QUYẾT ĐỊNH 273/2002/QĐ-TTG VỀ VIỆC KIỂM TRA VIỆC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 12/04/2002

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 273/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 273/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC KIỂM SOÁT VIỆC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Giao Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty 91 tự kiểm tra việc đầu tư và xây dựng; việc quản lý, sử dụng đất đai thuộc Bộ, ngành, địa phương quản lý (theo Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Thành lập các đoàn kiểm tra của Chính phủ:

Đoàn kiểm tra do Tổng Thanh tra Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành kiểm tra việc đầu tư xây dựng tại một số công trình, dự án trọng điểm (Danh mục kèm theo).

Đoàn kiểm tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại một số địa phương nêu tại Kế hoạch kèm theo.

Điều 3. Kết thúc kiểm tra, các Đoàn kiểm tra của Chính phủ và các Bộ, cơ quan nganh Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty 91 báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày kỳ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nganh Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty 91 chịu trách nhiệm thi hành.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA VIỆC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 273/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

– Thông qua kiểm tra nhằm đánh giá đúng hiệu quả đầu tư xây dựng trong những năm qua, đồng thời phát hiện những sơ hở, yếu kém, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai ở một số Bộ, ngành và địa phương. Trên cơ cở đó có biện pháp khắc phục khuyết điểm, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai nhằm tăng cường công tác quản lý, đưa hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý đất đai đi vào nề nếp; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng và tài nguyên đất đai; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

– Việc kiểm tra phải theo đúng quy định của pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm tra.

– Kết thúc kiểm tra, Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA:

1. Về đầu tư xây dựng:

– Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng như: việc chấp hành quy định về trình tự đầu tư xây dựng, việc quản lý, sử dụng vốn (đặc biệt là vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước), việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Quy chế Đấu thầu…

– Kiểm tra tiến dộ và chất lượng dự án, công trình.

2. Về quản lý, sử dụng đất đai:

Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai theo Luật đất đai năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 1998 và năm 2001. Kiểm tra việc sử dụng đất của một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng của một số tỉnh, thành phố.

III. ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA:

1. Đầu tư xây dựng:

Tập trung kiểm tra các dự án, công trình lớn thuộc các lĩnh vực xây dựng cầu, đường; cấp thoát nước đô thị; xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện, xây dựng khu công nghiệp; công trình thuỷ lợi; xây dựng trụ sở của một số địa phương; các chương trình, dự án thuộc văn hoá – xã hội… Kiểm tra một số dự án đầu tư, mua sắm trang, thiết bị, đổi mới công nghệ lớn của một số Tổng Công ty 90, 91…

2. Quản lý, sử dụng đất đai:

Tập trung kiểm tra tại các địa phương, đơn vị và Ban Quản lý dự án có nhiều vấn đề nổi cộm trong việc quản lý, sử dụng đất đai như: có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tranh chấp đất đai, khiếu kiện phức tạp về đền bù, giải phóng mặt bằng… Tổng cục Địa chính chủ trì kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội (trọng tâm là quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ, huyện Từ Liêm…), thành phố Hồ Chí Minh (trọng tâm là huyện Bình Chánh và các địa bàn trọng điểm có tốc độ đô thị hoá nhanh), các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Tây, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tầu. Bộ Quốc phòng tự kiểm tra việc sử dụng đất của một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

IV. PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA:

1. Ở Trung ương:

Căn cứ Quyết định và Kế hoạch kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính xây dựng kế hoạch chi tiết việc kiểm tra, quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tự kiểm tra, đồng thời tổng hợp kết quả kiểm tra ở cả 2 cấp Trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan nganh Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty 91 xây dựng kế hoạch chi tiết và tự kiểm tra ở Bộ, ngành mình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Ở địa phương:

Căn cứ Quyết định, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra Nhà nước và Tổng cục Địa chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự kiểm tra một số công trình, dự án trọng điểm về đầu tư xây dựng do địa phương quản lý và tự kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương; kết thúc kiểm tra báo cáo Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước và Tổng cục Địa chính kết quả để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 11 năm 2002.

Đối với các địa phương có các Đoàn kiểm tra của Chính phủ, cần chủ động phối hợp với Thanh tra Nhà nước và Tổng cục Địa chính để xây dựng kế hoạch kiểm tra ở địa phương cho phù hợp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Việc kiểm tra được tiến hành từ khi có Quyết định này và kết thúc vào cuối tháng 11 năm 2002. Đây là đợt kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thanh tra Nhà nước và Tổng cục Địa chính cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có kế hoạch chi tiết cho từng mốc thời gian cụ thể. Đến hết quý II năm 2002 có báo cáo sơ bộ về kết quả kiểm tra, trên cơ cở đó rút kinh nghiệm, triển khai tiếp trong quý III năm 2002. Cuối tháng 11 năm 2002 hoàn thành việc tổng hợp tình hình kiểm tra ở cả 2 cấp (Trung ương và địa phương) báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty 91 chịu trách nhiệm triển khai và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Nhà nước và Tổng cục Địa chính thực hiện Kế hoạch.

Thanh tra Nhà nước, Tổng cục Địa chính hướng dẫn và theo dõi các địa phương triển khai, thực hiện.

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH

do Thanh tra Nhà nước trực tiếp chủ trì kiểm tra về đầu tư và xây dựng trong đợt 1 (từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2002)

1. Giao thông vận tải – Bưu chính viễn thông: Dự án quốc lộ 1A (đoạn Lạng Sơn- Hà Nội và đoạn Vinh – Đông Hà); dự án xây dựng cầu Hoàng Long; dự án xây dựng 8 cầu đường sắt; một số dự án lớn về đầu tư, mua sắm thiết bị của Tổng công ty Bưu chính viễn thông.

2. Xây dựng – Quản lý đô thị: Dự án cấp thoát nước đô thị ở Hà Nội, tp Hồ Chí Minh; dự án xây dựng nhà máy xi măng Bút Sơn, nhà máy xi măng Hoàng Mai.

3. Công nghiệp – Năng lượng: Dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện ở Hà Nội, Hải Phòng; dự án đầu tư, mua sắm trang, thiết bị lớn của các Tổng công ty Dầu khí, Dệt may, Rượu bia.

4. Nông nghiệp: Dự án trồng rừng Bắc Giang – Lạng Sơn; công trình Hệ thống thuỷ lợi Chín Sáu Long Hưng (Sóc Trăng); công trình nâng cấp hệ thống thuỷ nông đa độ tp Hải Phòng.

5. Văn hoá – Xã hội: Dự án cải tạo, nâng cấp Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội; một số dự án thuộc chương trình mục tiêu về phát thanh, truyền hình, y tế, giáo dục.

6. Hàng không: Dự án cải tạo, mở rộng cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (phần phía Bắc); việc đầu tư hệ thống tin học của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH 273/2002/QĐ-TTG VỀ VIỆC KIỂM TRA VIỆC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 273/2002/QĐ-TTg Ngày hiệu lực 12/04/2002
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bất động sản
Ngày ban hành 12/04/2002
Cơ quan ban hành Thủ tướng chính phủ
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản