THÔNG TƯ 13/2021/TT-BTNMT QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP, DI CHUYỂN, GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 20/10/2021

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 13/2021/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC THÀNH LẬP, DI CHUYỂN, GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn; Nghị định số 48/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-C ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Chương II

THÀNH LẬP TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Điều 3. Thành lập và đưa trạm vào hoạt động chính thức

1. Thành lập trạm:

a) Khảo sát kỹ thuật thành lập trạm; lập báo cáo, phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát kỹ thuật thành lập trạm;

b) Xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về việc sử dụng đất để xây dựng, lắp đặt công trình trạm;

c) Khảo sát, thiết kế, lập, trình, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng;

d) Quyết định thành lập trạm.

2. Xây dựng, đưa trạm vào hoạt động:

a) Xây dựng công trình, hạ tầng kỹ thuật, mốc giới hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn; lắp đặt thiết bị, phương tiện đo; lập, trình phê duyệt đề án duy trì hoạt động theo quy định;

b) Vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra, đánh giá chất lượng số liệu; nghiệm thu công trình, thiết bị, phương tiện đo;

c) Quyết định đưa trạm vào hoạt động chính thức.

Điều 4. Nội dung khảo sát kỹ thuật thành lập trạm

1. Điều tra, khảo sát thu thập thông tin:

a) Hiện trạng, quy hoạch, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương tại khu vực dự kiến đặt trạm;

b) Điều kiện tự nhiên, tính đại diện về khí tượng thủy văn và tính khả thi trong việc xây dựng trạm tại vị trí dự kiến;

c) Các điều kiện về hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc; nguồn cung cấp điện và nước.

2. Khảo sát điều kiện đặt trạm:

a) Khảo sát phạm vi hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 15 Luật Khí tượng thủy văn và khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn;

b) Khảo sát chi tiết đối với các loại trạm khí tượng thủy văn theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Xác định tọa độ, độ cao mốc cơ sở chuyên ngành khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.

3. Lập báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm theo Mẫu số 1, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra, đánh giá chất lượng số liệu

1. Sau khi hoàn thành lắp đặt thiết bị, phương tiện đo phải tiến hành vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra và đánh giá chất lượng.

2. Thời gian thực hiện vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra và đánh giá kết quả tối thiểu 03 tháng.

3. Đánh giá chất lượng số liệu quan trắc và lập báo cáo theo Mẫu số 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Hồ sơ thành lập và đưa trạm vào hoạt động chính thức

1. Hồ sơ thành lập trạm:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị thực hiện dự án;

b) Quyết định phê duyệt báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm và báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm;

c) Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về địa điểm, diện tích sử dụng đất để xây dựng công trình chuyên môn, nhà trạm, lắp đặt thiết bị, phương tiện đo;

d) Bản sao Quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc chủ trương thành lập trạm của cấp có thẩm quyền.

2. Hồ sơ đưa trạm vào hoạt động chính thức:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị thực hiện dự án;

b) Bản sao Quyết định thành lập trạm;

c) Quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền hoặc bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có); Giấy xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân đối với các diện tích đất thuê, đất không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

d) Biên bản nghiệm thu công trình, thiết bị, phương tiện đo;

đ) Bản sao Quyết định phê duyệt đề án duy trì hoạt động;

e) Bản sao chứng từ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn, tài liệu kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đo;

g) Báo cáo đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra theo Mẫu số 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

h) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Điều 7. Bổ sung, giảm yếu tố quan trắc

1. Căn cứ bổ sung, giảm yếu tố quan trắc:

a) Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia;

b) Yêu cầu khai thác, sử dụng số liệu quan trắc cho mục đích điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Thực hiện bổ sung yếu tố quan trắc:

a) Báo cáo sự cần thiết phải bổ sung yếu tố quan trắc;

b) Quyết định bổ sung yếu tố quan trắc;

c) Khảo sát thiết kế kỹ thuật, xây dựng công trình (nếu có), lắp đặt phương tiện đo theo quy định;

d) Quyết định đưa công trình (nếu có), phương tiện đo vào hoạt động.

3. Thực hiện giảm yếu tố quan trắc:

a) Báo cáo lý do giảm yếu tố quan trắc;

b) Quyết định giảm yếu tố quan trắc;

c) Thu hồi phương tiện đo các yếu tố bị giảm theo quy định.

Chương III

DI CHUYỂN TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Điều 8. Yêu cầu kỹ thuật di chuyển trạm

1. Vị trí trạm di chuyển đến phải bảo đảm tính tương đồng về điều kiện khí tượng thủy văn với trạm hiện có.

2. Số liệu quan trắc đồng thời tại hai vị trí phải bảo đảm tính tương quan chặt chẽ.

3. Trường hợp vị trí trạm di chuyển đến không đạt yêu cầu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì giải thể trạm đang quan trắc và thành lập trạm mới thay thế trạm bị giải thể.

Điều 9. Thực hiện di chuyển trạm

1. Báo cáo đánh giá hiện trạng trạm phải di chuyển theo Mẫu số 3, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Xin chủ trương di chuyển trạm.

3. Khảo sát di chuyển trạm tại vị trí dự kiến di chuyển đến; phê duyệt báo cáo khảo sát di chuyển trạm.

4. Xây dựng công trình tạm, lắp đặt thiết bị, phương tiện đo, quan trắc đồng thời tại hai vị trí, đối với các trạm khí tượng trên cao và ra đa thời tiết chỉ quan trắc tại vị trí di chuyển đến.

5. Đánh giá chất lượng chuỗi số liệu quan trắc và lập báo cáo theo Mẫu số 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền quyết định di chuyển trạm trong trường hợp đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

7. Xây dựng trạm, công trình tại vị trí di chuyển đến.

8. Quyết định đưa trạm, công trình tại vị trí di chuyển đến vào hoạt động chính thức.

Điều 10. Khảo sát di chuyển trạm

1. Khảo sát di chuyển toàn bộ trạm, thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Trường hợp di chuyển một số hạng mục công trình phải thực hiện khảo sát kỹ thuật vị trí xây dựng công trình mới tương ứng theo quy định.

Điều 11. Quan trắc đồng thời

1. Thực hiện quan trắc đồng thời tại vị trí đang quan trắc và vị trí di chuyển đến theo các quy định về quan trắc cho phù hợp.

2. Thời gian quan trắc đồng thời trong từng trường hợp do Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn xem xét, quyết định.

3. Lập báo cáo kết quả quan trắc đồng thời.

4. Đánh giá tương quan giữa hai chuỗi số liệu:

a) Trường hợp hai chuỗi số liệu có tương quan chặt chẽ, thực hiện việc đưa trạm hoặc công trình di chuyển đến vào hoạt động;

b) Trường hợp tương quan giữa hai chuỗi số liệu không chặt chẽ, thực hiện việc giải thể trạm cũ và thành lập trạm thay thế.

5. Tài liệu quan trắc đồng thời phải giao nộp, lưu trữ theo quy định.

Điều 12. Hồ sơ di chuyển trạm và đưa trạm vào hoạt động

1. Hồ sơ di chuyển trạm:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị được giao thực hiện di chuyển trạm;

b) Văn bản chấp thuận chủ trương di chuyển trạm;

c) Báo cáo khảo sát di chuyển trạm, công trình chuyên môn;

d) Báo cáo đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm, quan trắc đồng thời;

đ) Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về địa điểm, diện tích sử dụng đất để xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, phương tiện đo;

e) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Hồ sơ đưa trạm vào hoạt động chính thức:

a) Tờ trình của cơ quan, đơn vị được giao thực hiện di chuyển trạm;

b) Bản sao Quyết định di chuyển trạm;

c) Quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền hoặc bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có); Giấy xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân đối với các diện tích đất thuê, đất không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

d) Biên bản nghiệm thu công trình, thiết bị, phương tiện đo;

đ) Bản sao chứng từ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn, tài liệu kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đo;

e) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Chương IV

GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Điều 13. Thực hiện giải thể trạm

1. Lập báo cáo giải thể trạm theo Mẫu số 4, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Quyết định giải thể trạm của cấp có thẩm quyền.

3. Thực hiện giải thể trạm, thu hồi phương tiện đo theo quy định.

4. Xử lý các vấn đề liên quan khác đến giải thể trạm theo quy định.

5. Lưu trữ Hồ sơ kỹ thuật của trạm.

Điều 14. Hồ sơ giải thể trạm

1. Tờ trình của cơ quan, đơn vị đề nghị giải thể trạm.

2. Báo cáo giải thể trạm.

3. Các văn bản có liên quan.

4. Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Khí tượng Thủy văn:

a) Tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia theo quy định;

b) Phê duyệt báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm làm cơ sở để phê duyệt dự án đầu tư;

c) Quyết định bổ sung, giảm yếu tố quan trắc; di chuyển một số hạng mục công trình; đưa trạm, công trình, thiết bị, phương tiện đo vào hoạt động chính thức.

2. Cơ quan, đơn vị được giao thực hiện dự án, nhiệm vụ:

Tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia và bổ sung, giảm các yếu tố quan trắc, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định tại Thông tư này.

Điều 16. Quy định chuyển tiếp

Đối với những trạm đã nộp hồ sơ đề nghị thực hiện thành lập, di chuyển, giải thể trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 03/2006/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể trạm khí tượng thủy văn.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2021.

2. Thông tư này thay thế:

a) Quyết định số 03/2006/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế thành lập, di chuyển, nâng cấp, hạ cấp, giải thể trạm khí tượng thủy văn;

b) Thông tư số 11/2007/TT-BTNM ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động của công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thực hiện Thông tư này./.

 


Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
– Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT;
– Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT;
– Lưu: VT, PC, TCKTTV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Lê Công Thành

 

PHỤ LỤC I

NỘI DUNG KHẢO SÁT CHI TIẾT ĐỐI VỚI CÁC LOẠI TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 13/2021/TT-BTNMT ngày 26 tháng 08 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

1. Trạm đo mưa

– Xác định vị trí, chiều cao, khoảng cách của các vật che chắn đối với vị trí đặt trạm trong phạm vi bán kính 20 m tính từ chân cột.

– Xác định địa danh, độ cao, tọa độ vị trí đặt trạm.

– Lập sơ đồ khu vực đặt trạm trong vòng bán kính 100 m.

2. Trạm khí tượng bề mặt, khí tượng nông nghiệp

a) Điều tra, khảo sát về đặc điểm khu vực đặt trạm

Xác định các nội dung, thông tin về: Độ cao trung bình của khu vực đặt trạm so với mặt nước biển; hướng gió thịnh hành; hướng phân bố các đỉnh núi lớn, các đồi đất cao; điều kiện giao thông, thông tin và sinh hoạt trong phạm vi bán kính 10 km; lập sơ đồ biểu thị các nội dung trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000.

b) Khảo sát chi tiết khu vực đặt trạm

– Xác định địa danh, vị trí (tọa độ, độ cao) đặt trạm.

– Xác định chiều cao, khoảng cách của các vật che chắn; các trung tâm công nghiệp, khu dân cư, các công trình xây dựng, ao, hồ; góc che khuất chân trời, tiêu điểm tầm nhìn ngang và khả năng úng ngập tại khu vực đặt trạm; lập bản đồ địa hình khu vực đặt trạm trong phạm vi bán kính 300 m tỷ lệ 1:2.000.

3. Trạm khí tượng trên cao, ra đa thời tiết

a) Điều tra, khảo sát về đặc điểm khu vực đặt trạm

Xác định các nội dung, thông tin về: Độ cao trung bình của khu vực đặt trạm so với mặt nước biển; hướng phân bố các đỉnh núi lớn; các khu công nghiệp, dân cư, công trình xây dựng cao tầng, sân bay và các công trình kiến trúc khác có thể ảnh hưởng đến quá trình quan trắc; điều kiện giao thông, thông tin và sinh hoạt trong phạm vi bán kính 10 km; lập sơ đồ biểu thị các nội dung trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000.

b) Khảo sát chi tiết khu vực đặt trạm

– Xác định địa danh, vị trí (tọa độ, độ cao) đặt trạm.

– Xác định chiều cao, khoảng cách của các vật che chắn, góc che khuất chân trời, các vật cản tại vườn thả bóng thám không; các chướng ngại vật xuất hiện ở nhũng góc quét lớn hơn nửa búp sóng phía trên đường chân trời; lập bản đồ địa hình khu vực đặt trạm trong phạm vi bán kính 300 m tỷ lệ 1:2.000.

4. Trạm thủy văn

a) Điều tra, khảo sát về đặc điểm khu vực đoạn sông đặt trạm

– Xác định các nội dung, thông tin về: Đặc điểm chính của khu vực sông dự kiến đặt trạm, vị trí phân, nhập lưu phía thượng lưu của trạm, vị trí đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các trạm thủy văn, thủy văn – tài nguyên nước đang hoạt động ở phía thượng, hạ lưu (nếu có); điều kiện hạ tầng giao thông, thông tin trong phạm vi bán kính 10 km.

– Đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế – xã hội, dân sinh đến hoạt động quan trắc tại vị trí dự kiến đặt trạm.

– Lập sơ đồ khu vực đoạn sông đặt trạm trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 thể hiện các nội dung: Vị trí phân, nhập lưu phía thượng lưu của trạm, vị trí đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các trạm thủy văn, thủy văn – tài nguyên nước đang hoạt động ở phía thượng, hạ lưu.

b) Khảo sát chi tiết đoạn sông đặt trạm

– Xác định địa danh, vị trí (tọa độ, độ cao) đặt trạm.

– Xác định địa hình, địa mạo; địa chất, thủy văn; chế độ dòng chảy hưởng nước vật; địa hình lòng sông, đặc điểm lòng sông, bờ sông, bãi tràn trong phạm vi 500 m về các phía thượng, hạ lưu.

– Điều tra, tính toán mức độ khống chế mực nước lớn nhất.

– Đánh giá sự ổn định của bờ sông, đặc biệt tại vị trí bố trí tuyến đo, công trình đo.

– Khảo sát sự phân bố tốc độ dòng chảy trên mặt cắt ngang tuyến đo lưu lượng và lập bình đồ hướng nước chảy.

– Đo vẽ địa hình lòng sông trong phạm vi 500 m về phía thượng, hạ lưu trên nền bản đồ tỷ lệ 1:2000; đo vẽ mặt cắt ngang sông tại các vị trí bố trí tuyến đo mực nước, lưu lượng nước và tại hai vị trí cách tuyến đo 100 m về phía thượng, hạ lưu tỷ lệ 1:500 đến 1:1.000. Đối với các trạm không đo lưu lượng nước, đo vẽ địa hình lòng sông trong phạm vi 200 m về phía thượng, hạ lưu và đo vẽ mặt cắt ngang sông tại vị trí bố trí tuyến đo mực nước.

5. Trạm hải văn

a) Điều tra, khảo sát về đặc điểm khu vực đặt trạm

Xác định các nội dung, thông tin về: Hướng gió thịnh hành; hướng phân bố các đảo, bãi cát nổi, các công trình trên biển và các chướng ngại vật hướng biển; hình dạng đường bờ biển; xác định góc che khuất chân trời; điều kiện hạ tầng giao thông, thông tin và dân sinh trong phạm vi bán kính 10 km; lập sơ đồ biểu thị các nội dung trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000.

b) Khảo sát chi tiết khu vực đặt trạm

– Xác định địa danh, vị trí (tọa độ, độ cao) đặt trạm.

– Xác định chế độ thủy triều và các giá trị đặc trưng; độ sâu biển ở khu vực quan trắc sóng; hướng dòng chảy; đỉnh triều cao nhất, chân triều thấp nhất; lập bản đồ địa hình khu vực đặt trạm trong phạm vi bán kính 300 m tỷ lệ 1:2.000.

 

PHỤ LỤC II

CÁC MẪU BÁO CÁO

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 13/2021/TT-BTNMT ngày 26 tháng 08 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Mẫu số 1: Báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Mẫu số 2: Báo cáo đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra.

Mẫu số 3: Báo cáo đánh giá hiện trạng trạm khí tượng thủy văn quốc gia phải di chuyển.

Mẫu số 4: Báo cáo giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

 

Mẫu số 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BÁO CÁO
KHẢO SÁT KỸ THUẬT THÀNH LẬP TRẠM KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN QUỐC GIA

Tên trạm: …………………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị lập báo cáo: …………………………………………………………………..

I. Mục đích, yêu cầu đặt trạm

1. Thuyết minh nhu cầu thành lập trạm.

2. Trích dẫn các văn bản liên quan như Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia đã được phê duyệt; chủ trương thành lập trạm, phê duyệt vị trí trạm của cấp có thẩm quyền…

3. Nhiệm vụ quan trắc của trạm: Các yếu tố quan trắc, thời gian dự kiến quan trắc.

4. Mục tiêu, nhiệm vụ khảo sát: Nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ khảo sát; những vấn đề đặc biệt cần quan tâm, xử lý.

II. Tổ chức công tác khảo sát

1. Thành phần đội khảo sát: Nêu rõ thành phần đội khảo sát, tên, trình độ chuyên môn từng người.

2. Máy móc, thiết bị dùng cho khảo sát: Mô tả chủng loại, tính năng kỹ thuật các máy móc, thiết bị dùng để khảo sát.

3. Phương án kỹ thuật khảo sát.

4. Thời gian khảo sát: Thời gian bắt đầu, kết thúc khảo sát.

III. Nội dung khảo sát

1. Thuyết minh nội dung khảo sát:

Chi tiết các nội dung quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Các loại sơ đồ, bản vẽ, bản đồ (bản vẽ và bản đồ in, số).

IV. Nhận xét và kiến nghị

1. Đánh giá, nhận xét về khu vực khảo sát và công tác khảo sát.

2. Đánh giá mức độ đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của trạm.

3. Kết luận và kiến nghị.

 

……, ngày…… tháng…… năm……
CƠ QUAN ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký tên, đóng dấu)

……, ngày…… tháng…… năm……
CHỦ NHIỆM KHẢO SÁT
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Mẫu số 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BÁO CÁO
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ VẬN HÀNH THỬ NGHIỆM, QUAN TRẮC KIỂM TRA

Tên trạm: …………………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị lập báo cáo: …………………………………………………………………..

Thực hiện Quyết định thành lập/di chuyển………; Quyết định phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng trạm.

Căn cứ các quy định về quan trắc (yếu tố quan trắc thử nghiệm) …

Cơ quan, đơn vị lập báo cáo…… báo cáo, đánh giá kết quả quan trắc thử nghiệm tại trạm………… như sau:

1. Vị trí đặt trạm;

2. Các yếu tố quan trắc tại trạm;

3. Mốc tọa độ, độ cao tại trạm;

4. Công trình, thiết bị quan trắc tại trạm;

5. Hiện trạng hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn (Mô tả chi tiết; đánh giá mức độ ảnh hưởng, mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật);

6. Kết quả kiểm tra, so chuẩn phương tiện đo;

7. Đánh giá chất lượng lắp đặt, độ ổn định của công trình, thiết bị, phương tiện đo;

8. Đánh giá chất lượng số liệu quan trắc thử nghiệm;

9. Kết luận, kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định đưa trạm vào hoạt động chính thức.

 

 

……, ngày…… tháng…… năm……
CƠ QUAN ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu số 3

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

BÁO CÁO
ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA PHẢI DI CHUYỂN

Tên trạm: …………………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị lập báo cáo: …………………………………………………………………..

I. Lý do phải di chuyển trạm

………………………………………………………………………………………………………..

II. Hiện trạng hoạt động của trạm

1. Báo cáo tình hình hoạt động của trạm

………………………………………………………………………………………………………..

2. Hiện trạng hành lang kỹ thuật trạm

………………………………………………………………………………………………………..

3. Đánh giá mức độ ảnh hưởng đến điều kiện quan trắc và độ chính xác của số liệu

………………………………………………………………………………………………………..

III. Phương án di chuyn trạm

………………………………………………………………………………………………………..

IV. Kiến nghị

………………………………………………………………………………………………………..

 

 

……, ngày…… tháng…… năm……
CƠ QUAN ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký tên, đóng dấu)

 

Mu số 4

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 

BÁO CÁO
GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA

Tên trạm: …………………………………………………………………………………………..

Cơ quan, đơn vị lập báo cáo: …………………………………………………………………..

1. Căn cứ pháp lý

………………………………………………………………………………………………………..

2. Phương án giải thể trạm

a) Sắp xếp, bố trí công tác cho cán bộ, viên chức của trạm

………………………………………………………………………………………………………..

b) Xử lý tài sản, thiết bị, phương tiện đo, đất đai của trạm theo quy định

………………………………………………………………………………………………………..

c) Lưu trữ Hồ sơ kỹ thuật của trạm

………………………………………………………………………………………………………..

3. Kiến nghị

………………………………………………………………………………………………………..

 

 

……, ngày…… tháng…… năm……
CƠ QUAN ĐƠN VỊ LẬP BÁO CÁO
(Ký tên, đóng dấu)

THÔNG TƯ 13/2021/TT-BTNMT QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP, DI CHUYỂN, GIẢI THỂ TRẠM KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 13/2021/TT-BTNMT Ngày hiệu lực 20/10/2021
Loại văn bản Thông tư Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - môi trường
Ngày ban hành 26/08/2021
Cơ quan ban hành Bộ tài nguyên và môi trường
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản