QUYẾT ĐỊNH 1191/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VÀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ, HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 05/08/2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 1191/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VÀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ, HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tới các nước có chung đường biên giới, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Mục tiêu cụ thể như sau:

Giai đoạn 2020 – 2025:

1. Các Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện biện giới, các đồn Biên phòng, được cung cấp (qua cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại) các tài liệu chính thống, định hướng bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc nhằm phục vụ công tác thông tin đối ngoại.

2. Các lực lượng thông tin đối ngoại khu vực biên giới và các đồn Biên phòng được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại.

3. 100% đồn Biên phòng; 50% các xã, huyện biên giới; 100% cửa khẩu quốc tế; 50% cửa khẩu nội địa, lối mở biên giới, được đầu tư trang thiết bị để khai thác cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại.

Giai đoạn 2025 – 2030:

100% các xã, huyện biên giới; 100% cửa khẩu nội địa, lối mở biên giới được đầu tư trang thiết bị để khai thác cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Sản xuất nội dung phục vụ công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại:

– Xây dựng và sản xuất các bản tin, video clip, thư viện điện tử… bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc với các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thành tựu của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt…;

– Số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại để cung cấp đến các Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới, các đồn Biên phòng.

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới:

– Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo hoạt động thông tin đối ngoại trên phạm vi cả nước và khu vực biên giới;

– Lưu trữ và cung cấp dữ liệu thông tin đến các Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới, các đồn Biên phòng.

3. Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới:

– Xây dựng chương trình, biên soạn, in, phái hành tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền cho các cán bộ thông tin đối ngoại khu vực biên giới;

– Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tìm hiểu thực tế phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức quốc gia và trách nhiệm bảo vệ biên giới Tổ quốc.

4. Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho các đồn Biên phòng trên toàn tuyến biên giới, phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới:

– Đầu tư mới cho các đồn Biên phòng chưa có hạ tầng thiết bị, phương tiện;

– Đầu tư bổ sung đối với các đồn Biên phòng đã được trang bị thiết bị, phương tiện, đảm bảo phục vụ công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

(Các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo các đề án, chương trình, nhiệm vụ đã được phê duyệt; không bố trí kinh phí tại Đề án này).

5. Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không, cửa khẩu nội địa, lối mở các tỉnh biên giới để khai thác cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại.

(Các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo các đề án, chương trình, nhiệm vụ đã được phê duyệt; không bố trí kinh phí tại Đề án này).

6. Lồng ghép thông tin đối ngoại với các hoạt động giao lưu xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, nét văn hóa đặc sắc của các tỉnh biên giới góp phần quảng bá hình ảnh đất nước:

– Tổ chức các chương trình, sự kiện lồng ghép thông tin đối ngoại với các hoạt động giao lưu, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa của các tỉnh biên giới với các tỉnh bạn có chung đường biên giới nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các quốc gia láng giềng; giới thiệu, quảng bá những thành tựu của đất nước đến nhân dân các nước láng giềng, tăng cường hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới;

– Tổ chức các hình thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại nhân các dịp kỷ niệm, các sự kiện quan trọng giữa Việt Nam với các quốc gia có chung đường biên giới;

– Tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước láng giềng; giao lưu với lực lượng bảo vệ biên giới các nước có chung đường biên giới.

7. Đưa các nội dung thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại với định dạng phù hợp (tin nhắn, thư thoại bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc…) đến các thuê bao viễn thông di động tại các tuyến biên giới.

III. KINH PHÍ

1. Từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân, sách nhà nước.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định này, lập dự toán kinh phí thực hiện tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Huy động từ các nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các nguồn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

– Tổ chức triển khai thực hiện và hướng dẫn các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Quyết định này;

– Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng nội dung cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại, thẩm định, cung cấp tài liệu cho các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại tại cơ sở;

– Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.

2. Bộ Quốc phòng

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm 4, điểm 6 mục II của Quyết định này.

3. Bộ Tài chính

Bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm cho việc triển khai thực hiện Quyết định này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Quyết định này theo chức năng nhiệm vụ được giao.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí

Tăng cường tổ chức sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, bản tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước, chủ quyền lãnh thổ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt… bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan báo chí chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHQT, PL, QHĐP, NC;
– Lưu: VT, KGVX(2)

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc

 

QUYẾT ĐỊNH 1191/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CÔNG TÁC THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VÀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ, HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 1191/QĐ-TTG Ngày hiệu lực 05/08/2020
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Công nghệ thông tin
Bộ máy hành chính
Ngày ban hành 05/08/2020
Cơ quan ban hành Thủ tướng chính phủ
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản