QUYẾT ĐỊNH 6102/QĐ-BCT NĂM 2013 VỀ QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 1956/QĐ-TTG PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020” DO BỘ CÔNG THƯƠNG BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 27/08/2013

BỘ CÔNG THƯƠNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 6102/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 1956/QĐ-TTG NGÀY 27/11/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 7953/QĐ-BCT ngày 28 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ sung và thay thế thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Bộ trưởng (để báo cáo);
– Các Bộ: LĐTBXH, Tài chính, Nội vụ;
– Vụ TCCB;
– Lưu: VT, PTNNL

KT. BỘ TRƯỞNG
THƯ TRƯỞNG

Trần Tuấn Anh

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO BỘ CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 1956/QĐ-TTG NGÀY 27/11/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6102/QĐ-BCĐBCT ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được thành lập theo Quyết định số 7953/QĐ-BCT ngày 28 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương là tổ chức giúp Bộ trưởng chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trong phạm vi lĩnh vực được phân công.

Điều 2. Quy chế này quy định tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ từng thành viên của Ban Chỉ đạo.

Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

Chương 2.

NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO

Điều 4. Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo: các thành viên của Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Mỗi thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm giải quyết lĩnh vực công nghiệp liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong phạm vi được phân công; phối hợp chặt chẽ để đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo:

1. Trưởng Ban

Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ:

– Giúp Bộ trưởng chỉ đạo, điều phối hoạt động cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn đến cấp xã;

– Chỉ đạo việc phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất những chương trình, nội dung kiến thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;

– Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ tham gia các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch;

– Triệu tập, chủ trì các cuộc họp thường kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo;

– Điều hành, phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện.

– Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương;

– Báo cáo và đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương những biện pháp chỉ đạo và giải quyết kịp thời khi thấy cần thiết.

2. Các Phó Trưởng Ban

– Giúp việc Trưởng ban và trực tiếp giải quyết những công việc của Trưởng Ban khi Trưởng Ban đi công tác;

– Trực tiếp chỉ đạo các ủy viên: xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm; tổng hợp, báo cáo thực hiện kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn; tiếp nhận các hồ sơ xin phê duyệt đào tạo nghề lao động nông thôn, hoàn thiện các thủ tục trình Trưởng Ban phê duyệt; đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác thông tin, truyền thông; đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các cơ sở đào tạo…;

– Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.

3. Các Ủy viên: trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng ban và các Phó Trưởng Ban phân công.

Chương 3.

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 5. Chế độ làm việc

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể thông qua các phiên họp thường kỳ và đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo khi được ủy quyền.

Điều 6. Chế độ họp

1. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 06 tháng một lần; trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo có thể triệu tập họp bất thường.

2. Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định mời thêm các đại biểu không thuộc Ban Chỉ đạo tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

3. Các phiên họp của Ban Chỉ đạo phải được thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian và địa điểm trước 03 ngày làm việc. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm nghiên cứu văn bản, chuẩn bị ý kiến thảo luận, bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo.

4. Ủy viên thường trực có nhiệm vụ phát hành giấy mời họp và gửi kèm các tài liệu phục vụ cuộc họp đến các thành viên được mời; chuẩn bị chương trình cuộc họp.

5. Trường hợp các thành viên của Ban Chỉ đạo vắng mặt tại các cuộc họp vì lý do khách quan thì phải báo cáo xin phép.

Điều 7. Kế hoạch công tác

Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm và phân công cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện.

Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Trước khi kết thúc 6 tháng, năm, các thành viên của Ban Chỉ đạo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao gửi cho Ủy viên thường trực Tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, kể cả các trường hợp đề xuất khác;

2. Các thông tin, báo cáo, văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo được gửi đến tất cả các thành viên của Ban Chỉ đạo;

3. Khi cần thông tin về tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ủy viên thường trực có nhiệm vụ chuẩn bị về nội dung, thời gian, địa điểm và thành phần tham gia cuộc họp. Kết thúc cuộc họp, tổng hợp kết quả báo cáo Ban Chỉ đạo cấp trên.

Điều 9. Hoạt động kiểm tra của Ban Chỉ đạo

1. Hoạt động kiểm tra của Ban Chỉ đạo được thực hiện thường xuyên trên cơ sở chương trình, kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện các hoạt động thuộc phạm vi được giao. Trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo có thể kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo.

2. Các thành viên Ban Chỉ đạo ngoài việc kiểm tra thường xuyên để nắm, giám sát tình hình triển khai thực hiện các hoạt động thuộc phạm vi quản lý còn có trách nhiệm tham gia kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Điều 10. Các thành viên Ban Chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; trường hợp vi phạm Quy chế này và không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 11. Trường hợp các thành viên Ban Chỉ đạo đi công tác, học tập dài hạn (từ 3 tháng trở lên) hoặc điều chuyển công tác thì phải báo cáo bằng văn bản gửi Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, điều chỉnh kịp thời.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Bổ sung, sửa đổi Quy chế

Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Quy chế, Phó Trưởng Ban báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Ban Chỉ đạo tổng hợp ý kiến trình Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định./.

QUYẾT ĐỊNH 6102/QĐ-BCT NĂM 2013 VỀ QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 1956/QĐ-TTG PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020” DO BỘ CÔNG THƯƠNG BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 6102/QĐ-BCT Ngày hiệu lực 27/08/2013
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Lao động - tiền lương
Bộ máy nhà nước, nội vụ
Văn hóa
Ngày ban hành 27/08/2013
Cơ quan ban hành Bộ công thương
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản