QUYẾT ĐỊNH 2379/QĐ-BTP NĂM 2019 VỀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP (28/8/1945 – 28/8/2020) VÀ ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC NGÀNH TƯ PHÁP LẦN THỨ V DO BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 16/09/2019

BỘ TƯ PHÁP
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 2379/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP (28/8/1945 – 28/8/2020) VÀ ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC NGÀNH TƯ PHÁP LẦN THỨ V

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp (28/8/1945 – 28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị khác thuộc Bộ; Thủ trưởng tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ; Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng cụm thi đua, Trưởng khu vực thi đua chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
– Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (để báo cáo);
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (để phối hợp)
– Bộ Nội vụ; (để phối hợp)
– Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; (để phối hợp)
– Văn phòng Chính phủ; (để phối hợp)
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; (để phối hợp)
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các Thứ trưởng (để chỉ đạo thực hiện);
– Cục CNTT (để đăng Cổng thông tin điện tử);
– Lưu: VT, VP (TT).

BỘ TRƯỞNG

Lê Thành Long

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM (28/8/1945 – 28/8/2020) VÀ ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC NGÀNH TƯ PHÁP LẦN THỨ V
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2379/QĐ-BTP ngày 16/9/2019 ca Bộ trưng B Tư pháp)

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích:

1. Tuyên truyền, giáo dục về truyền thống và những đóng góp của Ngành Tư pháp Việt Nam trong 75 năm xây dựng, trưởng thành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong giai đoạn 05 năm kể từ sau Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV. Thông qua các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam nâng cao nhận thức, niềm tin, tinh thần phấn khởi, tự hào về Ngành; tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành nhằm phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

2. Tổng kết thực tiễn phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng trong toàn Ngành từ năm 2015 đến nay; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp; đúc kết kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp tổ chức, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, thiết thực hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Thi đua lập thành tích chào mừng những sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước trong năm 2020 như: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Đại hội Đảng các cấp…

II. Yêu cầu:

1. Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V với trọng tâm là các hoạt động được tổ chức trong tháng 8/2020 phải gắn kết với việc chào mừng những sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức, lãng phí, tạo được động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác của Bộ, Ngành.

2. Hình thức tổ chức phong phú, phù hợp với tính chất, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của cơ quan, đơn vị; động viên được sự nhiệt tình, hưởng ứng, tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.

B. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

I. Tuyên truyền, giáo dục truyền thống

1. Công tác truyền thông

1.1. Hoạt động tổ chức tại Trung ương

– Nội dung 1: Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Ngành về truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp; về vai trò, vị trí của công tác tư pháp đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước; các hoạt động, mục tiêu, giải pháp của Bộ, Ngành về đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; các sự kiện nổi bật của Bộ, ngành trong năm 2020. Đẩy mạnh truyền thông đối với công tác pháp chế trên Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành.

+ Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/2020 đến hết năm 2020.

+ Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.

+ Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức pháp chế các bộ, ngành.

+ Kinh phí thực hiện: Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, các đơn vị thuộc Bộ khác có liên quan, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

– Nội dung 2: Mở chuyên trang “75 năm ngành Tư pháp Việt Nam” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử để kịp thời đăng tải các tin, bài, hình ảnh về truyền thống Ngành Tư pháp; phong trào thi đua, gương sáng tư pháp tại các cụm thi đua; các hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống của Ngành và chào mừng Đại hội thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ V.

+ Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/2020 đến hết năm 2020.

+ Đơn vị chủ trì: Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam.

+ Đơn vị phối hợp: Vụ Thi đua – Khen thưởng, Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ khác có liên quan; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức pháp chế các bộ, ngành.

+ Kinh phí thực hiện: Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam.

– Nội dung 3: Tổ chức Tọa đàm về lịch sử, truyền thống của đơn vị và của ngành Tư pháp tại trụ sở cơ quan; căn cứ tình hình thực tế, tổ chức sinh hoạt chính trị tại Khu di tích lịch sử và Phòng Truyền thống của Bộ Tư pháp (như: tổ chức sinh hoạt chuyên đề của Đảng, Đoàn thanh niên; Lễ kết nạp Đảng viên mới…).

+ Thời gian thực hiện: Tháng 8/2020.

+ Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ; tổ chức pháp chế các bộ, ngành.

+ Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Viện Khoa học pháp lý và các đơn vị thuộc Bộ khác có liên quan.

+ Kinh phí thực hiện: Các đơn vị thuộc Bộ; tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

– Nội dung 4: Tổ chức cuộc thi viết trực tuyến với chủ đề “75 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam”.

+ Thời gian thực hiện: Từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2020.

+ Đơn vị chủ trì: Báo Pháp luật Việt Nam.

+ Đơn vị phối hợp: Cục Công nghệ thông tin, Viện Khoa học pháp lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Văn phòng Bộ, Vụ Thi đua – Khen thưởng và các đơn vị khác thuộc Bộ có liên quan; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức pháp chế các bộ, ngành.

+ Kinh phí thực hiện: Báo Pháp luật Việt Nam.

1.2. Hoạt động tổ chức tại các địa phương

– Nội dung 1: Tăng cường công tác truyền thông trên Cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp; về vai trò, vị trí của công tác tư pháp, phong trào thi đua, gương sáng tư pháp và các sự kiện nổi bật của công tác tư pháp địa phương trong năm 2020.

+ Thời gian thực hiện: Từ tháng 1/2020 đến hết năm 2020.

+ Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Báo Pháp luật Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ khác có liên quan.

+ Kinh phí thực hiện: Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

– Nội dung 2: Tổ chức Tọa đàm về lịch sử, truyền thống của cơ quan, đơn vị và của ngành Tư pháp tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

+ Thời gian thực hiện: Tháng 8/2020.

+ Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp.

+ Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ khác có liên quan.

+ Kinh phí thực hiện: Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Chỉnh trang trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

– Nội dung: Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục đã xuống cấp của các phòng làm việc, phòng họp và các hạng mục công trình khác; tu bổ, làm xanh, sạch, đẹp công trình kiến trúc, khuôn viên, cảnh quan của trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Thời gian hoàn thành: Tháng 5/2020.

– Đơn vị thực hiện và kinh phí thực hiện: Đối với trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp và trụ sở các đơn vị thuộc Bộ do Văn phòng Bộ, Cục Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Bộ để thực hiện;

Đối với trụ sở cơ quan Sở Tư pháp do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện;

Đối với trụ sở cơ quan Cục Thi hành án dân sự do Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cáo, đề xuất với Tổng cục Thi hành án dân sự để thực hiện.

3. Chỉnh trang Khu di tích cơ quan Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

– Nội dung: Tu bổ, làm sạch đẹp, sửa chữa, chỉnh trang một số hạng mục đã xuống cấp của công trình Khu di tích.

– Thời gian hoàn thành: Tháng 5/2020.

– Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ.

– Đơn vị phối hợp: Cục Kế hoạch – Tài chính; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang.

– Kinh phí thực hiện: Văn phòng Bộ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức Lễ dâng hương tại Khu di tích cơ quan Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

– Thành phần tham dự: Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng một số đơn vị và người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội thuộc Bộ; Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang.

– Thời gian hoàn thành: Tháng 8/2020.

– Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ.

– Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang; đảng ủy, chính quyền xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

– Kinh phí thực hiện: Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức Gặp mặt thân mật nhân dịp Ngày truyền thống của Ngành

– Thành phần tham dự: Các đồng chí Lãnh đạo Bộ, nguyên Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Ban hưu trí và toàn thể cán bộ hưu trí của Bộ Tư pháp; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các tổ chức chính trị – xã hội cơ quan Bộ.

– Thời gian hoàn thành: Tháng 8/2020.

– Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức cán bộ.

– Đơn vị phối hợp: Ban hưu trí, Văn phòng Bộ và các đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội thuộc Bộ.

– Kinh phí thực hiện: Văn phòng Bộ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

6. Hoạt động tri ân

– Nội dung: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã nghỉ hưu; gia đình cán bộ, công chức trong Ngành có công với cách mạng, gia đình chính sách, gia đình khó khăn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do các đơn vị nhận phụng dưỡng.

– Thời gian hoàn thành: Vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của Ngành năm 2020.

– Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Kinh phí thực hiện: Kinh phí các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

II. Các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu, xây dựng, xuất bản các ấn phẩm về ngành Tư pháp

1. Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật – Thực tiễn vận dụng trong 75 năm qua ở Việt Nam”

– Nội dung: Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật – Thực tiễn vận dụng trong 75 năm qua ở Việt Nam” nhằm khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, pháp luật và những thành tựu trong thực tiễn vận dụng ở Việt Nam trong 75 năm qua; đề xuất nhu cầu bổ sung, phát triển hệ tư tưởng, quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân trong điều kiện mới.

– Thời gian hoàn thành: Tháng 5 hoặc tháng 8/2020.

– Đơn vị chủ trì: Viện Khoa học pháp lý.

– Đơn vị phối hợp: Các Ban Đảng Trung ương, các cơ quan của Quốc hội và Bộ, ngành có liên quan; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Vinh và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An; Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.

– Kinh phí thực hiện: Viện Khoa học pháp lý.

2. Xây dựng, xuất bản Sách “Ngành Tư pháp Việt Nam: 75 năm xây dựng và phát triển”

– Nội dung: Xây dựng, xuất bản Sách “Ngành Tư pháp Việt Nam: 75 năm xây dựng và phát triển” (với nội dung chính là các bài viết, tài liệu tiêu biểu, nổi bật về lịch sử, truyền thống, thành tựu, kinh nghiệm và định hướng phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp từ khi thành lập đến năm 2020; các bài nói, bài phát biểu quan trọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Ngành Tư pháp trong giai đoạn cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; các luật gia điển hình, tiêu biểu của Ngành Tư pháp…); số hóa và đăng tải trên chuyên trang “75 năm ngành Tư pháp Việt Nam” của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

– Thời gian hoàn thành: Tháng 8/2020.

– Đơn vị chủ trì: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.

– Đơn vị phối hợp: Nhà Xuất bản tư pháp, Cục Công nghệ thông tin, Viện Khoa học pháp lý, Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.

– Kinh phí thực hiện: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.

III. Hoạt động thể thao

– Nội dung: Tổ chức các giải kéo co, bóng đá, cầu lông, bóng bàn để chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V.

– Thành phần tham dự: Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.

– Thời gian hoàn thành: Tháng 8/2020.

– Đơn vị chủ trì: Công đoàn Bộ.

– Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Đoàn thanh niên Bộ và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.

– Kinh phí thực hiện: Công đoàn Bộ; các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

IV. Hoạt động thi đua, khen thưởng

1. Phát động phong trào thi đua

– Nội dung: Tổ chức phát động phong trào thi đua sâu rộng, sôi nổi trong toàn Ngành, tập trung vào các nội dung củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ, siết chặt kỷ cương, tăng cường đoàn kết, đổi mới lề lối làm việc, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện văn hóa công sở gắn với Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp… để lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V.

– Thời gian thực hiện: Tháng 01/2020.

– Đơn vị chủ trì: Vụ Thi đua – khen thưởng, các cụm thi đua, khu vực thi đua.

– Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức pháp chế các bộ, ngành.

– Kinh phí thực hiện: Kinh phí thi đua, khen thưởng của Bộ Tư pháp.

2. Lập hồ sơ đề nghị Nhà nước khen thưởng tập thể, cá nhân Ngành Tư pháp

– Nội dung: Rà soát kết quả khen thưởng của Bộ, Ngành, tham khảo ý kiến của Ban Thi đua – khen thưởng trung ương để đề xuất các hình thức khen thưởng cao trình Hội đồng Thi đua khen thưởng Ngành xem xét trình cấp có thẩm quyền.

– Thời gian thực hiện: Từ tháng 07/2019 đến tháng 6/2020.

– Đơn vị chủ trì: Vụ Thi đua – khen thưởng.

– Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức, cán bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự.

– Kinh phí thực hiện: Kinh phí thi đua, khen thưởng của Bộ Tư pháp.

3. Tổ chức Đại hội thi đua yêu nước hoặc Hội nghị điển hình tiên tiến ở cấp trên cơ sở để tiến tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V

– Nội dung: Theo hướng dẫn của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Bộ Tư pháp.

– Thời gian hoàn thành: Quý II/2020.

– Đơn vị chủ trì: Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Đơn vị phối hợp: Vụ Thi đua – Khen thưởng, Các Cụm, Khu vực thi đua, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.

– Kinh phí thực hiện: Kinh phí thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị thực hiện và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V và Lễ đón nhận hình thức khen thưởng cấp nhà nước nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp

– Thời gian thực hiện: Tháng 8/2020.

– Đơn vị chủ trì: Vụ Thi đua – Khen thưởng.

– Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức pháp chế các bộ, ngành.

– Kinh phí thực hiện: Kinh phí thi đua, khen thưởng của Bộ Tư pháp và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào các yêu cầu về nội dung, thời gian, nguồn kinh phí của Kế hoạch này, Thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì các hoạt động lập kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Cục Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội thuộc Bộ được giao chủ trì nhiệm vụ lập dự toán kinh phí năm 2020 để triển khai thực hiện. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật

2. Trong quá trình triển khai, Thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần báo cáo thường xuyên, kịp thời với Lãnh đạo Bộ (qua Văn phòng Bộ) về tình hình thực hiện các hoạt động được giao và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời chỉ đạo giải quyết./.

QUYẾT ĐỊNH 2379/QĐ-BTP NĂM 2019 VỀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP (28/8/1945 – 28/8/2020) VÀ ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC NGÀNH TƯ PHÁP LẦN THỨ V DO BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 2379/QĐ-BTP Ngày hiệu lực 16/09/2019
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính
Ngày ban hành 16/09/2019
Cơ quan ban hành Bộ tư pháp
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản