Thông báo 449/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 449/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT 10 NĂM CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2010 – 2020
Ngày 19 tháng 10 năm 2019 tại tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo của một số Ban của Đảng, lãnh đạo của một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; đại diện lãnh đạo các Tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; doanh nghiệp và các điển hình tiêu biểu trong thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 – 2020.
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu của đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
a) Kết quả đạt được
Hoan nghênh và đánh giá cao Ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã phối hợp tổ chức tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều sự kiện như: Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới của các địa phương; tổ chức Lễ biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 – 2025 và tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình với nhiều bài học kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất mới.
Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ trên toàn bộ khu vực nông thôn với gần 9.000 xã, 664 đơn vị huyện và 63 tỉnh, thành phố; được lượng hóa bằng 19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu, đòi hỏi nguồn lực rất lớn cho việc hoàn thiện thiết chế hạ tầng, thúc đẩy sản xuất và bảo vệ môi trường. Ngay từ khi Chương trình vừa ban hành đã bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước, huy động nguồn lực giai đoạn đầu rất khó khăn, ngân sách nhà nước rất ít. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị, chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện Chương trình, đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện những Nghị quyết quan trọng của Đảng.
Nhìn lại 10 năm thực hiện, Chương trình đã tạo nên sự chuyển biến, thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên, toàn xã hội và người dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vai trò của người dân, nông dân đã được thể hiện rõ trong chương trình này, chúng ta đã huy động được nguồn lực lớn cho chương trình lên tới 2,4 triệu tỷ đồng, mỗi năm chúng ta huy động khoảng trên 10 tỷ đô la cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội, đáp ứng một cách căn bản cho đời sống hiện nay và làm nền tảng phát triển trong thời gian tới. Chính vì vậy, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể: xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Chúng ta làm hàng vạn km đường giao thông mà không mất tiền đền bù giải phóng mặt bằng, người dân sẵn sàng hiến đất, hiến nhà và cả ngày công, tiền bạc.
Trong 10 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng trên 3%/năm, một tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao so với trên toàn thế giới, củng cố chắc chắn thế mạnh các ngành hàng trụ cột, hình thành 03 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm với 10 sản phẩm quốc gia về giá trị xuất khẩu trên 01 tỷ đô la/năm, nhiều mặt hàng với giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ đô la/năm, nhiều nhóm sản phẩm cấp tỉnh với giá trị xuất khẩu hàng trăm triệu đô la mỹ, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương đa dạng hóa dự kiến đến cuối năm 2020 có khoảng gần 4.000 sản phẩm OCOP đã tạo nên một ngành nông nghiệp đặc thù và tham gia ngày một sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nông nghiệp Việt Nam vươn lên đứng đầu nhóm xuất khẩu của Châu Á với tổng kim ngạch xuất khẩu được 40 – 41 tỷ đô la, góp phần giải quyết được việc làm, tăng doanh thu, nâng cao đời sống của người dân. Chúng ta đã thành lập được 14.512 hợp tác xã, trên 11.000 doanh nghiệp và 33.000 trang trại hoạt động có hiệu quả với nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn kết hộ sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân.
Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện một cách tích cực. Thu nhập từ mức năm 2009 đạt 9,4 triệu đồng/người đến cuối năm 2018 đạt 35,9 triệu đồng/người, tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% năm 2009 xuống còn dưới 7,38% vào cuối năm 2019 theo chuẩn nghèo đa chiều, bảo tồn văn hóa nét đẹp của 54 đồng bào dân tộc anh em của 07 vùng kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt là đời sống văn hóa, trình độ người dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn cơ bản vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, an ninh nông thôn cơ bản được đảm bảo.
Đến tháng 10 năm 2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,32 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí và đã có 109 đơn vị cấp huyện (16,5%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy, chúng ta đạt vượt xa mục tiêu đã đề ra của Đảng và Quốc hội và sớm hơn kế hoạch là 18 tháng so với Nghị quyết. Có 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó có 02 tỉnh Nam Định và Đồng Nai đã có 100% cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng phê duyệt. Những thành tựu đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 10 năm là to lớn, toàn diện và lịch sử, đã đạt được bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, vị thế người nông dân được nâng cao, đời sống được cải thiện rõ nét, sản xuất nông nghiệp được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn.
b) Tồn tại hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải nghiêm túc nhìn nhận, cụ thể: Sự chỉ đạo còn chưa đồng bộ, có lúc, có nơi cấp ủy chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, dẫn đến phát triển nông thôn không đồng đều, thậm chí có địa phương có cùng điều kiện giống nhau nhưng kết quả đạt được rất khác nhau; chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền rõ rệt, cho thấy sự phân bổ kinh phí, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp cho việc phát triển; nguồn lực từ ngân sách trung ương đầu tư chiếm tỷ lệ còn nhỏ, chưa tạo nên nhân tố thúc đẩy, đặc biệt ở những vùng khó khăn; các kết quả đạt được về phát triển sản xuất, chăm lo đời sống của người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng; một số cấp ủy chính quyền chưa sát dân, chưa sát cơ sở, công tác dân vận chưa tốt; mặt trái của kinh tế thị trường đã có những tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nông thôn (nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một; đối xử tình làng nghĩa xóm; các tệ nạn nghiện hút ma túy, đánh bạc, trộm cắp ở nông thôn vẫn xảy ra …).
An ninh trật tự nông thôn trong một số địa phương còn bất cập; môi trường sống ở nông thôn ngày càng bức xúc, nhiều rác thải, các nguồn nước bị ô nhiễm… nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do: Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và điều chỉnh nhưng còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện; một số địa phương chú trọng nhiều đến phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất. Các nội dung về phát triển y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức nên còn nhiều bất cập; hệ thống hóa tổ chức bộ máy vận hành chưa hoàn toàn thống nhất và đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu; chất lượng hoạt động của một số Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện còn chưa cao, nhiều bất cập.
2. Quan điểm, định hướng thực hiện trong thời gian tới:
a) Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của 10 năm qua, cùng với thành quả của 33 năm đổi mới có những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, nhất là cuộc cách mạng công nghệ thời đại 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế. Quan tâm nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân để phát huy hết tiềm năng, nhìn nhận nguy cơ, thách thức để chúng ta có biện pháp cụ thể hơn nhất là vấn đề biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chúng ta đưa ra phương châm tận dụng tối đa cơ hội phát triển và hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố bất lợi do biến đổi khí hậu tác động đến các vùng miền.
b) Tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập, mạnh dạn, quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh – sạch – đẹp và bản sắc. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa đến ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn, chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là các cơ hội, thành tựu mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Đặc biệt cần quan tâm xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng mà cả ở miền núi, làng bản, xã đảo với 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số để người dân tộc thiểu số cũng được hưởng lợi.
c) Cần phải nâng cao mục tiêu về sản xuất, đời sống, môi trường và đặc biệt hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, cuộc sống vật chất, giữ gìn đời sống văn hóa, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa ở nông thôn, đây là nội dung rất lớn phải tập trung chỉ đạo có hiệu quả.
3. Một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới
a) Triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; tập trung chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện đảm bảo thống nhất các cấp để có được hệ thống đội ngũ cán bộ tập trung cho tham mưu, chỉ đạo, ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về nông thôn mới, nhưng không làm tăng biên chế.
b) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan:
– Xây dựng Báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, đi vào chiều sâu, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, tập trung vào những nội dung trọng tâm nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, cụ thể như: Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để hình thành nền nông nghiệp hiện đại và đặc thù; quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
– Nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền và theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) để các địa phương phát huy tính sáng tạo và đạt kết quả tốt nhất. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, tăng cường phân cấp cho cơ sở và phát huy vai trò chủ thể của người dân, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc thù, vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng; nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 làm cơ sở để thực hiện trong giai đoạn mới.
– Nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh nguyên tắc, cơ chế phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 theo hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2016 – 2020 và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng; hỗ trợ các địa phương tiếp tục đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng bền vững.
c) Các địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động và mục tiêu, đưa ra giải pháp cụ thể về xây dựng nông thôn mới, thông qua đại hội Đảng các cấp và chính quyền các cấp, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện, các địa phương còn nhiều xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Đề nghị các địa phương, các ngành chủ động và tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Ngân hàng Chính sách xã hội; – Các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương các CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020; – Ban Chủ nhiệm CT KH&CN phục vụ xây dựng NTM; – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – Các Văn phòng: VPĐP NTM TW (Bộ NNPTNT); VPQG Giảm nghèo bền vững (Bộ LĐTXBH); VP Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc); – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, NC, QHĐP, TH, TKBT; – Lưu: VT, NN (2b). Hg |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
|
Thông báo 449/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành | |||
Số, ký hiệu văn bản | 449/TB-VPCP | Ngày hiệu lực | 30/12/2019 |
Loại văn bản | Văn bản khác | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Lĩnh vực khác |
Ngày ban hành | 30/12/2019 |
Cơ quan ban hành |
Văn phòng Chính phủ |
Tình trạng | Không xác định |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |