QUYẾT ĐỊNH 987/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 42-CT/TW VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 987/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 42-CT/TW NGÀY 24/3/2020 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, với nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, tạo chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
3. Việc triển, khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và từng giai đoạn của các bộ, ngành, địa phương.
4. Căn cứ nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực thực hiện.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ
Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ phân công một số nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan như sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
a) Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông: Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng”; phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đổi mới về phương pháp, hình thức tuyên truyền, chú trọng mạng xã hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tới nhân dân và các cấp chính quyền nhất là ở cơ sở.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ, ngành liên quan, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt nam chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó trước hết rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 và Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai; Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp và các văn bản pháp luật khác có liên quan bảo đảm thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa làm gia tăng rủi ro thiên tai.
3. Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan rà soát, hướng dẫn kiện toàn cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành và hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng chuyên môn hóa, đảm bảo sự tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai các cấp, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có.
b) Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương rà soát, cập nhật điều chỉnh, hoàn thiện Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cứu hộ, cứu nạn.
c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai kiện toàn cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành và bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai trực thuộc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên nguyên tắc không tăng thêm đầu mối và biên chế.
4. Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên đầu tư cho hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại; rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức nghiên cứu cơ bản, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
c) Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện tự nhiên của từng vùng miền, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
5. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực
a) Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý, đồng thời chủ động bố trí nguồn lực thích đáng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện có hiệu quả, dứt điểm các nhiệm vụ, chương trình, đề án đã đề ra, tránh tình trạng thực hiện dở dang, kéo dài do thiếu kinh phí.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm tập trung đầu tư xử lý dứt điểm các trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu; khẩn cấp di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu và trang thiết bị chuyên dùng của cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai cấp quốc gia, cấp vùng; đầu tư chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, chương trình bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chủ động bố trí ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn, nhất là đầu tư xử lý cấp bách bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai các cấp và các chương trình, dự án có liên quan.
6. Ứng dụng khoa học công nghệ
a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai, tập trung nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất công nghệ quan trắc, giám sát thiên tai, công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai để thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch này; hằng năm tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này; hằng năm tổng hợp kết quả triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đối với cấp tỉnh.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, liên quan bố trí kinh phí sự nghiệp cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, cân đối đề xuất nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch này.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch do cơ quan địa phương thực hiện.
6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và các tổ chức, tổ chức liên quan phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng |
PHỤ LỤC
DANH MỤC MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ
(Kèm theo Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Nhiệm vụ, đề án |
Cơ quan chủ trì, thực hiện |
Thời gian thực hiện |
1 |
Xây dựng, triển khai chương trình truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng. | Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, TNMT và cơ quan liên quan |
2020-2021 |
2 |
Rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp luật và nâng cao vai trò, năng lực QLNN trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai | Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TP và cơ quan liên quan |
2020-2025 |
3 |
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai (Nghị định 160, Nghị định 94 và Nghị định 83,…) | Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TC, Bộ TP và cơ quan liên quan |
2020-2021 |
4 |
Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa làm gia tăng rủi ro thiên tai | Các địa phương; các Bộ: NN&PTNT, GTVT, CT, XD, YT, GDĐT, TTTT, QP, CA và các bộ, ngành liên quan |
Thường xuyên |
5 |
Hướng dẫn kiện toàn cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành và hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước phòng, chống thiên tai | Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ |
2020-2021 |
6 |
Cập nhật, hoàn thiện Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cứu hộ, cứu nạn | Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì |
Hàng năm |
7 |
Tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai | Bộ TN&MT chủ trì |
2021-2025 |
8 |
Tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai | Bộ NN&PTNT chủ trì |
2021-2025 |
9 |
Rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cấp độ rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai; tăng cường dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới | Bộ TN&MT chủ trì |
2021-2025 |
10 |
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện tự nhiên của từng vùng miền | Bộ Xây dựng, các Bộ chuyên ngành |
2021-2025 |
11 |
Xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu, sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu | Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: KHĐT, TC và các địa phương có liên quan |
Năm 2020 xây dựng kế hoạch; thực hiện 2021- 2025 |
12 |
Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị chuyên dùng của cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai các cấp | Bộ NN&PTNT và các địa phương |
Hàng năm |
13 |
Xây dựng Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia | Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan |
2020-2021 |
14 |
Xây dựng Chương trình bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai | Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan |
2020-2021 |
15 |
Triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai | Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và cơ quan liên quan |
Hàng năm |
QUYẾT ĐỊNH 987/QĐ-TTG NĂM 2020 VỀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 42-CT/TW VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI DO THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 987/QĐ-TTg | Ngày hiệu lực | 09/07/2020 |
Loại văn bản | Quyết định | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Tài nguyên - môi trường |
Ngày ban hành | 09/07/2020 |
Cơ quan ban hành |
Thủ tướng chính phủ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |