QUYẾT ĐỊNH 4054/QĐ-BYT NĂM 2020 VỀ TẠM THỜI HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HỘI CHẨN, TƯ VẤN KHÁM, CHỮA BỆNH TỪ XA DO BỘ Y TẾ BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 22/09/2020

BỘ Y TẾ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 4054/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TẠM THỜI HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HỘI CHẨN, TƯ VẤN KHÁM, CHỮA BỆNH TỪ XA

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Thông tư 49/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này hướng dẫn và quy định tạm thời tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm các nội dung sau:

1. Hướng dẫn thiết lập Phòng hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;

2. Hướng dẫn bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa;

3. Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa.

Điều 2. Nội dung hướng dẫn và quy định tạm thời tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước có đăng ký khám chữa bệnh từ xa.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng và Vụ trưởng các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 4;
– Q. Bộ trưởng (để b/c);
– Các Thứ trưởng (để phối hợp);
– Cổng TTĐT Bộ Y tế, trang TTĐT Cục QLKCB;
– Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Trường Sơn

 

HƯỚNG DẪN

THIẾT LẬP PHÒNG PHÒNG HỘI CHẨN, TƯ VẤN KHÁM CHỮA BỆNH TỪ XA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4054/QĐ-BYT ngày 22 tháng 09 năm 2020)

I. ĐẠI CƯƠNG

Tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Bệnh viện tuyến trên (BVTT) và Bệnh viện tuyến dưới (BVTD) bằng ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin được thực hiện theo nhu cầu của BVTD với sự nhất trí của BVTT để tư vấn, hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và hướng điều trị trên từng người bệnh cụ thể.

II. QUY ĐỊNH

1. Phòng hội chẩn khám chữa bệnh từ xa:

– Tiêu chuẩn thực hiện dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa

+ Phần cứng: Tuyến dưới ưu tiên tận dụng các thiết bị có sẵn của cơ sở

+ Phần mềm: Yêu cầu tuyến dưới sử dụng 2 phần mềm.

– Phần mềm hội nghị truyền hình, sử dụng trong việc kết nối, nói chuyện trực tuyến với bệnh viện tuyến trên.

– Phần mềm kết nối với hệ thống nền tảng Telehealth, thực hiện việc kết nối và truyền tải các dữ liệu của bệnh nhân lên hệ thống và gửi tới bệnh viện tuyến trên.

+ Dữ liệu của bệnh nhân lấy từ các nguồn sau:

– Báo cáo tóm tắt bệnh án: bác sĩ tuyến dưới khám lâm sàng và khai thác trực tiếp thông tin bệnh sử từ bệnh nhân.

– Các dữ liệu hình ảnh DICOM, nonDICOM được lấy trực tiếp từ các thiết bị sinh ảnh có sẵn tại cơ sở y tế

– Dữ liệu từ các thiết bị khám bệnh cầm tay IoT (nếu cần thiết)

+ Yêu cầu hệ thống phải đáp ứng kết nối và truyền tải hình ảnh, âm thanh theo thời gian thực.

2. Cơ sở, trang thiết bị phòng tư vấn khám chữa bệnh từ xa

2.1. Bệnh viện tuyến trên

– Phòng họp: diện tích tối thiểu 20m2, sử dụng ánh sáng vàng

– Bàn ghế: 2 bộ bàn (kích thước tuỳ thuộc diện tích phòng). Số ghế tuỳ số chuyên gia mời hội chẩn. 01 bàn hội nghị + 5-7 ghế (tuỳ theo số chuyên gia hội chẩn và quy mô phòng hội chẩn); 01 bàn kỹ thuật + 2-3 ghế.

– PC phòng hội chẩn (máy tính/laptop) 2 bộ. 01 bộ kết nối cầu truyền hình; 01 bộ cho bác sỹ sử dụng trong lúc chẩn đoán, hiển thị bệnh án của bệnh nhân. Cấu hình khuyến nghị: PC Dell Vostro 3671 42VT370049 Mini Tower: CPU intel core i5 9400, RAM 8GB, HDD 1TB.

– Laptop điều khiển các đầu cầu: bộ CPU I7, Ram 8G, SSD 256

– Tivi 55 inch 2 chiếc, 01 hiển thị điểm cầu tuyến dưới đang hội chẩn; 01 hiển thị bệnh án, hình ảnh của bệnh nhân.

– Camera: 1 chiếc, Có chức năng Pan Tilt Zoom (quét xoay tròn, nghiêng lên xuống, và thu phóng hình ảnh)

– Micro + Speaker: 1 bộ loa mic đa hướng

– Kênh truyền internet tối thiểu 50 Mbps. Kết nối hệ thống nền tảng Telehealth và hội nghị truyền hình.

– Có đường truyền kết nối, hệ thống Camera xuống phòng mổ, phòng nội soi, khoa khám bệnh hoặc một số khoa phòng có nhu cầu tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

2.2. Bệnh viện tuyến dưới

– Phòng họp diện tích tối thiểu 20m2, sử dụng ánh sáng vàng

– Bàn ghế: 1 bộ (1 bàn, 5-7 ghế)

– Máy tính: 1 bộ. Kết nối cầu truyền hình, Kết nối với Nền tảng Telehealth, truyền dữ liệu bệnh nhân lên hệ thống

– Tivi 55 Inch: 1 chiếc, Hiển thị điểm cầu tuyến trên đang hội chẩn

– Camera: 1 chiếc, có chức năng Pan Tilt Zoom (quét xoay tròn, nghiêng lên xuống và thu phóng hình ảnh)

– Micro + speaker: 1 bộ loa mic đa hướng

– Giường bệnh: 1 giường

– Kênh truyền internet, Tối thiểu 50 Mbps, Kết nối hệ thống nền tảng Telehealth và hội nghị truyền hình

– Có đường truyền kết nối, hệ thống Camera xuống phòng mổ, phòng nội soi, khoa khám bệnh hoặc một số khoa phòng có nhu cầu tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

3. Cách bố trí vị trí chủ tọa, tư vấn, thiết bị theo hình ảnh mô tả:

3.1. Bệnh viện tuyến trên/ bệnh viện chủ trì hội chẩn, tư vấn KCB từ xa

3.2. Bệnh viện tuyến dưới/cơ sở tế cần hội chẩn

III. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

– Giám đốc BVTD, BVTT chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và cung ứng đủ trang thiết bị cần thiết theo đúng quy định.

– Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh).

 

HƯỚNG DẪN

VỀ BẢO MẬT THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TỪ XA

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19/11/2015;

Căn cứ Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018

1. Mục đích, yêu cầu

a) Hướng dẫn này quy định về bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa (bao gồm hội chẩn và tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa).

b) Trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cần thực hiện đúng Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quy định tại Điều 8Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, bao gồm:

– Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

– Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động tư vấn KCB từ xa

b) Cán bộ, người hành nghề KBCB tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tham gia hoạt động KCB từ xa, các chuyên gia y tế tham gia hoạt động KCB từ xa

c) Học sinh, sinh viên tham gia học tập và hoạt động tư vấn KCB từ xa

d) Người bệnh, người nhà người bệnh tham gia hoạt động tư vấn KCB từ xa

đ) Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tham gia quản lý, cung cấp, vận hành, khai thác, ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa

3. Các thông tin được chia sẻ trong quá trình tư vấn KCB từ xa

– Tóm tắt Hồ sơ bệnh án và diễn biến ca bệnh cần hội chẩn, gồm: Bệnh sử, tiền sử, kết quả thăm khám, cận lâm sàng, chẩn đoán sơ bộ, quá trình điều trị, yêu cầu hội chẩn và các thông tin khác với mục đích phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

– Biên bản hội chẩn sau khi kết thúc buổi Hội chẩn.

4. Các biện pháp để hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân của người bệnh trong quá trình KCB từ xa:

– Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như: Họ và tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định danh người bệnh bằng bất cứ hình thức nào (thông qua hình ảnh, văn bản, ghi âm…).

– Trường hợp buổi hội chẩn cần sự hiện diện của bệnh nhân: phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để che, hoặc làm mờ hình ảnh mặt bệnh nhân.

– Không thực hiện tường thuật trực tiếp – “Live stream” các buổi hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua các mạng xã hội hoặc các hình thức khác mà có thể làm lộ thông tin cá nhân, hình ảnh mặt người bệnh và tình hình sức khỏe của người bệnh và những người tham gia buổi hội chẩn, hoặc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

5. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hội chẩn, KCB từ xa

a) Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

– Thực hiện đúng quy trình tổ chức hội chẩn, tư vấn KCB từ xa;

– Ban hành quy chế nội bộ của đơn vị để thực hiện hoạt động tổ chức hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, quản lý đăng nhập hệ thống, sao lưu dữ liệu của hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa, bảo mật thông tin, chống phần mềm độc hại, xử lý khẩn cấp khi xảy ra sự cố bảo mật, hệ thống thông tin mạng bị tấn công, trong đó có phân công rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị của đơn vị trong việc giữ bí mật các thông tin của người bệnh, người tham gia hội chẩn và tư vấn KCB từ xa theo quy định của Hướng dẫn này;

– Danh sách tổ chức, cá nhân tham gia các buổi hội chẩn, tư vấn KCB từ xa phải được sự đồng ý của Lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở KBCB tham gia hội chẩn cần ghi chép và lưu giữ danh sách cán bộ, chuyên gia tham gia buổi hội chẩn.

– Bảo đảm các trang thiết bị, hồ sơ, tài liệu theo quy định để cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến buổi hội chẩn, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

– Quản lý chặt chẽ các thiết bị tin học lưu trữ dữ liệu, không cho phép di chuyển, thay đổi vị trí khi chưa được phép của người có thẩm quyền.

– Quản lý và phân quyền truy cập phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của người sử dụng.

– Thiết lập cơ chế bảo vệ mạng nội bộ bảo đảm an toàn thông tin khi có kết nối mạng nội bộ với mạng ngoài như: Internet, mạng cơ quan khác; cần sử dụng hệ thống bảo vệ mạng nội bộ như: hệ thống tường lửa, hệ thống chống xâm nhập trái phép…

– Xây dựng và áp dụng các biện pháp bảo vệ, giám sát, ghi nhật ký hoạt động và quản lý hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện sớm các truy cập trái phép.

– Cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị được tạo điều kiện trang bị các thiết bị tin học, phương tiện kỹ thuật làm việc phù hợp với chuyên môn; tham dự đầy đủ các khóa đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin mạng.

– Tổ chức tư vấn và hướng dẫn người bệnh ký cam kết đồng ý tham gia khám chữa bệnh từ xa trước khi tiến hành các hoạt động cụ thể.

b) Cán bộ tế tham gia hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa

– Có trách nhiệm giữ bí mật và không chia sẻ thông tin người bệnh, người tham gia hội chẩn trong quá trình thực hiện hoạt động hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;

– Tuân thủ nghiêm các nội dung của Hướng dẫn này và quy chế nội bộ của cơ sở nơi làm việc.

c) Người bệnh, người nhà người bệnh

– Người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp cho người bệnh đồng ý tham gia hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, không tiết lộ danh tính và các thông tin cá nhân khác trong quá trình hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

– Thực hiện các hướng dẫn của cơ sở KBCB trong quá trình hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa.

d) Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tham gia quản lý, cung cấp, vận hành, khai thác, ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau:

– Các hệ thống phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu phải có cơ chế sao lưu dữ liệu dự phòng, dữ liệu được lưu trữ tại nơi an toàn đồng thời phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo sẵn sàng phục hồi khi có sự cố an toàn thông tin mạng xảy ra.

– Bảo đảm an toàn và bảo mật dữ liệu trong lưu trữ và thực hiện hội chẩn, tư vấn KCB từ xa theo quy định của Nhà nước.

– Phần mềm hệ quản trị cơ sở dữ liệu phải được thiết lập cơ chế tự động cập nhật bản vá lỗ hổng bảo mật từ nhà sản xuất.

– Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tế thực hiện tư vấn KCB từ xa trong việc bảo mật thông tin cá nhân và thông tin sức khỏe của người bệnh tham gia tư vấn KCB từ xa theo yêu cầu của Hướng dẫn này.

– Chịu trách nhiệm trước Pháp luật trong trường hợp tự ý tiết lộ thông tin cá nhân và thông tin sức khỏe của người bệnh tham gia tư vấn KCB từ xa.

– Không được sử dụng hình ảnh, dữ liệu lưu trữ quá trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với mục đích thương mại hoặc các mục đích khác dưới bất kỳ hình thức nào.

 

QUY TRÌNH

TỔ CHỨC HỘI CHẨN, TƯ VẤN KHÁM CHỮA BỆNH TỪ XA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4054/QĐ-BYT ngày 22 tháng năm 2020)

I. ĐẠI CƯƠNG

1. Quy trình tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được xây dựng với mục tiêu hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức buổi hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh với các cơ sở y tế khác bằng ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin.

2. Quy trình được áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước.

II. NGUYÊN TẮC

1. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được tổ chức dựa trên nhu cầu của các cơ sở y tế và có sự thống nhất giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trước khi triển khai.

2. Việc quyết định chẩn đoán và điều trị cho người bệnh hoàn toàn là trách nhiệm của cơ sở KCB có người bệnh cần hội chẩn, tư vấn.

3. Các cơ sở khám, chữa bệnh tham gia hội chẩn phải bảo mật thông tin của người bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

III. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện:

– Bác sĩ, Điều dưỡng, Kĩ thuật viên, dược sĩ (Số lượng và thành phần cụ thể tuỳ theo đặc điểm từng ca bệnh).

– Phòng chức năng: Đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp; Phòng Đào tạo – Chỉ đạo tuyến.

– Cán bộ kỹ thuật công nghệ thông tin.

2. Phương tiện, công cụ và chuẩn bị người bệnh

– Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị: Chuẩn bị đầy đủ theo quy định về điều kiện trang thiết bị phòng họp hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa

– Hồ sơ bệnh án: Hồ sơ bệnh án theo quy định.

– Người bệnh:

+ Người bệnh và/hoặc người giám hộ được giải thích và đồng ý với kế hoạch tổ chức hội chẩn.

+ Người bệnh có mặt tại Phòng hội chẩn BVTD/ BV cần hội chẩn

IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1. Xác định nhu cầu tổ chức hội chẩn từ xa

– Hội chẩn ca bệnh: KB, CB tuyến dưới (gọi tắt Bệnh viện tuyến dưới BVTD) có ca bệnh khó, hội chẩn trong nội bộ bệnh viện và xác định cần hội chẩn với cơ sở KB, CB tuyến trên (gọi tắt Bệnh viện tuyến trên BVTT).

– Đào tạo trực tuyến: BVTD có nhu cầu cần thiết bổ sung kiến thức qua các ca hội chẩn lâm sàng; hoặc BVTT thấy cần bổ sung kiến thức cho BVTD qua kinh nghiệm thực tế còn yếu từ các ca bệnh đã hội chẩn.

Bước 2. Đăng ký tổ chức hội chẩn

– BVTD chuẩn bị hồ sơ bệnh án và báo cáo tóm tắt diễn biến ca bệnh cần hội chẩn. Tóm tắt Hồ sơ bệnh án và diễn biến ca bệnh cần hội chẩn, gồm: Bệnh sử, tiền sử, kết quả thăm khám, cận lâm sàng, chẩn đoán sơ bộ, quá trình điều trị, yêu cầu hội chẩn và các thông tin khác với mục đích phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

– BVTD đăng ký hội chẩn từ xa trên ứng dụng phần mềm hội chẩn trực tuyến để đăng ký hội chẩn.

– Gửi thông tin, tóm tắt bệnh án của bệnh nhân (bao gồm bệnh sử, tiền sử, kết quả thăm khám, cận lâm sàng, chẩn đoán sơ bộ, xử trí, yêu cầu hội chẩn) cho BVTT trước khi hội chẩn tối thiểu 01 ngày (trừ cấp cứu). Nêu rõ nhu cầu cần BVTT tư vấn nội dung gì.

Bước 3. Tiếp nhận thông tin

– Phòng KHTH (hoặc phòng chức năng khác được giám đốc BV giao nhiệm vụ) BVTT tiếp nhận thông tin và kiểm tra thông tin bệnh án.

– Chuyển nội dung hội chẩn, báo cáo tóm tắt cho các thành viên, chuyên gia dự kiến mời tham gia hội chẩn.

– Phòng KHTH tiếp nhận phản hồi từ chuyên gia, yêu cầu BVTD cung cấp thêm thông tin (nếu cần).

Bước 4. Xếp lịch, mời hội chẩn

– Phòng KHTH BVTT xếp lịch hội chẩn, mời chuyên gia hội chẩn và thông báo lại cho BVTD về thời gian hội chẩn trực tuyến. Trong trường hợp cấp cứu, Phòng KHTH BVTT khẩn trương mời chuyên gia và tiến hành hội chẩn ngay sau khi nhận được yêu cầu của BVTD.

– BVTT mời thành phần của BVTT theo các chuyên khoa liên quan đến ca bệnh được hội chẩn.

– BVTD thông báo cho người bệnh được hội chẩn/ thông báo và mời các thầy thuốc trực tiếp điều trị ca bệnh, các chuyên khoa liên quan, P KHTH, phòng chỉ đạo tuyến,…

– Phòng KHTH tham mưu lãnh đạo Bệnh viện phân lịch trực tổng đài, người tư vấn, cán bộ kĩ thuật CNTT.

Bước 5. Thông báo và kích hoạt các đầu cầu

– Bộ phận công nghệ thông tin của 2 cơ sở BVTT và BVTD trực tiếp thực hiện và liên hệ với nhau để kết nối và thử đường truyền, bảo đảm kết nối trước khi thực hiện hội chẩn.

Bước 6. Tổ chức họp hội chẩn

– Bệnh viện cần hội chẩn báo cáo tình trạng, diễn biến, các thông số về lâm sàng và cận lâm sàng…

– Bổ sung các thông số hoặc cung cấp trực tiếp theo yêu cầu các chuyên gia hội chẩn.

– Thảo luận về chẩn đoán dựa trên các thông số lâm sàng và cận lâm sàng

– Đưa ra chẩn đoán xác định và hướng điều trị chi tiết và cụ thể.

Bước 7. Kết luận hội chẩn

– Phòng KHTH và Bác sĩ điều trị của BVTD viết biên bản hội chẩn

– Gửi Phòng KHTH BVTT trên xin ý kiến thống nhất biên bản hội chẩn

– Biên bản hội chẩn do BVTD ký. Nội dung biên bản hội chẩn tối thiểu phải có các nội dung sau:

– Đánh giá diễn biến ca bệnh

– Chẩn đoán xác định, hướng điều trị

+ Tiếp tục tại BVTD

+ Chuyển tuyến

+ Hỗ trợ đào tạo bổ sung về chuyên môn liên quan

Bước 8. Báo cáo diễn biến các ca bệnh

– Buổi hội chẩn kế tiếp

– Báo cáo khẩn nếu diễn biến ca bệnh nặng lên qua số hotline của Phòng KHTH.

V. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

– Giám đốc BVTD, BVTT chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai tổ chức hội chẩn khám chữa bệnh từ xa theo đúng quy trình hướng dẫn này.

– Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám chữa bệnh).

QUYẾT ĐỊNH 4054/QĐ-BYT NĂM 2020 VỀ TẠM THỜI HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HỘI CHẨN, TƯ VẤN KHÁM, CHỮA BỆNH TỪ XA DO BỘ Y TẾ BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 4054/QĐ-BYT Ngày hiệu lực 22/09/2020
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Y tế
Ngày ban hành 22/09/2020
Cơ quan ban hành Bộ y tế
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản