QUYẾT ĐỊNH 911/QĐ-BCT NĂM 2019 VỀ QUY CHẾ XÉT CHỌN DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU UY TÍN DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG BAN HÀNH
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 911/QĐ-BCT |
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT CHỌN DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU UY TÍN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài;
Tiếp tục chương trình xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của các năm trước đây;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 7312/QĐ-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 3; – Bộ trưởng (để b/c); – Các Bộ, ngành; – Các Sở Công Thương tỉnh, thành phố; – Phòng TM&CN Việt Nam; – Các Hiệp hội ngành hàng; – Các Cục: XTTM, TMĐT&KTS; TTTCN&TM, Báo CT, Tạp chí CT (để ph/h); – Lưu: VT, XNK(2) |
KT. BỘ TRƯỞNG Trần Quốc Khánh |
QUY CHẾ
XÉT CHỌN DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU UY TÍN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 911/QĐ-BCT ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Mục tiêu
a) Ghi nhận thành tích của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
b) Giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài.
c) Nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ uy tín của mình trong các hoạt động thương mại.
2. Đối tượng xét chọn
a) Các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có nguyện vọng tham gia chương trình xét chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Bộ Công Thương.
b) Chỉ xét chọn doanh nghiệp, không xét chọn riêng lẻ các chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp.
3. Tiêu chí xét chọn
a) Doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và có lãi trong năm xét chọn.
b) Không vi phạm pháp luật Việt Nam, không bị các đối tác trong và ngoài nước khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; thực hiện nghiêm túc hợp đồng xuất khẩu.
c) Hoàn thành các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước.
d) Các nhóm hàng được xét chọn gồm: Gạo; Cà phê; Cao su; Hạt tiêu; Hạt điều; Chè các loại; Rau củ quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả; Sản phẩm thịt; Thủy sản; Sản phẩm gỗ; Dệt may; Giày dép; Thủ công mỹ nghệ; Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc; Sản phẩm chất dẻo; Giấy và sản phẩm từ giấy; Xơ, sợi dệt các loại; Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; Máy vi tính, điện tử và linh kiện điện tử; Dây điện và cáp điện; Vật liệu xây dựng; Sản phẩm cơ khí; Dược và thiết bị y tế; Túi xách, ví, vali, mũ và ô dù; Các mặt hàng khác (trừ khoáng sản).
Hàng năm, Bộ Công Thương sẽ thông báo cụ thể mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu áp dụng đối với từng nhóm hàng. Kim ngạch xuất khẩu tối thiểu trong năm xét chọn được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm xét chọn. Tiêu chí về kim ngạch xuất khẩu tối thiểu hàng năm sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm khoảng 15% tùy theo tình hình thực tiễn về hoạt động xuất khẩu của từng ngành hàng.
II. Thủ tục xét chọn
1. Hồ sơ xét chọn
Doanh nghiệp gửi 02 bộ hồ sơ đăng ký xét chọn qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức xét chọn quy định tại điểm a, khoản 2.1, phần II Điều này. Trường hợp doanh nghiệp trực thuộc nhiều cơ quan, tổ chức xét chọn thì chỉ gửi hồ sơ về một trong các cơ quan, tổ chức xét chọn theo quy định.
Bộ hồ sơ đăng ký xét chọn bao gồm:
a) Đơn đăng ký Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín (theo mẫu đính kèm): 01 bản chính. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký xét chọn nhiều mặt hàng thì Đơn đăng ký của doanh nghiệp phải kê khai cụ thể từng mặt hàng.
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp.
c) Bản sao các bằng khen, giấy chứng nhận về các giải thưởng mà doanh nghiệp được khen thưởng trong năm trước thời điểm xét chọn.
2. Quy trình xét chọn
2.1. Xét chọn
a) Cơ quan, tổ chức xét chọn gồm:
– Bộ chủ quản: Xét chọn hồ sơ của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ.
– Hiệp hội ngành hàng: Xét chọn hồ sơ của các doanh nghiệp hội viên.
– Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Xét chọn hồ sơ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
b) Quy trình xét chọn gồm:
– Cơ quan, tổ chức xét chọn hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký xét chọn.
– Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét chọn của các doanh nghiệp.
– Phối hợp với cơ quan Hải quan, Thuế, Môi trường tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp trực thuộc để xác nhận tại thời điểm xét chọn doanh nghiệp không bị cưỡng chế ngừng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, không nợ đọng thuế, không vi phạm pháp luật về môi trường.
– Kiểm tra và xét chọn doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí xét chọn và gửi kết quả xét chọn về Bộ Công Thương.
Hồ sơ gửi về Bộ Công Thương bao gồm:
+ Công văn của cơ quan, tổ chức xét chọn đề xuất danh sách các doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định: 01 bản chính do lãnh đạo cơ quan, chọn ký và đóng dấu.
+ Công văn xác nhận của cơ quan Hải quan, Thuế, Môi trường tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp trực thuộc về các nội dung quy định tại điểm b, mục 1, khoản 2, phần II Quy chế này
+ Hồ sơ đăng ký xét chọn của doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí xét chọn (01 bộ hồ sơ lưu tại cơ quan, tổ chức xét chọn; 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Công Thương) bao gồm: (i) 01 bản chính đơn đăng ký của doanh nghiệp đã có xác nhận của cơ quan, tổ chức xét chọn (lãnh đạo cơ quan, tổ chức xét chọn ký và đóng dấu trên Đơn đăng ký của doanh nghiệp); (ii) 01 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; (iii) Bản sao các bằng khen, giấy chứng nhận về các giải thưởng mà doanh nghiệp được khen thưởng trong năm trước thời điểm xét chọn (nếu có).
Hồ sơ không đầy đủ các giấy tờ nêu trên sẽ được coi là không hợp lệ và Bộ Công Thương sẽ không đưa vào danh sách xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín.
2.2. Công bố
Trên cơ sở kết quả xét chọn của các cơ quan, tổ chức gửi về, Bộ Công Thương sẽ rà soát, tổng hợp, biên tập và công bố công khai danh sách sơ bộ các Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, trên trang thông tin điện tử của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương để xin ý kiến công luận trong khoảng thời gian là 20 ngày.
Trong thời gian danh sách sơ bộ nêu trên được công bố công khai, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước theo dõi, kiến nghị đưa ra khỏi danh sách các doanh nghiệp phát hiện vi phạm hoặc kiến nghị bổ sung các doanh nghiệp mới đáp ứng đủ các tiêu chí xét chọn theo quy định tại khoản 3, phần I Quy chế này.
Sau thời gian công bố sơ bộ, Bộ Công Thương sẽ công bố chính thức danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, trên trang thông tin điện tử của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương.
III. Tổ chức thực hiện
Hàng năm, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Sở Công Thương tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng tổ chức xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín theo quy định tại Quy chế này.
Trước thời điểm xét chọn hàng năm, Bộ Công Thương sẽ có thông báo gửi tới các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp để hướng dẫn triển khai việc xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam; giải thể; thua lỗ; hoặc bị các cơ quan chức năng nước nhập khẩu cảnh báo, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam xử lý vi phạm, các đối tác trong và ngoài nước khiếu kiện trong lĩnh vực về thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về chất lượng sản phẩm, về vi phạm môi trường, về quy tắc xuất xứ hàng hóa…, doanh nghiệp sẽ bị đưa ra khỏi danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” trong năm được xét chọn và không được xét được xét chọn trong năm tiếp theo.
Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương xét chọn./.
QUYẾT ĐỊNH 911/QĐ-BCT NĂM 2019 VỀ QUY CHẾ XÉT CHỌN DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU UY TÍN DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 911/QĐ-BCT | Ngày hiệu lực | 12/04/2019 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu |
Ngày ban hành | 12/04/2019 |
Cơ quan ban hành |
Bộ công thương |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |