QUYẾT ĐỊNH 19/2020/QĐ-UBND QUY ĐỊNH VỀ GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 10/09/2020

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 19/2020/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 19 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;

Căn cứ Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho ban quản lý chợ, doanh nghiêp kinh doanh khai thác và quản lý chợ;

Căn cứ Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày ngày 17 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1109/TTr-SCT ngày 9 tháng 7 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2017 của UBND tỉnh về việc quy định tạm thời giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2020./.

 

 

Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– VPCP;
– Bộ TC, CT;
– Cục KTVB (Bộ Tư pháp);
– TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
– Đoàn Đâị biểu Quốc hội tỉnh;
– Uỷ ban MTTQVN tỉnh;
– CT, các PCT UBND tỉnh;
– LĐVP, các phòng;
– Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

Trần Tuệ Hiền

 

QUY ĐỊNH

GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19 /2020/QĐ-UBND ngày19 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng quy định này là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý kinh doanh, khai thác sử dụng mặt bằng, diện tích bán hàng, dịch vụ tại chợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ sử dụng trong Quy định này được hiểu như sau:

1. Tính chất điểm kinh doanh

a) Điểm kinh doanh cố định: bao gồm các quầy hàng, sạp hàng, ki – ốt được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, được tiểu thương ký hợp đồng kinh doanh với Ban quản lý hoặc Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý chợ.

b) Điểm kinh doanh không cố định: là điểm kinh doanh tiểu thương không ký hợp đồng kinh doanh với Ban quản lý hoặc Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý chợ. Thực hiện việc mua bán tại khu vực sân chợ, ngoài trời hoặc tại khu vực không phân chia cụ thể cho một tiểu thương nào.

2. Hệ số lợi thế thương mại (hệ số k)

Hệ số lợi thế thương mại (hệ số k): Là hệ số được áp dụng đối với điểm kinh doanh có vị trí kinh doanh thuận tiện, lợi thế cao sẽ chịu mức thu cao hơn.

a) Vị trí 01 (k = 2): Là các điểm kinh doanh có một mặt tiền hướng ra đường chính và một mặt tiền đường nội bộ bên trong nhà lồng thuận lợi cho việc buôn bán.

b) Vị trí 02 (k = 1,5): Là các điểm kinh doanh có một mặt tiền hướng ra đường chính bên ngoài nhà lồng chợ.

c) Vị trí 03 (k = 1,3): Là các điểm kinh doanh có hai mặt tiền đường nội bộ bên trong nhà lồng chợ.

d) Vị trí 04 (k = 1): Là các điểm kinh doanh còn lại trong chợ.

3. Khu vực đô thị và nông thôn

a) Khu vực đô thị:

– Khu vực đô thị loại III: Bao gồm các phường thuộc thành phố Đồng Xoài.

– Khu vực đô thị loại IV: Bao gồm các phường thuộc thị xã Phước Long, và Bình Long.

– Khu vực đô thị loại V: Bao gồm các thị trấn thuộc huyện: Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng, Đồng Phú.

b) Khu vực nông thôn: Bao gồm các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố.

4. Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được cấu thành bởi hai khoản chi phí: Giá các khoản chi phí đầu tư xây dựng chợ (giá thuê mặt bằng) và giá các khoản chi phí phục vụ công tác quản lý chợ.

a) Giá các khoản chi phí đầu tư xây dựng chợ (giá thuê mặt bằng): Là chi phí tiền thuê đất khi giao đất và chi phí đầu tư hạ tầng chợ bao gồm: Xây dựng nhà lồng chợ, đường, hệ thống cấp nước thoát nước, hệ thống điện, trạm xử lý nước thải, xây dựng sạp hàng, quầy hàng, ki-ốt, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.

b) Giá các khoản chi phí phục vụ công tác quản lý chợ bao gồm: Là các khoản chi phí để bù đắp cho công tác quản lý, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ, sửa chữa nhỏ; an ninh trật tự; các chi phí như: Điện, nước, vệ sinh môi trường, bảo trì, mua sắm, mua bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước.

5. Các khoản thu sử dụng diện tích bán hàng tại chợ: là khoản thu để bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và phục vụ công tác quản lý chợ .

6. Đồng tiền thu: Việt Nam đồng (VNĐ), được làm tròn đến đơn vị hàng trăm (từ 5 trở lên làm tròn là 1, dưới 5 trở xuống làm tròn là 0).

Điều 3. Đơn vị thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

Ban Quản lý, Doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ: thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc trúng thầu về kinh doanh, khai thác và quản lý hoặc thực hiện đầu tư xây dựng chợ, sau đó tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

Điều 4. Hình thức đầu tư xây dựng chợ

1. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Là chợ có tỷ lệ vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 50% trở lên.

2. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Là chợ có tỷ lệ vốn đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm trên 50%.

Chương II

GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ

Điều 5. Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

1. Đối với điểm kinh doanh cố định:

Tất cả mức giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí vệ sinh môi trường, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ, an ninh trật tự, bảo trì, mua sắm thiết bị phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, các chi phí: điện, nước (sử dụng cho mục đích hoạt động chung của chợ); không bao gồm tiền điện, nước của tiểu thương được tính riêng theo đồng hồ; cụ thể như sau:

a) Khu vực đô thị loại III: 110.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

b) Khu vực đô thị loại IV: 80.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

c) Khu vực đô thị loại V: 60.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

d) Khu vực nông thôn: 20.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

2. Đối với điểm kinh doanh không cố định

a) Đô thị loại III: 10.000 đồng/ngày

b) Đô thị loại IV: 8.000 đồng/ngày

c) Đô thị loại V: 6.000 đồng/ngày

d) Khu vực nông thôn: 5.000 đồng/ngày

Điều 6. Giá tối đa sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước

Chủ đầu tư căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ để xây dựng mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ và gửi Quyết định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho Sở Công Thương, Sở Tài chính, UBND huyện, thị xã, thành phố nơi đầu tư xây dựng chợ. Mức giá tối đa sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước không quá 1,5 lần mức giá quy định tại Điều 6, Quy định này.

Chương III

THỰC HIỆN THU TIỀN SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ

Điều 7. Thực hiện thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

1. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

a) Ban quản lý chợ thực hiện việc quản lý thu giá và sử dụng các khoản thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ và các khoản thu khác theo quy định tại Quy định này và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

b) Đối với các chợ được đầu tư có nguồn vốn góp của các hộ kinh doanh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tỷ lệ đóng góp cụ thể của hộ kinh doanh để thu giá dịch vụ sử dụng diện tích ban hàng theo tỷ lệ đóng góp tương ứng.

c) Đối với chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng, sau đó chuyển giao quản lý và kinh doanh khai thác chợ bằng hình thức đấu thầu thì đơn vị nhận chuyển giao hoặc đơn vị trúng thầu sẽ thực hiện thu. Thời gian và số tiền nộp vào ngân sách nhà nước cùng cấp được thực hiện theo hợp đồng giao nhận thầu chợ; đồng thời có trách nhiệm kê khai thuế theo quy định hiện hành.

2. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước

Đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ thực hiện thu và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Quản lý và sử dụng nguồn thu

a) Số tiền thu được là doanh thu của đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ. Tổ chức cung cấp dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.

b) Việc thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ phải có biên lai, hóa đơn thu theo quy định. Thời gian thu căn cứ theo hợp đồng thuê dịch vụ giữa hộ kinh doanh với đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

c) Đơn vị thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ phải mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ảnh việc thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu theo đúng quy định. Hàng năm, đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền thu được cùng với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan

1. Sở Công thương chịu trách triển khai thực hiện quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh; theo dõi, tổng hợp báo cáo, đề xuất của địa phương, đơn vị về điều chỉnh phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, cùng vớ Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh. Đồng thời chủ trì cùng với Sở Tài chính kiểm tra, giám sát, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện giá dịch vụ diện tích bán hàng tại chợ.

2. Sở Tài chính chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, giám sát, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện giá dịch vụ diện tích bán hàng tại chợ.

3. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo các Chi cục Thuế hướng dẫn đơn vị thu dịch vụ quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ có liên quan đến việc thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ theo quy định. Đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban liên quan kiểm tra kế hoạch thu, chi của các đơn vị thu tiền sử dụng dịch vụ diện tích ban hàng tại chợ theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 9. Điều khoản thi hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp gửi về Sở Công Thương và Sở Tài chính thẩm định, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

QUYẾT ĐỊNH 19/2020/QĐ-UBND QUY ĐỊNH VỀ GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Số, ký hiệu văn bản 19/2020/QĐ-UBND Ngày hiệu lực 10/09/2020
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Thương mại
Tài chính công
Ngày ban hành 19/08/2020
Cơ quan ban hành Bình Phước
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản