QUYẾT ĐỊNH 1606/QĐ-UBND NĂM 2022 VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 13/05/2022

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 1606/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 534/QĐ-BLĐTBXH ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 6526/TTr-SLĐTBXH-GDNN ngày 24 tháng 02 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ LĐ-TB&XH;
– Tổng cục GDNN;
– TTUB: CT, PCT;
– Sở LĐ-TB&XH (03b);
– VPUB: PCVP/VX;
– Lưu: VT, (VX/Th2).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Dương Anh Đức

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1606/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. MỤC TIÊU

– Tạo động lực chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, chất lượng và hiệu quả đào tạo; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố.

– Xây dựng và quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố, đa dạng về loại hình đào tạo và trình độ đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

– Xây dựng các giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.

– Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

– Nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố

1.1. Các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố đến năm 2025

a) Lĩnh vực Công nghệ thông tin: Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật (IoT); Dữ liệu lớn (Big Data); Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; Quản trị mạng; An ninh mạng; Điện toán đám mây; Thiết kế đồ họa; Công nghệ Web.

b) Lĩnh vực Cơ khí – Ô tô: Kỹ thuật gia công CNC (Tiện, Phay); Kỹ thuật khuôn mẫu; Kỹ thuật In 3D; Kỹ thuật thiết kế công nghiệp; Cơ khí công nghiệp; Kỹ thuật Hàn; Công nghệ Ô tô; Công nghệ Ô tô điện; Công nghệ Ô tô tự hành.

c) Lĩnh vực Tự động hóa: Kỹ thuật tay máy – người máy; Công nghệ robot; Robot di động; Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động; Tự động hóa công nghiệp.

d) Lĩnh vực Cơ điện tử: Kỹ thuật điện từ; Kỹ thuật Cơ điện tử; Điện tử công nghiệp.

đ) Lĩnh vực Điện – Điện tử: Kỹ thuật điện công nghiệp – dân dụng; Kỹ thuật lắp đặt điện; Điều khiển công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

e) Lĩnh vực Logistics: Quản lý kho cảng hàng không; Quản lý kho cảng biển; Quản lý kho lạnh; Khai thác vận tải đường bộ; Khai thác vận tải đường không; Khai thác vận tải đường biển; Vận hành thiết bị xếp dỡ hàng hóa hàng hải; xếp dỡ cơ giới tổng hợp; Chuỗi Logistics.

g) Lĩnh vực Du lịch: Điều hành tour du lịch; Quản trị khu Resort; Du lịch sinh thái; Quản trị lữ hành; Quảng bá hình ảnh; Hướng dẫn du lịch.

h) Lĩnh vực Xây dựng: Quản lý tòa nhà; Quản lý xây dựng; Công nghệ kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật kiến trúc; Công nghệ và giải pháp thi công.

i) Lĩnh vực Công nghệ môi trường: Bảo vệ môi trường công nghiệp; Xử lý nước thải; Năng lượng tái tạo; Bảo trì hệ thống hạ tầng đô thị.

1.2. Giải pháp thực hiện

a) Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo

– Tổ chức các đoàn công tác đi làm việc, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước để trao đổi, thảo luận về việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng theo nhu cầu chuyển đổi công nghệ sản xuất của các đơn vị.

– Tổ chức các đoàn công tác đi làm việc, đàm phán tại các cơ sở giáo dục nước ngoài để chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến thuộc các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố đến năm 2025, cụ thể: Nhật Bản (lĩnh vực Cơ khí, Tự động hóa, Cơ điện tử); Hàn Quốc (lĩnh vực Ô tô, Điện – Điện tử); Singapore (lĩnh vực Công nghệ thông tin, Logistics, Du lịch, Công nghệ môi trường); Úc (lĩnh vực Logistics, Du lịch, Xây dựng). Trên cơ sở đàm phán với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài, tổ chức thực hiện chuyển giao 09 chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước.

– Số lượng tham gia: 15 người/đoàn công tác.

– Đối tượng tham gia: Cán bộ lãnh đạo phụ trách giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đơn vị phối hợp: Sở Ngoại vụ.

b) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo

(b1) Tổ chức các lớp cập nhật nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước và đội ngũ viên chức, giảng viên giáo dục nghề nghiệp.

– Số lượng: 60 trường hợp/năm.

– Đối tượng tham gia: Cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước và đội ngũ viên chức, giảng viên giáo dục nghề nghiệp.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

(b2) Tổ chức 02 năm/lần Lễ tuyên dương nhà giáo giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Tuyển chọn, tôn vinh những nhà giáo, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp Thành phố.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

c) Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

(c1) Tổ chức đoàn công tác khảo sát tại nước ngoài về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật.

– Số lượng tham gia: 15 người/đoàn công tác.

– Đối tượng tham gia: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; cán bộ lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đơn vị phối hợp: Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

(c2) Tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

– Tổ chức cho 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố hoàn thành công tác kiểm định chất lượng. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục hoàn thành công tác kiểm định chất lượng. Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, có ít nhất 30% chương trình đào tạo các nghề thuộc các lĩnh vực trọng điểm được kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Số lượng thực hiện: 54 đơn vị, trong đó: 26 đơn vị công lập (13 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp); 28 đơn vị tư thục (18 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp).

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

(c3) Tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo theo các chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN

– Tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo theo các chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cho ít nhất 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục thực hiện.

– Số lượng thực hiện: 03 đơn vị

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội và thị trường lao động

2.1. Công tác đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố.

2.2. Triển khai công tác “đào tạo song hành” giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

– Thí điểm tổ chức liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ở các nội dung: chương trình, giáo trình đào tạo, thời gian thực hành tại doanh nghiệp, vật tư tiêu hao với tiêu chí đào tạo 50% thời lượng lý thuyết và thực hành cơ bản tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 50% thời lượng thực hành chuyên sâu tại các doanh nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục vận hành mô hình này trong việc đào tạo tại đơn vị.

– Đối tượng tham gia: Chọn 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 02 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đơn vị phối hợp thực hiện: Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố.

2.3. Triển khai các khóa đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng: người học là phụ nữ trong độ tuổi, lao động nông thôn, người khuyết tật đủ điều kiện tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

– Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

2.4. Tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đơn vị phối hợp thực hiện: Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

3. Công tác truyền thông trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

3.1. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giáo dục nghề nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao hàng năm

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3.2. Tổ chức Tọa đàm, Hội thảo khoa học (quy mô trong nước và quốc tế) nhằm trao đổi, thảo luận và đề ra các giải pháp hữu hiệu làm cơ sở điều chỉnh Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình thực tiễn

– Số lượng: 08 tọa đàm, hội thảo.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3.3. Tổ chức ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp để tạo cơ hội quảng bá hình ảnh hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố

– Số lượng: 01 ngày hội/năm.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3.4. Tổ chức Lễ tuyên dương người lao động, sinh viên học sinh tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

– Thời điểm thực hiện: Năm 2023 và năm 2025.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

4. Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

4.1. Tạo lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đối với tất cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố (Thông tin cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Thông tin về đội ngũ cán bộ quản lý – nhà giáo cơ hữu; Thông tin về chương trình, giáo trình đào tạo; Thông tin về văn bằng – chứng chỉ đã cấp cho người học; Thông tin về kiểm định chất lượng; Thông tin về liên kết đào tạo quốc tế).

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.

4.2. Tổ chức hình thức đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên nền tảng của công nghệ thông tin (Internet vạn vật, dữ liệu lớn), đa dạng hóa các hình thức học tập, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho người học.

– Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Thông tin – Truyền thông.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

– Hàng năm, xây dựng kế hoạch chi tiết và dự toán kinh phí cụ thể cho từng nội dung được phân công chủ trì thực hiện tại Mục II của Chương trình này.

– Phối hợp với các sở, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện có hiệu quả và thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình này.

– Lựa chọn đối tượng phù hợp để tham gia các chương trình bồi dưỡng trong và ngoài nước. Tổ chức nhân rộng các kiến thức đã được đào tạo ở nước ngoài đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn Thành phố.

– Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình này.

2. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chương trình này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí dự toán kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình này theo quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

– Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính bố trí ngân sách Thành phố cho các dự án đầu tư công của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên cơ sở khả năng cân đối nguồn ngân sách Thành phố.

– Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về hồ sơ thủ tục đăng ký tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố để phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học.

5. Sở Ngoại vụ

Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức làm việc với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại nước ngoài theo các nội dung của Chương trình.

6. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố

Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai đến các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý tổ chức đăng ký nhu cầu đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho đội ngũ người lao động; gắn kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai mô hình “đào tạo song hành”.

7. Các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức

– Căn cứ các nội dung của Chương trình, phân công các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan chủ trì thực hiện hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu của Chương trình.

– Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện (06 tháng/lần) cho cơ quan thường trực là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế của Thành phố và đề xuất của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ điều chỉnh nội dung thực hiện và phân công phù hợp./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

QUYẾT ĐỊNH 1606/QĐ-UBND NĂM 2022 VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025
Số, ký hiệu văn bản 1606/QĐ-UBND Ngày hiệu lực 13/05/2022
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Lao động - tiền lương
Ngày ban hành 13/05/2022
Cơ quan ban hành TP HCM
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản