THÔNG TƯ 08/2018/TT-BKHĐT SỬA ĐỔI THÔNG TƯ LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2018/TT-BKHĐT |
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2018 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ;
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 20 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư; Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 08 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 20 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài như sau:
“2. Chế độ báo cáo
Chế độ báo cáo do Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) quy định.
a) Báo cáo 6 tháng: Chậm nhất vào ngày 10 tháng 7, Ban Quản lý dự án phải gửi báo cáo về Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN.
b) Báo cáo năm: Chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm tiếp sau, Ban Quản lý dự án phải gửi báo cáo về Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN.
c) Báo cáo kết thúc dự án: Chậm nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc thực hiện chương trình, dự án, Ban Quản lý dự án phải gửi báo cáo theo mẫu Báo cáo kết thúc chương trình, dự án viện trợ PCPNN bằng văn bản, fax và thư điện tử về Cơ quan phê duyệt khoản viện trợ PCPNN.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư như sau:
1. Sửa đổi Điểm d Khoản 2 Điều 2 như sau:
“d) Mẫu số 05 (Phụ lục ban hành kèm theo): Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc chương trình, dự án đầu tư;”
2. Bổ sung Điểm e Khoản 2 Điều 2 như sau:
“e) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án nhóm C quy định tại Điểm đ Khoản 8 Điều 68 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP thực hiện báo cáo theo Mẫu số 06.”
3. Bổ sung Điểm e Khoản 3 Điều 2 như sau:
“e) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án nhóm C quy định tại Điểm đ Khoản 9 Điều 68 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP thực hiện báo cáo theo Mẫu số 06.”
4. Bổ sung Điểm đ Khoản 4 Điều 2 như sau:
“đ) Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi bắt đầu khai thác, vận hành dự án (đối với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) quy định tại Điểm d Khoản 10 Điều 68 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP” thực hiện báo cáo theo Mẫu số 06.”
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2016/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 08 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như sau:
1. Sửa đổi Khoản 1 Điều 23 như sau:
“1. Đối với các chương trình, dự án:
Chủ dự án có nhiệm vụ lập báo cáo về tình hình thực hiện chương trình, dự án gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ.
Bộ mẫu biểu báo cáo cấp chủ dự án gồm các mẫu biểu báo cáo 6 tháng, và cả năm theo Mẫu IV-GSĐG 1, báo cáo giám sát đánh giá trước khi khởi công theo Mẫu IV-GSĐG 2, báo cáo giám sát đánh giá khi điều chỉnh dự án theo Mẫu IV-GSĐG 3 và báo cáo kết thúc chương trình, dự án theo Mẫu IV-GSĐG 4 trong Phụ lục IV của Thông tư này. Ban quản lý dự án phải xây dựng và trình các báo cáo nêu trên lên chủ dự án để chủ dự án gửi các báo cáo này cho cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan và cập nhật lên hệ thống giám sát và đánh giá đầu tư.
a) Báo cáo 6 tháng và cả năm:
Báo cáo 6 tháng và cả năm áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.
Trong thời hạn 10 ngày sau khi kết thúc tháng 6 hằng năm, 20 ngày sau khi kết thúc năm, chủ dự án gửi Báo cáo 6 tháng, cả năm về tình hình thực hiện chương trình, dự án theo Mẫu IV-GSĐG 1 trong Phụ lục IV của Thông tư này về cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án và nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời cập nhật trực tuyến vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Riêng Biểu Phụ đính GSĐG 1.1 chỉ gửi một lần trong kỳ báo cáo 6 tháng đầu tiên và chỉ phải gửi lại khi có thay đổi trong điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết. Đối với báo cáo gửi nhà tài trợ nước ngoài, ngoài bản tiếng Việt kèm theo bản tiếng Anh, trừ khi có thỏa thuận khác.
Đối với các chương trình, dự án không có các nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, bảo vệ môi trường không phải lập Biểu Phụ đính GSĐG 1.6 và Biểu Phụ đính GSĐG 1.7.
b) Báo cáo giám sát đánh giá trước khi khởi công
Báo cáo giám sát đánh giá trước khi khởi công áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.
Chủ dự án có trách nhiệm gửi báo cáo giám sát đánh giá trước khi khởi công 15 ngày theo Mẫu IV-GSĐG 2 quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này tới người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, đồng thời cập nhật trực tuyến vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình dự án sử dụng vốn Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
c) Báo cáo giám sát, đánh giá khi điều chỉnh dự án
Báo cáo giám sát, đánh giá khi điều chỉnh dự án áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.
Chủ dự án có trách nhiệm gửi báo cáo trước khi điều chỉnh dự án theo Mẫu IV-GSĐG 3 quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này tới người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị đầu mối thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, đồng thời cập nhật trực tuyến vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
d) Báo cáo kết thúc chương trình, dự án
Báo cáo kết thúc dự án áp dụng đối với tất cả các chương trình, dự án.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc thực hiện chương trình, dự án, chủ dự án phải gửi báo cáo theo mẫu Báo cáo kết thúc chương trình, dự án theo Mẫu IV-GSĐG 4 trong Phụ lục IV của Thông tư này tới cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời cập nhật trực tuyến vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.”
2. Sửa đổi Điều 24 như sau:
“Điều 24. Chế độ báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp cơ quan chủ quản
Trong thời hạn 20 ngày sau khi kết thúc 6 tháng đầu năm, 30 ngày sau khi kết thúc năm cơ quan chủ quản phải lập và gửi Báo cáo tổng hợp về tình hình vận động, tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, kết quả thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quản lý theo Mẫu IV-GSĐG 5 trong Phụ lục IV của Thông tư này bằng văn bản và bản điện tử về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời cập nhật trực tuyến vào Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.”
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 02 năm 2019.
2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chính phủ; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); – Công báo; – Cổng TTĐT Chính phủ; – Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư; – Các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; – Lưu: VT, VPB (P. KSTH); |
BỘ TRƯỞNG Nguyễn Chí Dũng |
PHỤ LỤC
MẪU SỐ 05, BÁO CÁO GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ KẾT THÚC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2018/TT-BKHĐT ngày 27/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BCGSĐGĐT |
………, ngày ….. tháng ….. năm ……….. |
BÁO CÁO GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ KẾT THÚC
CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Tên chương trình/dự án:………………………..
Kính gửi:…………………………..
I. THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Ghi các nội dung như quy định tại phần 1 của mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư.
II. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ
1. Tổng kết toàn bộ quá trình thực hiện chương trình/dự án: Mô tả tóm tắt quá trình thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị thực hiện đầu tư đến kết thúc đầu tư.
2. Tổng hợp các kết quả thực hiện đạt được của chương trình/dự án:
2.1. Kết quả thực hiện các nội dung đã được phê duyệt: Nêu rõ kết quả và mức độ đạt được các nội dung đã được phê duyệt: mục tiêu, quy mô, tăng mức đầu tư, tiến độ thực hiện, chất lượng,….
2.2. Kết quả thực hiện về vốn đầu tư: So sánh giữa tổng mức đầu tư theo quyết định đầu tư với tổng giá trị thực hiện và giải ngân thực tế; các điều chỉnh chủ yếu về tổng mức đầu tư của dự án (nếu có); các yếu tố ảnh hưởng.
2.3. Những yếu tố tác động đến kết quả thực hiện chương trình/dự án
2.4. Nêu sơ bộ về hiệu quả kinh tế xã hội so với mục tiêu của chương trình/dự án
2.5. Tác động và tính bền vững của chương trình/dự án: Nêu những nhân tố tác động, đảm bảo sự bền vững và phát huy hiệu quả của dự án.
3. Bài học rút ra từ thực tiễn tổ chức thực hiện dự án và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
III. KIẾN NGHỊ
Nêu các kiến nghị để phát huy tính hiệu quả, sự bền vững hoặc khắc phục các hạn chế của dự án.
CHỦ ĐẦU TƯ |
THÔNG TƯ 08/2018/TT-BKHĐT SỬA ĐỔI THÔNG TƯ LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ BÁO CÁO ĐỊNH KỲ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | |||
Số, ký hiệu văn bản | 08/2018/TT-BKHĐT | Ngày hiệu lực | 11/02/2019 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 15/02/2019 |
Lĩnh vực |
Đầu tư |
Ngày ban hành | 27/12/2018 |
Cơ quan ban hành |
Bộ kế hoạch và đầu tư |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |