QUYẾT ĐỊNH 1006/QĐ-UBND NĂM 2021 PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1006/QĐ-UBND |
Bắc Kạn, ngày 29 tháng 6 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 30/11/2010;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019;
Căn cứ Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 24/12/2020 của Tỉnh uỷ Bắc Kạn về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025;
Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 20/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh tại Tờ trình số 774/TTr-CTBCA ngày 25/6/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (Có Đề án chi tiết kèm theo).
Điều 2. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, thay thế Quyết định 746/QĐ-UBND ngày 30/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh và áp dụng từ năm tài chính 2021.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN Nguyễn Long Hải |
ĐỀ ÁN
QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số 1006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN, SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
A. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Giai đoạn 2011 – 2016, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được cấp 43 giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn, trong đó có 31 mỏ khoáng sản có hoạt động khai thác gồm: 08 mỏ chì kẽm, 02 mỏ sắt, 03 mỏ cát sỏi, 17 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 01 mỏ đá trắng. Hoạt động khai thác khoáng sản trong giai đoạn này hầu hết đều không đạt công suất khai thác do ảnh hưởng thị trường tiêu thụ: Chì kẽm có 08 mỏ, sản lượng khai thác bình quân là 125.421 tấn/năm; quặng sắt có 02 mỏ, sản lượng khai thác bình quân là 90.900 tấn/năm bằng 60% công suất; cát sỏi có 03 mỏ, sản lượng 20.153m3/năm bằng 20% công suất; đá làm vật liệu xây dựng thông thường có 17 mỏ sản lượng bình quân bằng 43% công suất.
Giai đoạn 2017 – 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được cấp 48 giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn (10 giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và 38 giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh cấp). Trong đó, có 35 mỏ có hoạt động khai thác gồm: Chì kẽm 08 mỏ, sản lượng bình quân 212.000 tấn/năm bằng 86% công suất; quặng sắt có 03 mỏ, sản lượng bình quân 120.000 tấn/năm bằng 70% công suất; cát sỏi có 07 mỏ, sản lượng bình quân 107.000m3/năm bằng 74% công suất; đá làm vật liệu xây dựng thông thường có 16 mỏ, sản lượng bình quân 270.000m3/năm bằng 87% công suất; vàng có 02 mỏ, sản lượng bình quân 7.000 tấn/năm tương đương 21,833kg vàng, bằng 95% công suất.
Ngoài một số dự án hoạt động ổn định, hiệu quả góp phần tăng trưởng kinh tế và nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luyện kim màu Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn,… còn một số dự án hoạt động không hiệu quả, dừng khai thác chế biến hoặc gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định dẫn đến đóng góp của hoạt động khoáng sản đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như nộp ngân sách nhà nước cho tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng.
II. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ THUẾ
1. Trước khi thực hiện Đề án Ấn định thuế
Giai đoạn 2011 – 2016, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được cấp 43 giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn (04 giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và 39 giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh cấp). Trong đó có 08 mỏ khoáng sản chì kẽm với tổng trữ lượng 3.063.325 tấn, tổng công suất khai thác 188.740 tấn/năm; 02 mỏ quặng sắt với tổng trữ lượng 4.420.425 tấn, tổng công suất khai thác 152.500 tấn/năm.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp và có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế nhưng việc quản lý thuế vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản chưa thực sự chặt chẽ, chưa đảm bảo quản lý đầy đủ các khâu, còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý khoáng sản và quản lý thuế, việc báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời, kê khai nộp thuế thiếu trung thực về hàm lượng, loại, số lượng khoáng sản, giá bán dẫn đến thất thoát về tài nguyên khoáng sản, làm thất thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất còn khá lớn, nhưng các biện pháp xử lý nợ chưa hiệu quả.
Công tác quản lý thuế được thực hiện theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên việc thu thuế phụ thuộc chủ yếu vào việc doanh nghiệp tự giác kê khai; cơ quan thuế thực hiện các biện pháp quản lý thuế thông qua tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu và xử lý nợ thuế, nhưng các biện pháp quản lý thuế chủ yếu xác định trên cơ sở kiểm tra sổ sách, chứng từ của doanh nghiệp nên không xác định chính xác được việc doanh nghiệp kê khai thiếu, chậm kê khai sản lượng, hàm lượng khoáng sản để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Kết quả thu thuế theo phương pháp kê khai hàng năm thu được bình quân 72 tỷ/năm.
2. Từ khi thực hiện Đề án Ấn định thuế đến nay
2.1. Phương pháp quản lý thuế
Ngày 30/5/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 746/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Ấn định thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, qua đó việc quản lý thuế dựa trên sản lượng tính thuế theo công suất khai thác, thời gian khai thác (trường hợp đặc biệt dưới công suất thì có biên bản, liên ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã làm việc tại hiện trường cụ thể) trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mức ấn định thuế tối thiểu trong năm. Cuối năm đối chiếu quyết toán thuế để xác định lại sản lượng thực tế khai thác và xác định các yếu tố tính thuế khác (giá, chính sách thuế) theo từng thời gian cụ thể trong năm.
2.2. Kết quả thực hiện
Trong giai đoạn 2017 – 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được cấp 48 giấy phép khai thác còn thời hạn, nhưng chỉ có 35 mỏ có hoạt động khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện ấn định thuế mức tối thiểu hằng năm, cụ thể: Năm 2017 ấn định đầu năm 21 mỏ, ấn định bổ sung 03 mỏ; năm 2018 ấn định đầu năm 25 mỏ, ấn định bổ sung 02 mỏ; năm 2019 ấn định 12 mỏ (không ấn định đối với đá làm vật liệu xây dựng thông thường); năm 2020 ấn định 18 mỏ.
Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017 – 2020 đạt 1.604 tỷ đồng, tăng bình quân 7,5% (mục tiêu tăng 12%/năm). Trong đó thu từ khoáng sản là 490 tỷ đồng (số ấn định là 455 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng cao, bằng 30,6% tổng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh (455/1.604 tỷ đồng). Thu thuế khoáng sản bình quân giai đoạn 2017 – 2020 là 122 tỷ đồng, trong đó: Thu từ ấn định thuế bình quân năm là 113 tỷ đồng (tăng 39% so với giai đoạn 2011 – 2016). Nguyên nhân: Tăng từ nguồn thu do tăng 5 Giấy phép khai thác (48/43 mỏ) của 05 mỏ; công suất khai thác: Chì kẽm tăng gần 50% (282.890/188.740 tấn), quặng sắt tăng hơn 2,1 lần (322.500/152.500 tấn) so với giai đoạn trước và tăng thu hơn 10% so với kê khai từ ấn định thuế theo Quyết định số 746/QĐ-UBND. Kết quả cụ thể theo biểu dưới đây:
Chỉ tiêu | Số thu 2017 | Số thu 2018 | Số thu 2019 | Số thu 2020 | Tổng 4 năm | KH 2021 | |
Tổng thu nội địa |
581.180 |
642.374 |
696.841 |
701.636 |
2.622.031 |
722.000 |
|
Trong đó: |
|
|
|
|
|
|
|
Sản xuất kinh doanh |
349.167 |
412.910 |
433.789 |
408.009 |
1.603.874 |
427.250 |
|
Thu từ khoáng sản |
103.250 |
135.394 |
129.760 |
121.619 |
490.023 |
138.000 |
|
Tỷ lệ thu khoáng sản so với tổng thu |
17,8% |
21,1% |
18,6% |
17,3% |
18,7% |
19,1% |
|
Tỷ lệ thu khoáng sản so với thu từ sản xuất kinh doanh |
29,6% |
32,8% |
29,9% |
29,8% |
30,6% |
32,3% |
2.3. Tồn tại, hạn chế khi thực hiện Đề án
Việc thực hiện Đề án Ấn định thuế đã tạo cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản nên khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt hơn do doanh nghiệp không phải xin cấp phép vận chuyển khoáng sản như trước đây, doanh nghiệp cũng chủ động nộp thuế theo số ấn định nên thuận lợi trong việc thu thuế và nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế cũng bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn như:
2.3.1. Tính pháp lý trong ấn định thuế
Căn cứ ấn định: Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm soát phương tiện vận tải của các đoàn kiểm tra liên ngành cho thấy, thực tế một số doanh nghiệp có dấu hiệu, hiện tượng khai báo tình hình sản xuất kinh doanh không đúng với thực tế, tuy nhiên các doanh nghiệp cho rằng không phải tất cả các doanh nghiệp đều có vi phạm về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và pháp luật thuế nên không thuộc trường hợp ấn định thuế theo khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế năm 2019 (Điều 37 Luật Quản lý thuế năm 2006), do vậy việc thực hiện ấn định thuế đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản là chưa đủ căn cứ theo quy định.
2.3.2. Việc hạch toán kế toán, hóa đơn chứng từ, thực hiện Luật Quản lý thuế
Việc theo dõi nộp thuế theo ấn định thuế còn nhiều bất cập do không đồng nhất số liệu (số thuế nộp thiếu hoặc thừa không đồng nhất với kê khai), ngành thuế phải thực hiện theo dõi thuế trên ứng dụng của ngành, vừa theo dõi bằng mở sổ ngoài ứng dụng nên khó khăn trong thực hiện pháp luật về kế toán, hóa đơn, thuế, nhất là các công ty đại chúng. Một số doanh nghiệp không đồng tình với việc ấn định thuế và cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh nên ban hành quyết định giao kế hoạch để doanh nghiệp cố gắng phấn đấu đạt chỉ tiêu giao, đồng thời để doanh nghiệp hạch toán kế toán đảm bảo đúng quy định và nâng cao việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với tỉnh mà hiệu quả quản lý thuế được đảm bảo.
2.3.3. Giải pháp chưa đồng bộ, tổng quát
Để quản lý thuế đúng, đủ, không sót nguồn thu đối với mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh là phải thực hiện quản lý toàn diện các khoản thuế phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm cả việc hoàn thành nghĩa vụ thuế trong toàn bộ quá trình hoạt động cũng như các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, liên quan mà phát sinh nghĩa vụ thuế). Đề án Ấn định thuế mới chỉ căn cứ sản lượng, công suất ghi trong giấy phép khai thác để ấn định mức thuế tối thiểu mà chưa đề cập đến toàn diện các hoạt động, các khâu có thể phát sinh nghĩa vụ thuế. Do vậy, Đề án Ấn định thuế chưa bao quát được toàn bộ phạm vi, đối tượng phải quản lý thuế.
2.4. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
2.4.1. Việc hạch toán kế toán, hóa đơn chứng từ, Luật Quản lý thuế (kê khai, nộp, quyết toán thuế), thể hiện ở sự không đồng nhất cụ thể như sau:
– Ấn định thuế: Sản lượng theo công suất khai thác, giá tính thuế ấn định (theo thời điểm);
– Chế độ kế toán, hóa đơn theo Luật Quản lý thuế: Doanh nghiệp phải căn cứ thực tế để thực hiện theo luật nhất là công ty đại chúng cần phải có cáo bạch và công bố thông tin (định kỳ – bất thường – theo yêu cầu) theo sổ sách kế toán được kiểm toán sẽ bị khó trong báo cáo sản lượng và dòng tiền do không tương ứng chi nộp thuế, phí với sản lượng thực tế trong cáo bạch.
Việc xác định thừa, thiếu hằng năm thực hiện theo Quyết định 746/QĐ-UBND , tuy nhiên trong thực tế có doanh nghiệp ngừng, nghỉ, bỏ hoặc không đủ năng lực tài chính dẫn đến các kỳ thuế ấn định tiếp theo các doanh nghiệp thường không đồng tình, vì cho rằng theo Luật Quản lý thuế các doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải theo dõi, thực hiện khoản thuế cuối kỳ này. Doanh nghiệp chỉ phải theo dõi nợ theo pháp luật thuế trên cơ sở Luật Kế toán.
2.4.2. Chưa toàn diện
Đề án Ấn định thuế chưa tiếp cận đầy đủ các khâu trong toàn bộ quá trình khai thác khoáng sản, dễ dẫn đến khó khăn trong quản lý thuế, thất thu thuế như các khâu chủ yếu sau: Thăm dò (thuế đối với quặng đã khai thác để chọn sau khi lấy mẫu) – Thẩm định (tỷ trọng, hàm lượng, trữ lượng, khối lượng thi công,…) – Thi công (thuế xây dựng cơ bản) – Khai thác – Chế biến, gia công, thu mua – Vận chuyển (thuế kinh doanh vận tải) – Giao dịch (chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê đất, tài sản thiết bị, liên kết, liên doanh…) – Đóng cửa mỏ (sản lượng thu được khi đóng cửa mỏ), thuế thu nhập cá nhân, các hoạt động khác phát sinh nghĩa vụ thuế trong quá trình khai thác khoáng sản, nên giải pháp quản lý thuế trên chưa toàn diện.
B. SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 703/2009/QĐ-UBND ngày 08/4/2009 về ban hành Quy chế phối hợp quản lý thuế theo phương pháp ấn định đối với cơ sở khai thác khoáng sản qúy hiếm trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 703/2009/QĐ-UBND đảm bảo tính pháp lý, thu thuế có hiệu quả, không phát sinh phải hoàn thuế và đang áp dụng đến nay. Đây là Đề án Ấn định thuế đầu tiên về khoáng sản trong các tỉnh phía Bắc. Năm 2017, khi thực hiện ấn định thuế theo Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 30/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, số thu từ khoáng sản đã tăng tỷ trọng từ 11 đến 16% trên tổng số thu, góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN hằng năm.
Căn cứ Luật Khoáng sản, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp tại Điều 41, 42 và 43 đối với việc lập sổ sách, kế toán hóa đơn chứng từ, xác định sản lượng, lắp đặt trạm cân, camera, lưu trữ và báo cáo. Đồng thời, Tỉnh đã chỉ đạo việc lắp đặt trạm cân, camera, nhiều giải pháp quản lý khoáng sản rất sát sao, các sở, ngành chuyên môn như: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Xây dựng,… cũng thường xuyên tham mưu các giải pháp và tổ chức thực hiện giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm, có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý khoáng sản cũng như quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp, còn bất cập trong quản lý như: Chưa quản lý hết, đầy đủ, kịp thời các khoản thuế phát sinh; Đề án Ấn định thuế còn vướng mắc về căn cứ pháp lý chưa đầy đủ, khó khăn khi thực hiện hạch toán thuế, kế toán và chưa bao quát được phạm vi, đối tượng quản lý thuế; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với cơ quan thuế chưa thực sự hiệu quả, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của một số doanh nghiệp chưa kịp thời, đầy đủ.
Qua thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Đề án Ấn định thuế, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành: “Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
– Luật Quản lý thuế năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Các Luật Thuế, Luật Phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về việc định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
– Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
– Các văn bản quy định và hướng dẫn liên quan về thuế, phí của Chính phủ, Bộ Tài chính, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh;
– Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 24/12/2020 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025;
– Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 20/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Phần thứ hai
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
A. MỤC TIÊU
Phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, tăng thu NSNN trong lĩnh vực khoáng sản. Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản. Đề cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác quản lý thuế.
B. PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Áp dụng đối với việc phối hợp quản lý các khoản thuế, phí gồm: Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (phí BVMT), các khoản thuế khác đối với hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (doanh nghiệp khoáng sản) và hoạt động của tổ chức, cá nhân khác liên quan đến cung cấp hàng hóa, dịch vụ, chế biến cho doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn mà phát sinh nghĩa vụ thuế.
2. Các cơ quan nhà nước tham gia phối hợp quản lý thuế gồm: Cơ quan Thuế, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.
4. Nội dung không quy định trong Đề án này thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Khoáng sản, các văn bản pháp luật về thuế, phí hiện hành và các quy định có liên quan khác của tỉnh.
C. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP QUẢN LÝ THUẾ
I. QUẢN LÝ THUẾ BẰNG KẾ HOẠCH THU THUẾ
Kế hoạch thu thuế là việc lập, trình, giám sát và đôn đốc người nộp thuế thực hiện đúng Kế hoạch (mức tối thiểu) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
1. Thời điểm giao Kế hoạch
– Đối với doanh nghiệp khoáng sản đang hoạt động: Tháng 02 hằng năm, sau khi đối chiếu quyết toán thuế.
– Đối với doanh nghiệp khoáng sản mới hoạt động trong năm: 01 tháng từ khi doanh nghiệp thông báo đi vào hoạt động.
2. Nội dung, giải pháp thực hiện
– Thống nhất kế hoạch thu thuế năm sau thực hiện cùng thời gian đối chiếu quyết toán thuế năm trước.
– Căn cứ xây dựng Kế hoạch: Căn cứ thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh năm trước, công suất khai thác, trữ lượng còn lại và xem xét báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và nộp NSNN của người nộp thuế.
– Nguyên tắc
+ Sản lượng tính kế hoạch đảm bảo đúng công suất theo giấy phép và không thấp hơn sản lượng thực tế năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp khoáng sản xây dựng kế hoạch sản lượng thấp hơn công suất theo giấy phép thì đơn vị báo cáo rõ lý do để Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành, địa phương (các cơ quan phối hợp) xem xét, cho ý kiến hoặc tổ chức khảo sát thực tế trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
+ Giá tính thuế để giao kế hoạch: Giá tính thuế tài nguyên theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tại thời điểm ban hành kế hoạch thu; giá bán xác định doanh thu kế hoạch theo tài liệu điều tra khảo sát (gồm tham khảo báo cáo của doanh nghiệp).
– Kết thúc năm, thực hiện đối chiếu quyết toán để xác định số thuế thực tế phải nộp theo kế hoạch đã giao đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.
Nguyên tắc thực hiện đối chiếu quyết toán
+ Sản lượng tối thiểu bằng sản lượng kế hoạch, trừ trường hợp có yếu tố khách quan bất khả kháng ảnh hưởng làm giảm sản lượng như: Phải tạm dừng khai thác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thiên tai, sự cố trong khai thác,… phải tạm dừng khai thác để khắc phục được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.
+ Giá tính thuế: Giá tính thuế tài nguyên theo báo cáo của doanh nghiệp nhưng không được thấp hơn giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh theo từng thời gian hiệu lực trong năm; giá bán xác định doanh thu chưa có thuế theo kê khai của doanh nghiệp nhưng không thấp hơn giá tính thuế tài nguyên theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và phù hợp với giá giao dịch thông thường trên thị trường.
3. Trách nhiệm của các đơn vị
* Trách nhiệm chung: Trao đổi thông tin định kỳ hoặc đột xuất, tham gia kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, xử lý về thuế đối với doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan thuế.
* Trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương
3.1. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định sản lượng tính thuế, trao đổi và cung cấp các thông tin liên quan đến giấy phép khai thác, gia hạn, hồ sơ tài liệu.
3.2. Sở Công Thương: Phối hợp cùng cơ quan chuyên môn xác định sản lượng, hàm lượng thực tế khoáng sản hằng tháng, quý, năm (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng) để làm cơ sở tính toán, xác định các yếu tố tính thuế phục vụ quyết toán thuế và xây dựng kế hoạch thu thuế hằng năm.
3.3. Sở Xây dựng: Theo dõi, tổng hợp tình hình đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng, tình hình sản xuất vật liệu xây dựng.
3.4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định giá tính thuế tài nguyên, giá bán sản phẩm để xác định doanh thu… theo thẩm quyền, trao đổi tài liệu liên quan, xác định mức phí bảo vệ môi trường đối từng loại khoáng sản.
3.5. Cục Thuế tỉnh
Căn cứ kết quả xác định giá tính thuế, sản lượng, hàm lượng và quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn liên quan để xác định đầy đủ, chính xác số thuế phải nộp trong năm theo kế hoạch và trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
Định kỳ hằng qúy tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch thu thuế trước ngày 10 của tháng đầu qúy sau.
3.6. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã: Tham gia điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch thu thuế, đối chiếu quyết toán thuế; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thuế.
3.7. Các sở, ngành liên quan: Cung cấp tài liệu liên quan, phối hợp quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan thuế.
3.8. Doanh nghiệp khoáng sản: Thực hiện đúng quy trình, phương pháp xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; lập, ghi chép, cập nhật thông tin, số liệu lưu trữ đầy đủ các loại chứng từ, sổ sách, bảng biểu báo cáo theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020; cung cấp hồ sơ liên quan cho Cục Thuế tỉnh và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu để phục vụ công tác xây dựng kế hoạch thu thuế và đối chiếu quyết toán thuế.
II. QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ KHOÁNG SẢN, THĂM DÒ NÂNG CẤP TRỮ LƯỢNG KHOÁNG SẢN
Là việc xác định người nộp thuế phát sinh nghĩa vụ thuế trong hoạt động thăm dò khoáng sản, thăm dò nâng cấp trữ lượng trong khu vực khai thác khoáng sản.
1. Thời điểm: Khi có khối lượng khoáng sản sử dụng có phát sinh nghĩa vụ thuế do doanh nghiệp báo cáo hoặc kết quả kiểm tra, phát hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hoạt động thăm dò nâng cấp trữ lượng trong khu vực khai thác khoáng sản do doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản hợp đồng với doanh nghiệp khác thực hiện là từ thời điểm ký hợp đồng thăm dò.
2. Nội dung, giải pháp thực hiện
Trong thời gian thăm dò đánh giá trữ lượng xác định khối lượng khoáng sản lấy mẫu phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc khối lượng khoáng sản phát sinh khi thực hiện thăm dò, nâng cấp trữ lượng trong khu vực khai thác khoáng sản. Trường hợp trong quá trình thi công thăm dò khối lượng khoáng sản còn lại sau khi lấy mẫu không sử dụng được thu gom, bảo vệ thì khi cấp phép khai thác yêu cầu đơn vị khai thác nộp thuế đối với khối lượng thu gom trong quá trình thăm dò.
Thực hiện chặt chẽ, đầy đủ công tác giám sát thi công đề án thăm dò khoáng sản, giám sát hoạt động thăm dò nâng cấp trữ lượng trong khu vực khai thác khoáng sản.
3. Trách nhiệm của các đơn vị
3.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
Cung cấp thông tin, tài liệu số liệu, kết quả đánh giá hoạt động thăm dò, kết quả giám sát và xác định tổng khối lượng đã thi công và khối lượng lấy mẫu.
Giám sát chặt chẽ để xác định khối lượng thi công trong quá trình thăm dò, khối lượng lấy mẫu và khối lượng còn lại trong quá trình thăm dò làm căn cứ tính thuế, quản lý thuế nhất là đối với khoáng sản quý hiếm, khoáng sản kim loại và các loại khoáng sản khác có giá trị cao.
Cung cấp, chuyển thông tin cho Cục Thuế tỉnh về tài liệu, báo cáo của doanh nghiệp về hợp đồng thăm dò, khối lượng thi công và khối lượng lấy mẫu, kết quả thăm dò và tài liệu liên quan (theo tiểu mục 3.5 mục này).
3.2. Các sở, ngành liên quan: Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định khối lượng và yếu tố khác khi xác định nghĩa vụ thuế trong hoạt động thăm dò khoáng sản.
3.3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã: Giám sát, nắm tình hình hoạt động thăm dò khoáng sản, dự án thăm dò nâng cấp trữ lượng trong khu vực khai thác khoáng sản. Kịp thời báo cáo các hoạt động bất thường ngoài dự án thăm dò hoặc khai thác, vận chuyển khoáng sản trong thời gian thăm dò khoáng sản.
3.4. Cục Thuế tỉnh: Thực hiện quản lý thuế đối với doanh nghiệp thăm dò và khối lượng khoáng sản phát sinh nghĩa vụ thuế trong quá trình thăm dò. Yêu cầu doanh nghiệp khoáng sản thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định.
3.5. Người nộp thuế
Báo cáo đầy đủ, trung thực về hợp đồng thăm dò, khối lượng thi công và khối lượng lấy mẫu, kết quả thăm dò và tài liệu liên quan cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
III. QUẢN LÝ THUẾ TRONG HOẠT ĐỘNG THẨM ĐỊNH
Hoạt động thẩm định không trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế nhưng việc thẩm định, công nhận trữ lượng và tài nguyên khoáng sản, thẩm định Dự án khai thác có ảnh hưởng đến kết quả quản lý thuế khi dự án đi vào khai thác.
1. Thời điểm thực hiện: Khi thẩm định dự án đầu tư trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác mỏ.
2. Nội dung, giải pháp: Làm rõ giá thành, giá bán, doanh thu, chi phí, khả năng thu hồi vốn để phân tích, xác định sản lượng tối thiểu phải đạt để có lãi và thu hồi vốn (đảm bảo dự án có hiệu quả).
3. Trách nhiệm của các đơn vị
3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thẩm định, trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác khoáng sản đảm bảo hiệu quả của dự án khai thác.
3.2. Cục Thuế tỉnh tham gia thẩm định dự án, có ý kiến về đánh giá các chỉ tiêu kinh tế đảm bảo hiệu quả kinh tế và khả năng nộp ngân sách của dự án.
3.3. Các sở, ngành, địa phương liên quan tham gia thẩm định theo chức năng nhiệm vụ đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
3.4. Chủ dự án có trách nhiệm giải trình các nội dung, chỉ tiêu còn chưa hợp lý theo ý kiến, yêu cầu của các đơn vị tham gia thẩm định, trường hợp không giải trình được phải xây dựng, đánh giá lại dự án.
IV. QUẢN LÝ THUẾ XÂY DỰNG CƠ BẢN
1. Thời điểm thực hiện: Khi bắt đầu xây dựng cơ bản của mỏ, lắp đặt máy móc thiết bị, hệ thống điện, vận chuyển nội bộ mỏ, các hệ thống máy móc, dây truyền; hoạt động đầu tư mở rộng, xây dựng các công trình, đầu tư dây truyền, thiết bị máy móc mới trong thời gian hoạt động khoáng sản.
2. Nội dung, giải pháp
Xác định doanh thu xây dựng, lắp đặt tính thuế, khối lượng đất đá thải đã thi công và đơn vị nhà thầu để quản lý thuế, phí theo quy định.
Xác định rõ trách nhiệm phối hợp của doanh nghiệp khoáng sản, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thầu xây dựng, lắp đặt.
3. Trách nhiệm của các đơn vị
3.1. Sở Công Thương: Phối hợp cung cấp các thông tin liên quan để phục vụ quản lý thuế về dự án, công trình xây dựng công nghiệp, công trình mỏ trong quản lý nhà nước và thẩm định dự án về xây dựng công trình công nghiệp liên quan đến các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trừ mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường).
3.2. Sở Xây dựng: Phối hợp cung cấp các thông tin liên quan để phục vụ quản lý thuế về dự án, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng trong quản lý nhà nước và thẩm định dự án liên quan đến mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
3.3. Các sở, ngành, địa phương liên quan
Phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản theo chức năng nhiệm vụ và Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 16/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý thu thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Kịp thời cung cấp thông tin về công trình xây dựng, lắp đặt từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành.
3.4. Trách nhiệm người nộp thuế
– Doanh nghiệp khoáng sản: Cung cấp đến cơ quan thuế các hợp đồng, chứng từ thanh toán đối với hoạt động xây dựng, mua sắm, lắp đặt để thu thuế đối với nhà thầu; thiết kế mỏ, khối lượng xây dựng, lắp đặt, san gạt mặt bằng,… ngay khi phát sinh để làm cơ sở để xác định căn cứ tính thuế, phí bảo vệ môi trường. Khấu trừ tiền thuế, phí phải nộp của các nhà thầu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan thuế.
– Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thầu xây dựng, lắp đặt: Cung cấp tài liệu về hợp đồng và thanh lý hợp đồng, chứng từ thanh toán, nghiệm thu,… và kê khai đầy đủ, trung thực đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt cho cơ quan thuế địa phương. Chấp hành nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thuế, phí phải nộp NSNN phát sinh trong quá trình thi công xây dựng và lắp đặt công trình mỏ, nhà máy chế biến và các hạng mục phụ trợ.
V. QUẢN LÝ THUẾ QUA KIỂM TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, GIA CÔNG, THU MUA KHOÁNG SẢN
1. Thời điểm: Khi có kết quả kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tế đối với hoạt động khai thác, chế biến, gia công, thu mua khoáng sản.
2. Nội dung, giải pháp: Theo kế hoạch hoặc đột xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát (bằng phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp qua hệ thống camera, trạm cân,…) đánh giá hoạt động khai thác, chế biến, gia công, thu mua khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản phát sinh vượt so với khai báo để quản lý thuế.
3. Trách nhiệm của các đơn vị
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sở, ngành, địa phương) khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với hoạt động khai thác, chế biến, gia công, thu mua khoáng sản gửi kết quả, biên bản, báo cáo, thông tin, số liệu, dữ liệu (qua hệ thống camera giám sát), … cho Cục Thuế tỉnh để quản lý thuế ngay sau khi có kết quả kiểm tra, giám sát, thông tin số liệu mới (trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc).
Cục Thuế tỉnh căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát, thông tin số liệu do các sở ngành, địa phương gửi đến để đối chiếu phát hiện sản lượng, doanh thu chưa khai thuế để quản lý thuế.
VI. QUẢN LÝ THUẾ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHOÁNG SẢN
1. Thời điểm: Ngay khi phát sinh hợp đồng vận chuyển khoáng sản trong nội bộ mỏ đến nhà máy chế biến, thu mua khoáng sản, tiêu thụ khoáng sản,… của người nộp thuế cung cấp dịch vụ vận tải về khoáng sản.
2. Nội dung, giải pháp: Xác định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải thông qua việc kiểm soát thông tin về hợp đồng vận chuyển khoáng sản để cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế.
Xác định trách nhiệm của doanh nghiệp khoáng sản và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vận tải khoáng sản.
3. Trách nhiệm của các đơn vị
Cục Thuế tỉnh và các cơ quan liên quan: Thực hiện theo Quyết định số 59/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Quy định biện pháp và trách nhiệm quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Doanh nghiệp khoáng sản: Phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp hợp đồng, tài liệu liên quan ngay khi phát sinh việc thuê vận tải khoáng sản để đảm bảo việc quản lý thuế kịp thời, đầy đủ. Phối hợp đôn đốc kê khai, nộp thuế và quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo quy định.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải: Thực hiện nghiêm quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế; hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phải đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
VII. QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG, ĐÓNG CỬA MỎ
Trong quá trình thi công đóng cửa mỏ có thể phát sinh khoáng sản tận thu.
1. Thời điểm: Khi phát sinh sản lượng khoáng sản có ích được phép sử dụng.
2. Nội dung, giải pháp: Xác định sản lượng khoáng sản có ích được tận thu, sử dụng để quản lý thuế.
3. Trách nhiệm của các đơn vị
Sở Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra, giám sát hoạt động thi công đóng cửa mỏ, trường hợp có sản lượng khoáng sản doanh nghiệp xin được sử dụng thì phối hợp với Cục Thuế tỉnh để quản lý thuế.
Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo đầy đủ sản lượng khoáng sản có ích được phép sử dụng và kê khai thuế đầy đủ theo quy định.
Cục Thuế tỉnh phối hợp với các đơn vị tính thuế, quản lý thuế theo quy định.
VIII. QUẢN LÝ THUẾ KHÁC
1. Thuế chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản
Doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản mà chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng dự án theo quy định của pháp luật Thuế. Trước khi chấp thuận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản yêu cầu doanh nghiệp chuyển nhượng kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin đến hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản và phối hợp với Cục Thuế tỉnh yêu cầu doanh nghiệp kê khai nộp thuế đầy đủ trước khi trình văn bản chấp thuận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.
2. Thuế thu nhập cá nhân
Thực hiện theo Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
– Đối tượng phát sinh thuế: Các chuyên gia, lao động kỹ thuật, …
– Trách nhiệm phối hợp các cấp, các ngành: Công tác phối hợp.
– Doanh nghiệp khoáng sản: Kê khai khấu trừ thuế TNCN theo quy định.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã: Chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với cơ quan thuế nắm bắt tình hình lao động, hoạt động của các chuyên gia nước ngoài, thông tin đến cơ quan thuế địa phương để quản lý thuế.
– Doanh nghiệp khoáng sản: Thực hiện khấu trừ thuế, khai thuế, quyết toán thuế và nộp thuế TNCN theo đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn về quản lý thuế TNCN đối với người lao động và chuyên gia kể cả chuyên gia hợp đồng theo vụ việc.
3. Các khoản thu khác
Các khoản tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,…
Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm đôn đốc kê khai nộp thuế, thông báo thuế, thông báo nợ và thực hiện các biện pháp quản lý thuế khác theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin, tài liệu,… phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ tài chính, tính thuế, thông báo thuế; phối hợp đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế theo quy định; phối hợp xử lý nợ thuế, yêu cầu doanh nghiệp cam kết nộp thuế, nộp tiền cấp quyền, tiền thuê đất,…; phối hợp xử lý các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục liên quan trong xác định nghĩa vụ thuế.
Các sở, ngành, địa phương phối hợp với cơ quan thuế trong việc đôn đốc thu, quản lý thuế, xử lý các vướng mắc liên quan theo quy định.
IX. ẤN ĐỊNH THUẾ
1. Trường hợp ấn định thuế
– Trường hợp đơn vị khai thác khoáng sản không phản ánh hoặc do đặc thù ngành nghề khai thác mà không có cơ sở, điều kiện để phản ánh được đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ dẫn đến không đủ căn cứ để kê khai và xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế thì thực hiện ấn định thuế. Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản quý hiếm thuộc trường hợp bắt buộc phải ấn định thuế.
– Các khoản thuế, phí, thu khác ấn định gồm: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thu khác (nếu có) phát sinh.
2. Thời điểm ấn định
– Đối với doanh nghiệp đang hoạt động: Trong 02 tháng đầu năm hằng năm, sau khi đối chiếu quyết toán thuế.
– Đối với doanh nghiệp mới hoạt động trong năm: Trong 01 tháng từ khi doanh nghiệp thông báo đi vào hoạt động.
3. Nội dung, giải pháp
– Thống nhất phương án ấn định thuế năm sau cùng thời gian đối chiếu quyết toán thuế ấn định năm trước.
– Căn cứ ấn định thuế: Theo quy định của Luật Quản lý thuế và thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh năm trước, công suất khai thác, trữ lượng còn lại và xem xét báo cáo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách của người nộp thuế, thực hiện theo nguyên tắc:
+ Sản lượng ấn định thuế đảm bảo đúng công suất theo giấy phép và không thấp hơn sản lượng thực tế năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp có lý do khách quan, bất khả kháng không đảm bảo thời gian khai thác trong năm phải có văn bản báo cáo rõ lý do để Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành, địa phương (các cơ quan phối hợp) xem xét, cho ý kiến hoặc tổ chức khảo sát thực tế trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
+ Giá tính thuế để ấn định thuế: Giá tính thuế tài nguyên theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tại thời điểm ấn định; giá bán xác định doanh thu ấn định thuế theo tài liệu điều tra khảo sát (gồm tham khảo báo cáo của doanh nghiệp).
– Kết thúc năm, thực hiện đối chiếu quyết toán thuế để xác định số thuế thực tế phải nộp theo ấn định.
Nguyên tắc thực hiện đối chiếu quyết toán
+ Sản lượng tối thiểu bằng sản lượng ấn định trừ trường hợp có yếu tố khách quan bất khả kháng ảnh hưởng làm giảm sản lượng như: Phải tạm dừng khai thác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thiên tai, sự cố trong khai thác,… phải tạm dừng khai thác để khắc phục được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.
+ Giá tính thuế: Giá tính thuế tài nguyên theo báo cáo của doanh nghiệp nhưng không được thấp hơn giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh theo từng thời gian hiệu lực trong năm; giá tính thuế GTGT và TNDN theo kê khai của doanh nghiệp nhưng không thấp hơn giá tính thuế tài nguyên theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và phù hợp với giá giao dịch thông thường trên thị trường.
4. Trách nhiệm thực hiện
Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện ấn định thuế theo quy định tại Quyết định số 703/2009/QĐ-UBND ngày 08/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, quy định Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan hiện hành.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
A. CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm thường xuyên trao đổi thông tin (định kỳ và đột xuất), tăng cường kiểm tra, giám sát trao đổi kết quả với cơ quan thuế và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khoáng sản nhất là các hoạt động gây lãng phí, thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.
I. SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
1. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định Nhà nước về khoáng sản; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động khoáng sản; chỉ đạo các địa phương tổ chức công tác quản lý khoáng sản.
2. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành, địa phương xác định các yếu tố kinh tế kỹ thuật phục vụ tính toán, xác định các yếu tố tính thuế để ấn định thuế, xây dựng kế hoạch thu thuế hàng năm như: Trữ lượng, công suất, sản lượng, hàm lượng, khối lượng bóc đất đá, … Cung cấp và trao đổi thông tin tài liệu liên quan khác trong việc xác định yếu tố tính thuế như trữ lượng mỏ, công suất khai thác, hàm lượng quặng,… trong quá trình kiểm tra, khảo sát để ấn định thuế, xây dựng kế hoạch thu thuế hằng năm.
3. Cung cấp trao đổi thông tin về tình hình cấp mới giấy phép hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, nghiệm thu hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ đi vào khai thác, hết hạn khai thác đóng cửa mỏ,… làm căn cứ tổ chức quản lý thuế, xây dựng kế hoạch thu thuế bổ sung.
4. Tổng hợp các doanh nghiệp vi phạm, không chấp hành đúng quy định về khai thác khoáng sản, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo quy định.
5. Tổng hợp và báo cáo tình hình cho thuê đất, xác định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp đối với từng điểm mỏ đã được cấp phép khai thác.
II. SỞ CÔNG THƯƠNG
1. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành, địa phương xác định việc sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, vật liệu nổ công nghiệp, điện năng tiêu thụ,… phục vụ khai thác mỏ, xác định kế hoạch sản lượng sản phẩm sản xuất, chế biến, tiêu thụ; xác định các tiêu chuẩn, định mức tiêu hao để đối chiếu xác định sản lượng khoáng sản khai thác, chế biến trong quá trình kiểm tra, khảo sát làm cơ sở xác định các yếu tố tính thuế, ấn định thuế, xây dựng kế hoạch thu thuế hàng năm và quyết toán thuế.
2. Phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát và cung cấp thông tin đến hoạt động tiêu thụ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản cho cơ quan thuế để đối chiếu với kê khai thuế của doanh nghiệp.
3. Hằng tháng, quý tổng hợp tình hình sản xuất kinh doanh, quy mô khai thác, sản phẩm khoáng sản chế biến, tiêu thụ thực tế của từng doanh nghiệp, đối chiếu với kế hoạch thu nếu có các yếu tố bất thường thì đề xuất kiểm tra, khảo sát thực tế để điều chỉnh kế hoạch thu thuế hằng tháng, kế hoạch thu thuế hằng năm.
III. SỞ TÀI CHÍNH
1. Phối hợp với các cơ quan liên quan xác định giá tính thuế tài nguyên, giá bán xác định doanh thu và mức phí bảo vệ môi trường đối với các loại khoáng sản khai thác để làm căn cứ ấn định thuế.
2. Hằng năm tham mưu ban hành và điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh mức phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản cho phù hợp với thực tế tại địa phương theo quy định.
IV. SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
1. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc cấp đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
2. Thu hồi giấy phép đăng ký doanh nghiệp với doanh nghiệp không chấp hành đúng các quy định của pháp luật và cam kết nộp ngân sách với tỉnh khi đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế (theo Luật Quản lý thuế) theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh.
V. SỞ XÂY DỰNG
1. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát, đối chiếu sản lượng khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
2. Theo dõi, tổng hợp tình hình đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng, tình hình sản xuất vật liệu xây dựng; định kỳ hoặc theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh trao đổi, cung cấp thông tin tình hình đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
VI. SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
1. Chỉ đạo Thanh tra giao thông kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển khoáng sản trên địa bàn.
2. Cung cấp thông tin liên quan đến công tác quản lý vận tải, doanh nghiệp, phương tiện vận tải khoáng sản phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động vận tải khoáng sản.
VII. CÔNG AN TỈNH
1. Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, Cảnh sát giao thông phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động vận chuyển khoáng sản.
2. Điều tra và phối hợp xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản; khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép và trốn thuế theo quy định.
VIII. ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ
1. Thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, chỉ đạo các phòng, ban liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình thực tế hoạt động của các mỏ khoáng sản; phối hợp cùng các ngành liên quan và Cục Thuế tỉnh xem xét, xác định các yếu tố để tính thuế, ấn định thuế; chỉ đạo các phòng, ban liên quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và phối hợp đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế, thực hiện nghiêm pháp luật về thuế, phí.
2. Kịp thời báo cáo về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý giải quyết theo quy định.
3. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về khoáng sản, về quản lý thuế theo quy định.
B. CỤC THUẾ TỈNH
I. CHỦ TRÌ TRIỂN KHAI, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH THU HẰNG NĂM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý thu NSNN; chủ trì Đoàn kiểm tra, khảo sát về hoạt động khoáng sản phục vụ công tác quản lý thuế và chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực khoáng sản.
2. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thu thuế hằng năm, phương án ấn định thuế và phê duyệt quyết toán thu đối với hoạt động khoáng sản.
3. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khoáng sản, quản lý thuế đối với hoạt động khoáng sản.
4. Đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện kê khai và nộp thuế theo kế hoạch thu hằng năm; thực hiện các biện pháp xử lý nợ, cưỡng chế nợ thuế theo quy định, phối hợp và đề xuất xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng, đầy đủ về khai thuế, nộp thuế, kế hoạch thu thuế hằng năm.
5. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tính toán, xác định các yếu tố để tính thuế, ấn định thuế phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thu thuế, ấn định thuế, quyết toán thuế như: Sản lượng nguyên khai, sản lượng sản phẩm, giá tính thuế, tỷ lệ thuế ấn định, mức thuế, mức phí, thuế suất, doanh thu, tỷ lệ giá trị gia tăng, tỷ lệ lợi nhuận,…
II. LÀM ĐẦU MỐI CHỦ TRÌ, PHỐI HỢP VỚI CÁC SỞ NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG LIÊN QUAN TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN; THAM MƯU, CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VÀ XỬ LÝ CÁC VƯỚNG MẮC PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Chủ trì tham mưu, hướng dẫn các sở ngành, địa phương thực hiện Đề án. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Đề án.
2. Kiến nghị, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về bố trí lực lượng, các phương tiện cần thiết, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành phục vụ cho công tác kiểm tra, khảo sát, giám sát việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
3. Định kỳ hằng tháng, quý tổng hợp kết quả thu nộp NSNN của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo kế hoạch, những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong thực hiện kế hoạch thu thuế; phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương liên quan xử lý hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
C. NGƯỜI NỘP THUẾ
I. CHẤP HÀNH ĐÚNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN HOÁ ĐƠN CHỨNG TỪ, LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ CÁC LUẬT THUẾ, PHÍ
II. CHẤP HÀNH NGHIÊM LUẬT KHOÁNG SẢN, TUÂN THỦ ĐẦY ĐỦ CÁC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC
1. Thực hiện đầy đủ các quy định tại Điều 41, 42, 43 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về chế độ sổ sách, chứng từ, tài liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế làm căn cứ ấn định thuế, quyết toán thuế.
2. Kịp thời báo cáo, thông báo bằng văn bản cho các cơ quan có thẩm quyền khi bắt đầu xây dựng cơ bản và nghiệm thu xây dựng cơ bản, bắt đầu đi vào khai thác, thay đổi phương pháp, công nghệ làm tăng công suất khai thác, …
III. THỰC HIỆN ĐÚNG TIẾN ĐỘ KHAI THÁC THEO ĐỀ ÁN ĐÃ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT, KẾ HOẠCH KHAI THÁC VÀ NỘP NGÂN SÁCH HẰNG NĂM
1. Thực hiện đúng tiến độ thực hiện dự án, cam kết khai thác đúng giấy phép khai thác; chấp hành kế hoạch khai thác và nộp thuế, phí hằng năm theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
2. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết hạn kê khai và nộp thuế theo quy định thì phải có văn bản báo cáo giải trình và cung cấp thông tin liên quan khi cơ quan thuế yêu cầu.
3. Cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến hoạt động xây dựng cơ bản, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản và các hoạt động khác có phát sinh nghĩa vụ thuế cho cơ quan thuế để phục vụ công tác quản lý thuế.
D. XỬ LÝ VI PHẠM
I. XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Các hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và tổ chức, cá nhân khác có liên quan bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
2. Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, quản lý thuế bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
II. CÁC VI PHẠM KHÁC
Các trường hợp vi phạm các quy định khác của pháp luật trong hoạt động khoáng sản bị xử lý theo quy định hiện hành./.
QUYẾT ĐỊNH 1006/QĐ-UBND NĂM 2021 PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN | |||
Số, ký hiệu văn bản | 1006/QĐ-UBND | Ngày hiệu lực | 01/07/2021 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Thuế - phí - lệ phí Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | 29/06/2021 |
Cơ quan ban hành |
Bắc Kạn |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |