QUYẾT ĐỊNH 766/QĐ-BVHTTDL NĂM 2022 VỀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030 DO BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 31/03/2022

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 766/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Gia đình.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Kế hoạch).

Điều 2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch tại trung ương từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tại địa phương từ ngân sách hằng năm của các địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ trưởng Vụ Gia đình và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
– Như Điều 4;
– Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
– Bộ trưởng (để báo cáo);
– Các Thứ trưởng;
– Sở VHTTDL, VHTT, VHTTTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Lưu: VT, GĐ.105.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trịnh Thị Thủy

KẾ HOẠCH

CỦA BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 766/QĐ-BVHTTDL ngày 31/03/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thực hiện Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chiến lược), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

– Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể các nội dung, kế hoạch của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch để thực hiện có hiệu quả Chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

– Kế hoạch này là căn cứ để các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao/Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sau đây viết tắt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành kế hoạch triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược.

2. Yêu cầu

– Kế hoạch được triển khai thực hiện trong toàn ngành, phù hợp với kế hoạch hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương để bảo đảm nguồn lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.

– Nội dung Kế hoạch phải thiết thực, gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp ở các cấp.

– Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả, đúng tiến độ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương được nêu trong Kế hoạch. Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch phải nghiêm túc, thiết thực, tránh hình thức.

II. NỘI DUNG

1. Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới.

– Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hằng năm về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.

– Định kỳ hướng dẫn, tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn nhằm tạo sự lan toả, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ tôn vinh giá trị gia đình.

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình.

– Rà soát, hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về: giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình; ngăn chặn các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình phù hợp với đặc điểm gia đình trong bối cảnh xã hội hiện đại.

– Nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số gia đình hạnh phúc làm cơ sở đánh giá, đề xuất, hoạch định chính sách.

3. Xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên thụ hưởng, phát triển toàn diện.

– Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thích ứng với thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, nâng cao khả năng tự ứng phó của gia đình nhằm hạn chế, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội.

– Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc, giá trị gia đình; xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.

– Triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, tổ chức thực hành các hành vi, ứng xử văn hoá trong gia đình; tuyên truyền chuẩn mực, giá trị văn hoá sống xanh, lối sống xanh gắn với giá trị truyền thống trong gia đình.

– Phát huy hiệu quả mô hình gia đình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” trong các phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở nhằm tăng cường giáo dục nền nếp, lối sống tích cực, văn minh cho các thành viên trong gia đình. Truyền thông nhân rộng mô hình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

– Thường xuyên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương gia đình tiêu biểu, hạnh phúc; đồng thời phê phán, lên án, đấu tranh với những hành vi lệch chuẩn tạo dư luận tiêu cực, tác động xấu tới cộng đồng để góp phần điều chỉnh nhận thức,thái độ, hành vi của mỗi gia đình. Xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác gia đình và lĩnh vực gia đình.

4. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình.

– Rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý nhằm đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp bảo đảm tinh gọn, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, có sự gắn kết nội dung gia đình với các lĩnh vực có liên quan; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở.

– Xây dựng các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực theo hướng tích hợp đa ngành chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp.

– Nghiên cứu, xây dựng danh mục dịch vụ công và hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình.

– Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ gia đình nhằm bảo đảm sự ổn định và an toàn của đời sống gia đình (quan tâm nhóm gia đình lao động di cư và công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất); mô hình hỗ trợ gia đình thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình tư vấn, giáo dục về hôn nhân gia đình trước khi kết hôn.

– Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình; các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.

5. Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hoá, phát triển lĩnh vực gia đình.

– Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho công tác gia đình. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trao đổi kinh nghiệm trong hoạch định, đánh giá chính sách về gia đình; dành nguồn lực phù hợp đầu tư sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về gia đình.

– Khuyến khích, huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình; chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình dân tộc thiểu số; tạo điều kiện để các gia đình tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công nhiệm vụ

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Bộ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan và các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng (chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

b) Giao Vụ Gia đình là đầu mối, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng về các biện pháp cần thiết, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.

c) Yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

– Căn cứ Kế hoạch này, tham mưu Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành kế hoạch của địa phương triển khai thực hiện Chiến lược;

– Tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án của ngành tại địa phương;

– Chú trọng phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác gia đình, đặc biệt ở cấp cơ sở;

– Quan tâm bố trí, cân đối nguồn lực của ngành tại địa phương bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác gia đình; đề xuất các giải pháp củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại cơ sở;

– Đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại địa phương;

– Lồng ghép các tiêu chí, giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào quy ước, hương ước ở cộng đồng dân cư;

– Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; báo cáo kết quả tại Báo cáo tổng kết công tác gia đình hằng năm của địa phương gửi về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Gia đình);

– Tổ chức sơ kết 05 năm, tổng kết 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này được dự toán từ các nguồn: ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch hằng năm; ngân sách từ các chương trình, đề án, dự án có liên quan; ngân sách từ nguồn xã hội hóa về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch (nếu có).

Trên đây là Kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc triển khai, thực hiện; mọi đề xuất, kiến nghị phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ (qua Vụ Gia đình) để xem xét, quyết định./.

PHỤ LỤC

CÁC NỘI DUNG CỦA BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số          /QĐ-BVHTTDL ngày     tháng     năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)

TT

Nội dung

Cơ quan thực hiện

Năm thực hiện

Chủ trì

Phối hợp

1

Tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai, hướng dẫn thực hiện Chiến lược

Vụ Gia đình

Cơ quan, tổ chức liên quan

2022

2

Triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; xây dựng và triển khai chương trình truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng và phát triển gia đình trong thời kỳ mới; tổ chức tuyên truyền về chuẩn mực, giá trị văn hoá sống xanh, lối sống xanh gắn với giá trị văn hoá truyền thống trong gia đình

Vụ Gia đình

Cơ quan, tổ chức liên quan

Hằng năm

3

Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, bộ chỉ số gia đình hạnh phúc

Vụ Gia đình

Viện Hàn lâm Khoa học XHVN

2022-2025

4

Xây dựng, tổ chức thực hiện đề án khuyến khích sáng tác, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề tôn vinh, phát huy giá trị gia đình

Cục Nghệ thuật biểu diễn

Vụ Gia đình Cơ quan, tổ chức liên quan

2022-2030

5

Xây dựng đề án số hóa dữ liệu quốc gia về gia đình

Vụ Gia đình

Trung tâm Thông tin của Bộ

2022-2025

6

Nghiên cứu, xây dựng danh mục dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình phát triển bền vững

Vụ Gia đình

Vụ Kế hoạch, Tài chính

2022-2025

7

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, pháp luật về gia đình

Vụ Gia đình

Vụ Pháp chế

Hằng năm

8

Tổ chức các hoạt động biểu dương gia đình tiêu biểu trong văn hoá ứng xử; truyền thông về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc; kế thừa, phát triển văn hoá dân gian; xây dựng phong trào văn hoá cơ sở, phong trào thể dục, thể thao và ứng xử văn minh trong du lịch, hưởng thụ văn hoá

Vụ Gia đình

Cục Di sản; Cục Văn hoá cơ sở; Tổng cục TDTT; Tổng cục Du lịch

Hằng năm

9

Tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng ngừa phát sinh tiêu cực trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài bảo đảm phù hợp với từng vùng miền

Vụ Gia đình

Vụ Văn hoá dân tộc; Các Sở VHTTDL

Hằng năm

10

Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình

Vụ Gia đình

Văn phòng Bộ; Các Sở VHTTDL

Hằng năm

11

Rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý nhằm đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp bảo đảm tinh gọn, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, có sự gắn kết nội dung gia đình với các lĩnh vực có liên quan

Vụ Gia đình

Các Sở VHTTDL

2022-2030

12

Xây dựng tài liệu đào tạo về công tác gia đình áp dụng trong các cơ sở đào tạo thuộc Bộ; Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên về gia đình các cấp

Vụ Gia đình

Vụ Đào tạo Cơ quan, tổ chức liên quan

2022-2030

13

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp

Vụ Gia đình; Các Sở VHTTDL

Cơ quan, tổ chức liên quan

Hằng năm

14

Nghiên cứu, xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ gia đình (ưu tiên nhóm gia đình lao động di cư và công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất); mô hình hỗ trợ gia đình thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình tư vấn, giáo dục về hôn nhân gia đình trước khi kết hôn

Vụ Gia đình

Cơ quan, tổ chức liên quan

2022-2030

15

Xây dựng các chương trình phối hợp thực hiện công tác gia đình; kiện toàn và phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em ở cơ sở

Vụ Gia đình

Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan

2022-2030

16

Hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em, chăm sóc người khuyết tật, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình

Vụ Gia đình

Thanh tra Bộ; Sở VHTTDL; cơ quan, đơn vị liên quan ở các cấp

Hằng năm

17

Hướng dẫn, tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Chiến lược

Vụ Gia đình

Văn phòng Bộ

2025, 2030

QUYẾT ĐỊNH 766/QĐ-BVHTTDL NĂM 2022 VỀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030 DO BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 766/QĐ-BVHTTDL Ngày hiệu lực 31/03/2022
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Ngày ban hành 31/03/2022
Cơ quan ban hành Bộ văn hóa - thể thao và du lịch
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản