THÔNG TƯ 17/2014/TT-BTP VỀ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TƯ PHÁP BAN HÀNH
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2014/TT-BTP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Căn cứ Luật bình đẳng giới ngày 29/11/2006;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/6/2008;
Căn cứ Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bình đẳng giới;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 56/2011/QĐ-TTg ngày 14/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 15/2014/QĐ-TTg ngày 17/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra trong việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 2. Mục đích lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) là một biện pháp để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ.
Điều 3. Nguyên tắc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
1. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được thực hiện trong toàn bộ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
2. Bảo đảm không làm phát sinh bất bình đẳng giới, bảo đảm quyền của mỗi giới trong nội dung, trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản theo quy định.
3. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Trách nhiệm báo cáo thống kê về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ hằng năm báo cáo số lượng, tỷ lệ văn bản được lồng ghép vấn đề bình đẳng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do mình chủ trì soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Thời điểm chốt số liệu báo cáo định kỳ hằng năm thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp.
Chương II
THỰC HIỆN LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Mục 1. NỘI DUNG LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Điều 5. Xác định vấn đề giới
Cơ quan đề xuất xây dựng văn bản, cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản thực hiện việc xem xét, phân tích để phát hiện trong lĩnh vực, quan hệ xã hội mà văn bản sẽ điều chỉnh có khả năng dẫn đến bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.
Điều 6. Xác định nguyên nhân của vấn đề giới
1. Cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành các chính sách, quy định hiện hành về bình đẳng giới và các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực, quan hệ xã hội do văn bản điều chỉnh.
2. Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành, xem xét, đánh giá nguyên nhân của vấn đề giới:
a) Bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử giới do chưa có các quy định của pháp luật để điều chỉnh;
b) Bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử giới do chính các quy định của pháp luật;
c) Bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử giới do thiếu các biện pháp để đảm bảo thi hành, do quá trình tổ chức thi hành;
d) Bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử giới do không có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, không có các biện pháp để bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Điều 7. Đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề giới
1. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới đề xuất các phương án giải quyết, cụ thể:
a) Trường hợp có vấn đề về bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới do chưa có các quy định của pháp luật để điều chỉnh thì đề xuất bổ sung các chính sách, các quy định đó trong dự thảo văn bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới;
b) Trường hợp phát hiện vấn đề bất bình đẳng giới từ chính các quy định của pháp luật thì sửa đổi các quy định đó trong dự thảo văn bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới;
c) Trường hợp các quy định của pháp luật đã bảo đảm vấn đề bình đẳng giới nhưng thiếu biện pháp để thi hành thì đề xuất bổ sung quy định về biện pháp thi hành trong dự thảo văn bản hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp thi hành để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới;
d) Đề xuất áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, các biện pháp thúc đẩy để bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
2. Xem xét, đánh giá về tính đầy đủ, hợp lý và tính khả thi của các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong dự kiến chính sách, dự thảo văn bản, phân tích các biện pháp, khả năng để bảo đảm thực hiện những mục tiêu đã đề ra, trong đó cần lưu ý đến điều kiện, thời gian, tài chính, nguồn nhân lực, công tác phổ biến, truyền thông, cơ chế đánh giá, giám sát bắt buộc.
Điều 8. Đánh giá tác động về chính sách, giải pháp để giải quyết vấn đề giới
1. Phân tích về sự cần thiết đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; thực trạng của giới nam và giới nữ trong mối quan hệ với các quy định được đề xuất trong dự thảo văn bản.
2. Phân tích, so sánh mục tiêu cụ thể của dự thảo văn bản về vấn đề bình đẳng giới với những mục tiêu tổng quát đã được xác định theo Luật bình đẳng giới và các văn bản có liên quan. Xem xét các giải pháp được đề xuất đã bảo đảm bình đẳng giới thực chất, đã bảo vệ được quyền lợi của bà mẹ và trẻ em.
3. Dự báo khả năng tác động đối với mỗi giới thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản sau khi được ban hành, cụ thể:
a) Sự tác động đến vị trí, vai trò của mỗi giới trong lĩnh vực dự kiến điều chỉnh;
b) Sự tác động đến cơ hội và điều kiện phát huy năng lực của mỗi giới để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình;
c) Sự tác động đến cơ hội thụ hưởng các kết quả của chính sách giải quyết mà dự kiến văn bản điều chỉnh mang lại đối với mỗi giới.
4. Phân tích những rủi ro hoặc cản trở có thể phát sinh khi giải quyết các vấn đề giới.
Điều 9. Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong dự kiến chính sách, dự thảo văn bản
Xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm bình đẳng giới trong dự kiến chính sách, dự thảo văn bản gồm các nội dung sau đây:
1. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong thực hiện các quy định về bình đẳng giới;
2. Trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết về nguồn lực để thực hiện vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản gồm:
a) Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và ngân sách để đảm bảo thực hiện;
b) Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, truyền thông;
c) Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
3. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về bình đẳng giới, chế tài bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề giới.
Mục 2. LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Điều 10. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất xây dựng văn bản có trách nhiệm làm rõ sự cần thiết phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua:
a) Xác định, phân tích vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới theo quy định pháp luật về bình đẳng giới và quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này;
b) Dự báo khái quát các nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới của chính sách dự kiến quy định trong văn bản được đề nghị xây dựng;
c) Dự báo tác động sơ bộ của chính sách dự kiến quy định đối với mỗi giới; dự kiến các chính sách cơ bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới hoặc giải quyết bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất xây dựng văn bản thể hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này trong Thuyết minh về đề nghị xây dựng văn bản và Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ gửi cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản. Trường hợp hồ sơ đề xuất xây dựng văn bản chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu.
Điều 11. Lồng ghép vấn đề giới trong lập đề nghị về Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Cơ quan lập đề nghị về Chương trình xây dựng văn bản thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như sau:
1. Xác định nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong các văn bản được đề xuất;
2. Kiểm tra hồ sơ, đánh giá nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo yêu cầu được quy định tại Điều 10 Thông tư này.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan lập đề nghị chương trình xây dựng văn bản mời đại diện cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về giới tham gia xem xét, đánh giá đề xuất xây dựng văn bản đối với các văn bản có thể có quy định vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới.
3. Trường hợp xác định dự thảo văn bản có nội dung liên quan đến bình đẳng giới, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới mà trong hồ sơ đề nghị chưa thực hiện các nội dung lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản thì yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất xây dựng văn bản thực hiện việc lồng ghép bình đẳng giới và hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
Mục 3. LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG SOẠN THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Điều 12. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoặc Tổ soạn thảo
Lồng ghép bình đẳng giới trong việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoặc Tổ soạn thảo được thực hiện như sau:
1. Bảo đảm sự tham gia của đại diện cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng thời bảo đảm sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoặc Tổ soạn thảo đối với các dự thảo văn bản được xác định có vấn đề về bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới;
2. Trường hợp trong quá trình soạn thảo mới phát hiện có vấn đề liên quan đến bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong dự thảo văn bản, thì bổ sung vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo hoặc mời đại diện các cơ quan, tổ chức được quy định tại khoản 1 Điều này tham gia việc soạn thảo;
3. Huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, các chuyên gia về giới vào quá trình soạn thảo văn bản theo quy định.
Điều 13. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật
Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như sau:
1. Phân tích, đánh giá các vấn đề về giới theo quy định của Luật bình đẳng giới, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và các quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này;
2. Đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị định cần phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc đánh giá dự báo tác động của chính sách về giới theo các nội dung được quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư này cùng với việc đánh giá dự báo tác động kinh tế – xã hội của dự thảo văn bản;
Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Ủy ban nhân dân, nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì nội dung đánh giá dự báo tác động của chính sách về giới là một nội dung trong Tờ trình hoặc nội dung trong Bản thuyết minh chi tiết của dự thảo văn bản;
3. Tham vấn, lấy ý kiến của cơ quan lao động thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về giới, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Lấy ý kiến phản biện xã hội của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đối với vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong dự thảo văn bản;
4. Nêu rõ trong Tờ trình của dự thảo văn bản nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cùng với các phụ lục thông tin, số liệu về giới liên quan đến dự thảo văn bản (nếu có);
5. Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới, ý kiến phản biện xã hội của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong Báo cáo giải trình tiếp thu của dự thảo văn bản.
Mục 4. LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG THẨM ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Điều 14. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thẩm định
Trong quá trình thẩm định dự thảo văn bản, cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế phối hợp với cơ quan lao động, thương binh và xã hội đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản và đề nghị cơ quan lao động, thương binh và xã hội cho ý kiến bằng văn bản về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản. Việc đánh giá được thực hiện theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật bình đẳng giới và Điều 17 Thông tư này.
Điều 15. Hồ sơ đề nghị thẩm định
1. Hồ sơ thẩm định đối với dự thảo văn bản được xác định có nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu sau đây:
a) Văn bản về ý kiến phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam;
b) Báo cáo đánh giá về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản. Nội dung này được thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động hoặc Tờ trình của dự thảo văn bản đối với văn bản không phải thực hiện việc đánh giá tác động.
2. Trường hợp hồ sơ thẩm định chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung hồ sơ. Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung hồ sơ trong thời hạn chậm nhất là 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị bổ sung hồ sơ.
Điều 16. Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
1. Trường hợp trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo không xác định được dự thảo văn bản có nội dung bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới nhưng trong quá trình thẩm định mới xác định dự thảo văn bản có nội dung liên quan đến vấn đề này thì cơ quan thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, giải trình rõ các nội dung có liên quan, hoàn thiện dự thảo văn bản, hồ sơ gửi thẩm định.
2. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan có liên quan về vấn đề bình đẳng giới, cơ quan thẩm định tổ chức họp với đại diện của các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam hoặc Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận, thống nhất trước khi trình dự thảo văn bản.
Điều 17. Nội dung thẩm định vấn đề bình đẳng giới
Nội dung thẩm định về bình đẳng giới đối với dự thảo văn bản được thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 của Thông tư này và bảo đảm các nội dung sau đây:
1. Sự cần thiết quy định chính sách về giới trong dự thảo văn bản;
2. Sự phù hợp của quy định chính sách về giới trong dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước;
3. Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của quy định chính sách về bình đẳng giới trong dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
4. Tính hợp lý, tính khả thi của các biện pháp giải quyết vấn đề bình đẳng giới, bao gồm sự phù hợp giữa quy định với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện;
5. Việc bảo đảm các nguyên tắc về bình đẳng giới trong dự thảo văn bản;
6. Việc tuân thủ quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự thảo văn bản của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Điều 18. Báo cáo thẩm định
Ngoài các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản bản quy phạm pháp luật thì trong báo cáo phải có phần nội dung thẩm định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, trong đó thể hiện quá trình thẩm định đã xem xét, đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới của văn bản, kết quả lồng ghép vấn đề bình đẳng giới của cơ quan chủ trì soạn thảo. Trường hợp xác định dự thảo văn bản không quy định nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới thì trong báo cáo cần thể hiện rõ đã xem xét, đánh giá vấn đề này trong quá trình thực hiện việc thẩm định dự thảo văn bản.
Điều 19. Tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định
Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định về các nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo văn bản.
Mục 5. LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG THẨM TRA DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN
Điều 20. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thẩm tra
1. Đối với các hình thức văn bản là luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì khi cơ quan chủ trì soạn thảo trình, đơn vị có chức năng thẩm tra của Văn phòng Chính phủ thực hiện việc thẩm tra hồ sơ theo quy định tại Điều 29, Điều 33 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện thì Ban của Hội đồng nhân dân được phân công thẩm tra thực hiện việc thẩm tra dự thảo văn bản phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, đánh giá về vấn đề bình đẳng giới theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.
3. Trường hợp có ý kiến khác nhau về vấn đề bình đẳng giới trong quá trình thẩm tra, cơ quan thẩm tra có thể tổ chức họp với đại diện của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận, thống nhất trước khi trình dự thảo văn bản.
Điều 21. Nội dung thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới
Nội dung thẩm tra vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản gồm các nội dung sau đây:
1. Việc xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết vấn đề giới trong dự thảo văn bản;
2. Việc bảo đảm các nguyên tắc về bình đẳng giới trong dự thảo văn bản bao gồm cả việc đề xuất các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đối với các dự thảo văn bản là luật, pháp lệnh, nghị định;
3. Tính khả thi của dự thảo văn bản để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới;
4. Việc tuân thủ quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự thảo văn bản của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Điều 22. Báo cáo thẩm tra
Ngoài các nội dung thẩm tra theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản bản quy phạm pháp luật thì trong báo cáo phải có phần nội dung thẩm tra về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Điều 23. Tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra
Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra về các nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo văn bản.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2014.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn và tổ chức thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật theo quy định của Thông tư này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Thúy Hiền |
THÔNG TƯ 17/2014/TT-BTP VỀ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TƯ PHÁP BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 17/2014/TT-BTP | Ngày hiệu lực | 01/10/2014 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 01/09/2014 |
Lĩnh vực |
Bộ máy nhà nước, nội vụ Văn hóa |
Ngày ban hành | 13/08/2014 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tư pháp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |