QUYẾT ĐỊNH 26/2022/QĐ-UBND NGÀY 30/11/2022 VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ BÊN NGOÀI KHUÔN VIÊN CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 20/12/2022

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 26/2022/QĐ-UBND

Đồng Tháp, ngày 30 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ BÊN NGOÀI KHUÔN VIÊN CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 125/TTr-SYT ngày 10 tháng 11 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Quản lý chất thải rắn y tế bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2022.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Bộ Y tế;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
– TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
– CT, các PCT/UBND Tỉnh;
– Các Tổ chức chính trị – xã hội Tỉnh;
– Công báo Tỉnh;
– LĐVP/UBND Tỉnh;
– Lưu: VT, NC/KT.lgv.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Đoàn Tấn Bửu

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ BÊN NGOÀI KHUÔN VIÊN CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Điều 1. Quy định chung

1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định chi tiết việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

2. Quy định này không quy định về quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế. Việc quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế thông thường

Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế thông thường thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; khoản 1 Điều 42 và Mục 3 Chương IV của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường và Điều 12 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế nếu cơ sở y tế không tự xử lý.

Điều 3. Thu gom, vận chuyển, chất thải rắn y tế nguy hại (từ nơi phát sinh đến nơi xử lý)

1. Chất thải rắn y tế nguy hại trước khi vận chuyển phải đóng gói trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2022, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trong quá trình vận chuyển.

2. Phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại và trang thiết bị trên phương tiện đảm bảo đúng theo quy định Khoản 3 Điều 69 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.

3. Đối với Phòng khám y tế tư nhân, cho phép chủ phòng khám có thể quyết định tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại đến các cụm xử lý tập trung hoặc cụm thu gom, lưu giữ, bảo quản tạm thời chất thải (cụm thu gom) để xử lý theo hợp đồng hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ đến thu gom xử lý theo đúng quy định. Việc tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở này phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về vận chuyển chất thải y tế nguy hại (chất thải rắn y tế nguy hại phải được đóng gói theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 20/2021/TT-BYT và tránh làm rơi vãi hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển) và phải chịu trách nhiệm nếu có các sự cố xảy ra.

4. Trong thời gian chờ đơn vị xử lý đến thu gom chất thải, cụm thu gom có trách nhiệm trang bị hoặc yêu cầu đơn vị xử lý cung cấp các dụng để lưu trữ, bảo quản tạm thời chất thải rắn y tế nguy hại theo đúng quy định, không để mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường.

Điều 4. Đối với phương thức xử lý chất thải rắn y tế nguy hại

1. Chất thải y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế.

b) Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm).

c) Tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

2. Các cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại trong cụm được phép hợp đồng với 01 đơn vị chức năng khác để xử lý những thành phần chất thải y tế khác mà cơ sở không có khả năng xử lý theo quy định.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện kế hoạch theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, có hiệu quả và đúng theo quy định hiện hành.

b) Phối hợp với Sở Y tế theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Tỉnh.

c) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, tranh tra về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải của các cơ sở y tế, các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Y tế

a) Giao Sở Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất nguồn kinh phí để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xử lý chất thải y tế chung cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Tổng hợp đề xuất theo lộ trình hàng năm để mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và cải tạo sửa chữa các hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định.

c) Xây dựng, gửi hồ sơ đến Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế rắn nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh.

d) Thông báo, hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân triển khai việc xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

e) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế bên trong cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế).

f) Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế của đơn vị; cân đối, bố trí đảm bảo kinh phí, nhân lực để thực hiện quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh đến khâu tiêu hủy cuối cùng theo Quy định quản lý chất thải y tế và các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện do Bộ Y tế ban hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh bố trí nguồn vốn đối ứng cho các công trình, dự án xử lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Sở Tài chính

a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng cho các công trình, dự án quản lý chất thải y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển và tiêu hủy, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại chung trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn y tế, thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ xử lý chất thải rắn y tế theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ và các quy định khác liên quan.

6. Công an Tỉnh

Kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, hoạt động quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế để phục vụ tốt công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Phối hợp với Sở Y tế, chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn.

b) Chỉ đạo Phòng Y tế kiểm tra, hướng dẫn các chủ cơ sở, phòng khám y tế tư nhân trên địa bàn việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn y tế theo quy định pháp luật và quy chế này.

8. Các cơ sở y tế

a) Có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và vận hành các hệ thống xử lý chất thải rắn y tế khi được đầu tư xây dựng đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

b) Các đơn vị cụm xử lý, cụm thu gom có trách nhiệm cung cấp hóa đơn, chứng từ cho cơ sở y tế sau khi được thanh toán chi phí theo quy định.

c) Theo chức năng cho phép (cụm xử lý hoặc cụm thu gom) các đơn vị có trách nhiện đầu tư hoặc đề xuất đầu tư các trang thiết bị đáp ứng các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thu gom, bảo quản tạm thời, xử lý chất thải y tế.

d) Chịu trách nhiệm về thực hiện công tác thu gom, lưu trữ và xử lý hoặc chuyển giao chất thải rắn y tế nguy hại của đơn vị mình theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế và các quy định pháp luật liên quan.

e) Định kỳ tổng hợp lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh từ chính hoạt động của cơ sở và từ các chủ nguồn thải khác thu gom, tập trung về cụm mình quản lý, báo cáo về Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.

9. Các chủ cơ sở, phòng khám y tế tư nhân

Thu gom, lưu trữ và vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh đến các cụm hoặc khu xử lý tập trung để xử lý đúng theo quy định. Đình kỳ mỗi năm một lần báo cáo tình hình quản lý chất thải rắn y tế tại cơ sở về Phòng Y tế địa phương để quản lý (kèm theo các tài liệu chứng minh việc thu gom, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định)./.

QUYẾT ĐỊNH 26/2022/QĐ-UBND NGÀY 30/11/2022 VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ BÊN NGOÀI KHUÔN VIÊN CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
Số, ký hiệu văn bản 26/2022/QĐ-UBND Ngày hiệu lực 20/12/2022
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - môi trường
Thể thao
Y tế
Ngày ban hành 30/11/2022
Cơ quan ban hành Đồng Tháp
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản