QUYẾT ĐỊNH 4683/QĐ-UBND NĂM 2020 QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP ĐỂ KHẮC PHỤC NGAY SỰ CỐ DO THIÊN TAI GÂY RA DO TỈNH THANH HÓA BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 02/11/2020

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 4683/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 02 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP ĐỂ KHẮC PHỤC NGAY SỰ CỐ DO THIÊN TAI GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ;

Căn cứ Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 715/TTr-SCT ngày 28 tháng 8 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khắc phục ngay sự cố do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3490/QĐ-UBND ngày 07/10/2013 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
– Lưu: VT, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

Mai Xuân Liêm

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP ĐỂ KHẮC PHỤC NGAY SỰ CỐ DO THIÊN TAI GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(kèm theo Quyết định số:    /QĐ-UBND ngày   tháng   năm 2020 của UBND tỉnh Thanh Hoá)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy định này quy định việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) để khắc phục ngay sự cố do thiên tai gây ra làm ách tắc giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Quy định này áp dụng với các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt đang quản lý các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, đơn vị quản lý đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; các sở, ngành liên quan đến quản lý nhà nước về VLNCN; UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; các đơn vị dịch vụ nổ mìn, các đơn vị được cấp Giấy phép sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh; các đơn vị xây dựng công trình được yêu cầu khắc phục sự cố.

Điều 3. Phương thức sử dụng VLNCN.

Khi có sự cố do thiên tai gây ra dẫn đến sạt lở đất đá làm ách tắc giao thông, các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, các đơn vị xây dựng công trình do UBND các huyện hợp đồng để giải phóng các tuyến đường liên huyện, liên xã… nhanh chóng khảo sát, xác định khối lượng đá cần phải sử dụng VLNCN, có phương án xử lý kịp thời để giải phóng ách tắc giao thông trong thời gian nhanh nhất.

Điều 4. Các hình thức thực hiện cụ thể.

1. Trường hợp các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt; các đơn vị xây dựng đã có Giấy phép sử dụng VLNCN:

– Báo cáo ngay bằng điện thoại, fax với các ngành chức năng: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (khi có sự cố xảy ra ở địa bàn khu vực biên giới), UBND các huyện, thị xã, thành phố có sự cố về việc phải sử dụng VLNCN để xử lý ách tắc giao thông với các nội dung: Số lượng VLNCN, thời gian nổ mìn, phương án nổ mìn, phương án vận chuyển.

– Tổ chức vận chuyển VLNCN từ kho chứa về hiện trường; quá trình vận chuyển phải tuyệt đối an toàn; phải có giấy tờ xác định khối lượng VLNCN của đơn vị (phiếu xuất kho hoặc lệnh xuất); hàng hóa phải có ký hiệu xác nhận hàng dễ cháy, nổ.

– Tại hiện trường sử dụng VLNCN: Phải thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng VLNCN, cảnh báo, cảnh giới khoảng cách an toàn, có phương án nổ mìn đảm bảo an toàn cho người và các công trình lân cận. Nếu có các hộ dân cư trong phạm vi mất an toàn thì phải phối hợp với chính quyền địa phương di chuyển hết người trước khi nổ mìn.

– Khi kết thúc đợt nổ mìn phải kiểm tra lại toàn bộ các vị trí để khẳng định VLNCN đã được sử dụng hết, không để sót các lỗ khoan đã nhồi thuốc nhưng chưa nổ, sau đó mới cho người và thiết bị vào làm việc.

– Bảo quản, bảo vệ VLNCN tại hiện trường đúng quy định không để thất thoát VLNCN.

– Được phép huy động trang thiết bị, vật tư kể cả VLNCN của các đơn vị có kho chứa VLNCN gần nhất để phục vụ khắc phục sự cố.

2. Trường hợp các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, các đơn vị xây dựng chưa có Giấy phép sử dụng VLNCN.

– Hợp đồng ngay (có thể bằng điện thoại) với các đơn vị dịch vụ nổ mìn hoặc các đơn vị có Giấy phép sử dụng VLNCN ở địa bàn gần nhất với địa điểm cần nổ mìn để thực hiện việc nổ mìn.

– Báo cáo ngay bằng điện thoại (fax) với các ngành chức năng có liên quan quy định tại mục 1, Điều này về đơn vị được thuê nổ mìn và các nội dung như ở mục 1, Điều này.

– Phối hợp với các đơn vị thuê nổ mìn thực hiện tốt các quy định ở mục 1, Điều này.

Điều 5. Khi kết thúc việc sử dụng VLNCN.

– Các đơn vị kiểm tra lại toàn bộ số lượng VLNCN (bao gồm: Thuốc nổ, phụ kiện nổ) đã sử dụng, số lượng VLNCN còn lại; kiểm tra công tác an toàn khu vực nổ mìn; vận chuyển số VLNCN còn dư về kho chứa đảm bảo an toàn.

– Báo cáo ngay bằng điện thoại với các ngành chức năng về quá trình sử dụng VLNCN, công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, số lượng VLNCN đã sử dụng; thời điểm kết thúc việc sử dụng VLNCN.

– Báo cáo bằng văn bản về việc sử dụng VLNCN với Sở Công Thương và Công an tỉnh trong thời gian không quá 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc sử dụng VLNCN.

Điều 6. Trách nhiệm các ngành chức năng liên quan.

1. Sở Công Thương:

– Chủ trì, phối hợp các ngành và địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng VLNCN phục vụ cho xử lý sự cố do thiên tai gây ra; chỉ đạo các đơn vị có kho chứa VLNCN trên các địa bàn gần nơi xảy ra sự cố phải phối hợp cung cấp nhân lực, trang thiết bị, vật tư, VLNCN để khắc phục sự cố khi nhận được yêu cầu của của đơn vị khắc phục sự cố.

– Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sử dụng VLNCN của các đơn vị trong thời gian xử lý sự cố.

– Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả sử dụng VLNCN của các đơn vị trong thời gian không quá 07 ngày kể từ khi kết thúc việc xử lý, đảm bảo phương tiện giao thông đi lại an toàn.

2. Công an tỉnh:

– Hỗ trợ ngay các đơn vị được vận chuyển VLNCN để khắc phục sự cố do thiên tai gây ra; thực hiện cấp ngay giấy phép vận chuyển khi có yêu cầu của đơn vị khắc phục sự cố, thời gian không quá 24 giờ.

– Chỉ đạo các phòng chức năng: Phòng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Phòng cảnh sát PCCC&CNCH; Phòng cảnh sát giao thông; Công an các huyện nơi có sự cố và các huyện liên quan đến vận chuyển VLNCN của đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để sử dụng VLNCN khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.

– Chỉ đạo Công an huyện kiểm tra, giám sát và xác nhận các nội dung liên quan đến việc bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN của các đơn vị trong suốt thời gian khắc phục sự cố; khi nhận được yêu cầu của đơn vị khắc phục sự cố, Công an huyện phải cử ngay bộ phận chuyên môn để phối hợp với các đơn vị thực hiện.

– Tạo điều kiện cho các đơn vị khắc phục sự cố được hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc vận chuyển, sử dụng VLNCN sau khi đơn vị đã thực hiện xong trên hiện trường, làm cơ sở để lập hồ sơ hoàn công theo quy định.

– Tổng hợp tình hình về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ của đơn vị sau khi khắc phục sự cố gửi về Sở Công Thương trong thời gian không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc việc xử lý sự cố, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải:

– Chỉ đạo các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, tổ chức thực hiện việc xử lý sự cố do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ; phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trong xử lý sự cố do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.

– Phối hợp, hỗ trợ các huyện quản lý, chỉ đạo các đơn vị thi công xử lý sự cố trên các tuyến đường huyện, xã thực hiện đúng theo quy định.

– Báo cáo kết quả xử lý sự cố giao thông gửi về Sở Công Thương chậm nhất 05 ngày sau khi hoàn thành việc khắc phục sự cố do thiên tai gây ra để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

4. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

– Tạo điều kiện để các đơn vị xử lý sự cố trên các tuyến đường tuần tra biên giới, các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ trong phạm vi theo dõi quản lý trong việc sử dụng VLNCN.

– Hỗ trợ các đơn vị về kho chứa VLNCN trong quá trình xử lý sự cố (nếu điều kiện cho phép); theo dõi, quản lý việc vận chuyển, sử dụng VLNCN tại các nơi xảy ra sự cố và tuyến đường vận chuyển VLNCN do đơn vị quản lý.

– Hỗ trợ nhân lực, thiết bị tham gia trong quá trình sử dụng VLNCN để xử lý sự cố trên các tuyến đường do đơn vị quản lý.

5. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:

– Tạo điều kiện để các đơn vị tham gia xử lý sự cố có sử dụng VLNCN thực hiện tốt nhiệm vụ trong phạm vi khu vực phòng thủ của tỉnh, trường hợp phức tạp, tham mưu của UBND tỉnh báo cáo Quân khu IV tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư tham gia thực hiện nhiệm vụ; phối hợp các đơn vị đóng quân trên địa bàn, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia xử lý sự cố thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

– Hỗ trợ các đơn vị về kho chứa VLNCN trong quá trình xử lý sự cố (nếu điều kiện cho phép).

– Hỗ trợ nhân lực, thiết bị tham gia trong quá trình sử dụng VLNCN để xử lý sự cố trên các tuyến đường do đơn vị quản lý.

Điều 7. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã.

– Chỉ đạo các ngành chức năng của huyện: Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Phòng Kinh tế hạ tầng (hoặc phòng Kinh tế), Phòng Nông nghiệp, tạo mọi điều kiện để các đơn vị tham gia xử lý sự cố trên địa bàn huyện được vận chuyển, sử dụng VLNCN trong quá trình thực hiện xử lý sự cố.

– Chủ động hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện xử lý sự cố trên các tuyến đường liên huyện, liên xã do địa phương quản lý, tham gia quản lý việc vận chuyển, sử dụng VLNCN trong quá trình xử lý sự cố trên các tuyến đường do huyện quản lý.

– Sơ tán các hộ dân, đơn vị nằm trong phạm vi an toàn khi sử dụng VLNCN để xử lý sự cố.

– Tổng hợp kết quả về xử lý sự cố trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh.

Điều 8. Trách nhiệm của các đơn vị tham gia xử lý sự cố do thiên tai gây ra.

– Chấp hành nghiêm túc các quy định nhà nước về vận chuyển và sử dụng VLNCN; xây dựng phương án sử dụng VLNCN đảm bảo hợp lý, an toàn. Sử dụng VLNCN đúng mục đích, yêu cầu, đúng địa điểm.

– Phối hợp chính quyền địa phương di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi phạm vi an toàn khu vực nổ mìn trước khi thực hiện.

– Sử dụng cán bộ, công nhân đúng chuyên môn nghiệp vụ, có đủ bằng cấp, chứng chỉ về sử dụng VLNCN theo quy định tham gia khoan, nổ mìn.

– Kiểm tra, kiểm soát không để thất thoát VLNCN; khi kết thúc vụ nổ phải kiểm tra kỹ, đủ điều kiện an toàn mới cho người và phương tiện vào làm việc; Tổ chức cảnh giới trong phạm vi an toàn khu vực nổ mìn; tuyên truyền cho nhân dân xung quanh không hoạt động, đi lại trong khu vực bán kính an toàn nổ. Báo cáo đúng, đủ, trung thực về số lượng vật tư đã sử dụng để khắc phục sự cố, nếu lợi dụng việc khắc phục sự cố để trục lợi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và pháp luật.

– Đơn vị chủ trì có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo về tình hình sử dụng VLNCN gửi Sở Công Thương trong thời gian không quá 05 ngày kể từ khi kết thúc xong việc xử lý sự cố.

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị được cấp Giấy phép sử dụng VLNCN trên địa bàn.

– Khi nhận được thông tin phải cử ngay người phối hợp với đơn vị khắc phục sự cố để xử lý sạt lở.

– Cung cấp ngay trang thiết bị, vật tư kể cả VLNCN để khắc phục sự cố khi có yêu cầu.

– Phối hợp ngay với đơn vị khắc phục sự cố lập hồ sơ, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN đảm bảo an toàn trong suốt quá trình khắc phục sự cố.

– Báo cáo ngay về Sở Công Thương sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 10. Tổ chức thực hiện.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị tham gia xử lý sự cố do thiên tai gây ra tổ chức thực hiện tốt quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các đơn vị liên quan tổng hợp bằng văn bản gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

QUYẾT ĐỊNH 4683/QĐ-UBND NĂM 2020 QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP ĐỂ KHẮC PHỤC NGAY SỰ CỐ DO THIÊN TAI GÂY RA DO TỈNH THANH HÓA BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 4683/QĐ-UBND Ngày hiệu lực 02/11/2020
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - môi trường
Ngày ban hành 02/11/2020
Cơ quan ban hành Thanh Hóa
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản