỉ, gạch bê tông, tường ≤30cm |
đ/m3 |
707.000 |
39 |
Láng vữa xi măng không đánh màu 50# |
đ/m2 |
25.000 |
40 |
Láng vữa xi măng có đánh màu 50# |
đ/m2 |
28.000 |
41 |
Ốp gạch tường, ốp trụ |
đ/m2 |
267.000 |
42 |
Trát tường vữa xi măng |
đ/m2 |
39.000 |
43 |
Quét vôi |
đ/m2 |
7.000 |
44 |
Bê tông gạch vỡ nền mác 50# |
đ/m3 |
617.000 |
45 |
Bê tông đá dăm nền mác 50#, đá 2×4 |
đ/m3 |
744.000 |
46 |
Bê tông sỏi đá dăm 100# |
đ/m3 |
726.000 |
47 |
Bê tông sỏi đá dăm 4×6 nền 150# |
đ/m3 |
823.000 |
48 |
Bê tông sỏi đá dăm 4×6 nền 200# |
đ/m3 |
887.000 |
49 |
Bê tông sỏi đá 1×2, cột, tiết diện ≤ 0,1m2 mác 150# |
đ/m3 |
1.422.000 |
50 |
Bê tông sỏi đá 1×2, cột, tiết diện ≤ 0,1m2 mác 200# |
đ/m3 |
1.493.000 |
51 |
Bê tông sỏi đá 1×2 xà, dầm, giằng 150# |
đ/m3 |
1.203.000 |
52 |
Bê tông sỏi đá 1×2 xà, dầm, giằng 200# |
đ/m3 |
1.416.000 |
53 |
Bê tông sỏi đá 1×2 sàn mái mác 150# |
đ/m3 |
1.113.000 |
54 |
Bê tông sỏi đá 1×2, sàn mái mác 200# |
đ/m3 |
1.208.000 |
55 |
Ván khuôn gỗ, móng cột vuông, chữ nhật |
đ/m2 |
82.000 |
56 |
Ván khuôn gỗ cột tròn |
đ/m2 |
162.000 |
57 |
Ván khuôn gỗ cột vuông, chữ nhật |
đ/m2 |
88.000 |
58 |
Ván khuôn gỗ xà dầm, giằng |
đ/m2 |
137.000 |
59 |
Ván khuôn gỗ sàn mái |
đ/m2 |
83.000 |
60 |
Ván khuôn gỗ lanh tô ô văng |
đ/m2 |
101.000 |
61 |
Ván khuôn gỗ cầu thang |
đ/m2 |
209.000 |
62 |
Tháo dỡ, lắp dựng quạt điện, quạt trần |
đ/cái |
64.000 |
63 |
Tháo dỡ, lắp dựng máy điều hòa cục bộ |
đ/máy |
332.000 |
64 |
Tháo dỡ, lắp dựng bình đun nước nóng |
đ/cái |
389.000 |
65 |
Tháo dỡ, lắp dựng bồn chứa nước |
đ/cái |
372.000 |
66 |
Tháo dỡ, lắp dựng gương soi |
đ/cái |
39.000 |
67 |
Tháo dỡ, lắp dựng cửa xếp, cửa cuốn |
đ/cái |
168.000 |
68 |
Tháo dỡ, lắp dựng cột điện bằng gỗ dài 5m |
đ/cột |
121.000 |
69 |
Tháo dỡ, lắp dựng cột điện bằng tre dài 5m |
đ/cột |
60.000 |
C |
Đơn giá bồi thường mồ mả |
|
|
1 |
Mộ đã cải táng chưa xây gạch, xây đá |
đ/ngôi mộ |
2.334.000 |
2 |
Mộ đã cải táng xây gạch, xây đá |
đ/ngôi mộ |
3.334.000 |
3 |
Mộ chưa cải táng, đến thời hạn cải táng |
đ/ngôi mộ |
3.168.000 |
4 |
Mộ chôn không cải táng đã xây gạch, xây đá |
đ/ngôi mộ |
4.168.000 |
5 |
Mộ vô thừa nhận (Mộ vô chủ) |
đ/ngôi mộ |
2.334.000 |
Bảng số 02: Hệ số điều chỉnh đơn giá xây dựng nhà và vật kiến trúc khác
STT |
Địa bàn |
Hệ số điều chỉnh |
STT |
Địa bàn |
Hệ số điều chỉnh |
1 |
Thành Phố Hà Giang |
1 |
7 |
Huyện Xín Mần |
1,132 |
2 |
Huyện Bắc Mê |
1,099 |
8 |
Huyện Quản Bạ |
1,100 |
3 |
Huyện Vị Xuyên |
1,016 |
9 |
Huyện Yên Minh |
1,236 |
4 |
Huyện Bắc Quang |
1,017 |
10 |
Huyện Đồng Văn |
1,330 |
5 |
Huyện Quang Bình |
1,026 |
11 |
Huyện Mèo Vạc |
1,330 |
6 |
Huyện Hoàng Su Phì |
1,133 |
|
|
Ghi chú:
1. Các loại dây đồng, nhôm có bọc nhựa PVC thông thường tỷ lệ dây được bồi thường là 30%. Nếu khoảng cách dây đi qua khu dân cư có mối nối được bồi thường 100% giữa hai khoảng cột theo thời giá tại thời điểm kiểm kê.
– Các loại dây cáp đồng treo khác có bọc cao su cách điện được bồi thường 20%. Nếu khoảng cách dây đi qua khu dân cư có mối nối được bồi thường 100% giữa hai khoảng cột theo thời giá tại thời điểm kiểm kê.
– Cột điện bê tông cốt thép, dây, phụ kiện các loại kèm theo được lập dự toán riêng trình cơ quan quản lý chuyên ngành thẩm định theo thẩm quyền.
2. Trường hợp ao, hồ cải tạo từ thùng đấu khe suối khối lượng tính bồi thường bằng 1,1 lần khối lượng thực tế bờ đập phải đắp.
3. Trường hợp không thể áp dụng được đơn giá trong bảng thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kiểm kê, lập dự toán chi tiết theo Khoản 6, Điều 9 Quyết định quy định bồi thường.
4. Đối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, nhà thờ, đền, chùa, miếu… Các công trình công cộng: Hồ, đập, đường điện đường thông tin, đường giao thông, cầu cống, cấp thoát nước, san lấp đất được lập dự toán trình cơ quan có thẩm quyền được phân cấp quản lý thẩm tra xét duyệt riêng.
5. Cơ sở để tính toán:
a) Tính toán trên cơ sở các mẫu nhà do Công ty CP Thiết kế xây dựng Hà Giang lập TKKT-DT (Đã được thẩm định và quyết định phê duyệt của Giám đốc Sở Xây dựng) phù hợp, sát với thực tế ở các địa bàn trong tỉnh.
b) Giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng, thiết bị theo thông báo giá quý IV năm 2014 của liên Sở: Tài chính – Xây dựng.
c) Định mức dự toán xây dựng công trình do Bộ Xây dựng và UBND tỉnh công bố.
d) Các chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước về đầu tư – xây dựng và điều kiện xây dựng thực tế của địa phương.
e) Đơn giá đã bao gồm chi phí nhân công, vật liệu chính, vật liệu phụ điện chiếu sáng và nước sinh hoạt.
6. Cách xác định diện tích xây dựng và diện tích sàn:
Đối với diện tích xây dựng được tính theo kích thước đo từ mép ngoài của tường hoặc cột hiên (mép ngoài kết cấu chịu lực của công trình) không được đo từ mép hè hoặc rãnh thoát nước mưa hay giọt nước trên mái rơi xuống.
7. Những loại công trình, vật kiến trúc khác không có trong danh mục của bảng phụ 1 thì hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng được áp dụng theo mức tương đương cùng loại.
8. Trường hợp công tác hoàn thiện cao hoặc thấp hơn trong bảng đơn giá, thì được tính bù, trừ chênh lệch vào dự toán theo từng công tác hoàn thiện tương ứng.
9. Trường hợp nhà gỗ tại mục III trong bảng giá trên được làm bằng gỗ nhóm khác cao hoặc thấp hơn trong bảng đơn giá, thì được tính bù, trừ chênh lệch vào dự toán theo khối lượng từng loại gỗ tương ứng.
10. Phương pháp điều chỉnh trong quá trình áp dụng:
Khi có sự biến động tăng hoặc giảm về giá cả vật liệu, nhân công, máy thi công thì được điều chỉnh đơn giá trong bảng giá trên bằng hệ số tính theo chỉ số giá xây dựng công trình phần xây dựng theo công thức sau:
Gt = G x Kt
Trong đó: Gt: Là đơn giá tại thời điểm tính toán bồi thường.
G: là đơn giá trong bảng giá trên.
Kt: là hệ số điều chỉnh được tính như sau:
Kt = Ct/C
Trong đó: Ct: là chỉ số giá phần xây dựng theo Quý tại thời điểm tính toán bồi thường.
C: Là chỉ số giá phần xây dựng Quý …./201…
Ví dụ: Chỉ số giá phần xây dựng Quý IV/2014 là 300,77;
Chỉ số giá phần xây dựng tại thời điểm tính toán bồi thường là 306,89;
Với Nhà 3 tầng, khung BTCT chịu lực tường 220, đơn giá 4.222.000 đ/m2 ta có: Kt = 306,89/300,77 = 1,02
Gt = 4.222.000 x 1,02 = 4.306.440 đồng/m2
Kết quả đơn giá xây dựng mới tại thời điểm tính toán bồi thường là: 4.306.440 đồng/m2.
PHỤ LỤC SỐ 2
ĐỊNH MỨC GIÁ HỖ TRỢ, BỒI THƯỜNG VỀ CÂY TRỒNG
(Kèm theo Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
Số TT |
Loại cây, tiêu chuẩn, quy cách |
Đơn vị tính |
Phân loại |
Mức giá (Đồng) |
I |
NHÓM CÂY HÀNG NĂM |
|
|
|
1 |
Cây Đậu tương |
|
|
|
|
Có quả sắp thu hoạch |
m2 |
a |
2.500 |
|
Có quả non |
m2 |
b |
2.000 |
|
Gieo mới mọc, mới gieo |
m2 |
c |
1.500 |
2 |
Ngô |
|
|
|
|
Đã có bắp non chưa thu hoạch |
m2 |
a |
4.500 |
|
Sắp trỗ cờ |
m2 |
b |
4.200 |
|
Cây được 3 – 4 lá |
m2 |
c |
3.700 |
|
Gieo cây mới mọc |
m2 |
d |
3.000 |
3 |
Lúa thuần |
|
|
|
|
Đang trỗ |
m2 |
a |
6.200 |
|
Sắp có đòng |
m2 |
b |
5.200 |
|
Đã bén rễ hồi xanh |
m2 |
c |
4.300 |
|
Mới cấy |
m2 |
d |
3.500 |
|
Làm mạ |
m2 |
e |
6.000 |
4 |
Lúa lai |
|
|
|
|
Đang trỗ |
m2 |
a |
6.500 |
|
Sắp có đòng |
m2 |
b |
6.000 |
|
Đã bén rễ hồi xanh |
m2 |
c |
5.200 |
|
Mới cấy |
m2 |
d |
3.700 |
|
Làm mạ |
m2 |
e |
19.000 |
5 |
Lúa nương |
|
|
|
|
Đang trỗ |
m2 |
a |
5.200 |
|
Sắp có đòng |
m2 |
b |
4.300 |
|
Gieo mọc 2 – 3 tháng |
m2 |
c |
3.400 |
|
Mới gieo mọc |
m2 |
d |
2.500 |
6 |
Cây Sắn |
|
|
|
|
Đang có củ non |
m2 |
a |
3.500 |
|
Chưa có củ |
m2 |
b |
3.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
c |
2.000 |
7 |
Khoai lang |
|
|
|
|
Đang có củ non |
m2 |
a |
3.000 |
|
Chưa có củ |
m2 |
b |
2.200 |
|
Mới trồng |
m2 |
c |
1.500 |
8 |
Khoai tây |
|
|
|
|
Đang có củ non |
m2 |
a |
8.000 |
|
Chưa có củ |
m2 |
b |
7.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
c |
6.000 |
9 |
Dong riềng |
|
|
|
|
Đang có củ non |
m2 |
a |
3.000 |
|
Chưa có củ |
m2 |
b |
2.200 |
|
Mới trồng |
m2 |
c |
1.500 |
10 |
Sắn dây |
|
|
|
|
Đang leo sắp cho thu hoạch |
Khóm |
a |
30.000 |
|
Đang leo chưa cho thu hoạch |
Khóm |
b |
22.000 |
|
Mới trồng |
Khóm |
c |
15.000 |
11 |
Bầu, Bí, Mướp, Xu xu (leo giàn) |
|
|
|
|
Đang có quả sắp cho thu hoạch |
Khóm |
a |
45.000 |
|
Chưa cho thu hoạch |
Khóm |
b |
37.000 |
|
Mới trồng |
Khóm |
c |
22.000 |
12 |
Bí bò, Bí ngồi (không có giàn) |
|
|
|
|
Sắp cho thu quả, ngọn |
m2 |
a |
12.000 |
|
Chưa cho thu hoạch |
m2 |
b |
9.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
c |
6.000 |
13 |
Rau xanh các loại |
|
|
|
|
Đang độ sung sức |
m2 |
a |
18.000 |
|
Mới trồng, chưa thu hoạch |
m2 |
b |
12.000 |
14 |
Cây ớt (mật độ 35.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Có quả sắp cho thu hoạch |
Cây |
a |
4.500 |
|
Chưa cho thu hoạch |
Cây |
b |
2.700 |
|
Mới trồng |
Cây |
c |
900 |
15 |
Lạc |
|
|
|
|
Có củ sắp cho thu hoạch |
m2 |
a |
4.700 |
|
Có củ non |
m2 |
b |
4.500 |
|
Đang ra hoa |
m2 |
c |
3.700 |
|
Gieo mới mọc |
m2 |
d |
3.000 |
16 |
Vừng, Đậu xanh, Đậu đen |
|
|
|
|
Có quả sắp thu hoạch |
m2 |
a |
4.500 |
|
Có quả non |
m2 |
b |
3.700 |
|
Gieo mới mọc, mới gieo |
m2 |
c |
3.000 |
17 |
Cây Dứa (mật độ 50.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Đang có quả |
khóm |
a |
3.000 |
|
Chưa có quả |
khóm |
b |
2.400 |
|
Đang độ sung sức |
khóm |
c |
2.000 |
|
Mới trồng kể cả vụ trước để lại |
khóm |
d |
1.300 |
18 |
Cây Mía (mật độ 80.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Trồng >6 tháng |
Cây |
a |
1.800 |
|
Trồng từ 2 đến <6 tháng |
Cây |
b |
1.500 |
|
Mới trồng <2 tháng (kể cả vụ trước để lại) |
Cây |
c |
1.200 |
19 |
Cây Chuối (mật độ 3.500 cây/ha) |
|
|
|
|
Đang có quả non |
Cây |
a |
37.000 |
|
Đang nhũ hoa |
Cây |
b |
30.000 |
|
Cây chuối tơ |
Cây |
c |
25.000 |
|
Cây mới trồng cao dưới 1m |
Cây |
d |
20.000 |
20 |
Cây xả (lấy dầu làm dược liệu) |
|
|
|
|
Sản lượng >60 tấn/ha |
m2 |
a |
30.000 |
|
Sản lượng từ 41 – 60 tấn/ha |
m2 |
b |
27.000 |
|
Sản lượng từ 21 – 40 tấn/ha |
m2 |
c |
22.000 |
|
Sản lượng từ 11 – 20 tấn/ha |
m2 |
d |
18.000 |
|
Sản lượng <10 tấn/ha |
m2 |
e |
13.000 |
|
Đang phát triển, chưa cho thu hoạch |
m2 |
f |
9.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
g |
4.500 |
21 |
Cây xả ăn củ, gừng, nghệ, giềng |
|
|
|
|
Đang thu hoạch (SL >2kg/m2) |
m2 |
a |
15.000 |
|
Đang phát triển, chưa có thu hoạch |
m2 |
b |
12.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
c |
6.000 |
22 |
Nho, Chanh leo, đỗ ván, trầu không (có giàn) |
|
|
|
|
Đang cho thu hoạch lá kín giàn |
Khóm |
a |
60.000 |
|
Đã cho thu hoạch, lá kín 1/2 giàn |
Khóm |
b |
45.000 |
|
Đang leo giàn chưa cho thu hoạch |
Khóm |
c |
30.000 |
|
Chưa leo giàn |
Khóm |
d |
20.000 |
|
Mới trồng |
Khóm |
e |
10.000 |
23 |
Cỏ trồng cho chăn nuôi làm thức ăn gia súc |
|
|
|
|
Đang cho thu hoạch |
m2 |
a |
2.000 |
|
Sắp cho thu hoạch |
m2 |
b |
2.700 |
|
Đang sinh trưởng, phát triển |
m2 |
c |
3.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
d |
1.600 |
II |
NHÓM CÂY LÂU NĂM KHÔNG PHẢI CÂY LẤY GỖ (vị trí xác định đường kính gốc tính từ mặt đất lên đến điểm đo là 20 cm) | |||
1 |
Nhãn, vải các loại (mật độ từ 100 – 200 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính gốc >30 cm |
Cây |
a |
858.000 |
|
Đường kính gốc từ 26 – 30 cm |
Cây |
b |
732.000 |
|
Đường kính gốc từ 21 – 25 cm |
Cây |
c |
612.000 |
|
Đường kính gốc từ 15 – 19 cm |
Cây |
d |
510.000 |
|
Đường kính gốc từ 10 – 14 cm |
Cây |
đ |
420.000 |
|
Đường kính gốc từ 5 – 9 cm |
Cây |
e |
306.000 |
|
Đường kính gốc từ 2 – 4 cm |
Cây |
f |
108.000 |
|
Đường kính gốc <2 cm |
Cây |
g |
36.000 |
2 |
Cây Mít (mật độ 150 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >40 cm |
Cây |
a |
650.000 |
|
Đường kính từ 36 – 40 cm |
Cây |
b |
600.000 |
|
Đường kính từ 31 – 35 cm |
Cây |
c |
520.000 |
|
Đường kính từ 26 – 30 cm |
Cây |
d |
370.000 |
|
Đường kính từ 20 – 25 cm |
Cây |
đ |
300.000 |
|
Đường kính từ 10 – 19 cm |
Cây |
e |
220.000 |
|
Đường kính từ 3 – 9 cm |
Cây |
f |
70.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
g |
35.000 |
3 |
Mơ, Mận, Đào, Mác mật, Quất hồng bì (mật độ: 500 cây/ha) |
|
||
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
450.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
350.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
300.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
220.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
100.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
35.000 |
4 |
Bưởi, Phật thủ (mật độ: 250 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
450.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
370.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
300.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
220.000 |
|
Đường kính từ 3 – 4 cm |
Cây |
đ |
130.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
40.000 |
5 |
Cây Thị, cây Núc nác (mật độ 200 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >40 cm |
Cây |
a |
220.000 |
|
Đường kính từ 31 – 40 cm |
Cây |
b |
180.000 |
|
Đường kính từ 21 – 30 cm |
Cây |
c |
150.000 |
|
Đường kính từ 11 – 20 cm |
Cây |
d |
120.000 |
|
Đường kính từ 3 – 10 cm |
Cây |
đ |
90.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
30.000 |
6 |
Chanh, Quất các loại (mật độ: 1.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >8 cm |
Cây |
a |
300.000 |
|
Đường kính từ 7 – 8 cm |
Cây |
b |
220.000 |
|
Đường kính từ 5 – 6 cm |
Cây |
c |
150.000 |
|
Đường kính từ 3 – 4 cm |
Cây |
d |
75.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
đ |
30.000 |
7 |
Cam, Quýt (mật độ: 600 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >10 cm |
Cây |
a |
708.000 |
|
Đường kính từ 8 – 10 cm |
Cây |
b |
600.000 |
|
Đường kính từ 5 – 7 cm |
Cây |
c |
444.000 |
|
Đường kính từ 3 – 4 cm |
Cây |
d |
240.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
đ |
54.000 |
8 |
Cây Ổi (mật độ: 800 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
250.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
200.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
150.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
đ |
120.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
50.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
30.000 |
9 |
Cây Trứng gà (mật độ: 150 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
150.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
120.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
90.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
60.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
30.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
20.000 |
10 |
Dừa (mật độ: 180 cây/ha) |
|
|
|
|
Cao >4 m |
Cây |
a |
300.000 |
|
Cao từ 3,1 – 4 m |
Cây |
b |
220.000 |
|
Cao 2,1 – 3 m |
Cây |
c |
180.000 |
|
Cao từ 1 – 2 m |
Cây |
d |
100.000 |
|
Cao <1m |
Cây |
đ |
50.000 |
11 |
Vú sữa, Hồng xiêm, Hồng các loại (mật độ 160 cây/ha) |
|
||
|
Đường kính >25cm |
Cây |
a |
400.000 |
|
Đường kính từ 16 – 25 cm |
Cây |
b |
350.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
300.000 |
|
Đường kính từ 5 – 10 cm |
Cây |
d |
220.000 |
|
Đường kính từ 3 – 4 cm |
Cây |
đ |
150.000 |
|
Đường kính >3 cm |
Cây |
e |
30.000 |
12 |
Cây Đu đủ (mật độ 3.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >10 cm |
Cây |
a |
120.000 |
|
Đường kính từ 8 – 10 cm |
Cây |
b |
90.000 |
|
Đường kính từ 6 – 7 cm |
Cây |
c |
60.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
d |
30.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
đ |
15.000 |
13 |
Cây Táo (mật độ: 500 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
350.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
220.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
120.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
70.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
50.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
20.000 |
14 |
Cây Roi (mật độ: 600 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
250.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
220.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
170.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
110.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
60.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
20.000 |
15 |
Cây Xoài, Muỗm, Quéo (mật độ: 200 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >30 cm |
Cây |
a |
450.000 |
|
Đường kính từ 26 – 30 cm |
Cây |
b |
400.000 |
|
Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
c |
350.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
d |
300.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
đ |
230.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
e |
200.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
f |
70.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
g |
30.000 |
16 |
Cây Lê (mật độ: 250 – 300 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >25 cm |
Cây |
a |
300.000 |
|
Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
b |
260.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
c |
200.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
d |
150.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
đ |
90.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
e |
50.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
f |
30.000 |
17 |
Cây Na, Lựu (mật độ: 800 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
400.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
330.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
240.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
150.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
70.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
25.000 |
18 |
Cây Cau (mật độ 2.500 cây/ha) |
|
|
|
|
Cao >8 m |
Cây |
a |
300.000 |
|
Cao 6,1 – 8 m |
Cây |
b |
220.000 |
|
Cao 4,1 – 6 m |
Cây |
c |
160.000 |
|
Cao 2,1 – 4 m |
Cây |
d |
100.000 |
|
Cao 1,1 – 2 m |
Cây |
đ |
50.000 |
|
Cao <1m |
Cây |
e |
30.000 |
19 |
Cây Chay, Khế, Nhót |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
200.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
160.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
140.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
120.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
100.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
30.000 |
20 |
Dâu ăn quả |
|
|
|
|
Đường kính thân >5 cm |
Cây |
a |
75.000 |
|
Đường kính thân từ 3 – 5 cm |
Cây |
b |
50.000 |
|
Đường kính thân <3 cm |
Cây |
c |
30.000 |
21 |
Dâu hái lá (mật độ 40.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Trồng khóm đơn lẻ (>7 cây/khóm) |
Khóm |
a |
10.000 |
|
Trồng khóm đơn lẻ (<7 cây/khóm) |
Khóm |
b |
9.000 |
|
Trồng theo luống, đã thu hoạch |
m2 |
c |
8.000 |
|
Trồng theo luống, chưa thu hoạch |
m2 |
d |
6.000 |
22 |
Trám đen, Trám trắng, Sấu (mật độ: 1.000 cây/ha) |
|
||
|
Đường kính >30 cm |
Cây |
a |
490.000 |
|
Đường kính từ 26 – 30 cm |
Cây |
b |
400.000 |
|
Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
c |
350.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
d |
300.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
đ |
200.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
e |
150.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
f |
70.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
g |
25.000 |
23 |
Cây Trầu, Sở, Lai, Dọc, Bứa (mật độ: 1.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
200.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
170.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
150.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
130.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
70.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
20.000 |
24 |
Cây Quế, Sơn ta (mật độ: 2.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >30 cm |
Cây |
a |
300.000 |
|
Đường kính từ 26 – 30 cm |
Cây |
b |
250.000 |
|
Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
c |
220.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
d |
190.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
đ |
150.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
e |
100.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
f |
50.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
g |
20.000 |
25 |
Cây Bồ kết, Tai chua |
|
|
|
|
Đường kính >30 cm |
Cây |
a |
300.000 |
|
Đường kính từ 26 – 30 cm |
Cây |
b |
250.000 |
|
Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
c |
190.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
d |
150.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
đ |
100.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
e |
60.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
f |
35.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
g |
20.000 |
26 |
Cây Cà phê (mật độ 5.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
108.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
90.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
72.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
60.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
đ |
36.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
e |
24.000 |
27 |
Cây Cọ lợp nhà (mật độ 500 cây/ha) |
|
|
|
|
Cao >7 m |
Cây |
a |
140.000 |
|
Cao từ 3,1 – 7 m |
Cây |
b |
120.000 |
|
Cao từ 1,1 – 3 m |
Cây |
c |
60.000 |
|
Cao <1m |
Cây |
d |
30.000 |
28 |
Cây Chè công nghiệp (mật độ 20.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Chè năng suất búp >5 tấn/ha |
m2 |
a |
25.000 |
|
Chè năng suất búp 4,1 – 5 tấn/ha |
m2 |
b |
23.000 |
|
Chè năng suất búp 3,1 – 4 tấn/ha |
m2 |
c |
20.000 |
|
Chè năng suất búp 2,1 – 3 tấn/ha |
m2 |
d |
18.000 |
|
Chè KD N/S búp 1 – 2 tấn/ha |
m2 |
đ |
15.000 |
|
Chè cho búp 1 – 3 năm |
m2 |
e |
12.000 |
|
Chè trồng dưới 1 năm bằng cành |
m2 |
f |
9.000 |
|
Chè trồng dưới 1 năm bằng hạt |
m2 |
g |
3.000 |
29 |
Cây Chè cổ thụ (mật độ 3.000 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính gốc >45cm |
Cây |
a |
720.000 |
|
Đường kính gốc từ 35-45cm |
Cây |
b |
600.000 |
|
Đường kính gốc từ 25-35cm |
Cây |
c |
540.000 |
|
Đường kính gốc từ 15-25cm |
Cây |
d |
444.000 |
|
Đường kính gốc từ 0,5-15cm |
Cây |
đ |
360.000 |
|
Đường kính gốc <0,5cm |
Cây |
e |
180.000 |
30 |
Cây Đỗ trọng (mật độ: 1.600 cây/ha) |
|
|
|
|
Đường kính >20 cm |
Cây |
a |
150.000 |
|
Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
b |
130.000 |
|
Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
c |
120.000 |
|
Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
d |
90.000 |
|
Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
e |
60.000 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
f |
20.000 |
31 |
Cây Cao su (mật độ 555 cây/ha) |
|
|
|
|
Năm 1 |
Cây |
a |
188.000 |
|
Năm 2 |
Cây |
b |
258.000 |
|
Năm 3 |
Cây |
c |
301.000 |
|
Năm 4 |
Cây |
d |
344.000 |
|
Năm 5 |
Cây |
e |
378.000 |
|
Năm 6 |
Cây |
f |
407.000 |
|
Năm 7 |
Cây |
g |
433.000 |
|
Từ 8 – 20 năm |
Cây |
h |
556.000 |
|
>21 năm |
Cây |
i |
49.000 |
III |
NHÓM CÂY LÂU NĂM LẤY THÂN, GỖ (cây trồng phân tán, nhỏ lẻ, rải rác không thành rừng) | |||
1 |
Mai, Luồng, Diễn |
|
|
|
|
Đường kính >8cm |
Cây |
a |
8.000 |
|
Đường kính 5 – 7cm |
Cây |
b |
6.000 |
|
Đường kính <5cm |
Cây |
c |
5.000 |
|
Măng non |
Cây |
d |
2.000 |
2 |
Tre Gai, Tre đỏ, Đằng ngà, Bương, Lộc ngộc, Hóp |
|
|
|
|
Đường kính >10cm |
Cây |
a |
10.000 |
|
Đường kính 7 – 10cm |
Cây |
b |
8.000 |
|
Đường kính <6 cm |
Cây |
c |
6.000 |
|
Măng non |
Cây |
d |
2.500 |
3 |
Vầu |
|
|
|
|
Đường kính >10 cm |
Cây |
a |
6.000 |
|
Đường kính 8 – 10 cm |
Cây |
b |
5.000 |
|
Đường kính 5 – 7 cm |
Cây |
c |
4.000 |
|
Đường kính <5 cm |
Cây |
d |
3.000 |
|
Măng non |
Cây |
đ |
1500 |
4 |
Tre Bát độ |
|
|
|
|
Đang cho thu hoạch (khóm >7 cây) |
Khóm |
a |
40.000 |
|
Sắp cho thu hoạch (khóm >7 cây) |
Khóm |
b |
35.000 |
|
Đang sinh trưởng (khóm >5 cây) |
Khóm |
c |
25.000 |
|
Mới trồng (khóm từ 3 đến 5 cây) |
Khóm |
d |
20.000 |
|
Măng non |
Cây |
đ |
1.500 |
5 |
Giang, Nứa |
|
|
|
|
Đường kính >4 cm |
Cây |
a |
1.000 |
|
Đường kính 3 – 4 cm |
Cây |
b |
700 |
|
Đường kính <3 cm |
Cây |
c |
500 |
|
Măng non |
Cây |
d |
200 |
6 |
Cây lấy gỗ thuộc nhóm I+II (chu vi thân gốc cách mặt đất 80 cm). Gồm các loại cây: Lát các loại, Muồng đen, Pơ mu, Trầm hương, Đinh, Lim, Cẩm, Gụ, Nghiến, Trai lý, Mun, Sưa, Trắc, Sến, Táu | |||
|
– Đường kính >45 cm trở lên |
Cây |
a |
270.000 |
|
– Đường kính từ 36 – 45 cm |
Cây |
b |
220.000 |
|
– Đường kính từ 26 – 35 cm |
Cây |
c |
170.000 |
|
– Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
d |
120.000 |
|
– Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
đ |
80.000 |
|
– Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
e |
60.000 |
|
– Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
f |
30.000 |
|
– Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
g |
20.000 |
|
– Đường kính <3 cm |
Cây |
h |
12.000 |
7 |
Cây lấy gỗ thuộc nhóm III+IV (chu vi thân gốc cách mặt đất 80 cm). Gồm các loại cây: Dâu vàng, Tếch, Rổi, Kháo tía, Kháo dầu, Long não, Mỡ, Re xanh + đỏ, Re hương, Re rừng, Thông ba lá, Vàng tâm, Trò chỉ, Trò trai, Kim giao | |||
|
– Đường kính >45 cm trở lên |
Cây |
a |
190.000 |
|
– Đường kính từ 36 – 45 cm |
Cây |
b |
150.000 |
|
– Đường kính từ 26 – 35 cm |
Cây |
c |
120.000 |
|
– Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
d |
100.000 |
|
– Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
đ |
60.000 |
|
– Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
e |
40.000 |
|
– Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
f |
30.000 |
|
– Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
g |
20.000 |
|
– Đường kính <3 cm |
Cây |
h |
10.000 |
8 |
Cây lấy gỗ và các loại cây lấy gỗ còn lại (chu vi thân gốc cách mặt đất 80 cm). Gồm các loại cây: Giẻ các loại, Muồng các loại, Nhãn rừng, Phi lao, Bạch đàn, Sa mộc, Sồi đá, Xà cừ, Thông, Xoan, Gạo, Keo, Re bàu, Phay | |||
|
– Đường kính >45 cm trở lên |
Cây |
a |
135.000 |
|
– Đường kính từ 36 – 45 cm |
Cây |
b |
100.000 |
|
– Đường kính từ 26 – 35 cm |
Cây |
c |
80.000 |
|
– Đường kính từ 21 – 25 cm |
Cây |
d |
60.000 |
|
– Đường kính từ 16 – 20 cm |
Cây |
đ |
50.000 |
|
– Đường kính từ 11 – 15 cm |
Cây |
e |
30.000 |
|
– Đường kính từ 6 – 10 cm |
Cây |
f |
20.000 |
|
– Đường kính từ 3 – 5 cm |
Cây |
g |
15.000 |
|
– Đường kính <3 cm |
Cây |
h |
8.000 |
IV |
NHÓM LOẠI CÂY KHÁC |
|
|
|
1 |
Cây thảo quả (mật độ 1.600 cây/ha) |
|
|
|
|
Đang thu hoạch |
Khóm |
a |
120.000 |
|
Đang có quả chưa có thu hoạch |
Khóm |
b |
60.000 |
|
Mới trồng |
Cây |
c |
12.000 |
2 |
Vườn cây thuốc Nam, Bắc |
|
|
|
|
Đang cho thu hoạch |
m2 |
a |
45.000 |
|
Sắp thu hoạch |
m2 |
b |
37.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
c |
20.000 |
3 |
Hàng rào cây xanh |
|
|
|
|
Cao >1m |
m |
a |
25.000 |
|
Cao từ 0,5 – 1m |
m |
b |
18.000 |
|
Cao <0,5m |
m |
c |
12.000 |
4 |
Hàng rào tre, nứa |
|
|
|
|
Hàng rào cao từ 1,5m trở lên |
m |
a |
10.000 |
|
Hàng rào cao từ 1 – 1,4m |
m |
b |
7.000 |
|
Hàng rào cao dưới 1,0m |
m |
c |
4.500 |
5 |
Cây cành trồng dưới đất |
|
|
|
|
Chiều cao <0,5m |
Cây |
a |
14.400 |
|
Chiều cao từ 0,5 đến 1 m |
Cây |
b |
21.600 |
|
Chiều cao >1m trở lên |
Cây |
c |
32.400 |
6 |
Cây cảnh trồng trong chậu |
|
|
|
|
Chiều cao <0,5m |
Chậu |
a |
5.400 |
|
Chiều cao từ 0,5 đến 1m |
Chậu |
b |
9.000 |
|
Chiều cao >1m |
Chậu |
c |
12.000 |
7 |
Vườn hoa các loại |
|
|
|
|
Đang cho thu hoạch |
m2 |
a |
22.000 |
|
Sắp cho thu hoạch |
m2 |
b |
30.000 |
|
Đang phát triển tốt |
m2 |
c |
22.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
d |
15.000 |
8 |
Cây chàm nhuộm vải |
|
|
|
|
Đang cho thu hoạch |
m2 |
a |
3.000 |
|
Sắp cho thu hoạch |
m2 |
b |
2.500 |
|
Đang sinh trưởng, phát triển |
m2 |
c |
2.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
d |
1.000 |
9 |
Cây lá cơm đỏ, cơm tím |
|
|
|
|
Đang cho thu hoạch |
m2 |
a |
3.000 |
|
Sắp cho thu hoạch |
m2 |
b |
2.500 |
|
Đang sinh trưởng, phát triển |
m2 |
c |
2.000 |
|
Mới trồng |
m2 |
d |
1.000 |
10 |
Cây song, mây |
|
|
|
|
Sắp cho thu hoạch |
Khóm |
a |
15.000 |
|
Mới trồng |
Khóm |
b |
10.000 |
11 |
Cây chít |
|
|
|
|
Sắp cho thu hoạch |
Khóm |
a |
12.000 |
|
Mới trồng |
Khóm |
b |
7.000 |
PHỤ LỤC SỐ 3
BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ ĐỐI VỚI VẬT NUÔI LÀ THỦY SẢN
(Kèm theo Quyết định số: 07/2015/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG AO NUÔI THỦY SẢN THƯƠNG PHẨM (tính 01 ha)
STT |
Loại hình nuôi |
Một độ nuôi (con /m2) |
Sản lượng thu hoạch (kg/ha) |
Đơn giá bình quân (đồng/kg) |
Mức bồi thường |
|||
Thời gian nuôi từ 01 ngày – 03 tháng |
Thời gian nuôi từ 04 – 06 tháng |
|||||||
Tỷ lệ hỗ trợ % |
Thành tiền (đồng) |
Tỷ lệ hỗ trợ % |
Thành tiền (đồng) |
|||||
1 |
Cá Rôphi |
2 |
5.000 |
50.000 |
30 |
75.000.000 |
20 |
50.000.000 |
2 |
Ghép trắm cỏ là chính (50%) |
2.5 |
10.000 |
70.000 |
30 |
210.000.000 |
20 |
140.000.000 |
3 |
Ghép Rôphi là chính (50%) |
3 |
8.000 |
50.000 |
30 |
120.000.000 |
20 |
80.000.000 |
4 |
Ghép cá chép V1 là chính (50%) |
3 |
8.000 |
60.000 |
30 |
144.000.000 |
20 |
96.000.000 |
5 |
Cá Chim trắng |
2 |
11.000 |
35.000 |
30 |
115.500.000 |
20 |
77.000.000 |
6 |
Cá Quả |
10 |
35.000 |
80.000 |
30 |
840.000.000 |
20 |
560.000.000 |
7 |
Cá Bỗng |
2 |
32.000 |
200.000 |
30 |
1.920.000.000 |
20 |
1.280.000.000 |
8 |
Cá Trôi |
2 |
10.000 |
60.000 |
30 |
180.000.000 |
20 |
120.000.000 |
9 |
Tôm càng xanh |
10 |
1.500 |
150.000 |
30 |
67.500.000 |
20 |
45.000.000 |
10 |
Ba ba |
2 |
16.000 |
300.000 |
30 |
1.440.000.000 |
20 |
960.000.000 |
11 |
Ếch |
60 |
70.000 |
100.000 |
30 |
2.100.000.000 |
20 |
1.400.000.000 |
II. ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG AO NUÔI CÁ BỘT LÊN CÁ HƯƠNG (tính 01 ha)
STT |
Loài ương nuôi |
Sản lượng thu hoạch (con/ha) |
Đơn giá bình quân (đồng/con) |
Mức bồi thường |
|||
Thời gian nuôi từ 0 – 10 ngày tuổi |
Thời gian nuôi từ 11 – 25 ngày tuổi |
||||||
Tỷ lệ hỗ trợ % |
Thành tiền (đồng) |
Tỷ lệ hỗ trợ % |
Thành tiền (đồng) |
||||
1 |
Trắm cỏ |
1.800.000 |
150 |
20 |
54.000.000 |
30 |
81.000.000 |
2 |
Mè |
1.800.000 |
100 |
20 |
36.000.000 |
30 |
54.000.000 |
3 |
Trôi |
1.500.000 |
120 |
20 |
36.000.000 |
30 |
54.000.000 |
4 |
Rôphi |
750.000 |
350 |
20 |
52.500.000 |
30 |
78.750.000 |
5 |
Chép |
600.000 |
350 |
20 |
42.000.000 |
30 |
63.000.000 |
6 |
Bỗng |
1.200.000 |
500 |
20 |
120.000.000 |
30 |
180.000.000 |
III. ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG AO NUÔI CÁ HƯƠNG LÊN CÁ GIỐNG (tính 01 ha)
STT |
Loài ương nuôi |
Sản lượng thu hoạch (con/ha) |
Đơn giá bình quân (đồng/con) |
Mức bồi thường |
|||
Thời gian nuôi từ 01 – 03 tháng tuổi |
Thời gian nuôi > 03 tháng tuổi |
||||||
Tỷ lệ hỗ trợ % |
Thành tiền (đồng) |
Tỷ lệ hỗ trợ % |
Thành tiền (đồng) |
||||
1 |
Trắm cỏ |
340.000 |
800 |
30 |
81.600.000 |
20 |
54.400.000 |
2 |
Mè |
340.000 |
500 |
30 |
51.000.000 |
20 |
34.000.000 |
3 |
Trôi |
175.000 |
800 |
30 |
42.000.000 |
20 |
28.000.000 |
4 |
Rôphi |
140.000 |
500 |
30 |
21.000.000 |
20 |
14.000.000 |
5 |
Chép |
75.000 |
750 |
30 |
16.875.000 |
20 |
11.250.000 |
6 |
Bỗng |
150.000 |
8.000 |
30 |
360.000.000 |
20 |
240.000.000 |
IV. HỖ TRỢ DI CHUYỂN CÁ BỐ MẸ (tính 01 ha)
STT |
Loài cá |
Mật độ nuôi vỗ (kg/100 m2) |
Tổng khối lượng cá bố mẹ (tấn) |
Nước ngọt (tấn) |
Tổng khối lượng vận chuyển (tấn) |
Chi phí vận chuyển cho 01 ha |
|||
Túi vận chuyển (đồng) |
Ôxy (đồng) |
Công đánh bắt cá bố mẹ đóng ôxy (đồng) |
Thành tiền (đồng) |
||||||
1 |
Trắm cỏ |
20 |
2,0 |
10 |
12 |
4.000.000 |
700.000 |
1.000.000 |
5.700.000 |
2 |
Mè |
10 |
1,0 |
5 |
6 |
2.000.000 |
350.000 |
500.000 |
2.850.000 |
3 |
Trôi |
15 |
1,5 |
7,5 |
9 |
3.000.000 |
525.000 |
750.000 |
4.275.000 |
4 |
Rôphi |
50 |
5,0 |
25 |
30 |
10.000.000 |
1.750.000 |
2.500.000 |
14.250 000 |
5 |
Chép |
10 |
1,0 |
5 |
6 |
2.000.000 |
350.000 |
500.000 |
2.850.000 |
6 |
Bỗng |
20 |
2,0 |
10 |
12 |
4.000.000 |
700.000 |
1.000.000 |
5.700.000 |
Ghi chú:
– Mức hỗ trợ chi phí vận chuyển trên chưa tính giá cước vận chuyển.
– Giá cước vận chuyển tính theo tấn/km cho từng loại đường theo quy định của UBND tỉnh tại thời điểm vận chuyển.
QUYẾT ĐỊNH 07/2015/QĐ-UBND NĂM 2015 QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG | |||
Số, ký hiệu văn bản | 07/2015/QĐ-UBND | Ngày hiệu lực | 19/06/2015 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Bất động sản |
Ngày ban hành | 09/06/2015 |
Cơ quan ban hành |
Hà Giang |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |