QUYẾT ĐỊNH 1412/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1412/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch ngày 22 tháng 12 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, vùng quy hoạch, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại Tờ trình số 126/TTr-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2020 về việc đề nghị phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 3011/BC-HĐTĐ ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Hội đồng thẩm định lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Báo cáo số 246/BC-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về tiếp thu, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung như sau:
I. TÊN, PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Tên Quy hoạch: Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi quy hoạch:
a) Phần lãnh thổ đất liền: Toàn bộ diện tích của thành phố Hải Phòng là 1.561,76 km2 (theo Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 11 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ranh giới tọa độ địa lý từ 20o30’39” đến 21o01’15” vĩ độ Bắc và từ 106o23’39” đến 107o08’39” kinh độ Đông. Huyện đảo Bạch Long Vỹ nằm giữa Vịnh Bắc Bộ, có toạ độ từ 20o07’35” đến 20o08’36” Vĩ độ Bắc và từ 107o42’20” đến 107o44’15” Kinh độ Đông.
Ranh giới hành chính của thành phố Hải Phòng gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 quận (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 8 huyện (An Dương, An Lão , Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo); phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.
b) Phần không gian biển: Được xác định trên cơ sở: Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13; Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” và các văn bản liên quan.
3. Thời kỳ Quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC LẬP QUY HOẠCH
1. Quan điểm lập quy hoạch:
a) Cụ thể hóa và phù hợp với các nội dung định hướng Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 – 2030, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của cả nước, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia;
b) Đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của thành phố Hải Phòng, không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước;
c) Quy hoạch thành phố Hải Phòng phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các ngành, các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố Hải Phòng; phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện;
d) Đánh giá đầy đủ vị trí địa kinh tế – chính trị của thành phố; các tác động về các điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của thành phố; các cơ hội liên kết giữa thành phố Hải Phòng với vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực; khả năng khai thác hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ; khả năng khai thác các cơ hội phát triển trong thời đại mới;
đ) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu;
e) Đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu trong giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030 và tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050;
g) Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch, giúp cho quá trình hỗ trợ ra quyết định trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
2. Nguyên tắc lập quy hoạch:
a) Đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như các văn bản pháp luật quốc tế có liên quan về biển, đảo, các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia;
b) Đảm bảo sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Hiện nay các quy hoạch cấp trên và quy hoạch tỉnh được triển khai thực hiện song song, do đó yêu cầu việc lập quy hoạch thành phố phải chủ động phối hợp, cập nhật thông tin đảm bảo tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
c) Đảm bảo tính bền vững trong lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050;
d) Đảm bảo tính liên tục của quy hoạch thời kỳ trước, tính kế thừa khi xây dựng quy hoạch của thời kỳ sau. Nội dung quy hoạch sẽ chọn lọc, kế thừa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước (trong đó có cụ thể hóa nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030) cũng như các quy hoạch cấp quốc gia trước đó;
đ) Đảm bảo tính khoa học, dự báo, khả thi, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực thực hiện của thành phố thời kỳ 2021 – 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai;
e) Đảm bảo tính thị trường trong việc huy động và sử dụng có hiệu quả các yếu tố, nguồn lực, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của thành phố cũng như trong xây dựng định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố; đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực;
g) Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới;
h) Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch; phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.
III. MỤC TIÊU LẬP QUY HOẠCH
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Quy hoạch nhằm đánh giá thực trạng kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng thời kỳ 2011 – 2020, dự báo và đề xuất các phương án phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định được các quan điểm, mục tiêu, khâu đột phá phát triển và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của thành phố, đảm bảo phát triển bền vững dài hạn trên cả 3 trụ cột là kinh tế – xã hội – môi trường;
b) Quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của thành phố Hải Phòng sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công trên địa bàn thành phố Hải Phòng, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch thành phố nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững;
c) Quy hoạch thành phố đưa ra được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế – xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu… và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn thành phố cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài;
d) Quy hoạch thành phố đưa ra được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong thành phố và vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ;
đ) Quy hoạch thành phố đưa ra được danh mục và thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, cũng như giải pháp huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch theo các kịch bản phát triển;
e) Quy hoạch thành phố đưa ra được các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp (về cơ chế, chính sách, huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội…) tính khả thi; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở sự phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế – xã hội – môi trường;
g) Việc lập quy hoạch thành phố xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất trong thành phố đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển thành phố, vùng và quốc gia;
h) Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc cũng như kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của thành phố Hải Phòng.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đến năm 2025: Thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía bắc sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
b) Đến năm 2030: Trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quân. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh.
c) Tầm nhìn đến năm 2050: Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
IV. NỘI DUNG LẬP QUY HOẠCH
Các nội dung chính của quy hoạch thành phố Hải Phòng phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ. Cụ thể gồm các nội dung sau:
1. Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của thành phố;
2. Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, thực trạng sử dụng đất, thực trạng hệ thống đô thị và nông thôn;
3. Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển thành phố;
4. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn thành phố;
5. Lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội;
6. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng;
7. Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;
8. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
9. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố;
10. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn thành phố;
11. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
12. Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố;
13. Xây dựng danh mục dự án của thành phố và thứ tự ưu tiên thực hiện;
14. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;
15. Các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch;
16. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
V. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH:
Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại. Các phương pháp cơ bản sau được sử dụng trong quá trình lập Quy hoạch:
1. Phương pháp điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, phân loại, thống kê, xử lý thông tin;
2. Phương pháp dự báo, xây dựng phương án phát triển;
3. Phương pháp tích hợp quy hoạch;
4. Phương pháp thông tin địa lý, bản đồ (GIS);
5. Phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp so sánh, tổng hợp;
6. Phương pháp chuyên gia, hội nghị, hội thảo;
7. Các phương pháp khác phù hợp với quy trình kỹ thuật lập quy hoạch thành phố Hải Phòng.
VI. THÀNH PHẦN, CHI PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH
1. Thành phần hồ sơ
a) Phần văn bản:
– Tờ trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch;
– Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch;
– Báo cáo thuyết minh quy hoạch, báo cáo tóm tắt kèm theo các sơ đồ, bản đồ thu nhỏ;
– Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;
– Các phụ lục và văn bản pháp lý liên quan;
– Các báo cáo nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch thành phố.
b) Hệ thống bản đồ và sơ đồ
Danh mục và tỷ lệ bản đồ Quy hoạch tỉnh quy định tại mục IX Phụ lục I Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, gồm:
– Bản đồ in tỷ lệ 1:250.000 – 1:1.000.000: Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của thành phố Hải Phòng.
– Bản đồ số và bản đồ in tỷ lệ 1:25.000 – 1:100.000
+ Các bản đồ về hiện trạng phát triển.
+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng.
+ Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn.
+ Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng.
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội.
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
+ Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất.
+ Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên.
+ Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
+ Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.
+ Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện.
+ Bản đồ chuyên đề (nếu có).
– Bản đồ số và bản đồ in tỷ 1ệ 1:10.000 – 1:25.000: Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển khu vực trọng điểm của thành phố (nếu có).
c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch (đĩa CD).
2. Chi phí lập quy hoạch: Thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Tiến độ lập Quy hoạch: Không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch và phù hợp quy định của pháp luật liên quan.
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện lập Quy hoạch.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng |
QUYẾT ĐỊNH 1412/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 1412/QĐ-TTg | Ngày hiệu lực | 15/09/2020 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Xây dựng Phát triển đô thị |
Ngày ban hành | 15/09/2020 |
Cơ quan ban hành |
Thủ tướng chính phủ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |