THÔNG TƯ 04/2019/TT-BKHCN QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG HÓA CHẤT ĐỂ THỰC HIỆN THÍ NGHIỆM, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC DO BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ BAN HÀNH
BỘ KHOA HỌC VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2019/TT-BKHCN |
Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2019 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH SỬ DỤNG HÓA CHẤT ĐỂ THỰC HIỆN THÍ NGHIỆM, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Căn cứ Luật hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết Điều 33 Luật hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007 liên quan đến sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học (sau đây viết tắt là Luật hóa chất), bao gồm:
a) Trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học;
b) Ghi nhãn dụng cụ chứa hóa chất trong phòng thí nghiệm và kho chứa;
c) Hồ sơ theo dõi hóa chất trong phòng thí nghiệm; Phiếu an toàn hóa chất;
d) Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở thí nghiệm và người trực tiếp sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
2. Thông tư này không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học là cơ quan, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng thí nghiệm, nghiên cứu khoa học;
2. Người đứng đầu cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học là người đại diện theo quy định của pháp luật của cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học;
3. Người trực tiếp sử dụng hóa chất là người tiến hành các hoạt động thí nghiệm, nghiên cứu khoa học có sử dụng hóa chất;
4. Phòng thí nghiệm là nơi thực hiện các thí nghiệm, thử nghiệm, xét nghiệm (gọi chung là thí nghiệm) phục vụ cho mục đích phân tích, đánh giá, nghiên cứu khoa học;
5. Dụng cụ chứa hóa chất bao gồm các loại téc, thùng, bình, chai, lọ, cốc, ống đong, ống nghiệm,…dùng để chứa hóa chất hoặc sử dụng làm thí nghiệm, nghiên cứu khoa học có sử dụng hóa chất;
6. Ghi nhãn dụng cụ chứa hóa chất là việc ghi một hoặc một số nội dung cơ bản, cần thiết về hóa chất, tính chất gây nguy hiểm của hóa chất đó trên dụng cụ chứa để cung cấp thông tin cho người sử dụng;
7. Hóa chất thải là hóa chất đã qua sử dụng không đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật cho thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học phải loại bỏ hoặc hóa chất đã quá hạn.
Điều 4. Quy định chung về sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học phải chấp hành các quy định về quản lý hóa chất tại Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất (sau đây viết tắt là Nghị định số 113/2017/NĐ-CP).
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cấm thuộc “Danh mục hóa chất cấm” để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học phải thực hiện quy định tại Điều 19 Luật hóa chất.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động trong phòng thí nghiệm
1. Quy định chung về trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động trong phòng thí nghiệm, gồm:
a) Phương tiện, thiết bị, dụng cụ ứng phó sự cố hóa chất;
b) Hộp thuốc sơ cứu;
c) Trang thiết bị bảo vệ cá nhân (Quần áo, giầy, mũ, kính bảo hộ, mặt nạ phòng độc, găng tay, khẩu trang…) cần thiết cho người làm thí nghiệm phù hợp với tính chất công việc nghiên cứu, thí nghiệm;
d) Các loại thùng đựng chất thải được phân loại và có dấu hiệu bên ngoài để dễ nhận biết;
đ) Nội quy an toàn lao động trong phòng thí nghiệm, hướng dẫn sử dụng các thiết bị thí nghiệm, hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất theo các nhóm hóa chất nguy hiểm;
e) Phiếu an toàn hóa chất cung cấp những thông tin chi tiết về các hóa chất độc hại, nguy hiểm từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và phân phối.
2. Phòng thí nghiệm sử dụng hóa chất nguy hiểm phải được trang bị trang thiết bị an toàn phù hợp theo đặc tính nguy hiểm của hóa chất, cụ thể:
a) Khu vực sử dụng hóa chất dễ cháy, nổ có thiết bị giám sát, cảnh báo và bố trí thiết bị thông gió phù hợp;
b) Khu vực sử dụng hóa chất độc hại dễ bay hơi phải có tủ hút độc phù hợp, quạt thông gió hoặc hệ thống thiết bị thu gom, xử lý khí bảo đảm đáp ứng yêu cầu khí thải ra môi trường;
c) Khu vực sử dụng hóa chất ăn mòn, ôxy hóa mạnh được bố trí thiết kế riêng, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phù hợp, bảo đảm an toàn;
d) Các phòng thí nghiệm có sử dụng loại hóa chất có đặc tính nguy hiểm khác được trang bị trang thiết bị an toàn hoặc có giải pháp phù hợp để bảo đảm an toàn cho người và bảo vệ môi trường.
3. Trong phòng thí nghiệm phải bố trí khu vực để lưu giữ hóa chất đang sử dụng cho việc nghiên cứu, thí nghiệm bảo đảm an toàn.
4. Hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm dùng để thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, phải được lưu giữ trong kho chứa riêng biệt, đáp ứng yêu cầu của kho chứa hóa chất theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
5. Bố trí trang thiết bị an toàn trong phòng thí nghiệm bảo đảm yêu cầu sau:
a) Tránh lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp;
b) Bố trí hệ thống thông gió, hệ thống cảnh báo sự cố, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện, hệ thống cấp, thu gom, xử lý chất thải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về phòng chống cháy, nổ, ăn mòn, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;
c) Bố trí bảng nội quy về an toàn hóa chất, bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác, biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất ở nơi dễ thấy, dễ quan sát.
6. Mỗi phòng thí nghiệm tùy theo tính chất chuyên môn ban hành quy định riêng bảo đảm an toàn cho người, tài sản và môi trường trong quá trình sử dụng, bảo quản hóa chất nguy hiểm.
Điều 6. Ghi nhãn dụng cụ chứa hóa chất trong kho chứa hóa chất, trong phòng thí nghiệm
1. Hóa chất đóng thùng, đóng chai, bao gói nguyên đai, nguyên kiện tồn chứa trong kho chứa hóa chất và lưu giữ trong phòng thí nghiệm thực hiện ghi nhãn dụng cụ chứa hóa chất theo quy định tại khoản 3,4 Điều 27 Luật hóa chất.
2. Hóa chất mua lẻ, sử dụng lại, dồn lưu tồn chứa trong kho chứa hóa chất và hóa chất sử dụng trong phòng thí nghiệm sau khi phá, dỡ đai, kiện, sang chiết vào dụng cụ chứa hóa chất để thực hiện thí nghiệm thì trên dụng cụ chứa hóa chất phải ghi nhãn để cảnh báo, phân loại bảo đảm an toàn hóa chất cho người sử dụng.
a) Ghi nhãn trên dụng cụ chứa hóa chất trong kho chứa hóa chất bảo đảm các thông tin: tên hóa chất, công thức hóa học; biện pháp phòng ngừa để sử dụng an toàn; thời hạn sử dụng; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ (nếu có).
b) Ghi nhãn trên dụng cụ chứa hóa chất sử dụng trong quá trình thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học bảo đảm một hoặc một số thông tin sau:
– Tên hóa chất, công thức hóa học;
– Hàm lượng, nồng độ hoặc thành phần chính.
Điều 7. Hồ sơ theo dõi tình hình sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học
1. Phòng thí nghiệm lập hồ sơ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm, bao gồm:
a) Sổ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm;
b) Hồ sơ, tài liệu của từng loại hóa chất cấm dùng để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học (nếu có);
c) Phiếu an toàn hóa chất đối với các loại hóa chất độc hại, dễ gây nguy hiểm theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
2. Nội dung ghi chép trong sổ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm cập nhật đầy đủ các thông tin gồm: tên khoa học, tên thương mại, công thức hóa học của hóa chất; số lượng, khối lượng hóa chất sử dụng, hóa chất thải; phân nhóm hóa chất nguy hiểm; thông tin liên quan đến sự cố hóa chất, an toàn hóa chất; những đặc tính, tác động phát sinh mới gây nguy hiểm của hóa chất.
3. Sổ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm, phiếu an toàn hóa chất được lưu giữ thống nhất tại nơi quy định trong phòng thí nghiệm.
4. Thời gian lưu giữ hồ sơ ghi chép theo dõi tình hình sử dụng đối với hóa chất nguy hiểm ít nhất là ba năm, hóa chất cấm ít nhất là mười năm, kể từ ngày kết thúc sử dụng hóa chất đó.
5. Định kỳ hằng năm kiểm kê hóa chất, cập nhật theo dõi các hóa chất cũ, đã hết hạn sử dụng để có biện pháp xử lý bảo đảm an toàn.
Điều 8. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học
1. Thực hiện quản lý hóa chất và quản lý an toàn hóa chất theo quy định của pháp luật.
2. Xây dựng, phê duyệt và ban hành nội quy, quy trình, hướng dẫn sử dụng hóa chất an toàn, phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Xây dựng kho chứa hóa chất, phòng thí nghiệm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật, phù hợp với tính chất đặc thù chuyên ngành, quy mô và đặc tính nguy hiểm của các loại hóa chất sử dụng.
4. Bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị an toàn, trang thiết bị bảo hộ lao động và phân công người theo dõi về an toàn hóa chất, quản lý, lưu giữ, xử lý sự cố hóa chất.
5. Bảo đảm các điều kiện an toàn cho con người và môi trường trong quá trình lưu giữ, sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.
6. Xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
7. Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử người tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
8. Tổ chức các hoạt động bảo đảm an toàn sử dụng hóa chất, bao gồm:
a) Phổ biến, hướng dẫn cho người sử dụng hóa chất nắm vững quy định về nội quy an toàn sử dụng hóa chất, quy trình thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và có kỹ năng đảm bảo xử lý an toàn những sự cố tại nơi làm việc;
b) Cung cấp và duy trì đầy đủ, phù hợp các trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động để bảo đảm an toàn môi trường làm việc;
c) Bố trí các trang thiết bị an toàn gọn gàng, dễ thấy, dễ lấy và đầy đủ.
9. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ, báo cáo chính xác, kịp thời về sử dụng hóa chất cấm cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
10. Lập hồ sơ theo dõi hóa chất và lưu giữ phiếu an toàn hóa chất theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị an toàn theo quy định của pháp luật về đo lường.
12. Xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất thực hiện theo quy định tại Điều 35 Luật hóa chất.
Điều 9. Trách nhiệm của người trực tiếp sử dụng hóa chất
1. Tuân thủ các quy định về quản lý an toàn hóa chất theo quy định của pháp luật và nội quy, quy trình, hướng dẫn sử dụng hóa chất của cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
2. Đề xuất và thực hiện phương án lưu giữ hóa chất, sử dụng trang thiết bị an toàn, trang thiết bị bảo hộ lao động trong thí nghiệm, nghiên cứu bảo đảm an toàn.
3. Đề xuất và thực hiện phân nhóm, bố trí khu vực lưu giữ theo nhóm hóa chất nguy hiểm, dụng cụ chứa hóa chất để tiến hành thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và treo biển báo nguy hiểm.
4. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo đảm an toàn theo quy định của cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Riêng đối với danh mục hóa chất cấm phải quản lý nghiêm ngặt số lượng, khối lượng, sử dụng đúng mục đích trong thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình sử dụng.
5. Sử dụng các trang thiết bị an toàn, trang thiết bị bảo hộ lao động, dụng cụ chứa hóa chất phù hợp, đáp ứng các quy định, bảo đảm an toàn và sạch sẽ.
6. Phát hiện và báo cáo kịp thời cho người đứng đầu cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học các hiện tượng không bình thường trong quá trình sử dụng hóa chất có nguy cơ gây nguy hiểm, mất an toàn hoặc sự cố hóa chất để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất kịp thời.
7. Thực hiện sắp xếp trang thiết bị an toàn, trang thiết bị bảo hộ lao động, dụng cụ chứa hóa chất và lưu giữ hóa chất theo quy định của cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
8. Tham gia huấn luyện an toàn hóa chất do cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học tổ chức (nếu có); nắm vững về nội quy, quy trình, hướng dẫn sử dụng hóa chất an toàn và các biện pháp bảo đảm an toàn lao động.
9. Đọc kỹ tài liệu, hiểu rõ quy trình trước khi thực hiện thí nghiệm và dự báo các sự cố có thể xảy ra để chủ động phòng tránh, đặc biệt đối với các loại hóa chất nguy hiểm, hóa chất mới.
10. Phân loại và lưu giữ, xử lý chất thải theo đúng quy định của cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
11. Định kỳ rà soát, đề xuất việc xử lý hóa chất thải, dụng cụ chứa hóa chất bị bị hư hỏng.
12. Lập sổ theo dõi hóa chất sử dụng, hóa chất thải.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức phổ biến, triển khai, thực hiện Thông tư này;
b) Thực hiện báo cáo tình hình sử dụng hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, triển khai, thực hiện Thông tư này trên địa bàn địa phương;
b) Tổng hợp, báo cáo đột xuất hoặc khi có yêu cầu về việc sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về: tình hình sử dụng hóa chất cấm để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học; sự cố hóa chất xảy ra; đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất sử dụng.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học:
a) Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý khoa học và công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể:
– Báo cáo trước ngày 15 tháng 01 hằng năm tình hình sử dụng hóa chất cấm để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học của năm trước. Nội dung báo cáo gồm: tên khoa học, tên thương mại của hóa chất; hàm lượng, tính chất; số lượng, khối lượng hóa chất mua, đã sử dụng, thải bỏ; mục đích sử dụng; hồ sơ, tài liệu mua, sử dụng và thải bỏ hóa chất;
– Báo cáo kịp thời tình hình xảy ra sự cố hóa chất trong thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Nội dung báo cáo gồm: tên khoa học, tên thương mại của hóa chất gây sự cố; hậu quả đối với tổ chức và khu vực xung quanh (số người chết, số người bị ảnh hưởng sức khỏe, ước tính thiệt hại vật chất); nguyên nhân, diễn biến và quá trình khắc phục sự cố; hồ sơ, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến sự cố gửi kèm theo;
– Báo cáo kịp thời đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất sử dụng để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Nội dung báo cáo gồm: tên khoa học, tên thương mại của hóa chất; hàm lượng, tính chất; mục đích sử dụng; hiện tượng xảy ra trong quá trình sử dụng và khả năng gây nguy hiểm mới của hóa chất.
b) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về tình hình sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2019.
2. Trong quá trình thực hiện gặp phải khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); – Công báo; – Lưu: VT, CNN, PC. |
KT. BỘ TRƯỞNG Phạm Công Tạc |
THÔNG TƯ 04/2019/TT-BKHCN QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG HÓA CHẤT ĐỂ THỰC HIỆN THÍ NGHIỆM, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC DO BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 04/2019/TT-BKHCN | Ngày hiệu lực | 15/09/2019 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 16/08/2019 |
Lĩnh vực |
Lĩnh vực khác |
Ngày ban hành | 26/06/2019 |
Cơ quan ban hành |
Bộ khoa học và công nghê |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |