THÔNG TƯ 02/2003/TT-BYT HƯỚNG DẪN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG ĐỂ ĐẨY MẠNH CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TRONG PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ” DO BỘ Y TẾ BAN HÀNH
BỘ Y TẾ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2003/TT-BYT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2003 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ Y TẾ SỐ 02/2003/TT-BYT NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG ĐẨY MẠNH CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TRONG PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ”
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Quyết định số 730/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/8/2002 về việc thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, ngày 23/01/2003 Bộ Y tế, Bộ Văn hoá – Thông tin và Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh phong trào chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (sau đây gọi tắt là Chương trình phối hợp hoạt động). Bộ Y tế hướng dẫn việc thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động như sau:
I. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích xã hội thiết thực của việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia hoạt động.
2. Phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo việc thực hiện các tiêu chí sức khoẻ của Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá và Khu dân cư tiên tiến.
3. Phát động phong trào “Toàn dân thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn sức khoẻ trong cộng đồng dân cư” và phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xây dựng các mô hình Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá và Khu dân cư tiên tiến đạt các tiêu chí về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân (sau đây gọi tắt là tiêu chí sức khoẻ).
4. Vận động nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống bệnh dịch, phòng cống HIV/AIDS, y tế môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp đẩy mạnh hoạt động để thực hiện các Chương trình y tế quốc gia trên toàn quốc.
5. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức y tế và phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng về đề tài chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
6. Phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xây dựng kế hoạch hàng năm, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc lồng ghép và thực hiện tiêu chí sức khoẻ trong quá trình xây dựng Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá và khu dân cư tiên tiến.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
2.1. Tổ chức:
a. Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) của Bộ Y tế do một Thứ trưởng làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo của các Vụ, Cục và các đơn vị chức năng của Bộ Y tế. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tổ chức triển khai các hoạt động và làm đầu mối phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
b. Y tế các cấp tiến hành các thủ tục cần thiết để có đại diện của ngành Y tế là thành viên của Ban Chỉ đạo cuộc vận động phong trào “Toà dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp.
c. Thành lập các Ban Chỉ đạo của ngành Y tế ở cấp tỉnh, huyện triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để chỉ đạo việc triển khai các hoạt động ở địa phương và phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
2.2. Phối hợp liên ngành và chỉ đạo theo ngành dọc:
a. Ban chỉ đạo của Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để có sự chỉ đạo thống nhất việc phối hợp liên ngành ở tất cả các cấp.
b. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hành động hàng năm với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp về triển khai các hoạt động đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xây dựng, xét công nhận các mô hình Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá, Khu dân cư tiên tiến đạt các tiêu chí về sức khoẻ theo quy định trong các phụ lục của Thông tư này.
2.3. Trách nhiệm của cơ quan y tế các cấp:
a. Các Viện Trung ương và khu vực thuộc hệ Y tế dự phòng, các Bệnh viện và Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:
– Chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp hoạt động.
– Chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan y tế địa phương tổ chức đánh giá tình hình và việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cộng đồng,…. để các địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động.
– Tiến hành các nghiên cứu để tìm những biện pháp thích hợp đẩy mạnh phong trào cũng như vận động sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
– Hướng dẫn chuyên môn và xây dựng các tài liệu tập huấn, tuyên truyền về các nội dung phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cộng đồng,…
– Tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của địa phương và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo của Bộ Y tế.
b. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế tỉnh) có trách nhiệm:
– Giám đốc Sở Y tế tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh do một đồng chí lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị y tế trong tỉnh. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách hàng năm và kế hoạch phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
– Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai các hoạt động cụ thể về đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
– Trực tiếp tổ chức thực hiện và chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh việc phối hợp triển khai, kiểm tra, giám sát và đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động của địa phương và các mô hình điểm Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá và Khu dân cư tiên tiến đạt tiêu chí về sức khoẻ.
– Chỉ đạo việc ký cam kết giữa Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh và giữa Trạm Y tế xã với các gia đình về thực hiện các chỉ tiêu hoạt động dựa theo các tiêu chí sức khoẻ quy định trong các phụ lục của Thông tư này.
– Chỉ đạo các đơn vị y tế khác ở tuyến tỉnh (Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và Kế hoạch hoá gia đình và các đơn vị liên quan khác) xây dựng tài liệu hướng dẫn và tiến hành các hoạt động truyền thông, giáo dục cộng đồng thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình.
– Tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của địa phương và báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo của Bộ Y tế.
– Tổ chức sơ kết hàng năm và khen thưởng, khuyến khích các địa phương thực hiện tốt các hoạt động.
c. Các Trung tâm Y tế tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Trung tâm Y tế huyện) có trách nhiệm:
– Giám đốc Trung tâm Y tế huyện quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện do một đồng chí lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện làm Trưởng ban, các thành viên là những cán bộ chủ chốt của các Khoa, Phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện. Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách hàng năm của đơn vị mình và kế hoạch phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
– Chủ động tìm những biện pháp tổ chức triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để phong trào đạt được kết quả cao. Thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động, những khó khăn, vướng mắc lên các cơ quan cấp trên.
– Kiểm tra, theo dõi, giám sát các hoạt động tại cơ sở và báo cáo lên Ban Chỉ đạo cấp trên.
– Tổ chức sơ kết hàng năm trong ngành Y tế, khen thưởng và đề nghị cơ quan y tế cấp trên khen thưởng những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt các hoạt động.
– Phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức Hội nghị sơ kết hàng năm việc thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động.
– Hàng năm Ban Chỉ đạo huyện phối hợp với TrạmY tế xã tiến hành đánh giá các gia đình, làng, khu phố, khu dân cư đạt các tiêu chí sức khoẻ theo quy định trong các phụ lục của Thông tư này. Căn cứ vào kết quả đánh giá trên, Trung tâm Y tế huyện xét và cấp chứng nhận danh hiệu Gia đình sức khoẻ, Làng sức khoẻ, Khu phố sức khoẻ, Khu dân cư sức khoẻ cho các gia đình, làng, khu phố, khu dân cư đạt các tiêu chí về sức khoẻ. Đối với các gia đình, làng, khu phố, khu dân cư đã được chứng nhận đạt danh hiệu trên thì cứ hai năm một lần tổ chức đánh giá và cấp lại.
d. Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Trạm Y tế xã) có trách nhiệm:
– Trạm trưởng Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai các hướng dẫn của Ban chỉ đạo huyện.
– Báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và phối hợp với Ban Văn hoá – Thông tin và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã triển khai các hoạt động tại địa phương.
– Kiểm tra, theo dõi, giám sát các hoạt động tại cơ sở và báo cáo lên Ban Chỉ đạo huyện.
– Tổ chức sơ kết hàng năm, khen thưởng và đề nghị cơ quan y tế cấp trên khen thưởng những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt các hoạt động.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng – Thường trực của Ban Chỉ đạo) để nghiên cứu, giải quyết.
PHỤ LỤC
CÁC TIÊU CHÍ SỨC KHỎE
(ban hành kèm theo Thông tư số 02/2003/TT-BYT ngày 28/3/2003 của Bộ Y tế)
PHỤ LỤC 1
CÁC TIÊU CHÍ VỀ SỨC KHỎE ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH VĂN HÓA (GIA ĐÌNH SỨC KHỎE)
1. Không để mắc một số bệnh truyền nhiễm gây dịch thường gặp.
2. Đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ các loại văcxin phòng bệnh theo quy định.
3. Không có người bị ngộ độc thực phẩm và không có trẻ em suy dinh dưỡng.
4. Có đủ ba công trình vệ sinh đảm bảo vệ sinh (nhà tiêu, nhà tắm, nước sạch).
5. Phụ nữ có thai đi khám thai ít nhất là 3 lần trong thời kỳ thai nghén, tiêm phòng uốn ván đủ liều.
6. Các thành viên trong gia đình thực hiện lối sống lành mạnh: chăm lo rèn luyện thể dục thể thao, không nghiện rượu, không sử dụng ma túy, không hút thuốc lá.
7. Có các biện pháp đảm bảo an toàn tại gia đình.
PHỤ LỤC 2
CÁC TIÊU CHÍ VỀ SỨC KHỎE ĐỐI VỚI KHU PHỐ VĂN HÓA, KHU DÂN CƯ TIÊN TIẾN* (KHU PHỐ SỨC KHỎE, KHU DÂN CƯ SỨC KHỎE)
1. Không có dịch xảy ra trên địa bàn.
2. Giảm ít nhất 10% tỷ lệ mắc và chết một số bệnh truyền nhiễm gây dịch thường gặp so với năm trước.
3. Đảm bảo ít nhất 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo đúng quy định.
4. Không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc/vụ.
5. Giảm hàng năm 1,5% tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
6. Ít nhất 90% số hộ gia đình sử dụng nước sạch và có nhà tắm.
7. 80% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
8. 100% phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 1 lần, trong đó trên 85% được khám thai 3 lần trở lên trong thời kỳ thai nghén.
9. Giảm 10% các vụ tai nạn thương tích so với năm trước.
10. Có phong trào thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe.
*: áp dụng đối với khu dân cư ở khu vực đô thị.
PHỤ LỤC 3
CÁC TIÊU CHÍ VỀ SỨC KHỎE ĐỐI VỚI LÀNG VĂN HÓA, KHU DÂN CƯ TIÊN TIẾN** (LÀNG SỨC KHỎE, KHU DÂN CƯ SỨC KHỎE)
1. Tiêu chí đối với khu vực đồng bằng và trung du
1. Không có dịch xảy ra trên địa bàn.
2. Giảm ít nhất 5% tỷ lệ mắc và chết một số bệnh truyền nhiễm gây dịch thường gặp so với năm trước.
3. Ít nhất 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo đúng quy định.
4. Không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc/vụ.
5. Giảm hàng năm 1,5% tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
6. Ít nhất 80% số hộ gia đình sử dụng nước sạch và có nhà tắm.
7. Ít nhất 60% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
8. 100% phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 1 lần, trong đó trên 75% được khám thai 3 lần trở lên trong thời kỳ thai ghén.
9. Giảm 10% các vụ tai nạn thương tích so với năm trước.
10. Có phong trào thể dục, thể thao rèn luyện sức khoẻ.
2. Tiêu chí đối với khu vực miền núi
1. Không có dịch xảy ra trên địa bàn.
2. Giảm ít nhất 5% tỷ lệ mắc và chết một số bệnh truyền nhiễm gây dịch thường gặp so với năm trước.
3. Đảm bảo ít nhất 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo đúng quy định.
4. Không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc/vụ.
5. Giảm hàng năm 1,5% tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
6. Ít nhất 60% số hộ gia đình sử dụng nước sạch và có nhà tắm.
7. Ít nhất 50% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
8. Tất cả phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 1 lần, trong đó trên 50% được khám thai 3 lần trở lên trong thời kỳ thai nghén.
9. Giảm 5 – 7% các vụ tai nạn thương tích so với năm trước.
10. Có phong trào thể dục, thể thao rèn luyện sức khoẻ.
**. áp dụng đối với khu dân cư ở khu vực nông thôn.
Trần Thị Trung Chiến (Đã ký) |
THÔNG TƯ 02/2003/TT-BYT HƯỚNG DẪN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG ĐỂ ĐẨY MẠNH CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN TRONG PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ” DO BỘ Y TẾ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 02/2003/TT-BYT | Ngày hiệu lực | 11/05/2003 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 26/04/2003 |
Lĩnh vực |
Y tế |
Ngày ban hành | 28/03/2003 |
Cơ quan ban hành |
Bộ y tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |