QUYẾT ĐỊNH 4007/QĐ-UBND NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 28/10/2020

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 4007/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Hợp tác xã; Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách thành phố và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố năm 2020;

Xét đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2093/TTr-SNN ngày 09 tháng 9 năm 2020 về phê duyệt Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 (theo nội dung Đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Lê Thanh Liêm

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Phần I

CƠ SỞ HÌNH THÀNH ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

Đại hội Đảng toàn quốc khóa IX đã xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt”, “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Theo hướng đó, cần củng cố những tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) hiện có, tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế HTX với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực địa bàn có điều kiện.

Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, mô hình HTX là do các hộ nông dân tự nguyện liên kết và tham gia thành lập. Mục tiêu hoạt động của HTX là đáp ứng nhu cầu chung của thành viên.

Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho thấy quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp về lâu dài, hộ cá thể không phải là mô hình tối ưu để phát triển sản xuất nông nghiệp; việc liên kết với doanh nghiệp (DN) để sản xuất, tiêu thụ nông sản cần được khuyến khích nhưng không phải là cứu cánh. Để phát triển nông nghiệp Thành phố trong thời gian tới thì việc phát triển kinh tế tập thể là tất yếu, nhất là HTX được xem là lực lượng nòng cốt kết nối tất cả các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Khi tham gia HTX hộ nông dân sẽ được HTX hướng dẫn các phương pháp canh tác tốt và được hưởng phúc lợi từ HTX theo Điều lệ HTX. Bên cạnh đó, các hộ nông dân tham gia vào HTX sẽ được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ổn định, thậm chí khi giá thị trường lên cao thì các HTX cũng tiến hành hỗ trợ cho nông dân với cam kết thu mua tối đa 70-80% giá thị trường. HTX có vai trò là đơn vị tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, là đầu mối ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân,… Đây là công việc nếu từng hộ nông dân cá thể thì rất khó thực hiện được. Vì vậy THT, HTX là mô hình phù hợp nhất với phương thức sản xuất nông nghiệp, không có HTX thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

II. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

– Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”;

– Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

– Luật số 23/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Quốc Hội về Luật hợp tác xã;

– Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã 2012;

– Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

– Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2018 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

– Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản;

– Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về Tổ hợp tác;

– Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp;

– Thông tư số 06/2019/TT-BNNPTNT ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo của hợp tác xã nông nghiệp và trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp đối với hợp tác xã nông nghiệp;

– Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn đăng ký hợp tác xã về chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã;

– Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 8 tháng 4 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã;

– Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2025 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ;

– Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố việc ban hành danh mục sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp Thành phố;

– Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp;

– Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 02 tháng 1 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách thành phố và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố năm 2020.

2. Cơ sở thực tiễn

Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách thành phố và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2020, trong đó: giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”;

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, việc tiếp tục vận động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề cần thiết phải được triển khai thực hiện trong thời gian tới để phát triển nông nghiệp Thành phố theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng sản lượng và năng suất hiệu quả với mục tiêu đưa kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 117 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: trong đó số lượng HTX hoạt động tốt khá là 60/117 HTX, hoạt động trung bình là 23/117 HTX, chưa đánh giá phân loại là 32/117 HTX. Hiện nay số lượng HTX hoạt động tốt khá còn rất khiêm tốn so với số lượng 117 HTX đang hoạt động, do đó để phát huy vai trò trung tâm của HTX thì việc xây dựng Đề án Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 là vấn đề cấp bách cần phải thực hiện.

3. Tính cấp thiết của đề án

Phát triển mô hình kinh tế hợp tác thông qua HTX hiện nay rất cần thiết vì HTX góp phần giúp thành viên, người lao động có đời sống ổn định hơn, thu nhập ngày càng cao hơn, điều quan trọng là khi tham gia HTX doanh thu của các hộ nông dân có sự khác biệt. Năm 2017, TP.HCM đã tiến hành khảo sát mô hình đơn vị sản xuất cơ bản nông nghiệp Thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo, kết quả cho thấy, chênh lệch về năng suất và giá bán của cùng một sản phẩm từ các hộ nông dân và HTX không có nhiều sự khác biệt, trong khi doanh thu của các hộ trong HTX lại cao hơn tới 30% so với các hộ ngoài HTX. Nguyên nhân chính là do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức sản xuất nên các hộ ngoài HTX sử dụng nhiều nguyên liệu hơn, dẫn đến chi phí sản xuất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập. HTX đóng vai trò là đầu mối trong tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Thông qua hình thức liên kết sản xuất qua HTX là một trong những nhân tố quan trọng giúp các hộ sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập và gia tăng giá trị sản xuất, vì vậy việc phát triển HTX làm gia tăng nhu cầu liên kết, hợp tác với những hình thức, quy mô khác nhau giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp góp phần đưa kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế trong phát triển nông nghiệp.

III MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

– Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đồng thời tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác xã; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

– Duy trì và phát triển các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên cơ sở đảm bảo các quy định của Luật hợp tác xã năm 2012, nhằm nâng cao tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả, gắn với nâng cao thu nhập của thành viên HTX; góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.

– Mặt khác, để nông nghiệp Thành phố phát triển trong thời gian tới phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị thì việc phát triển HTX là mục tiêu quan trọng cần được quan tâm góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân về bản chất và vai trò của HTX để nâng cao khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác để phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giảm nghèo, tăng hộ khá, phát triển kinh tế văn hóa – xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hàng năm, vận dụng quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá và xếp loại HTX nông nghiệp.

b) Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX đang hoạt động có hiệu quả, giữ vững xếp loại hoạt động tốt, khá.

c) Củng cố, nâng cao dần chất lượng hoạt động của các HTX đang hoạt động trung bình, yếu và hoạt động chưa đủ 12 tháng. Phấn đấu hàng năm củng cố và nâng chất một số HTX hoạt động trung bình, yếu sang hoạt động tốt, khá. Đồng thời, giải thể dứt điểm các HTX ngưng hoạt động kéo dài; hướng dẫn HTX thực hiện chuyển đổi giấy đăng ký kinh doanh sang lĩnh vực khác đối với các HTX có giấy đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực tế đã không còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian dài mà hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ,…

d) Tăng cường vận động thành lập mới HTX trên cơ sở khuyến khích doanh nghiệp, chủ trang trại, hội viên, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh trong các hợp tác xã, trên cơ sở thành lập tạo điều kiện cho các HTX này được hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

đ) Tăng cường hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó: ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

e) Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Thành phố như: rau, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm nước lợ, cá cảnh theo hình thức HTX liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra (phấn đấu mỗi năm xây dựng từ 6 – 10 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp, siêu thị).

g) Đến hết năm 2022, tất cả các HTX hoạt động trên địa bàn Thành phố hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có ít nhất 50% HTX hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị và tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

h) Tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).

i) Tiếp tục khuyến khích hộ nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh trong HTX theo Kế hoạch số 1949/KH-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch khuyến khích hộ nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh trong hợp tác xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2023.

Phần II

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC, HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP:

1. HỢP TÁC XÃ

a) Số lượng hợp tác xã

Tính đến ngày 30 tháng 8 năm 2020, trên địa bàn Thành phố có 141 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 117/141 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 05/141 HTX không còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 19/141 HTX dự kiến giải thể, trong đó:

– 117/141 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 2.593 thành viên, bình quân 22 thành viên/HTX (đính kèm Phụ lục 1. Danh sách 117 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp).

– 05/141 HTX không còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 525 thành viên, bình quân 105 thành viên/HTX, chủ yếu là các HTX được thành lập tại các quận trước năm 2003, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng do chịu ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa cao trên địa bàn nên các HTX này đã chuyển dần sang hoạt động thương mại, dịch vụ (đính kèm Phụ lục Danh sách 05 hợp tác xã không còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp).

– 19/141 HTX dự kiến giải thể với 190 thành viên, bình quân 10 thành viên/HTX, là các HTX đã ngưng hoạt động trong thời gian dài, vì vậy phải tiến hành giải thể (đính kèm Phụ lục 3. Danh sách 19 hợp tác xã nông nghiệp dự kiến giải thể).

b) Thực trạng của 117 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp

– Địa bàn hoạt động: tại 9 quận, huyện, bao gồm: huyện Củ Chi (40 HTX), huyện Hóc Môn (18 HTX), huyện Bình Chánh (17 HTX), huyện Nhà Bè (05 HTX), huyện Cần Giờ (12 HTX), quận 9 (06 HTX), quận 12 (03 HTX), quận Gò Vấp (04 HTX), quận Bình Tân (09 HTX), quận Bình Thạnh (01 HTX), quận Tân Bình (02 HTX).

– Về thành viên HTX: tổng số thành viên của 117 HTX là 2.593 thành viên, bình quân 22 thành viên/HTX. HTX có số lượng thành viên nhiều nhất là 484 thành viên, số lượng thành viên ít nhất là 7 thành viên.

– Vốn điều lệ: Tổng vốn điều lệ (ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh HTX) 542.973 triệu đồng, bình quân 4.640 triệu đồng/HTX.

– Về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên HTX: Hiện nay đã có 70/117 HTX đã thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên, bao gồm các HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt (rau an toàn, hoa kiểng), chăn nuôi (bò sữa, heo), thủy sản, bánh tráng. Các HTX điển hình thực hiện tổ chức sản xuất để hỗ trợ thành viên (HTX Phú Lộc, HTX Sinh Vật Cảnh Sài Gòn, HTX Tương Lai, HTX Nông nghiệp Bình Minh, HTX Tân Thông Hội, HTX Tiên Phong, HTX Nấm Việt, HTX Hoa lan Huyền Thoại, HTX Mai Hoa, HTX Rau sạch nên ăn, HTX Phước An, HTX Phước Bình, HTX Hoa lan Đa Phước, HTX Hiệp Thành, HTX Thuận Yến, HTX Long Hòa, HTX Cần Giờ Tương Lai, HTX Tuấn Ngọc, HTX Trường Thịnh, HTX Huy Hoàng, HTX Nông phố….), bên cạnh đó HTX còn thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Ngoài ra, có 06 HTX đã tổ chức tiêu thụ sản phẩm tại các hệ thống siêu thị, điển hình như HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông, HTX Nhuận Đức, HTX Phú Lộc, HTX Phước Bình, HTX Phước An, HTX Nấm Việt.

– Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh HTX:

+ Giá trị sản xuất của các HTX trong năm 2019 đạt 543.796 triệu đồng. Các HTX có giá trị sản xuất lớn là HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (sản xuất cá cảnh) với 43.000 triệu đồng, HTX Phước An (sản xuất rau an toàn) với 22.315 triệu đồng, HTX Phú Lộc (sản xuất rau an toàn) với 39.000 triệu đồng.

– Về thu nhập của thành viên HTX: Thu nhập bình quân thành viên (chỉ tính thu nhập thông qua giao dịch với HTX) là 5,5 triệu đồng/tháng.

– Đánh giá mức độ hoạt động của các HTX nông nghiệp thì có 83/117 HTX có thời gian hoạt động đủ 12 tháng trở lên nên đủ cơ sở để đánh giá mức độ hoạt động, 32/117 HTX có thời gian hoạt động chưa đủ 12 tháng nên chưa đủ cơ sở để đánh giá mức độ hoạt động[1], tuy nhiên các HTX thành lập năm 2019 và 08 tháng đầu năm 2020 (khoảng 12 HTX) bước đầu thành lập đã hoạt động có hiệu quả. Kết quả phân loại 83 HTX như sau:

+ HTX hoạt động tốt, khá: có 60/83 HTX, chiếm tỷ lệ 72%;

+ HTX hoạt động trung bình: có 23/83 HTX, chiêm tỷ lệ 28%;

c) Kết quả hỗ trợ Ủy ban nhân dân 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) xây dựng mô hình HTX tiên tiến, hiện đại:

Thực hiện nhiệm vụ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, tham mưu hướng giải quyết, trình Ủy ban nhân dân Thành phố về xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân 5 huyện tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại để chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trao đổi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với từng HTX, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng mô hình.

Qua 4 năm thực hiện, đã cơ bản xây dựng một số mô hình HTX nông nghiệp điển hình như sau:

– HTX Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) hiện có hơn 150 hộ thành viên, trong đó có 140/150 hộ chăn nuôi bò sữa, tổng đàn bò sữa khoảng 2.520 con, (trong đó: bò cái vắt sữa khoảng 1.080 con). Do HTX ngưng cung cấp sữa cho Công ty sữa Long Thành từ tháng 7 năm 2019 nên hiện nay HTX chỉ còn 02 điểm thu mua sữa cho thành viên với sản lượng 6 tấn/ngày, chủ yếu dùng làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến sữa do HTX đầu tư (công suất 3 tấn/ngày) và bán cho các đối tác khác (3 tấn/ngày). Ngoài ra, HTX cũng gia công sữa cho các đối tác khác với số lượng 3 tấn/ngày. HTX Tân Thông Hội đã đầu tư xây dựng Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi chính thức đi vào hoạt động tháng 12 năm 2017 và tạo ra tạo ra các sản phẩm sữa đã qua chế biến (sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống,….) để cung cấp cho thị trường góp phần tiêu thụ sản phẩm ổn định cho các hộ thành viên trên địa bàn huyện và xây dựng thương hiệu sản phẩm sữa bò Củ Chi. Nhà máy được xây dựng từ nguồn vốn vay theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố (nay là Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018).

– HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) chủ yếu sản xuất và tiêu thụ rau củ quả an toàn theo quy trình VietGAP với hơn 100 chủng loại sản phẩm. Diện tích canh tác của HTX đạt 25 ha, diện tích gieo trồng đạt 80 ha, sản lượng bình quân đạt 5.000 tấn/năm, chủ yếu giao cho Co.opmart, Big C, Lotte, Smart (CT), Satra, Safefoods,… các bếp ăn công nghiệp và nhà trẻ trong Thành phố, với số lượng 5 – 8 tấn/ngày. Ngoài việc thu mua rau từ các hộ nông dân trên địa bàn Thành phố, HTX còn thu mua từ các hộ nông dân của các tỉnh như: Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt 39 tỷ đồng. Sản phẩm rau của HTX Phú Lộc được chứng nhận VietGAP, tham gia chợ phiên nông sản an toàn, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

– HTX Tiên Phong (huyện Củ Chi) có 24 hộ, cơ sở chăn nuôi heo là thành viên của hợp tác xã với tổng đàn 27.608 con. HTX đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý đàn gia súc; xây dựng an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng và bệnh Dịch tả heo cho 04 cơ sở chăn nuôi heo là thành viên của HTX; HTX tham gia chợ phiên nông sản an toàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

– HTX Mai Hoa (huyện Hóc Môn) đang sản xuất ổn định với sản lượng tiêu thụ 600 – 780 tấn/năm (1,5 – 2 tấn/ngày) giao cho Công ty VinEco (cung cấp cho hệ thống siêu thị Vincom và cửa hàng tiện lợi VinMart), chủ yếu là rau muống nước. Năm 2019, ước doanh thu của HTX đạt 13 tỷ đồng. Doanh thu từ các nguồn: sản xuất, sơ chế, kinh doanh các loại rau đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; dịch vụ cung cấp hoa lan – cây kiểng; dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp và chế biến nông sản. Hiện tại, hợp tác xã đang đầu tư phát triển vườn rau theo chuẩn VietGAP diện tích 6.000 m2 tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn.

– HTX Phước An (huyện Bình Chánh) đang sản xuất ổn định với sản lượng tiêu thụ 150 tấn/tháng (tăng 5 tấn/tháng so với năm 2019), chủ yếu giao cho Co.opmart, Big C, Lotte,… HTX còn cung cấp cho 1 số đơn vị xuất khẩu đi thị trường nước ngoài; các công ty cung cấp thực phẩm cho trường học, bệnh viện,.. HTX có kế hoạch sản xuất cụ thể cho 07 tổ sản xuất luân phiên nhau nên việc gieo trồng liên tục quanh năm và liên kết sản xuất với các HTX, nông dân các xã khác như Tân Nhựt, Hưng Long, Bình Chánh để cung cấp hàng hóa theo số lượng và chủng loại đa dạng cho khách hàng. HTX hiện có 62 thành viên, diện tích sản xuất 29 ha. Tổng doanh thu năm 2019 ước đạt 24 tỷ (tăng 01 tỷ so với năm 2018). Thu nhập bình quân mỗi hộ thành viên là 27 triệu đồng/hộ/tháng, thu nhập của mỗi lao động đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng.

– HTX Hiệp Thành (huyện Nhà Bè) đã được hỗ trợ chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm tôm thẻ chân trắng với diện tích 13,7 ha, tương ứng với 28 ao nuôi, sản lượng dự kiến đạt 550 tấn/năm. HTX đã sản xuất một số sản phẩm như tôm khô, tôm đông lạnh và đã được chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp ra thị trường. Hiện tại, HTX đang phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè tổ chức vận hành cửa hàng chuyên doanh nông sản địa phương trên địa bàn xã Phú Xuân để kinh doanh các sản phẩm tôm chế biến của HTX và một số đơn vị khác trên địa bàn huyện Nhà Bè.

– HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ): HTX đang sản xuất nuôi tôm thẻ chăn trắng, trồng dưa lưới trong nhà màng, kinh doanh sản phẩm khô cá dứa và tổ chim yến. Hiện nay, HTX đang thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao với diện tích khu nuôi 1,2 ha. Trong đó, diện tích mặt nước nuôi trực tiếp là 1.200 m2, mỗi năm đầu tư nuôi 03 vụ, tỷ suất lợi nhuận đạt 40%. HTX đang có kế hoạch đưa thêm 1,5 ha vào sản xuất nuôi tôm. Ngoài ra, HTX đang thực hiện trồng dưa lưới trong nhà màng theo quy trình VietGAP với tổng diện tích là 1.500 m2.

Từ các kết quả đạt được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, 7 HTX đều tập trung vào giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (trụ sở làm việc, xưởng sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất,…) là khâu đột phá giúp các HTX tiến lên tiên tiến, hiện đại phát triển. Đây là giải pháp phù hợp với thực tế hiện nay là các công trình kết cấu hạ tầng của các HTX chưa được đầu tư hoàn chỉnh, mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất mà chưa chú trọng đến khâu chế biến, đóng gói sản phẩm, một số công trình được đầu tư lâu năm nên đã bắt đầu xuống cấp.

Qua 4 năm triển khai xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên địa bàn 5 huyện đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

– Được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp với nhiều chủ trương chính sách để tập trung hỗ trợ cho các HTX, giúp các HTX phát triển hiệu quả cả về quy mô và chất lượng sản xuất góp phần tăng năng suất và thu nhập cho hộ thành viên.

– Chất lượng hoạt động, quy mô, diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận của HTX ngày càng tăng.

– Thu nhập bình quân của hộ thành viên trong mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại năm 2016 khoảng 16 – 18 triệu đồng/hộ/tháng đã tăng lên khoảng 20 – 25 triệu đồng/hộ/tháng năm 2020.

– HTX đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (HTX Phước An, HTX Hiệp Thành, HTX Phú Lộc, HTX Thuận Yến, HTX Mai Hoa).

– HTX tập trung phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao vào hoạt động sản xuất góp phần gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

– HTX luôn tạo việc làm cho các lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định (khoảng 5 – 7,5 triệu đồng/lao động/tháng).

– Sản phẩm của HTX được giới thiệu, trưng bày các gian hàng tại các Hội nghị, Hội thảo do Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Từ kết quả bước đầu của các mô hình HTX tiên tiến, hiện đại mang lại, trong thời gian tới nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới tiên tiến, hiện đại, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Thành phố nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển.

2. Liên hiệp HTX

Tính đến ngày 30 tháng 8 năm 2020, trên địa bàn thành phố có 02 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đăng ký hoạt động: Liên hiệp hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ – Xuất nhập khẩu Hưng Điền (quận Bình Tân) thành lập năm 2017, gồm có 4 HTX thành viên (HTX Duyên Hải – huyện Cần Giờ; HTX Trường Thịnh, HTX Điền Phát – quận Bình Tân; HTX Nông Thủy hữu cơ xanh – huyện Bình Chánh) và Liên hiệp hợp tác xã công nghệ cao NPT (huyện Củ Chi) thành lập năm 2020, gồm có 4 HTX thành viên (HTX Duyên Hải – huyện Cần Giờ, HTX Trường Thịnh, HTX Điền Phát, HTX Phước Hạnh – quận Bình Tân).

Hiện nay, 02 Liên hiệp HTX đang trong quá trình tổ chức lại và định hướng phương án sản xuất, kinh doanh. Sau khi tổ chức lại và định hướng phương án sản xuất, kinh doanh, Liên hiệp HTX sẽ triển khai cho các HTX thành viên để tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch đề ra.

3. Tổ hợp tác

Toàn thành phố có 283 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, số lượng tổ viên là 3.594 tổ viên, bình quân 13 tổ viên/tổ, trong đó: có 64/283 tổ được thành lập dựa trên hợp đồng hợp tác (theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về tổ hợp tác) và 219/283 tổ được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hoạt động THT chủ yếu ở mức độ như câu lạc bộ khuyến nông (học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất) chưa phát huy được sức mạnh của từng tổ viên và sức mạnh của kinh tế tập thể. Trình độ quản lý của ban điều hành THT còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, phân công tổ viên tham gia hoạt động sản xuất của tổ, chưa nhận thức rõ vai trò của kinh tế tập thể. Ban điều hành THT chưa xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể cho tổ nên bị động trong việc thực hiện dịch vụ đầu vào, đầu ra đối với sản phẩm của tổ viên.

II. CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Công tác chỉ đạo, điều hành về hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp

1.1. Công tác chỉ đạo, điều hành chung về hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp

Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, điều hành về hỗ trợ phát triển mô hình HTX nông nghiệp, tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, cụ thể như sau:

– Công văn số 55/UBND-CNN ngày 08 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện Thông báo số 8705/TB-BNN-VP ngày 28 tháng 10 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó: giao Ủy ban nhân dân các quận – huyện hướng dẫn chuyển đổi cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo Luật HTX năm 2012.

– Công văn số 64/UBND-CNN ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tháo gỡ khó khăn, kiến nghị của các HTX nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM, trong đó đề nghị: giao Ủy ban nhân dân các quận-huyện tiến hành giải thể bắt buộc các HTX không hoạt động trong 12 tháng liên tục, các HTX không tổ chức được Đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do (theo đúng quy định tại Điều 54, Luật HTX năm 2012). Đồng thời, hướng dẫn giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả nhưng không có khả năng củng cố; hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề hoạt động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đối với các HTX hiện không còn hoạt động sản xuất nông nghiệp, để các HTX này được quản lý và hưởng các chính sách hỗ trợ theo đúng lĩnh vực thực tế đang hoạt động.

– Công văn số 3749/UBND-CNN ngày 02 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện Thông báo số 2622/TB-BNN-VP ngày 01 tháng 4 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó: giao Ủy ban nhân dân các quận-huyện rà soát, phân loại HTX, giải thể các HTX ngừng hoạt động để làm lành mạnh HTX nông nghiệp; chỉ đạo việc tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012, hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; tư vấn thành lập thêm các HTX theo hướng chuyên ngành và nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả.

– Công văn số 4646/UBND-KT ngày 25 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc đẩy mạnh phát triển HTX theo Luật HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, theo đó: giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả, tổ chức bồi dưỡng năng lực quản lý điều hành HTX, đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về HTX; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân các quận-huyện về tổ chức lại HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012, hướng dẫn giải thể HTX; giao các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp về vốn, tín dụng, báo cáo và quyết toán thuế; giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường hỗ trợ các HTX tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.

– Công văn số 4916/UBND-KT ngày 07 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc hướng dẫn tổ chức lại HTX nông nghiệp, trong đó: giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra các HTX nông nghiệp chưa đăng ký và tổ chức hoạt động lại theo Luật HTX năm 2012, vận động các HTX không còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực khác cho phù hợp.

– Công văn số 3242/UBND-KT ngày 26 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 08-KH/BCĐ ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, xây dựng Đề án phát triển HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017­ 2020.

– Công văn số 4154/UBND-KT ngày 11 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Ngoài ra, hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố đều ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, trong đó có những nội dung hỗ trợ HTX nông nghiệp.

1.2. Công tác chỉ đạo, điều hành về hỗ trợ phát triển xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại

Thực hiện chủ trương xây dựng mô hình HTX nông tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện ngoại thành, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ chính cho 5 huyện triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

– Thông báo số 205-TB/VPTU ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Văn phòng Thành ủy về Kết luận của đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới tại cuộc họp về kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2016; Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM, trong đó: chỉ đạo đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại phù hợp tình hình sản xuất, lợi thế sản xuất gắn với chuỗi liên kết, cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cho bà con nông dân.

– Công văn số 1981/UBND-CNN ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện nội dung Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng theo chỉ đạo của Thành ủy tại Báo cáo số 31-BC/TU ngày 09 tháng 3 năm 2016, trong đó: giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, phù hợp lợi thế sản xuất từng địa bàn gắn với mô hình cánh đồng mẫu lớn (ít nhất 01 HTX/huyện).

– Công văn số 7448/VP-KT ngày 29 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc xây dựng mô hình HTX tiên tiến, hiện đại, theo đó: giao đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân 5 huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại phù hợp tình hình sản xuất, lợi thế sản xuất gắn với chuỗi liên kết, cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cho bà con nông dân; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Liên minh HTX Thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân 5 huyện xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên cơ sở các quy định, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển kinh tế tập thể.

– Công văn số 5529/UBND-KT ngày 08 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến hiện đại trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 (thay thế cho Công văn số 1180/UBND-KT ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020), theo đó: giao Ủy ban nhân dân 5 huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn các HTX xây dựng các dự án đầu tư trọng điểm theo kế hoạch đã đề ra giai đoạn 2017-2020, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện; phân công cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân 5 huyện.

2. Tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển HTX kết hợp với tư vấn, vận động thành lập HTX nông nghiệp

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bình quân 20-30 lớp tập huấn cho 1.200 – 1.800 lượt người tham dự về tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2012, trình tự thành lập và đăng ký HTX theo Nghị định số 193/2013/NĐ-CP và Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT và Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT , về sự cần thiết phải xây dựng và phát triển HTX, tuyên truyền về Luật HTX, các chính sách hỗ trợ phát triển HTX,… cho cán bộ Ủy ban nhân dân xã, ấp, sáng lập viên, thành viên HTX, hộ dân. Qua đó, giúp cho người nông dân nhận thức rõ hơn về mô hình HTX kiểu mới và tư vấn, vận động thành lập mới các HTX nông nghiệp, bình quân mỗi năm thành lập mới từ 6-8 HTX. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) còn phối hợp với Ủy ban nhân dân 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) tổ chức hội thi “Tìm hiểu về mô hình hợp tác xã nông nghiệp, kiểu mới tiên tiến hiện đại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, với hơn 750 lượt người tham dự để tuyên truyền các nội dung về kinh tế tập thể, HTX.

3. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của HTX nông nghiệp

Hàng năm, Liên minh HTX Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tổ chức các lớp đào tạo dài hạn, các lớp bồi dưỡng, các lớp ngắn hạn tập huấn kỹ thuật cho các đối tượng cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác chuyên môn (kế toán, kỹ thuật, kinh doanh,…) thành viên và người lao động tại HTX. Nội dung đào tạo tập trung vào kiến thức kinh doanh, nghiệp vụ kế toán, kỹ thuật nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh.

Trong giai đoạn 2013-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Thành phố triển khai Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố và Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học và bổ sung đối tượng được hỗ trợ đối với cán bộ có trình độ cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM (hỗ trợ 1,2 triệu đồng/cán bộ có trình độ đại học, 0,8 triệu đồng/cán bộ có trình độ cao đẳng; hỗ trợ tối đa 02 cán bộ/HTX) với 117 lượt cán bộ trong đó có 33 HTX được nhận kinh phí hỗ trợ là 1.540,8 triệu đồng. Trong năm 2017, nhận thấy sự cần thiết để tiếp tục duy trì chính sách trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ cho giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố, Công văn số 7936/UBND-KT ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020. Từ tháng 08/2017 đến tháng 6/2020, Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã tổng hợp và hỗ trợ cho 30 lượt cán bộ/15 lượt HTX, trong đó 26 lượt cán bộ có trình độ đại học, 04 lượt cán bộ có trình độ cao đẳng với tổng kinh phí hỗ trợ là 281.200.000 đồng.

4. Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai thực hiện Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Ban hành chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ thành lập mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015- 2020, theo đó hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/HTX để giúp HTX đầu tư, mua sắm bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu, máy vi tính để bàn, máy fax, máy photocopy, điện thoại cố định, thiết bị âm thanh, máy chiếu,… phục vụ thông tin liên lạc, hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành tại văn phòng giao dịch. Đến nay, đã hỗ trợ cho 33 HTX, với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.708,2 triệu đồng (bình quân 82,1 triệu đồng/HTX).

5. Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX nông nghiệp

Thông qua việc triển khai các chương trình phát triển cây con trọng điểm của Thành phố (Chương trình phát triển rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa,…), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ưu tiên hỗ trợ cho HTX, thành viên HTX là đơn vị tiếp nhận chuyển giao, thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bình quân mỗi năm hỗ trợ 150 mô hình cho các HTX, thành viên HTX.

6. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiêu thụ cho HTX nông nghiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp) đã hỗ trợ xây dựng website, xây dựng logo, thiết kế bao bì, các ấn phẩm quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho 53 HTX, THT. Đặc biệt, đã tổ chức 563 phiên chợ nông sản tại 14 địa điểm với 10.440 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận. Tổng số gian hàng tham gia là 11.450 gian hàng. Về hỗ trợ kết nối và tiêu thụ nông sản: đến nay đã có 14 địa điểm tổ chức chợ phiên trên địa bàn thành phố với sự tham gia của các HTX, THT. Ngoài cung cấp hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc sản phẩm tham gia chuỗi tại chợ phiên, các đơn vị còn tiến hành ký kết các đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, THT nông nghiệp.

7. Hỗ trợ vốn, tín dụng cho HTX, thành viên HTX

Ngày 12 tháng 02 năm 2018, Ủy ban nhân nhân nhân Thành phố ban hành Quyết định số 655/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị giai đoạn 2017 – 2020 (trong đó quy định: HTX, thành viên HTX khi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi vay từ 60% – 100% tùy theo hạng mục đầu tư). Từ khi có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị đến nay đã hỗ trợ cho HTX Tân Thông Hội (vay 26,850 tỷ đồng), HTX Phú Lộc (vay 280 triệu đồng) với lãi suất ưu đãi (theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2016), Bà Nguyễn Thị Nhiệm – thành viên HTX Thuận Yến được vay 5.495 triệu đồng, Ông Trần Văn Mùa – thành viên HTX Hiệp Thành được vay 600 triệu đồng, Ông Lê Hữu Thiện – thành viên HTX Hoa mai vàng Bình Lợi được vay 2.000 triệu đồng, Ông Hoàng Thanh Hải – thành viên HTX Hải Nông được vay 740 triệu đồng theo Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố).

Ngoài ra, HTX và thành viên HTX có thể tham gia vay vốn theo hình thức tín chấp từ Quỹ Trợ vốn xã viên HTX (Quỹ CCM) thuộc Liên minh HTX Thành phố. Mức phí trợ vốn chỉ bằng khoảng 70% – 80% so với lãi suất của ngân hàng.

III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

1. Thuận lợi

– Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển mô hình HTX nông nghiệp đã có tác động nhiều mặt và trực tiếp đến việc củng cố, đổi mới, phát triển HTX nông nghiệp, bước đầu làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và hộ nông dân về vai trò của HTX trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

– Một số cơ chế, chính sách của Thành phố như chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX nông nghiệp, chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất cho HTX nông nghiệp được ban hành và thực hiện, đã có tác động nhất định đến việc đổi mới, phát triển HTX nông nghiệp.

– Các cấp Đảng bộ, Chính quyền, Tổ chức chính trị – xã hội tại khu vực nông thôn ngoại thành được quán triệt một cách sâu sắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp thành lập và phát triển.

– Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm lực về khoa học – công nghệ lớn, nhất là đã hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao hoạt động bước đầu có hiệu quả; có thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là động lực khuyến khích, thúc đẩy các HTX phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

– Một số HTX, THT nông nghiệp đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, nhiều HTX nông nghiệp đã có xu hướng chuyển dần từ hình thức chỉ tổ chức sản xuất hoặc chỉ tiêu thụ sản phẩm sang cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống của thành viên. Việc chuyển đổi này phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, phù hợp với tính chất đặc thù của nông nghiệp đô thị của Thành phố.

– Sự ra đời và đi vào hoạt động của HTX, đặc biệt là các HTX hoạt động có hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của hộ nông dân trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đưa hộ nông dân trở thành đối tượng tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, giá sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

2. Khó khăn

– Nhận thức của cán bộ quản lý HTX tại một số xã, phường, thị trấn của huyện, quận còn chưa sâu, công tác tuyên truyền, vận động thành lập HTX của cán bộ quản lý hợp tác xã tại một số xã, phường, thị trấn chưa được đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương; một số HTX còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

– Hiện nay đã có một số doanh nghiệp liên kết đầu tư vào HTX nhưng số lượng chưa nhiều để giúp HTX giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Các HTX chưa thu hút nhiều hộ nông dân tham gia làm thành viên HTX và sử dụng dịch vụ của HTX (đặc biệt là dịch vụ cung ứng đầu vào).

– Các HTX chưa tiếp cận được vay vốn tín chấp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo đó các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được vay vốn theo hình thức tín chấp tối đa 01 tỷ đồng. Nguyên nhân các HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng là do không có tài sản thế chấp, hoặc có tài sản thế chấp nhưng tổ chức tín dụng định giá đất (nhất là đất nông nghiệp) và các tài sản trên đất còn thấp, chưa phù hợp với giá thị trường.

– Đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức sản xuất của các HTX. Một số HTX có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ để phục vụ nuôi, trồng, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố (như nhà lưới, nhà kính, nhà sơ chế, bao gói sản phẩm…). Tuy nhiên, căn cứ theo Luật đất đai năm 2013 và Luật xây dựng năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về đất đai, xây dựng, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ được phép xây dựng trên loại “đất nông nghiệp khác”, được xác định trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và phải sử dụng theo đúng mục đích sử dụng đất do nhà nước quy định. Như vậy, các HTX có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất không phải là “đất nông nghiệp khác” sẽ không được xây dựng, làm hạn chế việc phát triển sản xuất của HTX.

– Hiện nay đã có một số mô hình liên kết trong sản xuất giữa các HTX với nhau nhưng số lượng chưa nhiều, các HTX vẫn chủ yếu hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết hợp tác với nhau, thậm chí có tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, không thể phối hợp để cùng cung ứng những đơn hàng lớn theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

– Cơ sở hạ tầng, trụ sở (văn phòng làm việc, giao dịch, khu vực nhà xưởng, sơ chế, chế biến,…) của các HTX còn hạn chế.

3. Hạn chế, nguyên nhân:

3.1. Hạn chế

– Các HTX chưa xây dựng được chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, HTX không có ký kết thỏa thuận giao dịch kinh tế với thành viên. Các hoạt động dịch vụ của nhiều HTX chưa thực sự là chỗ dựa, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế hộ thành viên. Nhiều HTX tồn tại trên danh nghĩa, hình thức, hoạt động không đúng nguyên tắc, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

– Công tác quản lý, điều hành của HTX chưa khoa học, thiếu theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của HTX. Phần lớn các HTX chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, nên hoạt động không hiệu quả và không thể tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi đối với HTX. Tư duy quản lý của bộ máy chưa thích ứng với cơ chế thị trường, nhiều HTX trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước;

– Nhiều HTX quy mô nhỏ không đủ năng lực tài chính, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực không đủ sức để liên kết và phát triển sản xuất kinh doanh. Phần lớn các HTX sản xuất kinh doanh vẫn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ, thiếu liên kết giữa các thành viên, thiếu quan tâm đến nhu cầu chung của thành viên. HTX chưa lo được thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; thậm chí có HTX thành lập ra không có dịch vụ gì để cung cấp cho thành viên hoặc chỉ cung cấp những dịch vụ không thiết yếu.

– Công tác tổ chức tuyên truyền vận động phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố hiện nay chưa được chú trọng, nhận thức của cán bộ về HTX chưa đầy đủ, các chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn nhiều hạn chế, bất cập vì vậy HTX đang gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan để hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế cho phát huy hết vai trò của Sở, ngành để hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp phát triển.

3.2. Nguyên nhân

– Trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng, hạn chế trong việc đưa ra chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường.

– Khi tham gia xây dựng HTX các thành viên chưa xác định rõ vị trí, trách nhiệm của mình, thiếu sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX, do đó thị trường nội bộ của HTX bị thu hẹp, thị trường bên ngoài không ổn định. Các vấn đề liên quan đến tổ chức, cán bộ, số lượng thành viên, vốn, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động,… còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với mô hình HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

– Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để hỗ trợ HTX thật sự chưa đáp ứng nhu cầu của HTX, chưa kịp thời, bên cạnh đó có một số chính sách chậm được triển khai thực hiện từ cấp trên như: Chính sách đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX chưa đồng bộ.

Phần III

PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TP.HCM GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Để tăng cường phát triển mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với phát huy vai trò trung tâm của HTX là đầu mối tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hộ nông dân và doanh nghiệp, trên cơ sở chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố xác định phương hướng phát triển như sau:

1. Phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp phải dựa trên nội lực của HTX là chính, nhà nước hỗ trợ về mặt thể chế, cơ chế chính sách và một phần ngân sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển.

2. Khuyến khích các hộ tham gia vào HTX nông nghiệp trở thành thành viên của HTX, để hộ nông dân yên tâm sản xuất, khi việc lập kế hoạch sản xuất và tổ chức sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã có HTX đảm nhận.

3. Vận động các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ nông dân sản xuất giỏi tham gia THT, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tiến đến thành lập HTX, vận động các hộ trang trại làm nòng cốt thành lập các HTX mới. Củng cố các HTX hiện có, giải quyết các khó khăn HTX đang vướng mắc, kiên quyết giải thể các HTX ngưng hoạt động, hoạt động không hiệu quả kéo dài, nâng cao năng lực của các HTX đang hoạt động hiệu quả.

4. Phát triển HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn có giá trị kinh tế cao của Thành phố, trong đó tập trung phát triển HTX hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố, bao gồm: rau, hoa kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh (Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân TP.HCM).

5. Tổ chức hoạt động của HTX: Chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản,…); hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng; tổ chức thu gom, sơ chế, chế biến sản phẩm của thành viên và cung cấp cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

6. Tập trung xây dựng Chuỗi liên kết giá trị sản phẩm nông nghiệp theo mô hình: hộ nông dân – HTX – doanh nghiệp. Trong đó: hộ nông dân là chủ đất, tham gia liên kết với nhau thành lập HTX và góp vốn vào HTX; HTX là đầu mối đảm nhận tổ chức sản xuất hoặc dịch vụ mà hộ nông dân riêng lẻ không thể làm được hoặc làm được nhưng không hiệu quả như: nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó lập kế hoạch và triển khai kế hoạch sản xuất đến từng hộ nông dân, hướng dẫn quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ đầu vào, kiểm soát chất lượng nhằm cung ứng cho doanh nghiệp với số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp, còn doanh nghiệp sẽ đảm nhận vai trò tìm kiếm thị trường tiêu thụ, phân phối sản phẩm của HTX đến người tiêu dùng.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, vận động

– Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về luật HTX về sự cần thiết phải xây dựng và phát triển HTX cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân tại các huyện, quận (đặc biệt tại 5 huyện, 56 xã xây dựng nông thôn mới) về vai trò và lợi ích của tổ chức HTX trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng.

– Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về HTX nông nghiệp, mở các chuyên san, chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về HTX nông nghiệp. Chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với thi đua khen thưởng trong thực hiện mục tiêu phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2025.

– Biên soạn cẩm nang, tờ rơi giới thiệu các hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh để tuyên truyền, vận động hộ sản xuất nông nghiệp nhận thức được lợi ích của việc tham gia liên kết sản xuất trong mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và những cơ chế chính hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và Thành phố.

– Tổ chức các chuyên khảo sát, học tập mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất nông nghiệp có hiệu quả tại các tỉnh, thành cho nông dân và thành viên HTX, ban quản lý HTX giao lưu, học tập và áp dụng (chú trọng học tập cách thức vận hành, quản lý HTX của Ban Giám đốc HTX).

– Tổ chức hội thảo trao đổi, giới thiệu các mô hình quản lý HTX nông nghiệp có hiệu quả, tạo điều kiện cho các HTX khác học tập, nhân rộng.

2. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về HTX nông nghiệp

– Ở cấp quận, huyện: phân công ít nhất 01 (một) cán bộ chuyên trách về công tác quản lý nhà nước về HTX ở Phòng Tài chính – Kế hoạch; ở cấp phường, xã: phân công cho cán bộ phụ trách nông nghiệp trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước để các HTX hoạt động đúng luật, hiệu quả mà không can thiệp sâu vào hoạt động của HTX.

– Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý Nhà nước về HTX tại các Sở, ngành, quận huyện, xã phường.

– Hỗ trợ thực hiện kiểm toán độc lập một số HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố, qua đó hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tuân thủ đúng các quy định của Luật HTX năm 2012 về các nội dung: việc hoàn thành nghĩa vụ về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho thành viên HTX; việc phân phối thu nhập của HTX cho thành viên HTX chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ; chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán;… đảm bảo cho các HTX hoạt động theo đúng bản chất của mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012.

– Tổ chức cho cán bộ quản lý Nhà nước khảo sát, học tập các mô hình quản lý HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả tại các tỉnh, thành.

– Tổ chức điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu về HTX, THT. Nội dung điều tra tập trung vào quy mô sản xuất, sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ, thị trường tiêu thụ, kết quả sản xuất – kinh doanh, những chính sách hỗ trợ mà HTX, THT đã tiếp cận được; những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và các kiến nghị, đề xuất của HTX, THT. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, quận có giải pháp hỗ trợ phát triển HTX và kiến nghị, đề xuất Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển HTX nông nghiệp.

– Xây dựng nâng cấp phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu HTX, THT nhằm tăng cường phục vụ công tác quản lý nhà nước, nắm bắt thực trạng hoạt động của HTX.

– Tổ chức hướng dẫn cho các HTX nông nghiệp đánh giá và xếp loại theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ đó, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu phát triển HTX nông nghiệp hiệu quả phù hợp với đặc thù của TP.HCM.

– Tổ chức hướng dẫn cho các HTX nông nghiệp quy định hoạt động đặc thù theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BNNPTNT ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo của hợp tác xã nông nghiệp và trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp đối với hợp tác xã nông nghiệp.

– Hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng các chuyên đề về giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương.

– Định kỳ 6 tháng, năm tổ chức hội nghị giao ban với các đơn vị liên quan, quận, huyện, các HTX, doanh nghiệp để nắm bắt thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các HTX, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ cho HTX.

3. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã

– Tăng cường công tác bồi dưỡng năng lực quản lý, điều hành HTX cho các chức danh chủ chốt của HTX (thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên, nhân viên kế toán, tài chính,…), thành viên HTX, người sáng lập khởi nghiệp các HTX; tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về HTX tại cấp huyện, cấp xã.

– Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật, chú trọng kỹ thuật về nông nghiệp công nghệ cao cho thành viên và người lao động của HTX nông nghiệp.

– Nghiên cứu xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể thành phố giai đoạn 2021-2030, chú trọng đào tạo cho cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, cán bộ làm công tác quản lý HTX, thành viên HTX, con em hoặc người lao động trẻ có tâm huyết, cam kết làm việc lâu dài cho HTX.

– Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025 trong đó có nội dung hỗ trợ đào tạo nghề cho cán bộ quản lý, thành viên và người lao động của HTX nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao).

– Tiếp tục nghiên cứu tham mưu triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025[2].

4. Hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp

– Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu về mô hình HTX nông nghiệp, trình tự và thủ tục thành lập, đăng ký HTX theo quy định cho các đối tượng là cán bộ, hội viên Hội nông dân, đặc biệt hội viên là nông dân sản xuất giỏi để làm nòng cốt thành lập, phát triển HTX nông nghiệp.

– Tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc tổ chức tập huấn tư vấn thành lập HTX, THT tập trung theo khu vực xã – ấp hoặc theo cụm xã, liên xã về trình tự thành lập HTX, THT, các thủ tục pháp lý như: Xây dựng Hợp đồng hợp tác (đối với THT), Xây dựng Điều lệ, Phương án sản xuất – kinh doanh (đối với HTX),…thảo luận và giải đáp các thắc mắc liên quan đến HTX, THT của các sáng lập viên, hộ nông dân. Hỗ trợ HTX tổ chức thành công Hội nghị thành lập, thủ tục đăng ký HTX, mã số thuế và các thủ tục cần thiết khác để HTX đủ cơ sở pháp lý đi vào hoạt động.

– Tiếp tục nghiên cứu tham mưu triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX nông nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021-2015.

5. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

– Rà soát nhu cầu hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, kinh doanh của các HTX, qua đó ưu tiên tuyển chọn và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hoạch bảo quản, chế biến, kinh doanh theo đơn đặt hàng của HTX.

– Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cho HTX, thành viên HTX để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

– Ưu tiên lựa chọn các HTX, thành viên HTX tham gia tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư,… phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển khoa học công nghệ đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, hiện đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện.

– Hỗ trợ HTX xây dựng và đăng ký nhãn hiệu kinh tế tập thể cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của HTX.

– Tăng cường hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.

– Ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn các HTX đầu tư vào Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM với chế độ đãi ngộ theo quy định của thành phố; hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã được tham gia các chương trình đào tạo dạy nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với chế độ đãi ngộ theo quy định của Thành phố, hỗ trợ cung cấp giống cây, giống con, giống nấm,… chất lượng tốt, chuyển giao quy trình công nghệ, đào tạo tập huấn các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao cho cán bộ và các thành viên của HTX trên địa bàn TP.HCM.

6. Hỗ trợ vốn, tín dụng cho HTX nông nghiệp

– Hướng dẫn triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận lợi khi HTX có nhu cầu vay vốn. Nghiên cứu xác định giá trị đất và tài sản gắn liền trên đất của HTX, thành viên HTX sát với giá trị của thị trường cùng thời điểm, làm cơ sở để nâng cao giá trị thê chấp vay vốn phát triển sản xuất.

– Ưu tiên cho các HTX nông nghiệp, đặc biệt là HTX nông nghiệp công nghệ cao, thành viên HTX nông nghiệp được trợ vốn từ Quỹ trợ vốn xã viên HTX TP.HCM (Quỹ CCM) để hỗ trợ tối đa việc tiếp cận vay vốn.

– Tiếp tục nghiên cứu tham mưu chính sách hỗ trợ lãi vay theo Quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021­ 2025 để hỗ trợ cho HTX nông nghiệp, thành viên HTX được tiếp cận và được hỗ trợ vay vốn có hỗ trợ lãi suất.

7. Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp

– Hướng dẫn, hỗ trợ HTX nông nghiệp được thuê đất để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; cấp phép xây dựng phần đất được thuê.

– Ban hành quy trình hướng dẫn xác nhận hiện trạng đất nông nghiệp và chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác để cấp phép xây dựng, tổ chức thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng.

– Hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các HTX (nhà xưởng, nhà sơ chế, nhà lưới…) trên đất nông nghiệp.

8. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cho HTX nông nghiệp

– Xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM (rau, hoa, bò sữa, heo, cá cảnh, tôm nước lợ,…) hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết. Xác định rõ vai trò của các bên tham gia liên kết: hộ nông dân tập trung sản xuất theo kế hoạch của HTX; HTX tập trung thu gom, sơ chế, chế biến sản phẩm và cung cấp cho doanh nghiệp; doanh nghiệp thực hiện tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho HTX.

– Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp tham gia liên kết.

– Tiếp tục hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tham gia Chương trình bình ổn thị trường.

– Tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp, kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định.

– Hỗ trợ liên kết các tuyến/tour du lịch hiện có trên địa bàn Thành phố với việc trải nghiệm sản xuất tại các HTX, đặc biệt là trải nghiệm sản xuất tại các HTX sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, HTX hoa cây kiểng, HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Các cơ quan đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao trong Đề án phê duyệt, hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và theo khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để thực hiện Đề án.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

– Đầu mối hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.

– Hàng năm, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, quận xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển HTX nông nghiệp hiệu quả giai đoạn 2021-2025 tại địa phương.

– Định kỳ hàng năm tổ chức điều tra cập nhật cơ sở dữ liệu về HTX, THT, xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, đề xuất giải pháp hỗ trợ hoặc cơ chế chính sách hỗ trợ HTX, THT.

– Thông tin tuyên truyền, tập huấn về Luật HTX, mục đích ý nghĩa, nhiệm vụ của Đề án cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân tại các quận, huyện (bằng các hình thức như: tập huấn, biên soạn cẩm nang, tờ rơi, hội nghị, cuộc thi, mở các chuyên san, chuyên mục, phim phóng sự, phim truyền hình, khảo sát học tập mô hình, hội thảo…).

– Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ HTX, thành viên HTX về chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư,… phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm (rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa, bò thịt…) đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt. Tiếp tục hỗ trợ các HTX áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ các HTX ứng dụng Công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hiệu quả.

– Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành chính sách hỗ trợ lãi vay theo Quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, sản xuất cho thành viên, người lao động làm việc tại HTX; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ quản lý HTX.

– Phối hợp với các sở ngành đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX nông nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021-2025.

– Tuyên truyền, phổ biến về chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai thực hiện các mô hình trình diện sản xuất nông nghiệp có ứng dụng khoa học công nghệ để người dân có thể tham quan, học tập và nhân rộng.

– Phối hợp với viện, trường hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng các chuyên đề về giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương.

– Định kỳ 6 tháng, năm tổ chức hội nghị giao ban với các đơn vị có liên quan về tình hình hoạt động của các HTX.

– Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ báo cáo 6 tháng, năm (đối với báo cáo 6 tháng trước ngày 20 tháng 6 hàng năm, báo cáo năm trước ngày 20 tháng 12 hàng năm) gửi Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

– Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ ngành liên quan.

– Tiếp tục rà soát, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các quy định về hướng dẫn thực hiện Luật HTX năm 2012 đảm bảo thuận lợi cho các HTX thực hiện.

3. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Đề án hàng năm của cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí dự toán kinh phí thực hiện theo quy định.

4. Liên minh Hợp tác xã Thành phố

– Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; ưu tiên trợ vốn từ Quỹ CCM cho HTX nông nghiệp, thành viên HTX nông nghiệp công nghệ cao với khung mức phí thấp nhất.

– Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX nông nghiệp theo nhu cầu của các HTX nông nghiệp với kinh phí do HTX thanh toán và nghiên cứu xây dựng đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế hợp tác trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025.

– Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố tuyên truyền vận động các hội viên hội nông dân, hội viên hội phụ nữ tham gia mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả.

– Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các quận, huyện khảo sát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của các HTX, thành viên HTX.

– Hỗ trợ HTX thực hiện kiểm toán độc lập.

5. Hội Nông dân Thành phố

– Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Thành phố xây dựng chương trình phối hợp vận động hội viên, nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác.

– Chỉ đạo Hội nông dân các quận, huyện và Ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân ưu tiên hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp, đặc biệt là HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành viên HTX tiếp cận được nguồn hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất kinh doanh. Định kỳ hàng quý (trước ngày 25 của cuối quý), báo cáo công tác hỗ trợ vốn vay cho các HTX, THT từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) tổng hợp.

– Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu về mô hình HTX nông nghiệp, trình tự và thủ tục thành lập, đăng ký HTX theo quy định cho các đối tượng là cán bộ, hội viên, nông dân.

– Chủ trì, phối hợp triển khai Kế hoạch số 1949/KH-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch khuyến khích hộ nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh trong hợp tác xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2023, có 70% hộ nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh tham gia là thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác.

6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị – xã hội khác: Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của HTX, phối hợp vận động các hộ gia đình tham gia HTX nông nghiệp kiểu mới, các tổ hợp tác và tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Phát động những phong trào thi đua hỗ trợ phát triển HTX gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phong trào thi đua “Cả Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”.

7. Sở Nội vụ: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hợp tác xã theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

8. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: hỗ trợ đào tạo nghề cho cán bộ quản lý, thành viên và người lao động của HTX nông nghiệp.

9. Sở Công Thương

– Tiếp tục hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tham gia Chương trình bình ổn thị trường.

– Tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp, kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các HTX, THT.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường

– Hướng dẫn và xem xét, giải quyết thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của hợp tác xã nông nghiệp theo quy định pháp luật đất đai trong đó bao gồm việc chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất nông nghiệp không phải là đất nông nghiệp khác sang đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác để các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định.

– Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc cấp phép xây dựng cho hợp tác xã nông nghiệp đối với phần đất được giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất khi có yêu cầu của Sở Xây dựng.

– Hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực môi trường theo quy định.

11. Sở Xây dựng: Hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các HTX (nhà xưởng, nhà sơ chế, nhà lưới…) trên đất nông nghiệp.

12. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

– Rà soát nhu cầu hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, kinh doanh của các HTX; ưu tiên tuyển chọn và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản chế biến, kinh doanh theo đơn đặt hàng của các HTX.

– Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cho HTX, thành viên HTX để tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

– Hỗ trợ cho các HTX có nhu cầu xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp;

13. Sở Du lịch: liên kết các tuyến/tour du lịch hiện có trên địa bàn Thành phố với việc trải nghiệm sản xuất tại các HTX, đặc biệt là trải nghiệm sản xuất tại các HTX sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, HTX hoa cây kiểng, HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

14. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM: Tiếp tục triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Ngân hàng nhà nước Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các đối tượng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ, giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi khi HTX có nhu cầu vay vốn.

15. Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao: ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn các HTX đầu tư vào Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM với chế độ đãi ngộ theo quy định của thành phố.

16. Học viện Cán bộ Thành phố

– Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý Nhà nước về HTX cho cán bộ phụ trách công tác quản lý HTX tại các Sở ngành, quận, huyện; phường, xã.

– Phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX.

17. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

– Căn cứ Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tình hình thực tế tại địa phương, các quận, huyện xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

– Nâng cao công tác quản lý Nhà nước về HTX nông nghiệp ở cấp quận, huyện và phường xã.

– Hướng dẫn các HTX đánh giá và xếp loại theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá và xếp loại HTX nông nghiệp.

– Hướng dẫn các HTX quy định hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo của hợp tác xã nông nghiệp và trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp đối với hợp tác xã nông nghiệp theo Thông tư số 06/2019/TT-BNNPTNT ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Tăng cường vai trò chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp huyện, đặc biệt năng lực quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể ở cấp xã để tập trung phát triển THT, HTX ở các xã xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo hoàn thành tiêu chí số 13 – Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và phát triển mô hình HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

– Chỉ đạo phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân xã phường ưu tiên lựa chọn các HTX, thành viên HTX tham gia tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật tư,… phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc các chương trình phát triển nông nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển khoa học công nghệ đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, hiện đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện.

– Tăng cường tuyên truyền, tư vấn thành lập mới về HTX. Triển khai các hoạt động củng cố HTX hoạt động kém hiệu quả nhưng có khả năng phát triển.

– Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ phát triển các sản phẩm đạt chuẩn và có Kế hoạch quảng bá, kết nối sản phẩm đến các khu, điểm du lịch cho các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn.

– Phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động của các hợp tác xã, theo đó kiên quyết giải thể những hợp tác xã ngưng hoạt động quá 12 tháng liên tục hoặc những hợp tác xã hoạt động yếu kém không có khả năng phục hồi, củng cố.

– Tiếp tục xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).

– Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các HTX thành lập mới.

Đề nghị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện định kỳ báo cáo 6 tháng (trước này 20 tháng 6 hàng năm) và năm (trước ngày 20 tháng 12 hàng năm) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

Trong quá trình triển khai Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.

 

PHỤ LỤC 1

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA 117 HTX ĐANG HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

STT


Phường

Thị trấn

Tên viết tắt HTX

Phân loại ngành nghề

Năm thành lập

SL thành viên

Vốn điều lệ (triệu đồng)

 

TNG

117

 

 

2.593

542.973

I.

CỦ CHI

40

 

 

570

317.445

1

1. Phước Hiệp

Tương Lai NTTS

2002

7

500

2

Sinh vật cảnh Sài Gòn NTTS

2013

13

9.000

3

2. Tân Thạnh Tây

Thỏ Việt RAT

2010

14

10.000

4

3. Tân Thông Hội

Tân Thông Hội CN B.Sữa

1999

150

5.000

5

4. Trung An

Hà Quang KDTH

2003

7

70.000

6

Bình Mỹ CN. Khác

2015

7

7.000

7

HTX SX TM tổng hợp Cường Thanh KDTH

2018

7

140

8

HTX Thỏ sạch Củ Chi CN khác

2019

9

900

9

5. Hòa Phú

HTX NN Xanh RAT

2019

8

2.000

10

6. Nhuận Đức

Nhuận Đức RAT

2007

8

900

11

HTX Nông nghiệp CNC Việt Úc KDTH

2018

14

14.000

12

HTX Homestay Củ Chi KDTH

2019

8

5.000

13

HTX Thủy sản Phát Đạt NTTS

2020

7

1.600

14

HTX Trùn quế Nhuận Đức CN khác

2020

7

1.600

15

7. Tân Phú Trung

Phú Lộc RAT

2011

42

6.005

16

Việt Nhật RAT

2017

8

1.000

17

Trường Thinh Phát RAT

2020

9

1.900

18

HTX Làng nghề VTB KDTH

2020

10

150.000

19

8. Phú Hòa Đông

Phú Hòa Đông NNNT

2006

18

1.000

20

Nấm Việt SX Nấm

2011

9

1.500

21

Nông nghiệp SX TM dịch vụ Củ Chi KDTH

2018

7

2.600

22

Rau sạch Củ Chi RAT

2018

8

1.000

23

9. An Phú

Tiên Phong CN Khác

2007

50

2.000

24

Bò sữa Dairy Farmers Củ Chi KDTH

2019

7

300

25

10. An Nhơn Tây

Quang Nhựt RAT

2015

7

500

26

Nông nghiệp công nghệ xanh Bình Minh KDTH

2018

9

2.000

27

Combo món ăn về quê DVNN

2020

7

600

28

11. Thị trấn Củ Chi

Hoa lan Huyền Thoại HCK

2015

8

5.000

29

Đất Thép KDTH

2018

9

600

30

12. Trung Lập Thượng

Lộc Điền RAT

2017

10

500

31

Củ Chi RAT

2017

8

800

32

NNCNC Mặt trời mọc RAT

2019

7

800

33

NN Trung Lập Thượng RAT

2020

7

6.000

34

12. Phước Vĩnh An

Hi Nông RAT

2018

9

300

35

HTX Nông nghiệp mới năm 2020 KDTH

2020

7

100

36

13. Phạm Văn Cội

Nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi RAT

2018

11

500

37

14. Trung Lập Hạ

Nông nghiệp ORFAPA CN

2018

10

2.000

38

15. Tân Thạnh Đông

HTX NN CNC Hưng Điền CN

2018

7

1.800

39

16. Tân An Hội

HTX Rau sạch Song Hy RAT

2019

9

500

40

17. Bình Mỹ

Bò sữa Bình Mỹ- Như Khánh Milk CN B.Sữa

2020

11

500

II.

Hóc Môn

18

469

45.633

41

18. Xuân Thới Sơn

Mai Hoa RAT

2012

20

1.900

42

Đặc sản vùng Miền KDTH

2020

7

1.000

43

Công nông Trường Sơn KDTH

1999

24

1.000

44

Tân Hiệp KDTH

2017

7

17.000

45

19. Xuân Thới Thưng

Ngã Ba Giòng RAT

2004

52

500

46

Rau Xuân Thi Thượng RAT

2018

7

2.000

47

20. Tân Xuân

Bảo Tín DVNN

2009

218

133

48

Thanh niên DVNN

2017

11

10.000

49

21. Nhị Bình

Nam Bộ CN Khác

2012

39

1500

50

22. Bà Điểm

Ngọc Điểm KDTH

2013

28

1.000

51

23. TT Hóc Môn

Hóc Môn Đơn Dương RAT

2017

7

250

52

24. Xuân Thới Đông

Đất Phù Sa RAT

2018

7

200

53

25. Thới Tam Thôn

HTX rau sạch GAP RAT

2018

7

900

54

26. Tân Hiệp

HTX rau sạch nên ăn RAT

2018

7

500

55

HTX DV NN Vân Dương RAT

2019

7

200

56

27. Đông Thạnh

HTX bò sữa Đông Thạnh CNBS

2018

7

500

57

HTX Tre Việt KDTH

2019

7

7.000

58

HTX Thới Thạnh KDTH

2016

7

50

III.

Bình Chánh

17

 

 

224

30.720

59

28. Tân Quý Tây

Phước An RAT

2006

62

1.500

60

Phước Bình RAT

2012

9

2.000

61

29. Phạm Văn Hai

An Hạ CN Khác

2004

15

2.000

62

30. Hưng Long

Hưng Điền RAT

2012

16

410

63

Hoa lan Việt HCK

2018

9

510

64

Toàn Cầu DVNN

2020

8

2.000

65

31. Tân Nhựt

Phát triển nông thôn – lâm nghiệp công nghệ xanh KDTH

2017

19

9.500

66

Sản xuất thương mại, nông thủy sản cánh buồm vàng KDTH

2018

9

5.000

67

32. Bình Li

HTX Mai Vàng Bình Lợi HCK

2018

8

1.000

68

HTX Thái Dương KDTH

2019

7.00

69

33. An Phú Tây

An Phú HCK

2018

13

260

70

34. Bình Hưng

Nông thủy hữu cơ xanh KDTH

2017

9

1.800

71

35. Tân Kiên

Nông nghiệp Thương mại Tân Kiên HCK

2018

12

210

72

36.Vĩnh Lộc B

Thành Nam RAT

2019

7

700

73

37. Đa Phước

Hoa lan Đa Phước HCK

2019

7

200

74

Cánh đồng Xanh DVNN

2019

7

200

75

38. Qui Đức

Đại Thành Công RAT

2019

7

430

IV.

Nhà Bè

5

 

 

45

8.800

76

39. Hiệp Phước

Hiệp Thành NTTS

2016

11

1.500

77

Vina Nhà Bè NTTS

2020

11

2.000

78

40. Nhơn Đức

Alo KDTH

2017

9

5.000

79

NN Nhơn Đức KDTH

2019

7

100

80

41. TT Nhà Bè

NN MT Nhà Bè KDTH

2019

7

200

V.

Cần Gi

12

 

 

207

96.213

81

42. An Thi Đông

Thuận Yến KDTH

2011

11

10.000

82

43. Thạnh An

Thiềng Liềng DN

2012

30

196

83

44. Long Hòa

Long Hòa KDTH

2013

25

57.000

84

45. TT Cần Thạnh

Nhạn Trắng KDTH

2013

17

7.667

85

Từ Tâm Nấm

2019

7

200

86

Nam Tiến KDTH

2017

8

5000

87

46. Lý Nhơn

Duyên Hải NTTS

2016

21

4.500

88

Hương Giang NTTS

2017

11

550

89

Thành Lợi DN

2016

12

600

90

Thành Trung NTTS

2017

20

1.500

91

47.Bình Khánh

Cần Giờ Tương Lai KDTH

2019

32

8.000

92

48. Tam Thôn Hiệp

Yến Sào Tam Thôn Hiệp KDTH

2019

13

1.000

VI.

Quận 9

6

 

 

100

13.075

93

49. Phước Long B

Phước Long KDTH

1998

65

425

94

Tho Nguyên Xanh SX nấm

2019

7

430

95

50. Tân Phú

Tân Đức RAT

2016

7

1.020

96

51. Long Phưc

NNCNC Vạn Xuân KDTH

2017

7

10.000

97

NNCNC Long Phước KDTH

2018

7

1.000

98

52. Long Trường

Tuấn Ngọc KDTH

2019

7

200

VII.

Quận 12

3

 

 

643

1.282

99

53. Hiệp Thành

Hiệp Thành KDTH

1998

116

32

100

54. Thạnh Lộc

Xuân Lộc KDTH

1985

484

1.049

101

55. An Phú Đông

An Phú Đông DVNN

2014

43

201

VIII.

Gò Vấp

4

 

 

59

10.655

102

56. P8

Gò Vấp KDTH

2007

32

155

103

57. P 12

NN CNC Kỹ Nguyên Xanh KDTH

2018

9

1.000

104

58. P 6

ARO King KDTH

2018

7

5.000

105

59. P16

HTX Nông nghiệp SAGOFARM KDTH

2019

11

4.500

IX

BÌNH TÂN

9

 

 

67

8.000

106

60. Bình Hưng Hòa

Trường Thịnh RAT

2016

9

490

107

61. Bình Hưng Hòa A

Vũ Hưng Trường CN khác

2017

7

500

108

62. Bình Hưng Hòa B

Điền Phát KDTH

2017

9

1.800

109

Huy Hoàng RAT

2018

7

480

110

Hồng Phúc HCK

2018

7

480

111

Phước Hạnh KDTH

2019

7

1.200

112

63. Phưng Tân Tạo

Kim Ánh KDTH

2018

7

1.400

113

Nông Phố RAT

2019

7

650

114

64. Phường Bình Trị Đông

Cô bảy Sài Gòn KDTH

2019

7

1.000

X

BÌNH THẠNH

1

 

 

197

150

115

65. P 28

Bình Quới KDTH

1999

197

150

XI

TÂN BÌNH

2

 

 

14

11.00

116

66. P.15

Nông trại thiên nhiên KDTH

2018

7

1.000

117

67. P.14

Nông nghiệp Bến Thành KDTH

2018

7

10.000

 

PHỤ LỤC 2

THÔNG TIN CHUNG CỦA 05 HTX KHÔNG CÒN HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

STT


Phường

Thị trấn

Tên HTX

Ghi chú

TNG CỘNG

5

I.

CỦ CHI

1

1

Trung An

HTX Nông – Công nghiệp Bến Thành HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tổng hợp, nhưng hiện nay đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ công nghiệp với số lượng thành viên là 08, tổng vốn điều lệ là 90.000.000.000 đồng

II.

THỦ ĐỨC

1

 

2

Bình Chiểu HTX NN-DV Bình Chiểu HTX hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ với số lượng thành viên là 47, tổng vốn điều lệ là 353.500.000 đồng

III.

QUẬN 8

3

 

3

P6

HTX Nông nghiệp Chiến Thắng HTX hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý trạm cung cấp nước sạch, quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp với số lượng thành viên là 153, tổng số vốn điều lệ là 153.000.000 đồng

4

P7

HTX NN-DV-TM Phú Sơn HTX hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình cung cấp phục vụ thành viên, quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp với số lượng thành viên là 146, tổng vốn điều lệ là 200.000.000 đồng

5

HTX NN-DV-TM Phú Lợi HTX hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khai thác và quản lý chợ, quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp với số lượng thành viên là 171, tổng vốn điều lệ là 171.000.000 đồng

PHỤ LỤC 3

DANH SÁCH 19 HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP DỰ KIẾN GIẢI THỂ

STT

Quận
huyện


Phường

Thị trấn

Tên đầy đủ HTX

TNG

19

I.

CỦ CHI

5

1

CC

Tân Thông Hội

HTX Nông nghiệp Trường Sinh

2

CC

Trung An

HTX Hoa lan Đất Việt

3

CC

Thái Mỹ

HTX NN-TM-DV Sao Vàng

4

CC

Tân Thạnh Đông

HTX TM-DV-SX-CN Bò sữa Thành Công

5

CC

Phú Hòa Đông

HTX Phương Đông Đồng Tiến

II.

HÓC MÔN

4

6

HM

Tân Hiệp

HTX Nông Nghiệp Tân Hiệp

7

HM

Thới Tam Thôn

HTX Nông nghiệp hoa lan cây cảnh Ngọc Tú

8

HM

HTX NN-TM-DV Tiên Tiến

9

HM

Đông Thạnh

HTX Nông sản Hoa Quả Sơn

III.

NHÀ BÈ

2

10

NB

TT Nhà Bè

HTX Giết mổ gia súc Sơn Vàng

11

NB

Phước Lc

HTX DV-NN Phước Lộc

IV.

QUẬN 2

2

12

Q2

Bình Khánh

HTX NN-DV Đồng Phú

13

Q2

An Phú

HTX NN-TM-DV Nhân Ái

V.

QUẬN 9

2

14

Q9

Long Phước

HTX Trường Phước

15

Q9

Tăng Nhơn Phú A

HTX NN Phát Nam Việt

VI.

QUẬN 12

1

16

Q12

Tân Chánh Hiệp

HTX NN-TM-DV Dân Quý

VII.

THỦ ĐỨC

2

17

Linh Tây

HTX Đồng Việt

18

Linh Tây

HTX Long Hoa

VIII.

CN GIỜ

1

19

CG

Tam Thôn Hiệp

HTX Thủy sản Cần Giờ

* Lý do giải thể: do các hợp tác xã đã ngưng hoạt động trong thời gian dài.


[1] Theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

[2] Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2020 về phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ chỉ đến 31 tháng 12 năm 2020. Vì vậy, cần xây dựng chính sách mới cho giai đoạn 2021-2025.

QUYẾT ĐỊNH 4007/QĐ-UBND NĂM 2020 VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021-2025
Số, ký hiệu văn bản 4007/QĐ-UBND Ngày hiệu lực 28/10/2020
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Doanh nghiệp
Ngày ban hành 28/10/2020
Cơ quan ban hành TP HCM
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản