QUYẾT ĐỊNH 1121/QĐ-BGTVT NGÀY 22/08/2022 VỀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1121/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO BỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quy chế làm việc của Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định số 751/QĐ-BGTVT ngày 23/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng
1. Bộ trưởng là người đứng đầu, lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ công tác của Bộ; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT); thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất quản lý công tác GTVT trong phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo, điều hành những vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.
2. Bộ trưởng phân công các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, xử lý thường xuyên, toàn diện công việc trong các lĩnh vực, đơn vị, địa phương và dự án được phân công quản lý, phụ trách (ngoại trừ những công việc do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo).
3. Đối với một số lĩnh vực công tác, Bộ trưởng chủ trì chỉ đạo hoặc giao 01 Thứ trưởng chỉ đạo, tổng hợp chung; các Thứ trưởng khác có nhiệm vụ phối hợp trong phạm vi phụ trách của mình.
Một số lĩnh vực công tác mang tính chất đặc thù được phân công cho 01 Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo hoặc giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo, bao gồm:
– Tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức, viên chức;
– Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
– Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
– Thi đua, khen thưởng;
– Truyền thông, thông tin báo chí.
4. Việc phân công quản lý, theo dõi các dự án thực hiện theo nguyên tắc: Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, đơn vị nào sẽ quản lý, theo dõi các dự án trong lĩnh vực, đơn vị đó. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đường bộ quản lý, theo dõi các dự án duy tu, bảo trì đường bộ và các dự án khác thuộc lĩnh vực đường bộ; riêng các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường bộ, Bộ trưởng sẽ có quyết định cụ thể để phân công các Thứ trưởng quản lý, theo dõi theo khu vực phụ trách.
5. Đối với các công việc liên quan đến nhiệm vụ của nhiều Thứ trưởng, việc xác định Thứ trưởng chủ trì được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: (i) lĩnh vực hoặc đơn vị; (ii) chuyên môn hoặc địa phương. Trong khi thực thi nhiệm vụ, các Thứ trưởng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau, Thứ trưởng chủ trì giải quyết công việc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
6. Ngoài các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác cụ thể được phân công, các Thứ trưởng có trách nhiệm trao đổi, tìm hiểu, nắm bắt tình hình chung về các lĩnh vực khác của Bộ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng có thể giao Thứ trưởng giải quyết các công việc cụ thể ngoài lĩnh vực được phân công phụ trách.
7. Bộ trưởng và các Thứ trưởng duy trì các cuộc hội ý định kỳ hàng tuần, hội ý đột xuất để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý công việc.
8. Khi vắng mặt và nếu cần thiết, Bộ trưởng ủy quyền một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng lãnh đạo công tác của Bộ và giải quyết các công việc do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách.
9. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Thứ trưởng vắng mặt thì Bộ trưởng trực tiếp hoặc phân công Thứ trưởng khác xử lý công việc đã phân công cho Thứ trưởng.
10. Tùy theo yêu cầu thực tế, để bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ, Bộ trưởng sẽ xem xét, điều chỉnh việc phân công công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng quy định tại Điều 3 Quyết định này. Khi có sự điều chỉnh việc phân công, các Thứ trưởng có trách nhiệm bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nhau và báo cáo Bộ trưởng.
Điều 2. Trách nhiệm, quyền hạn của Thứ trưởng trong phạm vi nhiệm vụ được Bộ trưởng phân công
1. Trong phạm vi lĩnh vực được phân công, Thứ trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng và nhân danh Bộ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết công việc; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quản lý ngành liên quan đến lĩnh vực được phân công; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
4. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền được phân công và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; chủ động phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức, các hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được phân công.
Đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách, pháp luật, cơ chế, phương thức, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ đối với các lĩnh vực công tác được phân công.
5. Thứ trưởng không xử lý các vấn đề không được Bộ trưởng phân công và các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Thứ trưởng.
6. Thứ trưởng phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến Bộ trưởng trước khi quyết định những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm; những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau giữa Bộ GTVT với các Bộ, ngành, địa phương; những vấn đề do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo; những vấn đề mới phát sinh chưa có trong quy định.
7. Hàng năm, báo cáo Bộ trưởng và tập thể Lãnh đạo Bộ tình hình các cơ quan, đơn vị được phân công quản lý, đánh giá, nhận xét và kiến nghị các vấn đề cần giải quyết.
8. Tham gia các Ban chỉ đạo nhà nước, tổ chức phối hợp liên ngành liên quan đến các lĩnh vực phụ trách hoặc được Bộ trưởng phân công.
Điều 3. Phân công công tác cụ thể
1. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
a) Lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ theo quy định của pháp luật và được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.
b) Trực tiếp chỉ đạo:
– Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế đột phá, kế hoạch phát triển chung của ngành GTVT;
– Công tác tổ chức, cán bộ; kế hoạch – đầu tư; hợp tác quốc tế; thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; an toàn giao thông; thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
c) Chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ.
d) Kiêm các chức danh nêu tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
2. Thứ trưởng Lê Đình Thọ
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
– Quản lý nhà nước về GTVT đường bộ;
– Quản lý nhà nước về đăng kiểm phương tiện;
– Chỉ đạo xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông và các dự án đầu tư khác (cụ thể do Bộ trưởng phân công).
b) Chủ trì chỉ đạo, tổng hợp các công tác:
– Thể chế, chính sách chung về vận tải; kết nối các phương thức vận tải;
– Cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
– Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn;
– Giao thông tiếp cận;
– Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện, thiết bị GTVT;
– Công tác đăng kiểm, kiểm tra chất lượng và an toàn kỹ thuật phương tiện, thiết bị GTVT; công tác xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị GTVT;
– Phát triển dịch vụ logistics trong ngành GTVT.
– Theo dõi, tổng hợp và đánh giá chung về dự án đường Hồ Chí Minh;
– Phụ trách, theo dõi GTVT các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng1, thành phố Hà Nội và các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc2.
– Là đầu mối trong quan hệ, hợp tác với Lào.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác: An toàn giao thông và xử lý ùn tắc giao thông toàn ngành.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của: Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án 6.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hội Cơ khí GTVT Việt Nam, Hội An toàn giao thông.
e) Kiêm nhiệm các chức danh tại các tổ chức phối hợp liên ngành liên quan đến các lĩnh vực phụ trách hoặc được Bộ trưởng phân công (cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
3. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
– Quản lý nhà nước về GTVT hàng không;
– Công tác Y tế Giao thông vận tải;
– Chỉ đạo xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông và các dự án đầu tư khác (cụ thể do Bộ trưởng phân công).
b) Chủ trì chỉ đạo, tổng hợp các công tác:
– Theo dõi và chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện quy hoạch đường ven biển;
– Công tác quốc phòng và an ninh ngành GTVT;
– Bảo vệ môi trường; chính sách đất đai đối với GTVT;
– Phụ trách, theo dõi GTVT các tỉnh khu vực Đông Nam bộ3, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên4 và tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
– Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
– Phòng, chống tham nhũng;
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của cơ quan, đơn vị: Vụ Môi trường, Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Y tế Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 85, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, Hội Môi trường GTVT Việt Nam.
e) Kiêm nhiệm các chức danh tại các tổ chức phối hợp liên ngành liên quan đến các lĩnh vực phụ trách hoặc được Bộ trưởng phân công (cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
4. Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
– Chỉ đạo chung về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng;
– Đầu mối tổng hợp chung Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông và các dự án đầu tư khác (cụ thể do Bộ trưởng phân công).
b) Chủ trì chỉ đạo, tổng hợp các công tác:
– Tài chính – kế toán; dự toán và quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước;
– Cơ chế, chính sách chung về các dự án PPP; chỉ đạo xây dựng cơ chế đột phá huy động nguồn vốn và triển khai thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;
– Cơ chế, chính sách chung về giao thông địa phương, giao thông nông thôn – miền núi;
– Xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức trong xây dựng cơ bản;
– Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
– Là đầu mối trong quan hệ, hợp tác với Campuchia;
– Phụ trách, theo dõi GTVT các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long5.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
– Công tác đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
– Quản lý về đấu thầu; giám sát, đánh giá đầu tư;
– Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề án; phổ biến, giáo dục pháp luật; giám định tư pháp;
– Công tác giải quyết chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của cơ quan, đơn vị: Vụ Tài chính, Vụ Đối tác công – tư, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận; các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.
e) Kiêm nhiệm các chức danh tại các tổ chức phối hợp liên ngành liên quan đến các lĩnh vực phụ trách hoặc được Bộ trưởng phân công (cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
5. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
– Quản lý nhà nước về GTVT đường thủy nội địa;
– Quản lý nhà nước về GTVT hàng hải.
b) Chủ trì chỉ đạo, tổng hợp các công tác:
– Tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần;
– Kinh tế tập thể và hợp tác xã ngành GTVT; hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh;
– Các công tác khác liên quan đến giải quyết sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các vấn đề khác liên quan đến quản lý doanh nghiệp.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
– Xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm;
– Công tác tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức, viên chức;
– Chính sách xã hội, chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chính sách, chế độ thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, thanh niên xung phong;
– Quan hệ và phối hợp công tác với Công đoàn GTVT; chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên chức và người lao động;
– An toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy nổ.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của cơ quan, đơn vị: Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban Quản lý các dự án đường thủy, Ban Quản lý dự án hàng hải, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng, các doanh nghiệp cổ phần hóa khác.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hội Vận tải thủy nội địa, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp Hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Hội Người đi biển Việt Nam, Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việt Nam, Hiệp hội Hoa tiêu Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
e) Kiêm nhiệm các chức danh tại các tổ chức phối hợp liên ngành liên quan đến các lĩnh vực phụ trách hoặc được Bộ trưởng phân công (cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
6. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
– Quản lý nhà nước về GTVT đường sắt;
– Hoạt động của cơ quan Bộ;
– Truyền thông, thông tin báo chí;
– Chỉ đạo xây dựng các Dự án Đường sắt; Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông và các dự án đầu tư khác (cụ thể do Bộ trưởng phân công).
b) Chủ trì chỉ đạo, tổng hợp các công tác:
– Xây dựng cơ bản;
– Cải cách hành chính;
– Công nghệ thông tin;
– Công tác khoa học – công nghệ;
– Công tác thông tin, báo chí và xuất bản;
– Là đầu mối trong quan hệ với JICA, ADB, WB.
– Là đầu mối trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc, Hàn Quốc (EDCF, KOICA);
– Là đầu mối trong quan hệ hợp tác ASEAN và các đối tác khác.
– Phụ trách, theo dõi GTVT các tỉnh khu vực Bắc trung Bộ, Duyên hải miền Trung6.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
– Hợp tác quốc tế;
– Kế hoạch vốn đầu tư phát triển;
– Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT hàng năm và dài hạn;
– Công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở;
– Thi đua, khen thưởng, kỷ luật;
– Theo dõi chung về các dự án ODA;
– Theo dõi chung về hợp tác với Nhật Bản.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Vụ Khoa học – Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Đường sắt Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Viện chiến lược và phát triển GTVT, Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Giao thông, Tạp chí GTVT, Nhà xuất bản giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án đường sắt, Ban Quản lý dự án Thăng Long.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hội Khoa học và Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Hội Kỹ thuật và Vận tải đường sắt Việt Nam, Hội Trượt đất GTVT Việt Nam.
e) Kiêm nhiệm các chức danh tại các tổ chức phối hợp liên ngành liên quan đến các lĩnh vực phụ trách hoặc được Bộ trưởng phân công (cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 1580/QĐ-BGTVT ngày 26/8/2021, Quyết định số 1745/QĐ-BGTVT ngày 01/10/2021, Quyết định số 1030/QĐ-BGTVT ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phân công nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Vụ Đối tác công – tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Bộ trưởng ban hành Quyết định phân công Thứ trưởng quản lý, theo dõi dự án theo nguyên tắc nêu tại khoản 4 Điều 1 Quyết định này và thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các dự án để điều chỉnh cho phù hợp.
2. Các đồng chí Thứ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc các Sở GTVT chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG Nguyễn Văn Thể |
1 Gồm các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
2 Gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh.
3 Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
4 Bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
5 Bao gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
6 Bao gồm các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
QUYẾT ĐỊNH 1121/QĐ-BGTVT NGÀY 22/08/2022 VỀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | |||
Số, ký hiệu văn bản | 1121/QĐ-BGTVT | Ngày hiệu lực | 22/08/2022 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Bộ máy hành chính Giao thông - vận tải |
Ngày ban hành | 22/08/2022 |
Cơ quan ban hành |
Cơ quan tỉnh |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |